Tổng hợp câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh chuẩn nhất

Tổng hợp câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh chuẩn nhất dưới đây sẽ giúp bạn chắt lọc  được ứng viên thật sự tiềm năng, đúng với tiêu chuẩn của công ty giảm bớt gánh nặng khi phải liên tục phỏng vấn, tuyển chọn rồi sau đó làm thủ tục nghỉ việc cho những nhân viên tưởng chừng sẽ gắn bó lâu dài với công ty. Mời các bạn tham khảo!

Tổng hợp câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh chuẩn nhất

I. Tiêu chí để sàng lọc ứng viên trong buổi phỏng vấn

1. Có tố chất làm nghề

Nếu ứng viên “sinh ra là để làm sale” ngay từ lúc bước vào cửa phòng phỏng vấn sẽ biết chào to, xởi lởi, vui vẻ, miệng chào mắt cười và giao tiếp một cách tự nhiên thu hút. Thần thái toát lên vẻ năng động, nhiệt huyết, sáng tạo trong con người của một ứng viên kinh doanh.

Trong quá trình phỏng vấn, hãy quan sát sự nhanh nhẹn, năng động, hoạt bát, giao tiếp tốt, tự tin và thân thiện của ứng viên đó để khẳng định lại lần nữa: ứng viên này có phù hợp để làm sales hay không?

2. Có tìm hiểu công ty đang bán cái gì

Có nhiều bạn ứng tuyển vị trí kinh doanh như khi bị hỏi “bạn có biết chúng tôi bán cái gì không?” thì ngồi lặng thinh, sự bối rối hiện rõ trên khuôn mặt nhưng lát sau vẫn khẳng định em có thể làm tốt và mang về doanh thu.

Bạn nghĩ gì về ứng viên đó? Liệu bạn có dám đặt niềm tin ở một ứng viên không có sự tìm tòi, không biết công ty đang bán sản phẩm/dịch vụ gì ….không?

3. Có tìm hiểu về khách hàng mục tiêu của công ty

Một ứng viên tiềm năng bên cạnh việc nhận biết công ty đang bán gì thì sẽ biết khách hàng mình sẽ phải tiếp cận trong tương lai là ai, độ rộng thì trường bao nhiêu, họ có đặc điểm gì và đang cần điều gì? Từ đó sẽ biết được khách hàng ở đâu và làm thế nào để tiếp cận đến họ.

Hãy lưu tâm đến những ứng viên sẵn sàng bắt đầu công việc, có sự tìm hiểu về “thượng đế” của mình.

4. Biết phân tích thị trường, đối thủ

Không hiếm các ứng viên ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh có tìm hiểu về thị trường và đối thủ của công ty. Đồng thời đưa ra các nhận định, đánh giá, so sánh để làm điểm tựa để thuyết phục khách hàng. Thậm chí có những bạn sẵn sàng tham mưu đề xuất xây dựng những chính sách, chương trình xúc tiến bán phù hợp với thị trường và các chương trình của đối thủ.

Để tìm ra những ứng viên thật sự tiềm năng, hội tụ đủ đầy những tiêu chí của một best-saler trong tương lai, hội đồng tuyển dụng cần phải tinh tế trong việc đưa ra các câu hỏi phỏng vấn thông minh và sát với thực tế nhất.

II. Những câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh có tính sàng lọc cao

  • Bạn hãy cho biết những triển vọng của một nhân viên kinh doanh/bán hàng?

  • Theo bạn, nhân viên kinh doanh sẽ làm những việc gì?

  • Loại hình sản phẩm gần đây nhất mà bạn kinh doanh?

  • Bạn biết công ty đang bán sản phẩm/cung cấp dịch vụ gì không? Bạn có đánh giá gì về sản phẩm/dịch vụ hay tiềm năng của công ty không?

  • Theo bạn, khách hàng mục tiêu của công ty hiện tại sẽ là ai? Làm thế nào để tiếp cận được những khách hàng mà bạn vừa kể?

  • Mô tả quy trình bán hàng tại công ty gần đây nhất mà anh (chị) làm việc. Điều gì trong quá trình đã hiệu quả và điều gì không?

  • Khi tư vấn cho một khách hàng bạn tư vấn những gì?

  • Yếu tố nào quyết định giúp khách hàng chọn bạn và sản phẩm/dịch vụ của công ty?

  • Mô tả quá trình đưa ra quyết định mua hàng của khách hàng. Ai có ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của họ? Bạn cần làm gì để chốt đơn hàng?

  • Bạn sẽ làm gì nếu tháng này bạn không đạt doanh thu hoặc bị khách hàng phàn nàn?

  • Động lực công việc của bạn là gì?

  • Đích đến cuối cùng trong công việc của bạn là gì?

  • Bạn làm cách nào để luôn vui vẻ, nhiệt tình với khách hàng?

  • Thất bại lớn nhất trong công việc bán hàng của bạn là gì? Bạn đã giải quyết ra sao và rút ra bài học gì?

  • Bạn làm gì trong tháng đầu tiên ở công ty nếu trúng tuyển?

  • Kể tên một vài đối thủ của công ty mà bạn biết?

III. Bộ câu hỏi tình huống 

  • Câu 1: Dựa vào hiểu biết của bạn về những ưu, nhược điểm về chiến lược của công ty hiện tại và các đối thủ cạnh tranh của công ty trên thị trường hiện nay, hãy cho biết ý kiến của bạn  trước dự định của công ty về việc sẽ cân nhắc phát triển doanh nghiệp tại thị trường A.

  • Câu 2: Khách hàng “chửi”, “chê” sản phẩm của mình, bạn sẽ xử lý thế nào? Trường hợp nào bạn sẽ từ chối cung cấp sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng? Đến lúc nào thì bạn ngừng theo đuổi một khách hàng tiềm năng?

  • Câu 3: Khách hàng ở xa, khách hàng hẹn ngoài giờ, khách hàng khó tính…bạn sẽ làm gì để làm ký được hợp đồng?

  • Câu 4: Khách hàng đòi trả lại hàng, bạn sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

  • Câu 5: Nếu có một dự án mà có nhiều đối thủ cùng vào một lúc bạn sẽ hành động ra sao?

IV. Bộ câu hỏi hành vi

  • Câu 1: Bạn đã bao giờ thất bại trong việc cán mốc chỉ tiêu bán hàng chưa? Nếu có, hãy chia sẻ kĩ hơn về sự việc này và cho biết bạn đã học được những gì từ lần trải nghiệm ấy?

  • Câu 2: Vị trí Nhân viên Phát triển kinh doanh có tính chất lặp lại rất lớn (liên tục giới thiệu về công ty và sản phẩm/dịch vụ của công ty tới nhiều khách hàng khác nhau mỗi ngày). Điều gì tạo và giữ cho bạn động lực lớn như vậy?

  • Câu 3: Hãy kể về thành công lớn nhất bạn từng đạt được trong sự nghiệp của mình từ trước tới nay. Bạn muốn đạt được điều gì tiếp theo?

  • Câu 4: Doanh thu tháng sau luôn giao cao hơn tháng trước, lương cứng thì cứ thấp dần, thậm chí không có…bạn sẽ làm gì?

  • Câu 5: Theo bạn, trường hợp nào tệ hơn: bạn không đạt chỉ tiêu hay khách hàng không hài lòng.

V. Giải pháp nâng cao hiệu quả tuyển dụng nhân viên kinh doanh

Do tính chất công việc (mức độ ổn định thấp, di chuyển nhiều ngoài đường, phải tiếp xúc nhiều khách hàng khác nhau… đến chỉ tiêu về doanh số thì mới có được mức lương ổn định) đã khiến không ít ứng viên dè chừng khi nộp hồ sơ ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh. Vậy nên để có được nhân sự mình cần, doanh nghiệp vừa và nhỏ nên:

Thứ nhất, hiểu rõ yêu cầu của mình đối với vị trí tuyển dụng. Mô tả công việc nhân viên kinh doanh càng cụ thể, chính xác, ứng viên càng nắm rõ  cụ thể công việc về những gì mình sẽ làm. Từ đó, hai bên sẽ đánh giá được sự phù hợp của đối phương đối với mình.

Thứ hai, kiên nhẫn. Đây là yếu tố quyết định đến 80% sự thành công khi tuyển dụng nhân viên kinh doanh. Đừng vội vàng tuyển người vào làm chỉ vì đang cần người nếu không muốn thời gian tới lại phải tìm người mới thay thế.

Thứ ba, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, đặc biệt là chế đỗ đãi ngộ là những gì mà nhân viên quan tâm nhất.

Thứ tư, đa dạng hóa các kênh tuyển dụng, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, có nhu cầu tuyển dụng lượng lớn nhân viên kinh doanh. Các hình thức chủ yếu có thể kết hợp bao gồm: Quảng cáo tuyển dụng trên báo giấy và các trang trực tuyến (như TopCV…); liên kết tuyển dụng với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, cơ sở dạy nghề; tham gia tuyển dụng tại các hội chợ việc làm; tìm đến sự hỗ trợ của các nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng có uy tín…

Ngày:12/08/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM