Lịch sử 9 Bài 33: Việt Nam trên đường đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội (từ năm 1986 đến năm 2000)

Sau hơn 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong hai kế hoạch 5 năm chúng ta đã thu được thành tựu nhất định đáng kể trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng những khó khăn cũng không nhỏ, trong hoàn cảnh đó Đảng ta họp đại hội lần thứ VII, trong đại hội này đã đề ra đường lối đổi mới. Chúng ta cùng đến với bài “Việt Nam trên đường đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội (từ năm 1986 đến năm 2000)” lịch sử 9.

Lịch sử 9 Bài 33: Việt Nam trên đường đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội (từ năm 1986 đến năm 2000)

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Đường lối đổi mới của Đảng

a. Hoàn cảnh lịch sử

- Trong nước: Đạt nhiều thành tựu, tiến bộ đáng kể trên các lĩnh vực, song cũng gặp không ít khó khăn và yếu kém, đưa đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng.

- Thế giới:

  • Tác động của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật, những thay đổi của tình hình thế giới và trong quan hệ giữa các nước.
  • Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào tình trạng khủng hoảng.

→ Đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải tiến hành đổi mới.

b. Đường lối đổi mới của Đảng

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12/1986)

- Đường lối đổi mới của Đảng đề ra đầu tiên tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12/1986) và được điều chỉnh, bổ sung, phát triển tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (6/1991), lần thứ VIII (6/1996), lần thứ IX (4/2001).

- Đổi mới đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội không phải là thay đổi mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan điểm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp.

- Đổi mới phải toàn diện và đồng bộ, gắn với đổi mới chính trị, trọng tâm là đổi mới kinh tế.

1.2. Việt Nam trong 15 năm thực hiện đường lối đổi mới (1986 - 2000)

a. Thành tựu

- Đường lối đổi mới được sự hưởng ứng rộng rãi, nhanh chóng đi vào cuộc sống và đạt nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực.

- Kế hoạch 5 năm (1986 - 1990):

  • Tập chung thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của ba chương trình kinh tế: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
  • Kết quả: Đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước, hàng hóa dồi dào, kinh tế đối ngoại phát triển, hàng xuất khẩu tăng 3 lần.

- Kế hoạch 5 năm (1991 - 1995):

  • Tổng sản phẩm trong nước tăng bình quân hàng năm 8,2%, lạm phát được đẩy lùi.
  • Kinh tế đối ngoại phát triển, thị trường xuất nhập khẩu mở rộng, vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh.
  • Hoạt động khoa học và công nghệ gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thích nghi với cơ chế thị trường.

Công trình thủy điện Y-a-ly

- Kế hoạch 5 năm (1996 - 2000):

  • Tổng sản phẩm trong nước tăng bình quân hàng năm 7%.
  • Nông nghiệp phát triển, góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng chung và giữa vững ổn định kinh tế, xã hội.
  • Kinh tế đối ngoại tiếp tục phát triển.
  • Khoa học và công nghệ chuyển biến tích cực, giáo dục đào tạo phát triển.
  • Tình hình chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, quan hệ đối ngoại không ngừng mở rộng.

b. Ý nghĩa của những thành tựu:

- Tăng cường sức mạnh tổng hợp, làm thay đổ bộ mặt đất nước và cuộc sống của nhân dân.

- Củng cố vững chắc độc lập dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa.

- Nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

c. Những khó khăn, yếu kém:

- Nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp.

- Một số vấn đề văn hóa, xã hội còn bức xúc và gay gắt, chậm được giải quyết.

- Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên.

2. Luyện tập

Câu 1: Nhân dân ta đã đạt được những thành tựu gì trong việc thực hiện ba kế hoạch nhà nước 5 năm (1986 – 1990, 1991 – 1995, 1996 – 2000)?

Gợi ý trả lời:

Thành tựu mà nhân dân ta đã đạt được trong việc thực hiện ba kế hoạch 5 năm là:

- Giai đoạn 1986 – 1990:

  • Từ chỗ thiếu ăn đến năm 1990, chúng ta đã đáp ứng nhu cầu trong nước thậm chí còn có dự trữ và xuất khẩu.
  • Các nguồn hàng hóa trên thị trường đa dạng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
  • Kinh tế đối ngoại phát triển vể quy mô và hình thức. Hàng xuất khẩu tăng ba lần…

- Giai đoạn 1991 – 1995:

  • Kinh tế đã dần khôi phục và phát triển, không có tình trạng đình đồn trong sản xuất, rối ren trong lưu thông.
  • Sản phẩm trong nước bình quân hàng năm tăng 8,2%.
  • Lạm phát được đẩy lùi
  • Kinh tế đối ngoại phát triển, nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh.
  • Hoạt động khoa học và công nghệ thích nghi dần với cơ chế thị trường.

- Giai đoạn 1996 – 2000:

  • Nhịp độ tăng trưởng khá, bình quân sản phẩm trong nước hằng năm tăng 7%.
  • Nông nghiệp phát triển liên tục => giữ vững ổn định kinh tế, xã hội
  • Kinh tế đối ngoại tiếp tục phát triển, xuất khẩu đạt 51,6 tỉ USD, nhập khẩu đạt 61 tỉ USD.
  • Khoa học và công nghệ có bước chuyển biến tích cực. Giáo dục và đào tạo có bước phát triển mới cả về quy mô, chất lượng, hình thức đào tạo và cơ sở vật chất.
  • Tình hình chính trị, xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường. Quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng.

Câu 2: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta chuyển sang thực hiện đường lối đổi mới trong hoàn cảnh đất nước và thế giới như thế nào?

Gợi ý trả lời:

* Trong nước:

- Qua 10 năm thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa, với hai kế hoạch Nhà nước 5 năm, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực.

- Tuy nhiên, cũng gặp không ít khó khăn, yếu kém. Những khó khăn ngày càng lớn làm cho đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng, trước hết là khủng hoảng kinh tế, xã hội.

* Thế giới:

- Tác động của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật.

- Chủ nghĩa xa hội ở Liên Xô và Đông Âu bị khủng hoảng rồi sụp đổ, ảnh hưởng lớn tới các nước xã hội chủ nghĩa khác.

- Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới đã tiến hành cải cách, mở cửa đạt được những thành tựu to lớn.

Câu 3: Theo em, phải hiểu đổi mới đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội như thế nào?

Gợi ý trả lời:

- Đổi mới đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội tức không phải là thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan điểm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, bằng những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp.

- Đổi mới phải toàn diện và đồng bộ, từ kinh tế, chính trị đến tổ chức, tư tưởng, văn hóa, đổi mới kinh tế gắn liền với đổi mới kinh tế chính trị , trọng tâm là đổi mới về kinh tế.

3. Kết luận

Sau bài học các em cần nắm:

  • Đường lối đổi mới của Đảng: hoàn cảnh và nội dung đổi mới.
  • Việt Nam trong 15 năm thực hiện đường lối đổi mới (1986 - 2000) với các kế hoạch 5 năm: 1986 - 1990, 1991 - 1995, 1996 - 2000 đạt nhiều thành tựu với ý nghĩa lớn, và những khó khăn, yếu kém còn tồn tại.
Ngày:03/08/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM