Sinh học 11 Bài 45: Sinh sản hữu tính ở động vật

Trong bài học này các em được tìm hiểu kiến thức về: khái niệm sinh sản hữu tính, quá trình sinh sản hữu tính ở động vật, các hình thức thụ tinh. Giúp các em nhận thấy rõ hơn sự hoàn thiện trong sinh sản ở động vật từ vô tính đến hữu tính.

Sinh học 11 Bài 45: Sinh sản hữu tính ở động vật

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Khái niệm sinh sản hữu tính ở động vật

Khái niệm: Sinh sản hữu tính là kiểu sinh sản tạo ra cá thể mới qua hình thành và hợp nhất giao tử đực đơn bội và giao tử đơn bội cái để tạo ra hợp tử lưỡng bội, hợp tử phát triển thành cá thể mới.
Đại diện: Côn trùng, động vật có vú, lưỡng cư, chim, bò sát...

1.2. Quá trình sinh sản hữu tính ở động vật

Sinh sản hữu tính ở động vật gồm 3 giai đoạn:

a. Giai đoạn hình thành tinh trùng và trứng

  • Một tế bào sinh trứng giảm phân tạo thành 1 trứng (n) và 3 thể cực (n)
  • Một tế bào sinh tinh giảm phân tạo thành 4 tinh trùng

Giai đoạn hình thành tinh trùng và trứng

b. Giai đoạn thụ tinh

  • Thụ tinh là sự kết hợp giữa tinh trùng (n) và trứng (n) hình thành hợp tử (2n).

Quá trình thụ tinh

Các hình thức thụ tinh:

- Thụ tinh ngoài

+ Thụ tinh ngoài là hình thức thụ tinh, trong đó, trứng gặp tinh trùng và thụ tinh bên ngoài cơ thể con cái. Con cái đẻ trứng vào môi trường nước còn con đực xuất tinh dịch lên trứng để thụ tinh.

+ Thụ tinh ngoài có hiệu suất thụ tinh thấp, tỉ lệ trứng nở và con non sống sót thấp do cơ quan sinh sản chưa hoàn thiện.

Động vật thụ tinh ngoài

- Thụ tinh trong:

+ Thụ tinh trong là hình thức thụ tinh, trong đó, trứng gặp tinh trùng và thụ tinh ở trong cơ quan sinh dục của con cái. Vì vậy, thụ tinh phải có quá trình giao phối giữa con đực và con cái.

+ Thụ tinh trong có hiệu suất thụ tinh cao, tỉ lệ trứng nở và sống sót cao do cơ quan sinh sản hoàn thiện hơn.

Động vật thụ tinh trong

c. Giai đoạn phát triển phôi thai

Hợp tử tiến hành nguyên phân nhiều lần liên tiếp để phát triển thành phôi thai và tiếp tực phát triển thành cơ thể.

+ Ví dụ: Sự phát triển phôi thai ở người

Sự phát triển phôi thai ở người

1.3. Đẻ trứng và đẻ con

- Trong sinh sản hữu tính, rất nhiều loài động vật đẻ trứng, nhiều loài khác đẻ con.

- Tất cả các thú (trừ thú thấp) đẻ con, phôi thai phát triển trong cơ thể mẹ nhờ chất dinh dưỡng nhận từ cơ thể mẹ, qua nhau thai.

- Cá, lưỡng cư, bò sát và rất nhiều loài động vật không xương sống đẻ trứng. Tuy nhiên, có vài loài cá và vài loài bò sát đẻ con. Trứng thụ tinh nằm lại trong ống dẫn trứng và phát triển thành phôi nhờ chất dự trữ có ở noãn hoàng chứ không phải nhờ trao đổi chất qua nhau thai như ở thú.

2. Bài tập minh họa

Bài 1: Tại sao gà trống sau khi cắt bỏ tinh hoàn thì sẽ phát triển không bình thường : mào nhỏ, không có cựa, không biết gáy và mất bản năng sinh dục?

Hướng dẫn giải:

Tinh hoàn là nơi tiết ra testostêrôn – hoocmôn kích thích phân hoá tế bào để hình thành các đặc điểm sinh dục sơ cấp và thứ cấp ở con đực. Ở gà trống, đó là các đặc điểm như mào, cựa, tiếng gáy, bản năng “đạp mái”,…. Do đó khi cắt bỏ tinh hoàn thì sẽ dẫn đến sự thiếu hụt hoocmôn này, kết quả là gà trống xuất hiện những đặc điểm không bình thường như : mào nhỏ, không có cựa, không biết gáy và mất bản năng sinh dục…

Bài 2: Cho ví dụ về vài loài động vật có thụ tinh ngoài. Tại sao thụ tinh ngoài phải thực hiện trong môi trường nước?

Hướng dẫn giải:

  • Ví dụ về vài loài động vật có thụ tinh ngoài như: đa số các loài cá, ếch, nhái, cóc,...
  • Tinh trùng chỉ di chuyển được trong môi trường nước vậy nên thụ tinh ngoài cần có môi trường nước để tinh trùng bơi và gặp trứng để thụ tinh, ở trên cạn không có nước, tinh trùng không thể bơi đến để gặp trứng được.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Cho biết sự khác nhau giữa sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính.

Câu 2: Cho ví dụ về loài động vật có thụ tinh trong.

Câu 3: So sánh sinh sản hữu tính và động vật và thực vật.

Câu 4: Nêu ưu điểm và nhược điểm của hình thức đẻ trứng?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Thụ tinh chéo tiến hoá hơn tự thụ tinh vì

A. tự thụ tinh diễn ra đơn giản, còn thụ tinh chéo diễn ra phức tạp.

B ở thụ tinh chéo, cá thể con nhận được vật chất di truyền từ 2 nguồn bố mẹ khác nhau, còn tự thụ tinh chỉ nhận được vật chất di truyền từ một nguồn.

C. tự thụ tinh chỉ có cá thể gốc, còn thụ tinh chéo có sự tham gia của giới đực và giới cái.

D. tự thụ tinh diễn ra trong môi trường nước, còn thụ tinh chéo không cần nước.

Câu 2: Sinh sản hữu tính ở động vật là: 

A. Sự kết hợp của nhiều giao tử đực với một giao tử cái tạo nên hợp tử phát triển thành cơ thể mới.
B. Sự kết hợp của nhiều giao tử đực với một giao tử cái tạo nên hợp tử phát triển thành cơ thể mới.
C. Sự kết hợp có chọn lọc của hai giao tử đực và một giao tử cái tạo nên hợp tử phát triển thành cơ thể mới. 
D. Sự kết hợp có chọn lọc của giao tử cái với nhiều giao tử đực và một tạo nên hợp tử phát triển thành cơ thể mới.

Câu 3: Đặc điểm nào không phải là ưu thế của sinh sản hữu tính so với sinh sản vô tính ở động vật? 

A. Tạo ra được nhiều biến dị tổ hợp làm nguyên liệu cho quá trình tiến hoá và chọn giống.
B. Duy trì ổn định những tính trạng tốt về mặt di truyền.
C. Có khả năng thích nghi với những điều kiện môi trường biến đổi. 
D. Là hình thức sinh sản phổ biến.

Câu 4: Bản chất của quá trình thụ tinh ở động vật là: 

A. Sự kết hợp của hai giao tử đực và cái.
B. Sự kết hợp của nhiều giao tử đực với một giao tử cái.
C. Sự kết hợp các nhân của nhiều giao tử đực với một nhân của giao tử cái. 
D. Sự kết hợp hai bộ nhiễm sắc thể đơn bội (n) của hai giao tử đực và cái tạo thành bộ nhiễm sắc thể lưỡng bộ (2n) ở hợp tử.

Câu 5: Điều nào không đúng khi nói về sinh sản của động vật? 

A. Động vật đơn tính chỉ sinh ra một loại giao tử đực hoặc cái.
B. Động vật đơn tính hay lưỡng tính chỉ có hình thức sinh sản hữu tính.
C. Động vật lưỡng tính sinh ra cả hai loại giao tử đực và cái. 
D. Có động vật có cả hai hình thức sinh sản vô tính và hữu tính.

Câu 6: Điều nào không đúng khi nói về hình thức thụ tinh ở động vật? 

A. Thụ tinh ngoài là trứng gặp tinh trùng và thụ tinh bên ngoài cơ thể con cái.
B. Thụ tinh trong là trứng gặp tinh trùng và thụ tinh bên trong cơ thể con cái.
C. Thụ tinh trong có hiệu suất cao nên cần ít trứng, tinh trùng. 
D. Thụ tinh ngoài có hiệu suất cao nên cần ít trứng, tinh trùng.

3.3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Sinh sản hữu tính ở động vật Sinh học 11 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

- Sau khi học xong bài các em cần:

  • Nêu được định nghĩa sinh sản hữu tính ở động vật.
  • Nêu được 3 giai đoạn của quá trình sinh sản hữu tính.
  • Phân biệt thụ tinh ngoài với thụ tinh trong và nêu được ưu thế của thụ tinh trong với thụ tinh ngoài.
  • Nêu được các hình thức đẻ trứng và đẻ con ở động vật, bản chất của sinh sản hữu tính ở động vật.
Ngày:13/08/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM