GDCD 7 Bài 16: Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo

Bài học dưới đây giúp các em hiểu được quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của mỗi công dân được Pháp luật quy định như thế nào? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!

GDCD 7 Bài 16: Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Thông tin, sự kiện

Tình hình tôn giáo ở Việt Nam

Có nhiều loại tôn giáo, tín ngưỡng. Gồm: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao Đài, Hoà Hảo, Tin Lành.

Nhà nước ta có các chính sách bảo vệ tín ngưỡng và tôn giáo.

Các hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật.

⇒ Ý nghĩa: Tín ngưỡng và tôn giáo ở đất nước nào cũng có, tuy nhiên ỏ Việt Nam mang màu sắc riêng. Nhà nước ta luôn quan tâm đến tôn giáo với những chính sách thích hợp khích lệ hoạt động tôn giáo lành mạnh, giúp phát triển đất nước.

1.2. Nội dung bài học

a. Khái niệm

Tín ngưỡng: lòng tin vào một cái gì đó thần bí (thần linh, thượng đế, chúa trời.)

Tôn giáo: Là một hình thức tín ngưỡng có hệ thống tổ chức, với những quan niệm, giáo lí thể hiện rõ sự tín ngưỡng, sùng bái thần linh và những hình thức lễ nghi thể hiện sự sùng bái ấy.

Tôn giáo cụ thể được gọi là Đạo (Đạo Phật, Thiên Chúa).

Mê tín dị đoan: Tin vào những điều mơ hồ, nhảm nhí, không phù hợp với lẽ tự nhiên (tin vào bói toán, chữa bệnh bằng phù phép.) dẫn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng về sức khoẻ, thời gian, tài sản, tính mạng.

b. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Công dân có quyền theo, không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào; khi đã theo có quyền thôi không theo, bỏ để theo một tín ngưỡng tôn giáo khác.

c. Trách nhiệm của công dân: Chúng ta phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác.

Tôn trọng nơi thờ tự: Chùa, miếu, đền, nhà thờ.

Không được bài xích, gây mất đoàn kết, chia rẽ giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

d. Nghiêm cấm: việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, lợi dụng quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của nhà nước.

2. Luyện tập

Câu a.Theo em, người có đạo có phải là người có tín ngưỡng không?

Gợi ý trả lời:

Người có đạo là người có tín ngưỡng. Bởi vì: Đạo (đạo Phật, hay đạo Thiên chúa..) là tôn giáo, mà tôn giáo là một hình thức tín ngưỡng có hệ thống tổ chức.

Câu b. Hãy phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo với mê tín dị đoan.

Gợi ý trả lời:

Tín ngưỡng tôn giáo là niềm tin của con người vào một cái gì đó thần bí, hư ảo có hệ thống tổ chức, sùng bái thần linh và hình thức lễ nghi.

Mê tín dị đoan là tin vào những điều mơ hồ, nhảm nhí không phù hợp với lẽ tự nhiên, dẫn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình và cộng đồng...

Câu c. Những hành vi như thế nào là vi phạm pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo? Cho ví dụ.

Gợi ý trả lời:

Những hành vi nhạo báng, thiếu tôn trọng, nghiêm cấm các tôn giáo hoạt động là những hành vi vi phạm pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Ví dụ:

  • Gây mất đoàn kết, chia rẽ giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo và những người không có tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
  • Không tôn trọng những lễ hội, lễ nghi của các tôn giáo
  • Không tôn trọng các nơi thờ tự của các tín nguỡng, tôn giáo như: đền. chùa, miếu thờ, nhà thờ...

Câu d. Chính sách tôn giáo và pháp luật của Nhà nước ta đã quy định như thế nào về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo?

Gợi ý trả lời:

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến tôn giáo, đã có những chủ trương, chính sách thích hợp với tôn giáo trong từng thời kì

-  Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII:

  • Tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của dân.
  • Đảm bảo cho các tôn giáo hoạt động bình thường trên cơ sở tôn trọng pháp luật.
  • Thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc.
  • Tuyên truyền giáo dục chống mê tín dị đoan, chống lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện ý đồ chính trị xấu.
  • Chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, giúp đỡ đồng bào theo đạo xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí...

-  Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Điều 24 quy định:

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Câu đ. Em sẽ làm gì để thực hiện tốt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân?

Gợi ý trả lời:

  • Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
  • Tìm hiểu những quy định của nhà nước, của pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
  • Có lập trường vững vàng để không bị dụ dỗ, lôi kéo....
  • Thực hiện các quy định của nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Câu e. Theo em những hành vi nào sau đây thể hiện sự mê tín dị đoan?

(1) Xem bói;

(2) Xin thẻ;

(3) Lên đồng;

(4) Yểm bùa;

(5) Cúng bái trước khi đi thi để được điểm cao;

(6) Thắp hương trên bàn thờ tổ tiên;

(7) Đi lễ chùa;

(8) Đi lễ nhà thờ.

Gợi ý trả lời:

Các hành vi thể hiện sự mê tín: (1) (2) (3) (4) (5)

Câu g. Theo em, trong học sinh hiện nay có hiện tượng mê tín dị đoan không ? Cho ví dụ. Theo em, làm cách nào để khắc phục hiện tượng đó?

Gợi ý trả lời:

Trong học sinh hiện nay vốn có hiện tượng mê tín dị đoan. Ví dụ:

Trước khi thi kiêng không ăn trứng, không ăn xôi đậu đen, không ăn chuối

Trước khi đi học, đi thi sợ gặp gái, cúng bái trước khi đi thi để đạt được điểm cao..

Để khắc phục hiện tượng này mọi người (cả cha mẹ và tự bản thân mỗi học sinh) phải hiểu được đây là điều mê tín dị đoan không phù hợp với hiện tượng tự nhiên. Mọi người phải hiểu biết, sống có văn hóa, có kiến thức.

3. Kết luận

Qua bài học này các em cần hiểu được

  • Tôn giáo là gì, tín ngưỡng là gì, mê tín là gì?
  • Tác hại của mê tín dị đoan
  • Sự giống nhau và khác nhau giữa tín ngưỡng và tôn giáo.
Ngày:28/07/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM