GDCD 8 Bài 18: Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân

Bài học giúp học sinh hiểu được thế nào là quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, sự giống nhau và khác nhau giữa hai quyền này; trách nhiệm của công dân và trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền khiếu nại, tố cáo. Hi vọng đây là tài liệu bổ ích cho các em học sinh lớp 8. Mời các em cùng tham khảo!

GDCD 8 Bài 18: Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Đặt vấn đề

- Báo với công an:

+ Nghi ngờ địa điểm là nơi buôn bán, tiêm chích ma túy.

+ Biết người lấy cắp xe đạp bạn An.

- Khiếu nại: Anh H bị Giám đốc cho thôi việc không rõ lí do.

=> Khiếu nại và tố cáo là những quyền cơ bản của mỗi công dân. Khi biết công dân, tổ chức, cơ quan nhà nước vi phạm pháp luật, làm thiệt hại đến lợi ích của mình và nhà nước thì chúng ta phải tố cáo, khiếu nại để bảo vệ lợi ích cho mình và tránh thiệt hại cho xã hội.

1.2. Nội dung bài học

a. Khái niệm

- Quyền khiếu nại là quyền của công dân đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại các quyết định, việc làm của cán bộ công chức nhà nước khi thực hiện công vụ.

- Quyền tố cáo là quyền của công dân báo cho cơ quan tổ chức cá nhân có thẩm quyền biết về một việc vi phạm pháp luật.

- Hình thức: Trực tiếp, đơn, thư, báo đài.

b. So sánh khiếu nại và tố cáo

- Giống nhau:

+ Là quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp

+ Là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân

+ Là phương tiện công dân tham gia quản lí nhà nước và xã hội.

- Khác nhau:

+ Khiếu nại là người trực tiếp bị hại

+ Tố cáo là mọi công dân có quyền để ngăn chặn hành vi xâm phạm lợi ích nhà nước, tổ chức, cơ quan và công dân.

c. Trách nhiệm công dân

Công dân khi thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo cần trung thực và khách quan, thận trọng.

d. Trách nhiệm Nhà nước

Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại cho người khác.

2. Luyện tập

Câu 1: Là học sinh chậm tiến, thường xuyên giao du với bọn xấu và bị lôi kéo vào con đường hút chích, có lần chúng bắt T phải lấy trộm tiền của các bạn cùng lớp để nộp cho chúng. Là bạn học cùng với T, em sẽ làm gì để giúp bạn ấy?

Gợi ý trả lời

- Một mặt em khuyên nhủ T không nên tiếp tục giao du với bọn người xấu, không lấy cắp tiền của các bạn cùng lớp vì đó là hành vi vi phạm pháp luật

- Mặt khác, em tìm cách báo với thầy cô, cha mẹ T và các chú công an để kịp thời ngăn chặn những hành động của T và nhóm người xấu, tổ chức cai nghiện cho bạn, giúp bạn trở về con đường lương thiện

Câu 2: Khi phát hiện thấy Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chị Bình vượt quá thẩm quyền, ông Ân (hàng xóm chị Bình) có quyền khiếu nại quyết định trên của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận không? Vì sao?

Gợi ý trả lời

Căn cứ vào những điểm khác nhau của quyền khiếu nại, tố cáo, ông Ân không có quyền khiếu nại. Vì ông chỉ là người hàng xóm và không có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận.

Câu 3: Hãy nhận xét và phát biểu suy nghĩ của mình về các ý kiến sau:

(a) Thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo là tham gia quản lí Nhà nước, quản lí xã hội

(b) Thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo không phải là tham gia quản lí Nhà nước mà chỉ bảo vệ lợi ích của bản thân công dân

Gợi ý trả lời

Các ý kiến trên chưa chính xác

- Câu a bổ sung thêm: bảo vệ quyền lợi công dân

- Câu b viết lại: .....tham gia quản lí Nhà nước và bảo vệ lợi ích của công dân

Viết đúng câu b là: Thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo là tham gia quản lí Nhà nước và bảo vệ lợi ích của công dân.

Câu 4: Nhà anh Thành ở gần một cơ sở giữ trẻ. Anh thường xuyên chứng kiến cảnh bảo mẫu có những hành vi bạo hành đối với các cháu bé được trông giữ tại cơ sở đó. Anh Thành đang phân vân không biết nên sử dụng quyền khiếu nại hay quyền tố cáo để ngăn chặn hành vi bạo hành của các bảo mẫu đối với các cháu nhỏ. Theo em, anh Thành nên sử dụng quyền nào? Tại sao?

Gợi ý trả lời

Anh Thành nên sử dụng quyền tố cáo vì hành vi bạo hành đối với trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật, gây tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Câu 5: Anh Hùng là nhân viên của công ty A. Do mâu thuẫn với giám đốc công ty nên anh đã bị thôi việc. Quyết định cho thôi việc của anh do giám đốc kí đã không nêu rõ lí do vì sao anh bị thôi việc. Có người khuyên anh sử dụng quyền tố cáo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Em có đồng ý với lời khuyên đó không? Tại sao?

Gợi ý trả lời

Em không đồng ý với lời khuyên đó. Bởi vì trong trường hợp này, anh Hùng là người trực tiếp bị xâm hại đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp. Vì thế anh Hùng phải sử dụng quyền khiếu nại chứ không phải là quyền tố cáo để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Câu 6: Vì sao Nhà nước xây dựng và ban hành Luật Khiếu nại, tố cáo?

Gợi ý trả lời

Nhà nước xây dựng và ban hành Luật Khiếu nại, tố cáo để:

- Tạo cơ sở pháp lí cho công dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khi bị xâm phạm

- Tạo cơ sở pháp lí cho công dân giám sát các hoạt động của các cơ quan và cán bộ, công chức nhà nước

- Ngăn ngừa và đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm

3. Kết luận 

Bài học giúp học sinh hiểu thế nào là quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, sự giống nhau và khác nhau giữa hai quyền này; trách nhiệm của công dân và trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền khiếu nại, tố cáo. Qua đó các em biết cách bảo vệ quyền và lợi ich của bản thân, hình thành ý thức đấu tranh chống hành vi vi phạm pháp luật.

Ngày:28/07/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM