Lịch sử 9 Bài 27: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc (1953 -1954)

Hãy cùng eLib tìm hiểu nội dung bài học 27 Lịch sử 9 thông qua các phần cụ thể như Cuộc tiến công chiến lược Đông -Xuân 1953-1954 làm phá sản kế hoạch Na-va; Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc chiến tranh ở Đông Dương. Hiệp định giơ-ne-vơ 1954 ghi nhận thắng lợi của Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, chấm dứt chiến tranh xâm lược và thống trị Đông Dương của Thực dân Pháp bên dưới đây.

Lịch sử 9 Bài 27: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc (1953 -1954)

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Kế hoạch Na-va của Pháp-Mỹ

Tướng Na-va đã vạch ra kế hoạch Na-va nhằm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương. Kế hoạch Na –va gồm hai bước với hy vọng trong 18 tháng sẽ kết thúc chiến tranh trong danh dự.

1.2. Cuộc tiến công chiến lược Đông – Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.

a. Cuộc tiến công chiến lược Đông –Xuân 1953-1954

Hình thái chiến trường trên các mặt trận đông - xuân 1953 - 1954

Trong cuộc tiến công chiến lược Đông – Xuân 1953-1954, quân ta đã mở một loạt chiến dịch tiến công địch trên nhiều hướng ở hầu khắp chiến trường Đông Dương. Cuộc tiến công chiến lược của ta đã làm phá sản bước đầu kế hoạch Na-va của Pháp – Mĩ, buộc quân chủ lực của chúng phải bị động phân tán và giam chân ở miền rừng núi.

b. Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)

Lược đồ chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)

Điện Biên Phủ có vị trí chiến lược quan trọng, vì thế được sự giúp đỡ của Mỹ, Pháp đã xây dựng một tập đoàn cứ điểm hùng mạnh ở Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ được diễn ra trong ba đợt và kết thúc với thắng lợi của quân và dân ta.

Lá cờ chiến thắng bay trên nóc hầm Tướng Đờ Ca-xtơ-ri

1.3. Hiệp định giơ –ne –vơ về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương (1954)

- Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ta buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết hiệp định giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương (21-7-1954)

- Với hiệp định giơ – ne-vơ về Đông Dương, Pháp buộc phải rút hết quân đội về nước; Mỹ thất bại trong âm mưu kéo dài và mở rộng quốc tế hóa chiến tranh xâm lược Đông Dương. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa.

1.4. Ý nghĩa lịch sử và nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954)

a. Ý nghĩa lịch sử

Chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp đối với nước ta. Miên Bắc hoàn toàn giải phóng, chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, tạo cơ sở giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Cổ vũ tinh thần đấu tranh của các dân tộc trên thế giới.

b. Nguyên nhân thắng lợi

- Nhờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Có mặt trận dân tộc thống nhất, có chính quyền dân chủ nhân dân trong cả nước.

- Được tiến hành cùng với liên  minh hai nước Lào và Campuchia. Đồng thời là sự ủng hộ quốc tế.

2. Luyện tập

Câu 1: Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 đã bước đầu làm phá sản Kế hoạch Na-va của Pháp - Mĩ như thế nào?

Gợi ý trả lời:

- Tháng 12-1953, quân ta tiến lên Tây Bắc, giải phóng toàn tỉnh Lai Châu (trừ Điện Biên Phủ), Pháp phải điều quân từ đồng bằng Bắc Bộ lên tăng cường. Điện Biên Phủ trở thành nơi tập trung quân thứ 2 của Pháp sau đồng bằng Bắc Bộ.

- Đầu 12-1953, liên quân Việt - Lào tấn công Trung Lào, giải phóng Thà Khẹt, uy hiếp Xê-nô buộc Pháp tăng viện cho Xê-nô (nơi tập trung quân thứ 3).

- Tháng 1-1954, liên quân Việt - Lào đánh lên thượng Lào, giải phóng Phong Xa-lì, buộc Pháp tăng viện cho Luông Pha-bang (nơi tập trung quân thứ 4).

- Tháng 2-1954, quân ta tiến công Tây Nguyên, giải phóng Kon Tum, uy hiếp Plây-ku buộc Pháp tăng viện cho Plây-cu (nơi tập trung quân thứ 5).

Ở vùng sau lưng địch, phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh (Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bình Trị Thiên,…)

→ Như vậy ta chủ động mở hàng loạt các chiến dịch, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó với ta, làm cho Kế hoạch Na-va bước đầu bị phá sản.

Câu 2: Trình bày ý nghĩa lịch sử và nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)

Gợi ý trả lời:

Ý nghĩa lịch sử

- Đối với dân tộc

+ Chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân của Pháp trong gần một thế kỷ trên đất nước ta

+ Miền Bắc được giải phóng, chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, tạo cơ sở để nhân dân ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

- Đối với thế giới

+ Giáng đòn nặng nề vào tham vọng xâm lược, nô dịch của chủ nghĩa đế quốc sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

+ Góp phần làm tan rã hệ thống thuộc địa, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới ở Á, Phi, Mỹ Latinh.

Nguyên nhân thắng lợi

- Quan trọng nhất là có sự lãnh đạo sáng suốt của đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí với đường lối chính trị, quân sự và đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo.

- Toàn dân, toàn quân ta đoàn kết dũng cảm trong chiến đấu, lao động, sản xuất .

- Có hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân trong cả nước, có mặt trận dân tộc thống nhất, có lực lượng vũ trang sớm xây dựng và không ngừng lớn mạnh, có hậu phương rộng lớn, vững chắc về mọi mặt.

- Việt Nam, Lào và Campuchia liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung.

- Sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân khác, của nhân dân Pháp và loài người tiến bộ.

Câu 3: Nêu nội dung cơ bản và ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. 

Gợi ý trả lời:

Hội nghị Giơ-ne-vơ

Tháng 1/1954, Hội nghị Ngoại trưởng Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp ở Béc-lin thỏa thuận triệu tập hội nghị Giơ-ne-vơ giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương. 08/05/1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ bắt đầu bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Phái đoàn Việt Nam do Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn được chính thức mời họp. Cuộc đấu tranh trên bàn hội nghị diễn ra gay gắt do lập trường thiếu thiện chí và ngoan cố của Pháp – Mỹ. Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp, ngày 21/07/1954 Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương được ký kết .

Hiệp định Giơ-ne-vơ 

Gồm các văn bản :Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam,Lào,Cam pu chia ;Bản Tuyên bố cuối cùng của Hội Nghị và các phụ bản khác .

Nội dung:

- Các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia; không can thiệp vào công việc nội bộ của ba nước.

- Các bên tham chiến ngừng bắn, lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương 

- Thực hiện di chuyển, tập kết quân đội ở hai vùng: lấy vĩ tuyến 17 ( dọc theo sông Bến Hải – Quảng Trị ) làm giới tuyến quân sự tạm thời cùng với một khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến.

- Cấm đưa quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí nước ngoài vào Đông Dương, không được đặt căn cứ quân sự ở Đông Dương. Các nước Đông Dương không được tham gia liên minh quân sự và không để cho nước khác dùng lãnh thổ vào việc gây chiến tranh hoặc xâm lược. 

- Việt Nam sẽ tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước vào tháng 07/1956 dưới sự kiểm soát của một Ủy ban quốc tế do Ấn Độ làm Chủ tịch.

- Trách nhiệm thi hành Hiệp định thuộc về những người ký Hiệp định và những người kế tục họ.

Ý nghĩa: 

- Hiệp định giơ -ne-vơ cùng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở Việt Nam, Lào và Campuchia. 

- Hiệp định là văn bản pháp lý quốc tế ghi nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ba nước Đông Dương và được các nước tham dưh hội nghị cam kết tôn trọng. 

- Với hiệp định giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương, Pháp buộc phải rút hết quân đội về nước; Mỹ thất bại trong âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh xâm lược Đông Dương; miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng, chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa. 

- Như vậy, với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ta buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 kết thúc chiến tranh ở Đông Dương. 

Câu 4: Dựa vào lược đồ (hình 54), trình bày diễn biến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954). 

Gợi ý trả lời:

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong 55 ngày đêm, nhưng các trận đánh không diễn ra liên tục mà được chia thành 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Từ ngày 13 đến 17-3-1954, quân ta đã tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống trên 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh; Pi rốt, Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ bất lực trước pháo binh của ta đã dùng lựu đạn tự sát.

- Giai đoạn 2: Từ ngày 30-3 đến 30-4-1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm; thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho Tập đoàn cứ điểm. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt, tại đồi C1, ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày và đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

- Giai đoạn 3: Từ ngày 1 đến 7-5-1954, ta đánh dứt điểm dãy đồi phía Đông và tổng tiến công tiêu diệt các vị trí còn lại, bắt sống Tướng De Castries, kết thúc chiến dịch.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí đạn dược, quân trang của địch. 

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần nắm được nội dung sau:

  • Nội dung kế hoạch Nava của Pháp Mĩ là gì?
  • Chủ trương của Đảng ta trong cuộc chiến lược Đông Xuân như thế nào?
  • Diễn biến Âm mưu của Pháp, chủ trương của ta ở chiến dịch Điện Biên Phủ, Kết quả, ý nghĩa
  • Nội dung của hiệp định Gionevo
Ngày:03/08/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM