Sinh học 11 Bài 22: Ôn tập chương 1

Qua nội dung bài Ôn tập chương 1 giúp các em củng cố nội dung kiến thức, trình bày được mối liên hệ gắn bó phụ thuộc lẫn nhau giữa quang hợp và hô hấp. Trao đổi khí đối với cơ thể và môi trường. nắm được mối liên quan về chức năng của các hệ tuần hoàn, hô hấp, tiêu hoá và bài tiết ở cơ thể động vật. Từ đó Học sinh có ý thức chăm sóc bảo vệ sức khỏe cơ thở.

Sinh học 11 Bài 22: Ôn tập chương 1

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Mối quan hệ dinh dưỡng ở thực vật

- Quá trình sống của thực vật bao gồm rất nhiều quá trình sống : quá trình lấy vật chất và năng lượng từ môi trường ngoài vào cơ thể thực vật ; quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng lấy được thành vật chất của chúng…

Mối quan hệ dinh dưỡng o thực vật

a. CO2 khuếch tán qua khí khổng vào lá

b. Quang hợp trong lục lạp của lá

c. Mạch rây vận chuyển các chất hữu cơ từ lá xuống rễ

d. Mạch gỗ vận chuyển nước và muối khoáng từ rễ lên lá

e. Thoát hơi nước qua khí khổng và cutin trên lớp biểu bì lá

- Dòng vận chuyển nước, muối khoáng và chất hữu cơ sẽ cung cấp nguyên liệu cho quang hợp và hô hấp ở thực vật. Thoát hơi nước làm mở khí khổng, giúp CO2 khuếch tán vào lá và O2 khuếch tán ra môi trường ngoài.

1.2. Mối quan hệ giữa Quang hợp và Hô hấp ở thực vật

Mối quan hệ giữa quang hợp và hô hấp ở thực vật

Quang hợp và hô hấp ở thực vật có mối quan hệ gắn bó, phụ thuộc lẫn nhau, sản phẩm của quang hợp là nguyên liệu cho hô hấp và ngược lại.

1.3. Tiêu hóa ở Động vật

Tiêu hóa thức ăn ở động vật đơn bào là tiêu hóa nội bào (tiêu hóa bên trong tế bào)

- Ở động vật có túi tiêu hóa, thức ăn được tiêu hóa ngoại bào (tiêu hóa trong lòng túi tiêu hóa, bên ngoài tế bào) và tiêu hóa nội bào (tiêu hóa bên trong các tế bào trên thành túi tiêu hóa)

- Trong ống tiêu hóa, thức ăn được tiêu hóa ngoại bào nhờ hoạt động cơ học của ống tiêu hóa và nhờ tác dụng của dịch tiêu hóa.

1.4. Hô hấp ở Động vật

- Cơ quan hô hấp:

+ Cơ quan trao đổi khí ở thực vật là khí khổng.

+ Cơ quan trao đổi khí ở động vật là : Bề mặt cơ thể, mang, hệ thống ống khí, phổi.

1.5. Hệ tuần hoàn ở Động vật

- Ở thực vật:

+ Hệ thống vận chuyển : Dòng mạch gỗ (quản bào và mạch gỗ), dòng mạch rây (ống rây, tế bào kèm)

+ Động lực của dòng mạch gỗ là lực đẩy của rễ, lực hút do thoát hơi nước ở lá, lực liên kết giữa các phân tử nước với nhau và với thành mạch gỗ.

+ Động lực của dòng mạch rây là sự chênh lệch áp suất thẩm thấu giữa cơ quan nguồn có áp suất thẩm thấu cao và cơ quan chứa có áp suất thẩm thấu thấp.

- Ở động vật:

+ Hệ tuần hoàn động vật gồm có tim và hệ mạch (động mạch, mao mạch, tĩnh mạch)

+ Động lực của sự vận chuyển máu là nhờ sự co bóp của tim. Tim co bóp tạo áp lực đẩy máu đi trong vòng tuần hoàn.

- Cơ thể sống trao đổi chất với môi trường sống bằng cách: Lấy O2 , nước và chất dinh dưỡng từ môi trường vào cơ thể để duy trì sự sống và thải ra môi trường CO2 , nước tiểu, mồ hôi và nhiệt.

- Mối quan hệ về chức năng của các hệ cơ quan

+ Hệ tiêu hóa tiếp nhận chất dinh dưỡng và đưa vào hệ tuần hoàn.

+ Hệ hô hấp tiếp nhận O2 / CO2 và đưa vào hệ tuần hoàn.

+ Hệ tuần hoàn vận chuyển O2 / CO2 và chất dinh dưỡng đi cung cấp cho tất cả các tế bào của cơ thể. O2 và chất dinh dưỡng tham gia vào chuyển hóa nội bào tạo ra CO2 và chất bài tiết. Hệ tuần hoàn vận chuyển chất bài tiết đến thận và vận chuyển CO2 đến phổi để thải ra ngoài.

Sơ đồ cơ chế trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường

1.6. Cơ chế duy trì cân bằng nội môi

Sơ đồ cơ chế duy trì cân bằng nội môi

Cơ chế duy trì cân bằng nội môi có sự tham gia của bộ phận tiếp nhận kích thích, bộ phận điều khiển và bộ phận thực hiện.

- Bộ phận tiếp nhận kích thích là thụ thể hoặc cơ quan thụ cảm. Bộ phận này tiếp nhận kích thích từ môi trường (trong và ngoài) và hình thành xung thần kinh truyền về bộ phận điều khiển.

- Bộ phận điều khiển là trung ương thần kinh hoặc tuyến nội tiết. Bộ phận này có chức năng điều khiển hoạt động của các cơ quan bằng cách gửi đi các tín hiệu thần kinh hoặc hoocmôn.

- Bộ phận thực hiện là các cơ quan như thận, gan, phổi, tim, mạch máu,… Bộ phận này dựa trên tín hiệu thần kinh hoặc hoocmôn (hoặc tín hiệu thần kinh và hoocmôn) để tăng hay giảm hoạt động nhằm đưa môi trường trong trở về trạng thái cân bằng và ổn định.

2. Bài tập minh họa

Nhiệt độ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình quang hợp?
Hướng dẫn giải:
Nhiệt độ ảnh hưởng đến hoạt tính cũng như các phản ứng enzim trong quang hợp. Dựa vào ảnh hưởng của các điều kiện nhiệt độ khác nhau đối với quang hợp của từng loài thực vật, người ta phân chia thành các ngưỡng nhiệt quan trọng : nhiệt độ cực tiểu, cực đại và cực thuận. Những trị số này thay đổi theo từng loài thực vật, từng giai đoạn phát triển của cây. Trong giới hạn nhiệt độ kéo dài từ giá trị cực tiểu đến giá trị cực thuận, cứ tăng nhiệt độ thêm thì cường độ quang hợp tăng lên khoảng 2 – 2,5 lần.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Em hãy phân biệt năng suất sinh học và năng suất kinh tế.

Câu 2: Hô hấp hiếu khí có ưu thế gì so với hô hấp kị khí?

Câu 3: Em hãy cho biết mối tương quan giữa tốc độ máu chảy và tổng tiết diện mạch.

Câu 4: Tại sao tim đập nhanh và mạnh lại làm tăng huyết áp còn tim đập chậm và yếu lại khiến huyết áp bị giảm đi?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Một cây C3 và một cây C4 được đặt trong cùng một chuông thủy tinh kín được chiếu sáng. Nồng độ CO2 sẽ

A. không thay đổi

B. giảm đến điểm bù của cây C3

C. giảm đến điểm bù của cây C4

D. tăng

Câu 2: Điều không đúng với sự giống nhau giữa thực vật CAM với thực vật C4 khi cố định CO2 là

A. đều diễn ra vào ban ngày

B. tiến trình gồm hai giai đoạn (2 chu trình)

C. sản phẩm quang hợp đầu tiên

D. chất nhận CO2

Câu 3: Chu trình cố định CO2 ở thực vật CAM diễn ra như thế nào?

A. giai đoạn đầu cố định CO2 và cả giai đoạn tái cố định CO2 theo chu trình Canvin đều diễn ra vào ban ngày

B. giai đoạn đầu cố định CO2 và cả giai đoạn tái cố định CO2 theo chu trình Canvin đều diễn ra vào ban đêm

C. giai đoạn đầu cố định CO2 diễn ra vào ban đêm, còn giai đoạn tái cố định CO2 theo chu trình Canvin đều diễn ra vào ban ngày

D. giai đoạn đầu cố định CO2 diễn ra vào ban ngày, còn giai đoạn tái cố định CO2 theo chu trình Canvin đều diễn ra vào ban đêm

Câu 4: Sự hoạt động của khí khổng ở thực vật CAM có tác dụng chủ yếu là

A. tăng cường khả năng quang hợp

B. hạn chế sự mất nước

C. tăng cường sự hấp thụ nước của rễ

D. tăng cường CO2 vào lá

Câu 5: Nội dung nào dưới đây không đúng với chu trình Canvin?

A. cần ADP

B. giải phóng ra CO2

C. xảy ra vào ban đêm

D. tạo ra C6H12O6

3.3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Ôn tập chương 1 Sinh học 11 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Mô tả được mối quan hệ dinh dưỡng trong cơ thể thực vật:

  • Trình bày được mối liên hệ gắn bó phụ thuộc lẫn nhau giữa quang hợp và hô hấp
  • Phân biệt được sự trao đổi khí ở cơ thể thực vật và cơ thể động vật
  • Trình bày được mối liên quan về chức năng của các hệ tuần hoàn, hô hấp, tiêu hoá và bài tiết ở cơ thể động vật.
  • Rèn kĩ năng phân tích, so sánh, tư duy, lôgic, tổng hợp, khái quát hoá, kĩ năng vận dụng liên kết kiến thức và bảo vệ sức khoẻ
Ngày:12/08/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM