GDCD 7 Bài 13: Quyền được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục của trẻ em Việt Nam

Bài học dưới đây giúp các em hiểu được quyền được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục của trẻ em Việt nam bao gồm những quyền gì, được pháp luật quy định như thế nào? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!

GDCD 7 Bài 13: Quyền được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục của trẻ em Việt Nam

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Truyện đọc

- Hoàn cảnh của Thái

  • Bố mẹ li hôn khi 4 tuổi; bố mẹ đi tìm hạnh phúc riêng; ở với bà ngoại già yếu; làm thuê vất vả.
  • Thái không được hưởng quyền: Được bố mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy bảo (Đi học, có nhà ở).
  • Để trở thành người tốt: Thái phải làm: Đi học, rèn luyện tốt, vâng lời cô chú, thực hiện tốt nội quy của trường; Chịu khó làm việc, không nghe theo kẻ xấu; vừa đi học, vừa đi làm.

⇒ Ý nghĩa: Công ước LHQ về quyền trẻ em được Việt Nam tôn trọng và phê chuẩn năm 1990 và được cụ thể hoá trong các văn bản pháp luật của nước ta. Trong đó nêu rõ các quyền mà trẻ em được hưởng.

- Các quyền cơ bản của trẻ em Việt Nam

  • Quyền được khai sinh và có quốc tịch.
  • Quyền được sống chung với bố mẹ, được hưởng sự chăm sóc của các thành viên trong gia đình.
  • Quyền được học tập, vui chơi, giải trí, tham gia hoạt động văn hoá, thể thao.
  • Quyền được bảo vệ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục.
  • Quyền được bảo vệ tính mạng, thân thể danh dự và nhân phẩm.

1.2. Nội dung bài học

a. Nội dung các quyền

- Quyền được bảo vệ: Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch. Trẻ em được Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự.

- Quyền được chăm sóc:

  • Trẻ em được chăm sóc, nuôi dạy để phát triển, được bảo vệ sức khỏe; được sống chung với cha mẹ và được hưởng sự chăm sóc của các thành viên trong gia đình.
  • Trẻ em tàn tật, khuyết tật được Nhà nước và xã hội giúp đỡ trong việc điều chỉnh phục hồi chức năng.
  • Trẻ em không nơi nương tựa được Nhà nước, xã hội tổ chức chăm sóc, nuôi dạy.

- Quyền được giáo dục:

  • Trẻ em có quyền được học tập, được dạy dỗ.
  • Trẻ em có quyền được vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao.

b. Bổn phận của trẻ em:

  • Trong gia đình: yêu quý, kính trọng, hiếu thảo,vâng lời, giúp đỡ ông bà cha mẹ; yêu thương đùm bọc, chăm sóc giúp đỡ anh chị em
  • Trong xã hội: yêu quê hương đất nước; có ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tôn trọng và chấp hành pháp luật; thực hiện nếp sống văn minh; tôn trọng, lễ phép với người lớn; Bảo vệ tài nguyên môi trường; không tham gia tệ nạn xã hội; chăm chỉ học tập rèn luyện đạo đức.

c. Trách nhiệm của gia đình, nhà nước và xã hội.

  • Cha mẹ (người đỡ đầu) chịu trách nhiệm về việc bảo vệ, chăm sóc, nuôi dạy trẻ em.
  • Nhà nước và xã hội tạo mọi điều kiện tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của trẻ em.
  • Có trách nhiệm chăm sóc giáo dục và bồi dưỡng cấc em trở thành người công dân có ích.

2. Luyện tập

Câu a. Trong các hành vi sau, theo em, hành vi nào xâm phạm đến quyền trẻ em ?

(1) Làm khai sinh chậm, khi trẻ đến tuổi đi học mới ỉàm khai sinh;

(2) Đánh đập, hành hạ trẻ;

(3) Đưa trẻ em hư vào trường giáo dưỡng;

(4) Bắt trẻ bỏ học để lao động kiếm sống;

(5) Buộc trẻ em nghiện hút phải đi cai nghiện;

(6) Dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đánh bạc, hút thuốc.

Gợi ý trả lời:

Hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em: (1); (2); (4); (6).

Câu b. Kể những việc làm của Nhà nước và nhân dân góp phần bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Gợi ý trả lời:

  • Tổ chức tiêm phòng văcxin cho trẻ.
  • Lập quỹ khuyến học giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ ở những vùng thiên tai, lũ lụt.
  • Tổ chức lớp học tình thương cho trẻ em nghèo khó, cơ nhỡ.
  • Tổ chức việc làm cho trẻ em nghèo, không nơi nương tựa.
  • Lập trường, lớp học dành riêng cho trẻ khuyết tật.

Câu c. Hãy nêu bổn phận của học sinh đối với gia đình và nhà trường.

Gợi ý trả lời:

- Trong gia đình:

  • Yêu quý, kính trọng, hiếu thảo, vâng lời, giúp đỡ ông bà, cha mẹ.
  • Yêu thương đùm bọc, chăm sóc giúp đỡ anh chị em

- Ở nhà trường:

  • Yêu trường, yêu lớp, có  yêu quê hương đất nước, có ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
  • Tôn trọng, lễ phép với thầy cô, đoàn kết với bạn bè.
  • Chăm chỉ học tập và rèn luyện đạo đức.

Câu d. Trong trường hợp bị kẻ xấu đe doạ, lôi kéo vào con đường phạm tội (ví dụ : Trộm cắp), em sẽ làm gì ?

(1) Tìm mọi cách phản ánh ngay cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương;

(2) Im lặng, bỏ qua;

(3) Nói với bố mẹ hoặc các thầy cô giáo trong trường và đề nghị giúp đỡ;

(4) Biết là sai nhưng vì bị đe doạ nên vẫn làm theo lời dụ dỗ

Gợi ý trả lời:

Trong trường hợp bị kẻ xấu đe dọa, lôi kéo vào con đường tội phạm tội em sẽ làm theo phương án (1) và (3) 

(1) Tìm mọi cách phản ánh ngay cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương;

(3) Nói với bố mẹ hoặc các thầy cô giáo trong trường và đề nghị giúp đỡ;

Câu đ. Sinh ra trong một gia đình nghèo đông con, bố mẹ Tú phải làm lụng vất vả sớm khuya, chắt chiu từng đổng để cho anh em Tú được đi học cùng các bạn. Nhưng do đua đòi, ham chơi, Tú đã nhiều lần bỏ học để đi chơi với những bạn xấu. Kết quả học tập ngày càng kém. Có lần bị bố mắng, Tú bỏ đi cả đêm không về nhà. Cuối năm học, Tú không đủ điểm để lên lớp và phải học lại

Hãy nêu nhận xét của em về việc làm sai của bạn Tú. Theo em, Tú đã không làm tròn quyền và bổn phận nào của trẻ em ?

Gợi ý trả lời:

  • Tú là một người con hư, không hiếu thảo với cha mẹ, là một học sinh lười biếng, trốn học đi chơi, vi phạm đạo đức của một học sinh.
  • Không làm tròn bổn phận của một người con: yêu quý, kính trọng, giúp đỡ ông bà, cha mẹ, lễ phép với người lớn.
  • Không chăm chỉ học tập và rèn luyện đạo đức, tôn trọng pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh.

3. Kết luận

Qua bài học này các em cần hiểu một số quyền cơ bản và bổn phận của trẻ em Việt Nam, hiểu được vì sao phải thực hiện tốt các quyền và bổn phận đó.

Ngày:28/07/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM