Bài 1: Một số vấn đề cơ bản của cách tính sản lượng quốc gia

Ngày nay, hầu hết các quốc gia đều tính sản lượng quốc gia theo hệ thống tài khoản quốc gia với quan điểm về sản xuất là tạo ra những sản phẩm vật chất và dịch vụ có ích cho xã hội. Để tìm hiểu chi tiết về hệ thống này, mời các bạn cùng eLib.VN tham khảo bài giảng Bài 1: Một số vấn đề cơ bản sau đây.

Bài 1: Một số vấn đề cơ bản của cách tính sản lượng quốc gia

1. Các quan điểm về sản xuất

Ngày nay, hầu hết các quốc gia đều tính sản lượng quốc gia theo hệ thống tài khoản quốc gia (SNA- System of National Accounts) với quan điểm về sản xuất là tạo ra những sản phẩm vật chất và dịch vụ có ích cho xã hội.

Để có quan điểm sản xuất rộng rãi và đầy đủ như trên, nến kinh tế thế giới phải trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Vào thế kỷ thứ 16, những người theo phái trọng nông chỉ nhìn nhận ngành nông nghiệp là ngành sản xuất, vì họ cho rằng sản xuất là phải tạo ra sản lượng thuần tăng, nghĩa là một sản phẩm được xem là đầu vào cho một quá trình sản xuất phải có được nhiều hơn một sản phẩm ở đầu ra. Ví dụ trong sản xuất lúa, một hạt lúa gieo trồng có thể thu hoạch được nhiều hạt lúa từ cây lúa mọc lên từ hạt lúa đó. Đến thế kỷ 18, trường phái cổ điển cho rằng sản xuất là những ngành phải tạo ra được các sản phẩm hữu hình có thể nhìn thấy được, sờ mó được. Theo quan điểm sản xuất này thì chỉ có một số lĩnh vực như công, nông, lâm, ngư nghiệp và xâv dựng là được tính vào sản lượng của một quốc gia. Sau đó, Karl Marx mở rộng quan điểm của trường phái cổ điển, với định nghĩa sản xuất bao gồm những ngành sản xuất các sản phẩm hữu hình và một số ngành sản xuất dịch vụ phục vụ cho các ngành sản xuất vật chất. Quan điểm này là cơ sở để hình thành hệ thống sản xuất vật chất (MPS - Material Production System) được các nước xã hội chủ nghĩa trước đây sử dụng để tính sản lượng quốc gia.

2. Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA)

Hệ Thống Tài Khoản Quốc Gia (SNA - System of National Accounts) được sử dụng đầu tiên trên thế giới năm 1940.

Ở Việt Nam, hệ thống tài khoản Quốc gia được thực hiện lần đầu tiên năm 1993 và được tính trở lại cho cả thời kỳ 1986-1992, và chính thức được áp dụng từ năm 1996, thay cho cách tính các chỉ tiêu tổng hợp như tổng sản phẩm quốc dân, thu nhập quốc dân theo MPS.

2.1 Các chỉ tiêu trong SNA

Các chi tiêu trong SNA được phân thành 2 nhỏm :

  • Các chỉ tiêu theo lãnh thổ hay các chỉ tiêu quốc nội bao gồm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và Sản phẩm quốc nội ròng (NDP ) Các chỉ tiêu theo sở hữu hay các chỉ tiêu quốc gia bao gồm Tổng sản phẩm quốc gia (GNP), Sản phẩm quốc gia ròng (NNP), Thu nhập quốc gia (NI), Thu nhập cá nhân (PI) và Thu nhập khả dụng (DI)

2.2 Giá cả trong SNA

Đơn vị tính của các chỉ tiêu trong SNA là tiền, do đó vấn đề giá cả được đặt ra. Có 4 loại giá có thể được sử dụng để tính các chỉ tiêu trong SNA là giá thị trường, giá sản xuất, giá hiện hành và giá cố định. Tùy thuộc vào mặt bằng giá được chọn mà chúng ta có các chỉ tiêu tương ứng.

  • Nếu tính theo giá thị trường - còn gọi là giá tiêu thụ - là giá mà người mua phải trả, nó bao gồm cả thuế gián thu; thì chỉ tiêu tính được gọi là chỉ tiêu theo giá thị trường. Ví dụ GDP theo giá thị trường, ký hiệu GDPmp hay GDP; NNP theo giá thị trường, ký hiệu NNPmp hay NNP. Nếu tính theo giá sản xuất hay còn gọi là chi phí của các yếu tố sản xuất - giá mà người bán thực nhận - thì chỉ tiêu tính được gọi là chỉ tiêu theo giá sản xuất hay chỉ tiêu theo chi phí yếu tố. Ví dụ GDP theo giá sản xuất, ký hiệu GDPfc, NDP theo chi phí yếu tố, ký hiệu NDPfc. Chỉ tiêu theo chi phí các yếu tố sản xuất và chỉ tiêu theo giá thị trường chỉ lệch nhau phẩn thuế gián thu (Ti):

VD: GDPfc = GDPmp - Ti                      (2.1)

  • Nếu tính theo giá hiện hành - giá của năm sản xuất - thì chỉ tiêu tính được gọi là chỉ tiêu danh nghĩa. Ví dụ GDP của năm 2017 được tính theo giá thị trường của năm 2017 thì gọi là GDP danh nghĩa (theo giá thị trường) của năm 2017, ký hiệu là GDPN2017 hay GDP2017.

VD: GDP danh nghĩa năm t được tính theo công thức:

\(GDP^t_N = \displaystyle\sum_{i=1}^{n} q^t_i \cdotp p^t_i \)              (2.2)

Với:    \(q^t_i\) : Khối lượng sản phẩm loại i được sản xuất ở năm t.

\(p^t_i\) : Đơn giá sản phẩm loại i ở năm t.

Cách tính theo giá hiện hành thường dựa trên cơ sở số liệu kết hợp từ chế độ báo cáo định kỳ (các báo cáo kế toán của Bộ Tài chính), với số liệu điều tra mẫu và các cuộc điều tra chuyên môn khác.

  • Nếu tính theo giá cố định - giá của năm được chọn làm gốc thì chỉ tiêu tính được gọi là chỉ tiêu thực. Ví dụ GDP của năm 2017 được tính theo giá năm được chọn làm năm gốc (ví dụ là năm 2014) thì gọi là GDP thực của năm 2017, ký hiệu là GDPR2017.

VD: GDP thực năm t được tính theo công thức:

\(GDP^t_R = \displaystyle\sum_{i=1}^{n} q^t_i \cdotp p^o_i \)                     (2.3)

Với:    \(q^t_i\) : Khối lượng sản phẩm loại i được sản xuất ở năm t.

\(p^o_i\) : Đơn giá sản phẩm loại i ở năm gốc (o).

2.3 Mối liên hệ giữa các chỉ tiêu

  • Chỉ tiêu theo chi phí yếu tố có thể được tính từ việc trừ các khoản thuế gián thu (Ti) ra khỏi chỉ tiêu theo giá thị trường.

Ví dụ:           GDPfc = GDP - Ti

GNPfc = GNP - Ti

  • Chỉ tiêu thực của một năm nào đó, có thể được tính bằng cách 4 lấy chỉ tiêu danh nghĩa chia cho chỉ số giá của năm đó. Chỉ tiêu thực được dùng để tính tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm.

Mối quan hệ giữa GDP thực và GDP danh nghĩa được thể hiện qua chỉ số điều chỉnh lạm phát (hay chỉ số giảm phát) theo GDP (Id) như sau:

\(I^t_d = \frac{GDP^t_N}{GDP^t_R} \times 100\)                       (2.4)

Chỉ số giá là chỉ tiêu phản ảnh tỷ lệ thay đổi của giá cả ở một năm nào đó so với năm gốc.

  • Chỉ tiêu quốc gia có thể được tính bằng cách cộng thêm thu nhập yếu tố ròng từ nước ngoài (NFFI) vào chỉ tiêu quốc nội tương ứng.

Trên đây là nội dung Bài 1: Một số vấn đề cơ bản mà eLib.VN chia sẻ đến các bạn sinh viên. Hy vọng đây sẽ là tư liệu hữu ích giúp các bạn nắm được nội dung bài học tốt hơn

Ngày:11/11/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM