Địa lí 10 Bài 26: Cơ cấu nền kinh tế

Nhằm giúp các bạn ôn tập thật tốt kiến thức về cơ cấu nền kinh tế trong chương trình Địa lí 10, eLib.vn xin gửi đến bạn đọc nội dung bài 26 Địa lí 10. Nội dung chi tiết mời các bạn tham khảo tại đây!

Địa lí 10 Bài 26: Cơ cấu nền kinh tế

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Các nguồn lực phát triển kinh tế

a. Khái niệm

  • Nguồn lực là tổng thể vị trí địa lí, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hệ thống tài sản quốc gia, nguồn nhân lực, đường lối chính sách, vốn và thị trường... ở cả trong và ngoài nước có thể được khai thác nhằm phục vụ cho việc phát triển kinh tế của một lãnh thổ nhất định.

b. Các nguồn lực và vai trò đối với phát triển kinh tế

- Căn cứ vào nguồn gốc:

Nguồn lực vị trí địa lí (tự nhiên, kinh tế, chính trị, giao thông...) tạo điều kiện thuận lợi hay khó khăn trong việc trao đổi, tiếp cận hay cùng phát triển giữa các vùng trong một nước, giữa các quốc gia với nhau.

Nguồn lực tự nhiên (đất, khí hậu, nước, biển, sinh vật, khoáng sản):

  • Là cơ sở tự nhiên cho các quá trình sản xuất
  • Là nguồn lực quan trọng, là điều kiện cần cho quá trình sản xuất.

Kinh tế xã hội (dân cư, thị trường, vốn, khoa học kĩ thuật, chính sách và xu thế phát triển...) có vai trò quan trọng để lựa chọn chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn

- Căn cứ vào phạm vi lãnh thổ:

  • Nguồn lực bên trong: Vị trí địa lí, tự nhiên, kinh tế xã hội trong nước.
  • Nguồn lực bên ngoài: Vốn, thị trường, khoa học và công nghệ, kinh nghiệm quản lí sản xuất, kinh doanh từ các nước khác.

1.2. Cơ cấu nền kinh tế

a. Khái niệm

  • Cơ cấu kinh tế là tổng thể các ngành, lĩnh vực, bộ phận kinh tế có quan hệ hữu cơ tương đối ổn định hợp thành.

b. Các bộ phận hợp thành cơ cấu nền kinh tế

- Cơ cấu ngành kinh tế: 3 nhóm:

  • Nhóm I. Nông – lâm – ngư nghiệp.
  • Nhóm II. Công nghiệp Xây dựng. 
  • Nhóm III. Dịch vụ.
  • Tập hợp tất cả các ngành hình thành nên nền kinh tế và các mối quan hệ tương đối ổn định giữa chúng
  • Các nước phát triển: dịch vụ, công nghiệp chiếm tỉ lệ cao.
  • Các nước đang phát triển: nông nghiệp còn chiếm tỉ lệ cao mặc dù công nghiệp, dịch vụ đã tăng

→ Việt Nam: I giảm, II tăng, III ổn định.

- Cơ cấu thành phần kinh tế

  • Được hình thành trên cơ sở chế độ sở hữu bao gồm nhiều  thành phần kinh tế có tác động qua lại với nhau.
  • Gồm: Kinh tế Nhà nước, kinh tế ngoài Nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

- Cơ cấu lãnh thổ

  • Gắn bó chặt chẽ với cơ cấu ngành bao gồm:toàn cầu, khu vực, quốc gia, vùng.
  • Là sản phẩm của quá trình phân công lao động theo lãnh thổ, các bộ phận cấu thành có quan hệ chặt chẽ với nhau, cơ cấu hợp lí thì thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh.

2. Luyện tập

Câu 1: Dựa vào sơ đồ trang 99, em hãy nêu các nguồn lực phát triển kinh tế?

Gợi ý làm bài

Các nguồn lực phát triển kinh tế:

- Vị trí địa lí: tự nhiên, kinh tế, chính trị, giao thông.

- Tự nhiên: đất, khí hậu, nước, biển, sinh vật, khoáng sản.

- Kinh tế - xã hội: dân số và nguồn lao động, vốn, thị trường, khoa học - kĩ thuật và công nghệ, chính sách và xu thế phát triển.

Câu 2: Em hãy nêu ví dụ về vai trò của các nguồn lực đối với phát triển kinh tế?

Gợi ý làm bài

Ví dụ về vai trò của các nguồn lực đối với phát triển kinh tế:

- Vị trí địa lí:

 +Đồng bằng sông Hồng tiếp giáp với vịnh Bắc Bộ thuận lợi cho giao lưu, phát triển kinh tế với các vùng trong nước và các nước trên thế giới bằng đường biển; tiếp giáp với Trung du miền núi Bắc Bộ là vùng giàu nguyên, nhiên liệu phục vụ cho phát triển công nghiệp (sản phẩm cây công nghiệp lâu năm, khoáng sản, thủy điện).

+ Vị trí địa lí của nước ta:

   Thuận lợi: Việt Nam nằm trong khu vực có nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới, nằm gần trung tâm Đông Nam Á, ở vị trí trung gian chuyển tiếp, tiếp giáp với các lục địa và đại dương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế.

   Khó khăn: có những bất lợi về khí hậu, thời tiết do ảnh hưởng của vị trí địa lí (dông bão, lụt lội, hạn hán).

- Nguồn lực tự nhiên:

+ Duyên hải Nam Trung Bộ có đường bờ biển dài, mang lại nhiều thế mạnh về tự nhiên để phát triển tổng hợp kinh tế biển: du lịch biển, đánh bắt nuôi trồng hải sản, khai thác khoáng sản biển (sản xuất muối, titan, cát thủy tinh), giao thông biển.

+ Tây Nguyên có diện tích đất badan rộng lớn trên các cao nguyên xếp tầng, thuận lợi để hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm.

- Nguồn lực kinh tế - xã hội.

+ Đông Nam Bộ có cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện, có TP. Hồ Chí Minh là đầu mối giao thông vận tải phía Nam, lao động đông và có trình độ cao....vì vậy thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài (hơn 50%).

+ Trung du và miền núi Bắc Bộ có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều hạn chế (giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng chưa phát triển; lao động có trình độ thấp....vì vậy vùng hạn chế về các nguồn vốn đầu tư, chưa phát huy hết hiệu quả nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế của vùng.

Câu 3: Dựa vào sơ đồ trang 101 SGK Địa lí 10, em hãy phân biệt các bộ phận của cơ cấu nền kinh tế?

Gợi ý làm bài

Các bộ phận của cơ cấu nền kinh tế:

-  Cơ cấu ngành kinh tế: bao gồm các ngành nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

-  Cơ cấu thành phần kinh tế: bao gồm khu vực kinh tế trong nước (ví dụ, ở Việt Nam gồm có: kinh tế Nhà nước, kinh tế ngoài Nhà nước như kinh tế tập thể kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể) và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

-  Cơ cấu lãnh thổ: ứng với mỗi cấp phân công lao động lãnh thổ sẽ có các cơ cấu lãnh thổ khác nhau: toàn cầu, khu vực (ASEAN, EU, châu Á - Thái Bình Dương,...), quốc gia, vùng (ví dụ: Việt Nam có 7 vùng kinh tế).

Câu 4: Dựa vào bảng 26 (SGK trang 101), hãy nhận xét về cơ cấu ngành và sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo nhóm nước và ở Việt Nam

Gợi ý làm bài

Nhận xét:

- Về cơ cấu GDP (năm 2004): 

+ Các nước phát triển: chiếm tỉ trọng cao nhất là ngành dịch vụ (71%), tiếp đến là công nghiêp- xây dựng (27%), thấp nhất là nông -lâm-ngư nghiệp (2%).

+ Các nước đang phát triển: chiếm tỉ trọng cao nhất là dịch vụ (43%), tiếp đến là công nghiệp -xây dựng (32%), thấp nhất là nông-lâm-ngư nghiệp (25%).

+ Việt Nam: chiếm ti trọng cao nhất là công nghiệp xây dựng (40%), tiếp đến là dịch vụ (38%), thấp nhất là nông-lâm-ngư nghiệp (22%).

- Trong giai đoạn 1990 - 2004, cơ cấu GDP theo ngành ở các nhóm nước và Việt Nam có sự thay đổi:

+ Các nước phát triển: giảm tỉ trọng nông - lâm - ngư nghiệp (từ 3% xuống 2%), công nghiệp - xây dựng (từ 33% xuống 27%) và tăng tỉ trọng ngành dịch vụ (64% lên 71%).

+ Các nước đang phát triển: giảm tỉ trọng nông - lâm - ngư nghiệp (từ 29% xuống 25%); tăng tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng (30% lên 32%)  và dịch vụ (41% lên 43%).

+ Việt Nam: giảm tỉ trọng nông - lâm - ngư nghiệp (39% xuống 22%); tăng tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng (23% lên 40%); tỉ trọng ngành dịch vụ giữ ở mức ổn định (38%).

3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Cơ cấu nền kinh tế Địa lý 10 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Sau bài  học cần nắm nội dung sau: 

- Trình bày được khái niệm nguồn lực; hiểu được các loại nguồn lực và vai trò của chúng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Hiểu khái niệm cơ cấu kinh tế và các bộ phận hợp thành cơ cấu kinh tế.

  • Tham khảo thêm

Ngày:06/08/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM