Triệu chứng hắt hơi - Nguyên nhân, nguy cơ và cách điều trị

Hắt hơi là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi gặp những tác nhân dị ứng nhưng cũng có thể là triệu chứng của nhiễm trùng. Vậy nguyên nhân và triệu chứng của hắt hơi là gì? Làm thế nào để điều trị và phòng ngừa hiệu quả? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Triệu chứng hắt hơi - Nguyên nhân, nguy cơ và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Hắt hơi (hắt xì) là gì?

Mũi có nhiệm vụ chính là “lọc sạch”, làm ẩm, ấm không khí trước khi đi vào phổi và tiết chất nhầy để loại bỏ vi khuẩn, dị vật khỏi đường thở. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp vật thể nhỏ bên ngoài môi trường xâm nhập và gây kích thích lớp màng nhầy bên trong mũi và cổ họng. Khi lớp màng nhầy bị kích thích, chúng sẽ gửi tín hiệu đến não, não kích hoạt phản xạ hắt hơi để loại bỏ vật lạ ra khỏi khoang mũi. 

Mặc dù triệu chứng này có thể khá khó chịu nhưng thường không hẳn là dấu hiệu của bất kỳ bệnh lý nghiêm trọng nào. Quá trình hắt hơi chỉ xảy ra trong vài giây. Lúc này mắt thường nhắm, vòm miệng mềm, lưỡi gà ép xuống trong khi mặt sau lưỡi nâng lên để chắn lối thông khí từ phổi đến miệng làm cho không khí được đẩy ra ngoài qua đường mũi (vì lối thông khí đến miệng bị hạn chế). Hắt hơi là phản ứng tự nhiên, không thể chủ động kiểm soát nên thường xảy ra đột ngột và có thể mang theo những hạt nước nhỏ, chất nhầy cũng như vi khuẩn, virus. 

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng đi kèm với hắt hơi (hắt xì) là gì?

Trong đa số trường hợp, sau khi hắt hơi, bạn hoàn toàn có thể trở lại với những hoạt động bình thường. Tuy nhiên, tùy thuộc vào lý do hắt hơi, các triệu chứng khác cũng có thể xảy ra, bao gồm:

  • Hắt hơi nhiều lần liên tục;
  • Sốt;
  • Chảy nước mũi ;
  • Ngạt mũi ;
  • Ho ;
  • Khan tiếng, thậm chí mất giọng;
  • Đau họng ;
  • Đau đầu;
  • Cảm giác nóng rát, ngứa hoặc chảy nước mắt ;
  • Ớn lạnh.

Những trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể bị chảy dịch mũi (thường là màu vàng xanh). Lúc này phải điều trị kết hợp với kháng sinh, chống viêm sớm vì có thể bệnh đã chuyển sang giai đoạn của viêm xoang. Việc điều trị không kịp thời sẽ gây ra những biến chứng như viêm họng, viêm thanh khí quản, phế quản khiến thời gian uống thuốc kéo dài và người bệnh sẽ lâu phục hồi. 

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân của hắt hơi (hắt xì) là gì?

Bên cạnh nguyên nhân do vật thể lạ xâm nhập vào đường thở, hiện tượng hắt hơi có thể xảy ra khi niêm mạc mũi bị tác động bởi các yếu tố:

  • Dị ứng. Bình thường, hệ thống miễn dịch có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây hại như vi khuẩn gây bệnh. Khi bị dị ứng, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ xác định những vật thể hay sinh vật vô hại là mối đe dọa và cố gắng loại bỏ chúng ra cơ thể bằng cách hắt hơi. Dị ứng có thể do thời tiết lạnh, các chất kích thích (bụi, mùi hành tiêu cay, mùi nước hoa, phấn hoa, mùi hóa chất…) hoặc ánh sáng mặt trời.
  • Nhiễm trùng. Nhiễm trùng do virus cảm lạnh và cảm cúm thông thường cũng có thể khiến chúng ta hắt hơi. Theo các chuyên gia, có đến hơn 200 loại virus có thể gây cảm lạnh ở người, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là virus rhino.
  • Nguyên nhân khác. Một số nguyên nhân khác (ít gặp hơn) gây hắt hơi là: Chấn thương mũi Ngừng dùng một số loại thuốc như thuốc giảm đau nhóm opioid

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán hắt hơi (hắt xì)?

Bác sĩ sẽ kiểm tra thể chất và khám lâm sàng bằng cách quan sát mũi và cổ họng người bệnh. Người bệnh cần trả lời các câu hỏi về bệnh sử cũng như các triệu chứng khác nếu có. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm dị ứng để tìm ra nguyên nhân gây hắt hơi.

Những phương pháp điều trị hắt hơi (hắt xì)

Nếu nguyên nhân gây hắt hơi là do dị ứng hoặc nhiễm trùng, người bệnh có thể cần sự hỗ trợ y tế hay thuốc để làm thuyên giảm sự khó chịu.

Do dị ứng: Bước đầu tiên, người bệnh cần tránh các tác nhân gây dị ứng đã biết. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách nhận biết các chất gây dị ứng này để người bệnh có thể tránh xa chúng. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc kháng histamin (kê đơn hoặc không kê đơn) cũng giúp giảm các triệu chứng đi kèm với hắt hơi. Một số loại thuốc chống dị ứng phổ biến nhất là loratadinecetirizine. Nếu bị dị ứng nặng, bác sĩ có thể khuyến cáo tiêm ngừa dị ứng. Những mũi tiêm này chứa chiết xuất của dị ứng nguyên đã được làm sạch. Nguyên lý hoạt động là giúp cơ thể tiếp xúc các chất gây dị ứng với liều lượng nhỏ và ổn định, nhằm khiến cơ thể không phát sinh phản ứng dị ứng với những chất này trong tương lai.

Do nhiễm trùng: Nguyên nhân hắt xì hơi vì nhiễm trùng thường gặp là cảm lạnh thông thường hoặc cúm. Khi này, các lựa chọn điều trị cũng bị hạn chế hơn. Hiện nay vẫn chưa có loại kháng sinh nào có hiệu quả trong việc điều trị các loại virus gây cảm lạnh và cúm. Người bệnh không nên tự ý sử dụng kháng sinh để chữa trị vì có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng thuốc xịt mũi để làm giảm triệu chứng nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi. Thuốc kháng virus cũng là 1 phương pháp điều trị nhằm rút ngắn thời gian phục hồi khi mắc cúm. Người bệnh nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước để hỗ trợ cơ thể phục hồi nhanh hơn.

5. Phòng ngừa 

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa hắt hơi (hắt xì)?

Một trong những cách tốt nhất để tránh hắt hơi là tránh tiếp xúc với các tác nhân khiến bạn hắt hơi. Bạn cũng có thể thực hiện một số thay đổi đơn giản trong nhà để giảm kích ứng, chẳng hạn như:

Thường xuyên lau dọn, vệ sinh nhà cửa, hút bụi. Nếu có nuôi thú cưng rụng lông nhiều, người nuôi nên chủ động chải lông cho thú cưng hoặc cắt tỉa bớt, sử dụng các dụng cụ giúp lấy lông bám khỏi quần áo, ghế đệm… Vệ sinh giường nệm, chăn ga định kỳ để tránh ve rận, bụi bám. Giặt khăn tắm, khăn mặt trong nước nóng (thường trên 55°C) để khử khuẩn. Bạn cũng có thể cân nhắc sử dụng máy lọc không khí để làm sạch không khí trong nhà. Nếu tình trạng hắt hơi nghiêm trọng hơn, cần phải kiểm tra môi trường sống và làm việc để tìm bào tử nấm mốc. Trong trường hợp nặng, nấm mốc có thể hủy hoại nhà cửa.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến triệu chứng hắt hơi, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị!

Ngày:21/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM