Giải bài tập SGK Sinh học 11 Bài 35: Hoocmôn thực vật

Giải bài tập SGK Sinh học 11 Bài 35: Hoocmôn thực vật, giúp các em củng cố kiến thức bài học, bám sát nội dung bài tập SGK. Rèn luyện kĩ năng làm bài tập về hoocmôn thực vật, ứng dụng của hoocmôn thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Mời các em cùng theo dõi.

Giải bài tập SGK Sinh học 11 Bài 35: Hoocmôn thực vật

1. Giải bài 1 trang 142 SGK Sinh học 11

- Hoocmôn thực vật là gì? Nêu các đặc điểm chung của chúng.

Phương pháp giải

- Xem khái niệm và đặc điểm hoocmôn thực vật, bài 35: Hoocmôn thực vật SGK Sinh học 11.

Hướng dẫn giải

- Hoocmôn thực vật là các chất hữu cơ do thực vật tiết ra. Hoocmôn thực vật có tác dụng điều tiết hoạt động sống của cây.

- Đặc điểm chung:

  • Được tạo ra ở một nơi nhưng gây ra phản ứng ở một nơi khác trong cây.
  • Với nồng độ rất thấp nhưng gây ra những biến đổi mạnh trong cơ thể.
  • Tính chuyên hoá thấp hơn nhiều so với hoocmôn ở động vật bậc cao.

2. Giải bài 2 trang 142 SGK Sinh học 11

- Có mấy nhóm hoocmôn thực vật. Nêu tên các hoocmôn của mỗi nhóm và ví dụ về tác dụng của chúng.

Phương pháp giải

- Xem lại các loại hoocmôn thực vật, bài 35: Hoocmôn thực vật SGK Sinh học 11. Tiến hành phân loại nhóm hoocmôn thực vật, liên hệ thực tế lấy ví dụ minh họa.

Hướng dẫn giải

- Hoocmôn Thực vật được chia thành 2 nhóm:

+ Nhóm kích thích sinh trưởng:

  • Auxin: Kích thích nguyên phân và dãn dài tế bào, kích thích hạt và chồi nảy mầm, kích thích ra rễ phụ
  • Gibêrelin: Tăng số lần nguyên phân và dãn dài tế bào, kích thích nảy mầm cho hạt, chồi, củ, kích thích sinh trưởng chiều cao cây, tạo quả không hạt, tăng tốc độ phân giải tinh bột.
  • Xitôkinin: Kích thích phân chia tế bào, làm chậm quá trình già hóa tế bào, hoạt hóa sự phân hóa, phát sinh chồi thân trong nuôi cấy mô.

+ Nhóm ức chế sinh trưởng:

  • Êtilen: Điều chỉnh sự chín, sự rụng lá, kích thích ra hoa, tác động lên sự phân hóa gới tính, ức chế kéo dài thân, kích thích sự giãn nở bên và sinh trưởng chiều ngang, tăng cường tốc độ hóa già, kích thích sự hình thành rễ và lông hút.
  • Axit abxixic: Gây nên sự rụng lá, ức chế nảy mầm, điều chỉnh sự đóng mở khí khổng, giúp cây chống chọi với điều kiện môi trường bất lợi.

3. Giải bài 3 trang 142 SGK Sinh học 11

- Nêu hai biện pháp sản xuất nông nghiệp có ứng dụng các hoocmôn thực vật?

Phương pháp giải

- Dựa vào tác dụng của các hoocmôn điều hòa sinh trưởng.

Hướng dẫn giải

2 biện pháp sản xuất nông nghiệp có ứng dụng các hooc môn thực vật là:

+ Nuôi cấy tế bào và mô thực vật: sử dụng AIA, GA, xitôkinin với tỷ lệ phù hợp để nhân giống thực vật nhanh chóng.

+ Tạo quả không hạt: Sử dụng GA.

+ Kích thích hạt nảy mầm, kích thích ra rễ ở cây con: AIA, GA.

+ Làm quả chín nhanh (đặt xen lẫn các quả chín ít với các quả chín nhiều sẽ làm nhanh quá trình chín của quả): Êtilen, đất đèn…

4. Giải bài 4 trang 142 SGK Sinh học 11

- Điều cần tránh trong việc ứng dụng hoocmôn thực vật là gì, tại sao?

Phương pháp giải

- Các chất điều hòa sinh trưởng nhân tạo tuy có vai trò với sự sinh trưởng của thực vật nhưng cũng nguy hại với động vật.

Hướng dẫn giải

- Điều cần tránh trong việc ứng dụng hoocmôn thực vật là: Không nên sử dụng các chất điều hòa sinh trưởng nhân tạo vào các sản phẩm trực tiếp làm thức ăn.

- Vì các chất nhân tạo không có các enzim phân giải, tích lũy lại trong nông phẩm sẽ gây độc hại cho người và gia súc.

Ngày:17/09/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM