GDCD 7 Bài 1: Sống giản dị

Bài học giúp học sinh hiểu được thế nào là sống giản dị; biểu hiện của lối sống giản dị và ý nghĩa của nó. Hi vọng đây là tài liệu bổ ích cho các em học sinh lớp 7. Mời các em cùng tham khảo!

GDCD 7 Bài 1: Sống giản dị

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Truyện đọc

Bác Hồ trong ngày Tuyên ngôn Độc lập

- Cách ăn mặc, tác phong và lời nói của Bác:

+ Bác mặc bộ quần áo ka-ki, đội mũ vải đã ngả màu, đi dép cao su.

+ Bác cười đôn hậu vẫy tay chào.

- Thái độ: Thân mật như cha với con.

- Hỏi đơn giản: Tôi nói đồng bào nghe rõ không?

=> Bác ăn mặc đơn giản không cầu kì, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước; thái độ chân tình, cởi mở, không hình thức, không lễ nghi; lời nói gần gũi, dễ hiểu, thân thương với mọi người.

=> Trong cuộc sống quanh ta, giản dị được biểu hiện ở nhiều khía cạnh. Giản dị là cái đẹp. Đó là sự kết hợp giữa vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp bên trong. Vậy chúng ta cần học tập những tấm gương ấy để trở thành người sống giản dị.

1.2. Nội dung bài học

a. Khái niệm

Sống giản dị là sống phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình và xã hội.

b. Biểu hiện

- Không xa hoa, lãng phí.

- Không cầu kì, kiểu cách.

- Không chạy theo những nhu cầu vật chất, hình thức bề ngoài.

- Thẳng thắn chân thật, gần gũi với mọi người.

c. Ý nghĩa

- Giản dị là phẩm chất đạo đức cần có ở mỗi người. Người sống giản dị sẽ được mọi người xung quanh yêu mến, cảm thông và giúp đỡ.

- Giản dị không có nghĩa là qua loa, đại khái, cẩu thả tuỳ tiện trong nếp sống nếp nghĩ, nói năng cụt ngủn, trống không tâm hồn nghèo nàn, trống rỗng. Lối sống giản dị phù hợp với lứa tuổi, điều kiện gia đình, bản thân, xã hội.

2. Luyện tập

Câu 1: Trong các tranh sau đây, theo em, bức tranh nào thể hiện tính giản dị của học sinh khi đến trường? Vì sao?

Hình: GDCD 7 Bài 1

Gợi ý trả lời

Bức tranh (3) thể hiện đức tính giản dị. Bởi vì: Bức tranh (3) thể hiện đúng tác phong của người học sinh, trang phục nghiêm túc, phù hợp với lứa tuổi học sinh, tác phong nhanh nhẹn, vui tươi.

Hai bức tranh còn lại không phù hợp với lứa tuổi của học sinh: trang điểm son phấn, loè loẹt, mang giày cao gót, đeo kính râm, mặc áo phông, khi đến trường.

Câu 2: Trong các biểu hiện sau đây, theo em, biểu hiện nào nói lên tính giản dị ?

(1) Diễn đạt dài dòng, dùng nhiều từ cầu kì, bóng bẩy ;

(2) Lời nói ngắn gọn, dễ hiểu ;

(3) Nói năng cộc lốc, trống không ;

(4) Làm việc gì cũng sơ sài, qua loa ;

(5) Đối xử với mọi người luôn chân thành, cởi mở;

(6) Thái độ khách sáo, kiểu cách ;

(7) Tổ chức sinh nhật linh đình.

Gợi ý trả lời

Trong các câu trên, biểu hiện nói lên tính giản dị là:

- Lời nói ngắn gọn, dễ hiểu.

- Đôi xử với mọi người luôn chân thành, cởi mở.

Câu 3: Theo em, học sinh cần phải làm gì để rèn luyện tính giản dị ?

Gợi ý trả lời

- Quần áo gọn gàng, sạch sẽ, không ăn mặc áo quần trông lạ mắt so với mọi người.

- Tác phong tự nhiên, đi đứng đàng hoàng, không điệu bộ, kiểu cách.

- Nói năng lịch sự, có văn hoá, diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu.

- Giản dị là phẩm chất đạo đức cần có ở mỗi người, vì thế ngày từ khi còn là học sinh chúng ta phải biết rèn luyện mình trong học tập, trong hành vi cư xử, trong quan hệ giao tiếp với cha mẹ, thầy cô giáo, với bạn bè.

- Thực hiện đúng nội quy của nhà trường đề ra, trang phục khi đến trường sạch sẽ, tươm tất, lịch sử, bảo vệ của Công’, không xa hoa lãng phí.

- Sống phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình mình.

3. Kết luận

Bài học giúp học sinh hiểu được thế nào là sống giản dị; tại sao phải sống giản dị; hình thành thái độ quí trọng sự giản dị, chân thật, xa lánh lối sống xa hoa, hình thức và có khả năng tự dánh giá bản thân và người khác về lối sống giản dị ở mọi khía cạnh: lời nói, cử chỉ, tác phong, cách ăn mặc và thái độ giao tiếp với mọi người.

Ngày:24/07/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM