Công nghệ 9 Bài 2: Cấu tạo của xe đạp

Nhằm giúp các em ôn tập thật tốt các kiến thức về sử dụng và bảo quản tốt xe đạp, chúng ta cần phải nắm rõ về cấu tạo của xe đạp, nhất là các bộ phận thường xảy ra hư hỏng. Bài học mới sẽ giúp chúng ta sẽ tìm hiểu rõ về cấu tạo của xe đạp. Mời các em cùng theo dõi nội dung chính của bài học dưới đây!

Công nghệ 9 Bài 2: Cấu tạo của xe đạp

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Cấu tạo chung

Cấu tạo chung của xe đạp

- Hệ thống truyền lực:

  • Bàn đạp (1)
  • Đùi, trục giữa (2)
  • Đĩa (3)
  • Xích (4)
  • Líp (5)

- Hệ thống chuyển động: Bánh xe (Trước và sau) (6)

- Hệ thống lái

  • Tay lái ( ghi - đông ) (7)
  • Cổ phuốc (8)

- Hệ thống phanh

  • Tay phanh (9)
  • Dây phanh (10)
  • Cụm má phanh (11)

- Khung chịu lực (12)

- Yên (13)

1.2. Cấu tạo và một số bộ phận chính của xe đạp

a. Bánh xe

Gồm: trục, moay-ơ, nan hoa, vành, săm, lốp.

  • Trục được làm bằng thép, bánh xe quay trên trục thông qua ổ bi.
  • Nan hoa làm bằng thép.
  • Moay – ơ thường làm bằng thép, liên kết với vành bánh xe bằng nan hoa.
  • Vành bánh xe làm bằng hợp kim nhôm hoặc thép, có đường kính thông thường là 650mm.
  • Săm và lốp được chế tạo từ cao su tổng hợp.

b. Líp xe

- Líp xe có "cá líp" ăn khớp một chiều, nhờ vậy người đi xe đạp có thể nghỉ ngơi trong khi đi xe

- Vành và cốt

  • Vành líp: Có răng ở hai phía ngoài và trong. Răng ngoài để ăn khớp với xích, răng trong ăn khớp với cá líp.
  • Cốt líp: Có hai rãnh để đặt hai cá líp, trong mỗi rãnh có một lò xo nhỏ hoặc một cái lẫy làm bằng sợi thép nhỏ có tính đàn hồi gọi là râu tôm

- Líp xe là khớp quay một chiều.

Một số loại líp xe    

c. Ổ bi

  • Ổ bi làm giảm lực ma sát giữa hai bề mặt chi tiết quay tròn
  • Ổ bi dùng để giảm ma sát giữa các chi tiết có chuyển động quay tròn tương đối với nhau như: Moay-ơ với trục bánh trước, trục bánh sau.
  • Cấu tạo ổ bi gồm: nồi, bi, côn. Côn được lắp vào trục, nồi lắp vào moay-ơ. Khi làm việc, bi lăn giữa nồi và côn. Ổ bi được lắp giữa trục bánh xe và moay-ơ.
  • Nếu không có ổ bi, khi quay moay-ơ sẽ cọ xát lên trục gây ma sát lớn, nhiệt độ tại mối ghép tăng nhanh làm chi tiết bị mài mòn.
  • Nan hoa căng đều vành, để vành không bị méo, chắc chắn

 Cấu tạo ổ bi

1.3. Các dạng mối ghép sử dụng ở xe đạp

- Mối ghép bằng phương pháp hàn: Các mối nối ống của khung, càng

- Mối ghép bằng chốt: Chốt ghép chặt đùi xe với trục giữa 

- Mối ghép bằng ren: Ghép các chi tiết có ren ăn khớp với nhau 

  • Mối ghép ren phải 
  • Mối ghép ren trái

- Đa số các mối ghép ren trong xe đạp dùng ren phải, siết vào theo chiều kim đồng hồ, mở ra ngược chiều kim đồng hồ.

- Một số chi tiết dùng ren trái, siết vào ngược chiều kim đồng hồ, mở ra theo chiều kim đồng hồ như: trục bàn đạp (pê-đan) bên trái, ổ bên phải (bên có đĩa) của trục giữa, vòng nắp của líp xe.

2. Luyện tập

Câu 1: Giải thích hiện tượng người đang đi xe đạp có lúc ngừng không đạp mà xe vẫn còn chuyển động?

Gợi ý làm bài

  • Líp xe đạp nhận truyền động từ xích và chuyển đến bánh sau của xe, làm cho bánh xe quay và chỉ quay theo chiều thuận.
  • Nhờ có líp người đi xe thỉnh thoảng không cần đạp bàn đạp liên tục, theo quán tính bánh xe vẫn chuyển động về phía trước.

Câu 2: Hãy kể tên các loại mối ghép được sử dụng ở xe đạp?

Gợi ý làm bài

- Mối ghép bằng phương pháp hàn: Các mối nối ống của khung, càng

- Mối ghép bằng chốt: Chốt ghép chặt đùi xe với trục giữa 

- Mối ghép bằng ren: Ghép các chi tiết có ren ăn khớp với nhau 

  • Mối ghép ren phải 
  • Mối ghép ren trái

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần nắm vững các nội dung trọng tâm sau:

  • Nêu được các bộ phận chính của xe đạp
  • Trình bày được cấu tạo và tác dụng của một số bộ phận chính của xe đạp
  • Xác định được cách ghép nối của một số chi tiết cơ bản
Ngày:24/07/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM