GDCD 7 Bài 4: Đạo đức và kỉ luật

Bài học giúp học sinh  hiểu thế nào là đạo đức, kỉ luật; mối quan hệ giữa đạo đức và kỉ luật và ý nghĩa của chúng. Hi vọng đây là tài liệu bổ ích cho các em học sinh lớp 7. Mời các em cùng tham khảo!

GDCD 7 Bài 4: Đạo đức và kỉ luật

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Truyện đọc

Một tấm gương tận tụy vì việc chung

- Hùng là người cẩn thận trong công việc

+ Thực hiện nghiêm ngặt quy định bảo hộ lao động.

+ Muốn chặt cây cần phải khảo sát từng cây, ghi số vào các cây…

- Hùng là người tận tụy trong công việc, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

+ Vào mùa mưa bão túc trực 24/24.

+ Sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp khi gặp khó khăn nguy hiểm.

+ Làm việc suốt ngày đêm trong mưa rét, quần áo ướt sũng khắc phục hậu quả, giải phóng mặt đường.

=> Ý nghĩa: Công việc nào cũng cần phải tuân thủ theo kỉ luật và đòi hỏi lòng yêu nghề. Tính kỉ luật trong công việc giúp cho mỗi người làm việc hiệu quả, đạt chất lượng cao.

1.2. Nội dung bài học

a. Khái niệm

- Đạo đức là những quy định, những chuẩn mực ứng xử của con người với người khác, với công việc với thiên nhiên và môi trường sống, được nhiều người thừa nhận và tự giác thực hiện. Ví dụ: Giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, trồng cây gây rừng…

- Kỉ luật là những quy định chung của một cộng đồng hoặc tổ chức xã hội (nhà trường, cơ quan…) yêu cầu mọi người phải tuân theo nhằm tạo ra sự thống nhất về hành động để đạt chất lượng, hiệu quả trong công việc. Ví dụ: Không uống rượu bia khi tham gia giao thông, không sử dụng tài liệu trong kì thi…

b. Mối quan hệ  giữa đạo đức và kỉ luật

Đạo đức và kỉ luật có mối quan hệ chặt chẽ. Người có đạo đức là người tự giác tuân thủ kỉ luật và người chấp hành tốt kỉ luật là người có đạo đức. Sống có kỉ luật là biết tự trọng, tôn trọng người khác.

c. Ý nghĩa

Tự giác thực hiện những chuẩn mực đạo đức, quy định của cộng đồng, tập thể chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái và được mọi người tôn trọng, quý mến.

2. Luyện tập

Câu 1: Trong những hành vi dưới đây, theo em, hành vi nào vừa biểu hiện đạo đức, vừa thể hiện tính kỉ luật ?

(1) Không nói chuyện riêng trong lớp ;

(2) Quay cóp trong khi thi;

(3) Luôn giúp đỡ bạn bè khi khó khăn ;

(4) Tích cực tham gia các hoạt động của lớp, của trường ;

(5) Luôn hối hận khi làm điều gì sai trái ;

(6) Không hút thuốc lá, không uống rượu ;

(7) Làm bài đầy đủ trước khi đến lớp.

Gợi ý trả lời

Những hành vi (1); (3); (4); (5); (6); (7) vừa biểu hiện đạo đức, vừa thể hiện tính kỉ luật của người học sinh.

Câu 2: Em hãy nêu những biểu hiện thiếu tính kỉ luật của một số bạn học sinh hiện nay và tác hại của nó.

Gợi ý trả lời

- Trốn học đi chơi

- Quay cóp, sử dụng tài liệu khi làm bài kiểm tra

- Dấu dốt

- Ra vào lớp tuỳ tiện

- Nghỉ học không xin phép

- Ăn quà vặt trong lớp

- Trang phục khi đến trường không đúng quy định

Tác hại của những biểu hiện trên là chứng tỏ đó là những học sinh không có tính kỉ luật, thiếu sự tôn trọng thầy cô giáo, coi thường quy định của nhà trường, sống tuỳ tiện không biết coi trọng phẩm chất đạo đức của mình. Đó là những con người thiếu trung thực, thiếu kỉ luật và không có lòng tự trọng, vi phạm đạo đức của người học sinh, nếu không biết sửa chữa, điều chỉnh mình thì không thế trở thành con ngoan và trò giỏi, người công dân tốt.

Câu 3: Hoàn cảnh gia đình bạn Tuấn rất khó khăn, Tuấn thường xuyên phải đi làm kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ vào ngày chủ nhật, vì vậy, thỉnh thoảng Tuấn báo cáo vắng mặt trong những hoạt động do lớp tổ chức vào chủ nhật.

Có bạn ở lớp cho rằng Tuấn là học sinh thiếu ý thức tổ chức kỉ luật.

- Em có đồng tình với ý kiến trên không ? Vì sao ?

- Nếu em học cùng lớp với Tuấn, em sẽ làm gì để Tuấn được tham gia sinh hoạt với tập thể lớp trong những ngày chủ nhật ?

Gợi ý trả lời

- Em không đồng ý với ý kiến trên. Hoàn cảnh gia đình Tuấn rất khó khăn, Tuấn thường xuyên phải đi làm vào ngày chủ nhật còn những ngày học và hoạt động trong tuần Tuấn đều tham gia và đảm bảo tốt, như vậy Tuấn đã giải quyết được tốt việc nhà và việc học. Tuấn là một người con hiếu thảo với cha, mẹ, là người có trách nhiệm với gia đình. Tuấn là người có ý thức tổ chức kỉ luật vì những ngày nghỉ không tham gia những hoạt động do lớp tổ chức vào ngày chủ nhật, thỉnh thoảng nghĩa là không phải tất cả các hoạt động của lớp vào ngày chủ nhật Tuấn đều vắng mặt. Những ngày vắng mặt Tuấn đến báo cáo xin nghỉ với lí do rất chính đáng là đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp gia đình vì hoàn cảnh của gia đình Tuấn rất khó khăn, Tuấn không có điều kiện để tham gia cùng các bạn mặc dù đó là điều ngoài ý muốn của Tuấn. Như vậy là Tuấn có ý thức tôn trọng quy định, hoạt động của tập thế.

- Nếu em học cùng lớp với Tuấn, em sẽ động viên, chia sẻ với Tuấn để Tuấn học giỏi hơn, vượt qua khó khăn, nhận được học bổng “Vượt khó học tốt”. Em sẽ vận động các bạn trong lớp lập quỹ “Giúp đỡ bạn nghèo vượt khó” bằng những đồng quà sáng, tiền tiêu vặt...để giúp đỡ Tuấn và gia đình Tuấn.

- Em và các bạn sẽ cùng Tuấn làm những việc có thể làm được để giúp Tuấn.

3. Kết luận

Bài học giúp học sinh hiểu thế nào là đạo đức, kỉ luật; mối quan hệ giữa đạo đức và kỉ luật và ý nghĩa của chúng. Qua đó các em rèn luyện để trở thành một người sống có đạo đức, kỉ luật.

Ngày:27/07/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM