GDCD 8 Bài 13: Phòng chống tệ nạn xã hội

Bài học giúp học sinh hiểu một số quy định cơ bản của pháp luật nước ta về phòng chống tệ nạn xã hội và ý nghĩa của nó; trách nhiệm của công dân nói chung và của học sinh nói riêng trong phòng chống tệ nạn xã hội ,và biện pháp phòng tránh.  Hi vọng đây là tài liệu bổ ích cho các em học sinh lớp 8. Mời các em cùng tham khảo!

GDCD 8 Bài 13: Phòng chống tệ nạn xã hội

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Đặt vấn đề

a. Câu chuyện 1

- Các bạn trong lớp chơi tú – lơ – khơ: Chơi vui, ai chơi bị phạt búng tai hoặc nhảy lò cò.

- Tú đề nghị: Chơi phải có thưởng, lấy tiền mừng tuổi chơi ⇒ Hành động xấu.

- An ngăn cản: Nói việc làm đó là vi phạm pháp luật ⇒ Hành động tốt.

b. Câu chuyện 2

- P và H vi phạm pháp luật: Đam mê cờ bạc, sang nhà bà Tâm đánh bạc.

- Bà Tâm vi phạm pháp luật: tàng trữ chất ma túy, dụ dỗ P và H hút thuốc phiện.

=>  Các tệ nạn xã hội nói chung gây nguy hiểm đối với tất cả mọi người, đặc biệt các lứa tuổi thanh thiếu niên dễ bị lôi kéo, dụ dỗ. Chúng ta cần có nhận thức đúng đắn để tránh xa các tệ nạn xã hội.

1.2. Nội dung bài học

a. Khái niệm

- Tệ nạn xã hội là là hiện tượng xã hội bao gồm những hành vi.

+ Sai lệch chuẩn mực xã hội.

+ Vi phạm đạo đức và pháp luật.

+ Gây hậu quả nghiêm trọng về mọi mặt đối với đời sống xã hội.

- Có nhiều loại tệ nạn xã hội nhưng nguy hiểm nhất là các tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm.

Ví dụ : ma túy, mại dâm, trộm cắp, lừa đảo, giết người…

b. Tác hại của tệ nạn xã hội

- Ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và đạo đức con người.

- Làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, rối loạn trật tự xã hội, suy thoái giống nòi dân tộc.

- Ma túy, mại dâm là con đường ngắn nhất làm lây nhiễm HIV/AIDS.

c. Pháp luật nước ta quy định việc phòng chống tệ nạn xã hội

- Nghiêm cấm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

- Nghiêm cấm dụ dỗ, dẫn dắt, hoạt động mại dâm.

- Trẻ em không được đánh bạc, uống rượu, hút thuốc.

d. Bổn phận của học sinh

- Có lối sống giản dị, lành mạnh.

- Không tham gia vào các tệ nạn xã hội.

- Tham gia các hoạt động, phòng chống tệ nạn xã hội trong nhà trường và địa phương.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy kể những hình thức đánh bạc mà em biết. Liên hệ ở lớp em, trường em có hiện tượng đánh bạc, hút thuốc lá, uống rượu, chích hút ma túy không và đề xuất biện pháp khắc phục?

Gợi ý trả lời

- Những hình thức đánh bạc:

+ Chơi tú lơ khơ

+ Cá độ bóng đá

+ Chơi điện tử ăn tiền

+ Chơi bài các kiểu

+ Chơi đề

- Ở trường em có một số bạn hút thuốc là

- Biện pháp khắc phục:

Em sẽ khuyên nhủ bạn; Bạn hút thuốc lá là vi phạm nội quy của nhà trường, hút thuốc làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và mọi người xung quanh, gây ô nhiễm môi trường. Nếu bạn không nghe, em sẽ nhờ thầy cô giáo can thiệp

Câu 2: Theo em, những nguyên nhân nào dẫn đến con người sa vào tệ nạn xã hội? Em có biện pháp gì để giữ mình không bị sa vào tện nạn xã hội và góp phần chống tệ nạn xã hội?

Gợi ý trả lời

- Nguyên nhân:

+ Cha mẹ nuông chiều

+ Hoàn cảnh gia đình éo le, cha mẹ buông lỏng việc quản lí con

+ Do bạn bè xấu rủ rê lôi kéo

+ Do bị dụ dỗ, bị ép buộc, khống chế

+ Do thiếu hiểu biết

+ Do nền kinh tế kém phát triển

+ Do chính sách mở cửa trong nền kinh tế thị trường

+ Ảnh hưởng xấu của văn hóa đồi trụy

+ Kỉ cương pháp luật chưa nghiêm dẫn đến tiêu cực trong xã hội

- Biện pháp của em để giữ mình

+ Sống lành mạnh

+ Phấn đấu học tập rèn luyện tốt

+ Hiểu biết pháp luật

+ Có ý chí nghị lực, làm chủ bản thân

- Để góp phần phòng chống tệ nạn xã hội

+ Tham gia các hoạt động về phòng chống tệ nạn xã hội như tuyên truyền, vẽ tranh cổ động, áp phích,...

+ Tham gia học tập dưới hình thức ngoại khóa đố vui để học về phòng chống tệ nạn xã hội do trường tổ chức

+ Không tàng trữ hoặc che dấu những người tàng trữ ma túy

+ Có thái độ kiên quyết trước những hành vi phạm tội của bạn

+ Giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện tội phạm

Câu 3: Hoàng đã trót dùng tiền học phí mẹ cho để chơi điện tử. Hoàng lo lắng không biết làm thế nào thì bà hàng nước ở gần dụ dỗ Hoàng mang một túi nhỏ đi giao cho một người hộ bà, bà sẽ cho tiền đóng học phí và không nói gì với mẹ của Hoàng.

Hoàng tự nhủ: "Làm theo lời bà hàng nước cũng được còn hơn bị mẹ mắng, với lại mình sẽ làm một lần này thôi, không bao giờ làm thế nữa".

Theo em, ý nghĩa của Hoàng đúng hay sai? Nếu em là Hoàng, em sẽ làm gì?

Gợi ý trả lời

Theo em, ý nghĩ của Hoàng là sai bởi vì có thể khẳng định túi nhỏ bên trong chứa những thứ phạm pháp. Vì thế, bà hàng nước mới đưa tiền dụ dỗ Hoàng, như vậy Hoàng đã tiếp tay, đồng lõa với bà hàng nước làm những điều trái với pháp luật

Nếu em là Hoàng, em sẽ nói thật với mẹ. Thành thật xin lỗi mẹ và hứa từ nay không bao giờ lấy tiền của mẹ cho đóng học phí để đi chơi điện tử nữa

Câu 4: Em sẽ làm gì với những tình huống sau:

a. Một người bạn rủ em vào một quán chơi điện tử ăn tiền

b. Một người rủ em đi hít thử heroin

c. Một người nhờ em mang hộ gói đồ đến địa điểm nào đó

Gợi ý trả lời

- Trước hết em sẽ kiên quyết từ chối cả 3 tình huống trên

- Khuyên bạn không nên chơi điện tử ăn tiền vì đó cũng là một hình thức đánh bạc

- Em sẽ báo với các chú công an để kịp thời can thiệp

Câu 5: Trên đường đi học về, Hằng thường bị một người đàn ông lạ mặt bám theo sau. Người này làm quen với Hằng, rủ Hằng đi chơi với ông ta và ông ta hứa cho Hằng nhiều tiền và những gì Hằng thích

Theo em, điều gì có thể xảy ra với Hằng nếu Hằng đi theo người đàn ông lạ? Nếu em là Hằng, em sẽ làm gì trong trường hợp đó?

Gợi ý trả lời

Theo em, điều có thể xảy ra đối với Hằng nếu Hằng đi theo người đàn ông lạ mặt:

- Hằng sẽ bị người đàn ông lợi dụng

- Hằng sẽ bị ép buộc làm những điều vi phạm đến nhân cách, vi phạm pháp luật

- Tính mạng Hằng bị đe dọa. Hằng có thể bị bắt cóc tống tiền hoặc bị bán qua biên giới

Nếu em là Hằng, em sẽ kiên quyết từ chối và báo với bố mẹ hoặc thầy cô giáo giúp đỡ, nhờ các chú công an can thiệp vì người đàn ông đó có hành vi dụ dỗ trẻ em

Câu 6: Em đồng ý hoặc không đồng ý với những ý kiến nào sau đây?

a. Những người mắc tệ nạn xã hội thường là những người lười lao đông, thích hưởng thụ

b. Thấy người buôn bán ma túy thì nên lờ đi, coi như không biết

c. Không mang đồ vật của người khác khi không biết rõ là gì, cho dù được trả nhiều tiền

d. Dùng thử ma túy một lần cũng không sao

đ. Tuyệt đối không quan hệ với người nghiện ma túy vì sẽ bị lây nghiện và mang tiếng xấu

e. Pháp luật không xử lí người nghiện và mại dâm vì đó chỉ là vi phạm đạo đức

g. Tích cực học tập, lao động, hoạt động tập thể sẽ giúp ta tránh xa được tệ nạn xã hội

h. Hút thuốc không có hại vì đó không phải là ma túy

i. Ma túy, mại dâm là con đường lây nhiễm bệnh xã hội, đặc biệt là nhiễm HIV - AIDS

k. Tệ nạn xã hội là con đường dẫn đến tội ác

Gợi ý trả lời

- Em đồng ý với những ý kiến: a, c, g, i, k

- Em không đồng ý với những ý kiến: b, d, đ, e

Câu 7: Hãy chỉ ra các nguyên nhân dẫn con người sa vào các tệ nạn xã hội?

Gợi ý trả lời

- Bạn bè xấu lôi kéo, rủ rê

- Tò mò

- Thiếu hiểu biết

- Lười nhác, ham chơi, đua đòi

- Hoàn cảnh gia đình éo le

- Bị dụ dỗ, ép buộc, khống chế

- Sự nuông chiều, buông lỏng quản lí của cha mẹ đối với con cái

Câu 8: Có ý kiến cho rằng: "Tệ nạn mại dâm là chuyện của người lớn, học sinh lớp 8 chưa cần phải quan tâm". Em có đồng ý với ý kiến trên hay không? Tại sao?

Gợi ý trả lời

Em không đồng ý với ý kiến trên vì mại dâm là một trong những tệ nạn nguy hiểm và bất cứ ai cũng có trách nhiệm phòng chống. Trẻ em vẫn có thể bị lửa và rơi vào tệ nạn này

Câu 9: Bạn A là con nhà khá giả, có đầy đủ điều kiện vật chất nhưng không lo học hành mà nghe theo lời bạn xấu rủ rê vì vậy A đã nghiệm ma túy. Bố mẹ A rất đau khổ khi nghe tin này. Theo em, bố mẹ A phải làm gì để giúp con cai nghiện tốt? Ngoài bố mẹ, A còn cần sự giúp đỡ của ai nữa? Nếu là bạn của A, em sẽ làm gì?

Gợi ý trả lời

Theo em, bố mẹ A cần phải bình tĩnh, sáng suốt và có lòng quyết tâm nhằm tạo điều kiện thật tốt để giúp con cai nghiện. Ngoài bố mẹ, A còn cần đến sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng (trung tâm cai nghiện, bệnh viện,...) và của toàn xã hội. Nếu là bạn của A, em có thể giúp bạn bằng cách gần gũi để động viên, khích lệ giúp bạn cai nghiện thành công.

3. Kết luận

Bài học giúp học sinh hiểu một số quy định cơ bản của pháp luật nước ta về phòng chống tệ nạn xã hội và ý nghĩa của nó; trách nhiệm của công dân nói chung và của học sinh nói riêng trong phòng chống tệ nạn xã hội ,và biện pháp phòng tránh. Qua đó các em đồng tình với chủ trương của nhà nước và những quy định của pháp luật; tránh xa các tệ nạn xã hội và ủng hộ những hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội .

Ngày:28/07/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM