Bảng mô tả công việc nhân viên nhà hàng - khách sạn

Bất cứ một công việc nào cũng có một quy trình làm việc, mô tả công việc riêng, nhân viên nhà hàng - khách sạn cũng vậy. Dưới đây là Bảng mô tả công việc nhân viên nhà hàng - khách sạn được eLib chia sẻ nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về vị trí các công việc của nhân viên tại nhà hàng - khách sạn. Mời các bạn cùng tham khảo.

Bảng mô tả công việc nhân viên nhà hàng - khách sạn

1. Mô tả công việc Quản lý nhà hàng

Xây dựng hệ thống quản lý cho nhà hàng:

- Xây dựng hệ thống quy định, nội quy nhà hàng; bản mô tả công việc – hướng dẫn nghiệp vụ áp dụng cho các vị trí công việc trong nhà hàng.

- Phối hợp cùng các bộ phận liên quan xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng món ăn – thức uống, quy trình phục vụ, vệ sinh… trong nhà hàng.

- Tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, quy trình, hướng dẫn nghiệp vụ được ban hành.

- Giám sát quá trình thực hiện các quy trình, tổ chức cải tiến các quy trình để nâng cao hiệu quả hoạt động cho nhà hàng.

Điều hành – điều phối hoạt động kinh doanh:

- Định kỳ phối hợp với bộ phận liên quan xây dựng kế hoạch hoạt động cho nhà hàng (tháng, quý, năm).

- Đại diện cho nhà hàng làm việc, giải quyết mối quan hệ với cơ quan nhà nước, các tổ chức ở địa phương liên quan đến nhà hàng.

- Triển khai, giám sát việc sử dụng hệ thống nhận diện thương hiệu cho nhà hàng.

- Phối hợp với bộ phận liên quan xây dựng kế hoạch Marketing – Truyền thông cho nhà hàng và tổ chức thực hiện khi kế hoạch đã được duyệt.

- Đại diện cho nhà hàng ký kết hợp đồng với khách hàng sử dụng dịch vụ và phối hợp với các bộ phận liên quan tổ chức triển khai, giám sát tiến độ thực hiện.

- Giám sát việc tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mãi, ưu đãi của nhà hàng.

- Đại diện nhà hàng xử lý các sự cố phát sinh với khách hàng khi nhân viên cấp dưới không giải quyết được.

- Phối hợp bộ phận liên quan tổ chức triển khai việc thu thập thông tin đánh giá của khách hàng, tổng hợp kết quả để đưa ra những chính sách thay đổi phù hợp.

- Trực tiếp gặp gỡ, thăm hỏi khách hàng VIP, khách hàng thân thiết đến dùng bữa tại nhà hàng để thu thập các thông tin về chất lượng dịch vụ.

- Chủ động tìm kiếm nguồn khách tiềm năng cho nhà hàng.

Quản lý tài chính nhà hàng:

- Tổ chức thực hiện kế hoạch tài chính đã được duyệt, đảm bảo các chỉ tiêu về doanh số và lợi nhuận.

- Theo thẩm quyền phân công, đại diện ký kết hợp đồng cung ứng với các nhà cung cấp cho nhà hàng.

- Hàng ngày nhận báo cáo thu - chi từ các bộ phận và theo dõi, giám sát các báo cáo đó.

- Định kỳ phối hợp bộ phận liên quan thực hiện việc thống kê, lập báo cáo tài chính cho nhà hàng và trình lên cấp trên.

Quản lý nhân sự:

- Xây dựng bộ máy nhân sự cho nhà hàng, đảm bảo đủ nhân lực thực hiện các yêu cầu được giao.

- Xây dựng chính sách nhân sự, thưởng - phạt áp dụng cho nhân sự nhà hàng.

- Tham gia trực tiếp vào quá trình phỏng vấn tuyển dụng, đàm phán lương các vị trí nhân viên trong nhà hàng.

- Tổ chức, giám sát việc đào tạo nhân viên mới – bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên tiềm năng, phân công công việc, đánh giá kết quả công việc theo định kỳ.

- Tổ chức triển khai và giám sát quá trình thực hiện nội quy, chính sách nhân sự của nhà hàng.

- Đề xuất khen thưởng những nhân viên làm việc xuất sắc, đem lại kết quả kinh doanh tốt cho nhà hàng.

- Giải quyết các vấn đề mâu thuẫn nội bộ phát sinh trong nhà hàng.

Quản lý tài sản, hàng hóa:

- Thường xuyên theo dõi việc thu mua hàng hóa, đảm bảo định mức tồn kho tối thiểu cho nhà hàng, điều chỉnh định mức sử dụng cho phù hợp.

- Kiểm soát công tác bảo trì, bảo dưỡng định kỳ các loại máy móc, thiết bị trong nhà hàng và tổ chức sửa chữa khi có hư hỏng phát sinh.

- Chịu trách nhiệm về việc đổi mới, bổ sung các trang thiết bị, máy móc, nội thất, công cụ - dụng cụ… phục vụ cho hoạt động kinh doanh của nhà hàng.

Các công việc khác:

- Phối hợp với bếp trưởng lên thực đơn mới, thiết kế thực đơn theo chủ đề các dịp lễ trong năm để đáp ứng yêu cầu của thực khách.

- Đảm bảo các vấn đề về an ninh, an toàn trong nhà hàng.

- Theo dõi hoạt động kinh doanh của nhà hàng và đưa ra những đề xuất, giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh.

- Định kỳ, đột xuất tổ chức các cuộc họp với nhân viên nhà hàng để triển khai hoạt động kinh doanh hay giải quyết các vấn đề của nhà hàng.

- Tham gia đầy đủ các cuộc họp với Giám đốc, Ban quản lý Khách sạn – Nhà hàng khi được yêu cầu.

- Thực hiện các công việc khác khi có chỉ thị từ cấp trên.

2. Mô tả công việc Quản lý khách sạn

Lập và triển khai kế hoạch kinh doanh:

- Định kỳ phối hợp với các bộ phận liên quan đặt ra chỉ tiêu, định hướng và lập kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình chung.

- Triển khai thực hiện các kế hoạch có hiệu quả, mang lại nguồn doanh thu, lợi nhuận cao nhất cho khách sạn.

Quản lý, điều phối hoạt động trong khách sạn:

- Duy trì và đảm bảo hoạt động của các bộ phận trong khách sạn luôn vận hành tốt ở mọi thời điểm.

- Thường xuyên kiểm tra chất lượng phòng khách, phòng khách VIP, vệ sinh sảnh, các lối đi…

- Kiểm soát chất lượng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách hàng.

- Giám sát, điều chỉnh thái độ - chất lượng phục vụ của nhân viên.

- Kiểm soát công tác bảo trì – bảo dưỡng, nâng cấp trang thiết bị, tài sản của khách sạn.

Xây dựng quy trình hoạt động tiêu chuẩn cho khách sạn:

- Phối hợp với các bộ phận liên quan xây dựng mô tả công việc, quy trình chuẩn hướng dẫn nghiệp vụ cho từng vị trí công việc.

- Triển khai áp dụng cho nhân viên làm việc theo đúng quy trình chuẩn đã được phê duyệt và giám sát quá trình thực hiện để có những điều chỉnh cần thiết.

- Tiến hành thay đổi, cải tiến các quy trình cho phù hợp với định hướng mới của khách sạn.

Giải quyết các sự cố, vấn đề phát sinh:

- Hỗ trợ nhân viên cấp dưới giải quyết các sự cố, vấn đề phát sinh trong khách sạn (Khách phàn nàn chất lượng dịch vụ, khách bị ngộ độc, sự cố cháy nổ…)

- Nhanh chóng phối hợp với các bộ phận liên quan xử lý có hiệu quả các sự cố, vấn đề phát sinh để đem lại sự hài lòng nhất cho khách hàng.

Quản lý nhân sự:

- Quản lý trực tiếp toàn bộ hệ thống nhân sự của khách sạn hoặc gián tiếp thông qua Trưởng các bộ phận.

- Lập kế hoạch nhu cầu nhân sự của khách sạn và trình cấp trên phê duyệt.

- Xây dựng đội ngũ nhân sự đáp ứng tốt nhất các yêu cầu công việc theo định hướng của khách sạn.

- Tham gia vào quá trình phỏng vấn tuyển dụng, đàm phán chế độ đãi ngộ với những vị trí phụ trách quản lý trong khách sạn.

- Kiểm soát việc thực hiện các chính sách nhân sự.

- Đánh giá nhân sự, đề xuất khen thưởng, thăng chức hay kỷ luật nhân viên.

Đào tạo, bồi dưỡng nhân sự:

- Phối hợp với bộ phận liên quan lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân sự cho khách sạn.

- Tham gia huấn luyện, đào tạo – bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân sự các bộ phận.

- Xây dựng đội ngũ nhân sự kế cận có chất lượng để chuẩn bị đảm nhận công việc của bộ khung ban quản lý khách sạn.

Các công việc khác:

- Là đại điện của khách sạn phát ngôn với cơ quan báo chí, truyền thông.

- Xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng, nhà cung cấp, chính quyền địa phương…

- Chịu trách nhiệm phê duyệt, đánh giá các kế hoạch, công việc của các bộ phận thuộc thẩm quyền quản lý.

- Tham gia vào các kế hoạch tiếp thị, truyền thông quảng bá hình ảnh khách sạn.

- Chủ động đề xuất với cấp trên những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, doanh thu cho khách sạn.

- Tham gia các chương trình bồi dưỡng nâng cao trình độ cho Quản lý khách sạn.

- Tổ chức, chủ trì các cuộc họp trong khách sạn.

- Tham gia đầy đủ các cuộc họp với Ban giám đốc của khách sạn và làm các báo cáo công việc theo quy định.

- Thực hiện các công việc khác khi được cấp trên giao phó.

3. Mô tả công việc Bếp trưởng

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm:

- Chịu trách nhiệm giữ vệ sinh toàn bộ gian bếp.

- Yêu cầu, đốc thúc nhân viên dọn dẹp vệ sinh khi cần thiết.

- Giám sát các công việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm của toàn bộ nhân viên.

- Đảm bảo chất lượng vệ sinh của các món ăn trước khi phục vụ khách hàng.

Phụ trách lên thực đơn:

- Lập kế hoạch, lên thực đơn cho từng bữa tiệc khác nhau.

- Sắp xếp phân công, giao việc cho các nhân viên như Bếp Phó, Bếp chính, hoặc Tổ trưởng ca.

- Nghiên cứu và sáng tạo ra nhiều món ăn mới, xây dựng thực đơn cho các bữa tiệc.

- Quản lý toàn bộ menu hiện có.

- Tư vấn chất lượng món ăn, cách chế biến tại Nhà hàng - Khách sạn.

Quản lý hàng hóa trong bếp:

- Kiểm kê toàn bộ hàng hóa nhập vào cả về số lượng.

- Kiểm tra chất lượng thực phẩm, nguyên vật liệu có tại gian bếp.

- Xử lý các thực phẩm tồn kho, các loại nguyên vật liệu để có hướng bảo quản hoặc chế biến phù hợp.

- Hủy thực phẩm khi không đảm bảo chất lượng.

Quản lý công việc bếp:

- Quản lý các trường hợp cần hỗ trợ Bếp trưởng sẽ đứng ra chế biến các món ăn (giờ cao điểm, khách hàng khó tính,…).

- Phân chia công việc cho từng nhân viên theo từng vị trí.

- Đảm bảo các vị trí làm việc luôn hoạt động ổn định.

- Giải đáp thắc mắc cho khách hàng trong những vấn đề món ăn.

- Đốc thúc, giám sát quá trình chế biến món ăn của nhân viên.

Phụ trách đào tạo kỹ năng  và lên kế hoạch đào tạo chung:

- Bếp trưởng sẽ phối hợp với những bộ phận nhân sự tuyển dụng, đào tạo nhân viên trong  bếp.

- Hướng dẫn nghiệp vụ cho các nhân viên, triển khai các quy định, quy tắc trong gian bếp.

- Đào tạo kỹ năng cho từng nhân viên.

Phụ trách kế hoạch chi tiêu và đặt hàng: Cùng với những vị trí có liên quan khác trong bếp, Bếp trưởng còn có trách nhiệm lên kế hoạch chi tiêu và đặt hàng, sau đó phân chia công việc cho từng vị trí trong bếp.

Quản lý các loại tài sản máy móc, dụng cụ trong bếp:

- Phối hợp với các bộ phận liên quan để kiểm kê các loại tài sản, máy móc, công cụ trong bếp.

- Hướng dẫn, theo dõi việc sử dụng, bảo quản các loại máy móc, công cụ trong bếp của nhân viên.

4. Mô tả công việc Bếp chính

Phối hợp với bếp trưởng hoặc bếp phó kiểm tra hàng hóa, thực phẩm nhập vào bao gồm cả số lượng và chất lượng

Kiểm tra nguyên liệu, thực phẩm tồn từ ca làm việc trước để có hướng xử lý phù hợp, hạn chế tối đa tình trạng lãng phí nguyên liệu; đồng thời lên kế hoạch order hàng hóa

Chuẩn bị các nguyên liệu, vật dụng, thiết bị chế biến món ăn

Cập nhật và thông báo các món ăn tạm ngừng phục vụ hoặc các món ăn đặc biệt trong ngày cho nhân viên bếp và các bộ phận có liên quan biết

Tiếp nhận order của khách hàng, thực hiện phân công các công việc cho nhân viên bếp

Thực hiện tẩm ướp nguyên liệu phù hợp cho từng món ăn theo chuẩn nhà hàng

Trực tiếp chế biến món ăn theo đúng quy trình, tiêu chuẩn của nhà hàng; đảm bảo tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, nội quy an toàn lao động trong bếp

Thực hiện công đoạn trang trí món ăn sau chế biến theo chuẩn nhà hàng

Khi bếp trưởng, bếp phó, tổ trưởng bếp vắng mặt, bếp chính sẽ thay mặt xử lý tất cả các công việc trong bếp bao gồm phân chia công việc và quản lý nhân viên; báo cáo lại cho bếp trưởng vào cuối ca

Có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản các thiết bị, đồ dùng trong bếp; thường xuyên kiểm tra tình trạng máy móc, thiết bị và báo cáo kịp thời nếu phát hiện hư hỏng

Định kỳ phối hợp với các bộ phận liên quan bảo trì, bảo dưỡng các máy móc, thiết bị trong nhà bếp theo quy định của nhà hàng

Trực tiếp đào tạo các kỹ năng, nghiệp vụ bếp, hướng dẫn công việc cho nhân viên mới

Kiểm tra, giám sát quá trình làm việc của phụ bếp và các bộ phận liên quan

Trực tiếp giải quyết các thắc mắc của khách hàng, sai sót của nhân viên 

5. Mô tả công việc Phụ bếp

Chuẩn bị công cụ dụng cụ, nguyên liệu, gia vị, bát đĩa cho việc chế biến món ăn hoặc chỉ đạo của đầu bếp.

Sơ chế các nguyên liệu tươi sống, rau củ quả phục vụ cho chế biến món ăn. Kiểm tra chất lượng nguyên liệu, thực phẩm trước khi sơ chế.

Hỗ trợ bếp chính, đầu bếp trong việc chế biến món ăn. Thực hiện công việc chế biến món ăn dưới sự giám sát của bếp chính, đầu bếp.

Vệ sinh khu vực làm việc, khu vực bếp.

Vệ sinh công cụ dụng cụ, sắp xếp gọn gàng đúng nơi quy định.

Bảo quản các dụng cụ, máy móc trong bếp, nếu có hư hỏng phải báo cáo lên cấp trên để sửa chữa kịp thời.

Kiểm tra hệ thống ga, đèn, quạt,... trước khi kết thúc ca làm việc.

Chấp hành tốt nội quy bếp về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ.

Hòa đồng, thân thiện và phối hợp tốt với đồng nghiệp. Hoàn thành tốt các nhiệm vụ khác nếu được cấp trên giao.

6. Mô tả công việc Phục vụ phòng

Đầu ca, nhận danh sách phòng cần làm vệ sinh và chìa khóa phòng từ thư ký buồng hoặc giám sát ca.

Vào kho chuẩn bị các trang thiết bị, dụng cụ, đồ vải cần thiết phục vụ quá trình làm phòng.

Thực hiện quy trình làm phòng theo tiêu chuẩn của khách sạn, tùy thuộc vào từng loại phòng khác nhau: phòng trống bẩn, phòng trống sạch, phòng khách đang ở, phòng VIP.

Trong quá trình làm phòng khách, nếu phát hiện đồ vật khách để quên – thực hiện quy trình xử lý đồ thất lạc trong khách sạn.

​Sẵn sàng cung cấp thông tin về các dịch vụ trong khách sạn, thông tin du lịch địa phương khi khách hỏi.

Bàn giao chìa khóa phòng cho giám sát ca/thư ký buồng sau khi xong việc.

Khi khách làm thủ tục check-out trả phòng, nhân viên buồng phòng có nhiệm vụ kiểm tra mini bar phòng khách, tình trạng sử dụng của các thiết bị.

Cung cấp trung thực các thông tin kiểm tra cho nhân viên lễ tân được biết để xử lý check-out của khách.

Với những phòng khách treo biển “Xin đừng làm phiền! (Do not Disturb!) quá lâu, vượt khung giờ quy định của khách sạn, nhân viên buồng phòng phải báo cáo ngay với giám sát ca trực để xử lý kịp thời.

Nếu phát hiện khách bị thương, đau ốm… trong phòng, nhân viên buồng báo cáo cho giám sát ca liên hệ nhân viên y tế hỗ trợ xử lý, đưa khách đến bệnh viện trong trường hợp cần thiết. Chủ động thăm hỏi tình hình sức khỏe của khách.

Giúp đỡ khách tìm chìa khóa, đồ thất lạc.

Phối hợp với các nhân viên, bộ phận khác trong khách sạn xử lý các tình huống phát sinh như: khách bị mất trộm, hỏa hoạn…

Thực hiện thu nhận đồ giặt là của khách theo khung giờ quy định của khách sạn, kiểm tra đồ cần giặt - đảm bảo ghi đầy đủ các thông tin cần thiết vào phiếu giặt là, lưu ý các yêu cầu đặc biệt của khách.

Thực hiện quy trình giao đồ của khách cho nhân viên giặt là của khách sạn.

Đến giờ quy định, nhận lại đồ đã giặt từ nhân viên giặt là và giao trả cho khách theo đúng số phòng.

Chuyển liên phiếu giặt là cho thư ký buồng quản lý và bàn giao cho nhân viên lễ tân tính phí giặt là khi khách làm thủ tục check-out.

7. Mô tả công việc Nhân viên bar (Bartender/Barista)

Nhận và kiểm tra chất lượng nguyên liệu: hoa quả, rượu, syrup…

Đảm bảo số lượng nguyên liệu đủ để phục vụ cho khách hàng trong ca làm việc.

Cho đá viên vào thùng chứa.

Lau sạch các vật dụng phục vụ cho việc pha chế và đảm bảo khu vực quầy bar phải sạch sẽ.

Kiểm tra và đảm bảo các thiết bị chuyên dụng hoạt động tốt.

Gọt hoa quả, cắt tỉa đồ trang trí, chuẩn bị các loại nước ép.

Tiếp nhận thông tin order từ nhân viên phục vụ và tiến hành pha chế theo yêu cầu của khách hàng.

Đảm bảo thức uống được pha chế theo đúng công thức, định lượng chuẩn của loại thức uống đó hoặc theo yêu cầu của khách hàng.

Với những Bartender có kỹ năng biểu biễn pha chế thì phải đảm bảo quy trình trình diễn được thực hiện hoàn hảo, không ảnh hưởng gì đến khách hàng.

Trang trí thức uống bắt mắt, thu hút.

Kiểm tra lại thức uống trước khi phục vụ khách.

Giới thiệu cho khách hàng những thức uống ngon, theo mùa mà nhà hàng – khách sạn đang phục vụ.

Tư vấn cho khách hàng chọn loại thức uống phù hợp với sở thích.

Giới thiệu rõ ràng về các nguyên liệu được dùng để pha chế cho khách hàng được biết.

Xử lý các phàn nàn của khách đúng cách để khách hài lòng.

8. Mô tả công việc Lễ tân

Dựa vào bảng danh sách đặt phòng hàng ngày, nắm các thông tin cần thiết, liên hệ với bộ phận buồng phòng để chắc chắn phòng đã sẵn sàng, chú ý những phòng có yêu cầu đặc biệt: honey moon, phòng khách VIP...

Thực hiện quy trình check-in theo tiêu chuẩn của khách sạn:

- Chào khách.

- Hỏi tên khách đặt phòng, xác nhận thông tin phòng, dịch vụ đã đặt. Với khách walk-in, giới thiệu phòng còn trống để khách lựa chọn.

- Hỏi mượn chứng minh thư (khách Việt), Passport (khách nước ngoài) và làm thủ tục nhận tiền đặt cọc, thanh toán.

- Hướng dẫn khách điền và ký vào mẫu đăng ký xác nhận lưu trú tại khách sạn.

- Thông báo cho khách biết về thời gian ăn sáng, các dịch vụ của khách sạn, các dịch vụ du lịch liên quan: đặt tour, cho thuê xe,…

- Giao chìa khóa cho Bellman dẫn khách lên nhận phòng.

Sắp xếp CMT/Passport của khách theo đúng thứ tự phòng, thực hiện việc đánh dấu cần thiết để tránh trả nhầm cho khách.

Thực hiện khai báo thông tin tạm trú và hoàn tất hồ sơ khách.

Giới thiệu khách sử dụng các dịch vụ của khách sạn: ẩm thực, dịch vụ văn phòng, spa, gym, karaoke, bi-a…

Tư vấn, giới thiệu khách sử dụng dịch vụ của các đơn vị liên kết: cho thuê xe, đặt tour, mua vé tham quan, mua hàng lưu niệm - đặc sản làm quà…

Nhiệt tình cung cấp cho khách các thông tin cần thiết: sự kiện diễn ra tại địa phương; các điểm đến tham quan; số điện thoại - địa chỉ ngân hàng, đại sứ quán; địa chỉ tin cậy sửa giày, vali; giá cả một số mặt hàng…

Giữ hộ chìa khóa khi khách có nhu cầu ra ngoài.

Xử lý các cuộc gọi đến phòng khách và gọi đi của khách.

Bảo quản tiền và tư trang khi khách gửi.

Nhận báo thức khách theo yêu cầu.

Phối hợp với các bộ phận liên quan thực hiện yêu cầu chuyển phòng cho khách.

Nhận - gửi bưu phẩm, thư từ, fax của khách.

Hỗ trợ khách đặt vé máy bay, tàu hỏa, đặt phòng khách sạn ở điểm đến kế tiếp… và xác nhận, thay đổi thông tin lịch trình khi cần thiết.

Phối hợp với bộ phận liên quan giải quyết các yêu cầu, phàn nàn - khiếu nại của khách.

9. Mô tả công việc Thu ngân

Kiểm tra toàn bộ quầy thu ngân: các máy móc, thiết bị, dụng cụ… vẫn đảm bảo làm việc tốt.

Kiểm tra số lượng biểu mẫu, giấy in hóa đơn thanh toán có đủ dùng trong ca làm việc không, chủ động bổ sung kịp thời.

Xem xét số lượng tiền lẻ, chủ động đổi tiền để đáp ứng định ứng cho ca làm việc.

Kiểm tra hóa đơn giá trị gia tăng của ca trước, báo cáo quản lý khi phát hiện sai sót.

Nhận liên order từ nhân viên phục vụ, thực hiện nhập thông tin vào phần mềm thu ngân.

Đảm bảo các thông tin được nhập đủ và chính xác để khi in hóa đơn thanh toán cho khách không xảy ra sai sót.

Nhận yêu cầu thanh toán từ nhân viên phục vụ, in hóa đơn thanh toán – kiểm tra tính chính xác và chuyển cho phục vụ kiểm tra lại trước khi mang ra cho khách.

Nếu khách có voucher khuyến mãi, coupon giảm giá hay thẻ VIP thì áp dụng trừ vào hóa đơn thanh toán của khách.

Khi khách thanh toán bằng tiền mặt: Nhận tiền thanh toán trực tiếp từ khách hoặc từ nhân viên phục vụ, kiểm đếm kỹ, kiểm tra tiền thật – giả, phân loại và cất vào ngăn kéo theo mệnh giá; thối lại tiền thừa - nếu có.

Trường hợp khách thanh toán bằng thẻ tín dụng, nhân viên thu ngân cần phải kiểm tra mã số thẻ, thực hiện thao tác cà thẻ chính xác và đối chiếu chữ ký của khách.

Kiểm tra lại các thông tin trên hóa đơn, đảm bảo tính chính xác và giao hóa đơn cho khách.

Lưu vào sổ theo dõi hóa đơn số lượng hóa đơn đã xuất ra trong ca làm việc.

Ghi nhận thông tin order nếu khách order trực tiếp tại quầy thu ngân.

Phối hợp với nhân viên phục vụ tách – ghép bàn, quan sát khách – đảm bảo tất cả khách đến dùng bữa tại nhà hàng phải thanh toán đầy đủ trước khi rời đi.

Phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh như: khách hủy món đã gọi, in sai hóa đơn…

Nhanh chóng báo cáo với cấp trên các sự cố phát sinh với máy móc – thiết bị phục vụ hoạt động tính tiền cho khách để được hỗ trợ xử lý kịp thời.

Thực hiện yêu cầu đổi tiền mặt cho khách nhưng vẫn phải đảm bảo đủ định mức quy định.

10. Mô tả công việc nhân viên kỹ thuật điện nước

Chịu trách nhiệm lắp đặt hệ thống điện – nước, thiết bị theo sơ đồ thiết kế của khách sạn.

Tiến hành các công việc lắp đặt mới, di dời – cải tạo hệ thống điện - nước, thiết bị theo các yêu cầu mới của ban quản lý khách sạn.

Giám sát quá trình vận hành hệ thống điện – nước của khách sạn đảm bảo theo đúng quy trình.

Thực hiện việc kiểm tra lịch bật/tắt hệ thống các thiết bị điện chiếu sáng của khách sạn.

Thường xuyên kiểm tra các chỉ số điện – nước, tình trạng hoạt động của hệ thống thiết bị điện – nước của khách sạn đảm bảo không có vấn đề gì bất thường xảy ra.

Thực hiện việc trực ca theo lịch phân công, sẵn sàng xử lý mọi sự cố xảy ra.

Nhanh chóng nắm bắt thông tin và thực hiện quy trình xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra: cháy nổ, mất điện – nước, cứu hộ thang máy, rò rỉ khí ga…

Tiếp nhận yêu cầu sửa chữa hệ thống điện – nước, thiết bị điện nước dân dụng của các bộ phận và tiến hành khắc phục nhanh chóng để không làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động vận hành khách sạn.

Lập kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện – nước, thiết bị của khách sạn và trình cấp trên phê duyệt.

Tiến hành thực hiện việc bảo trì, bảo dưỡng theo đúng kế hoạch đã được duyệt để đảm bảo hệ thống luôn hoạt động tốt.

Sử dụng, làm vệ sinh và bảo quản các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ công việc một cách hợp lý.

Tham gia các cuộc họp liên quan và làm các báo cáo công việc theo yêu cầu.

Thực hiện các công việc khác khi có yêu cầu của cấp trên.

11. Mô tả công việc Tạp vụ nhà hàng

Làm vệ sinh các khu vực được phân công vào đầu ca:

- Hàng ngày nhận lịch phân công khu vực làm việc cụ thể từ Tổ trưởng tạp vụ; chuẩn bị đầy đủ vật dụng, công cụ dụng cụ làm vệ sinh rồi di chuyển chúng đến khu vực thích hợp, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quá trình làm vệ sinh và mỹ quan nhà hàng

- Dùng máy chuyên dụng/chổi hút/quét sạch bụi trên sàn, thảm, trước sảnh, hành lang và cả cầu thang…

- Pha hóa chất chuyên dụng với nước theo tỷ lệ thích hợp rồi dùng cây lau nhà lau lại tất cả các khu vực vừa hút bụi xong; sử dụng khăn, móp hoặc dụng cụ lau chuyên dụng để lau những vị trí mà cây lau không với tới

- Đặt biển lưu ý để khách hàng và nhân viên cẩn thận hơn khi di chuyển qua khu vực đang làm vệ sinh, tránh xảy ra tai nạn không mong muốn như té ngã do sàn trơn trượt.

- Đảm bảo quy trình làm vệ sinh được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn nhà hàng, đồng thời hoàn thành đúng thời gian quy định, không làm ảnh hưởng đến công việc của các bộ phận khác.

Làm vệ sinh khu vực toilet nhà hàng:

- Sau khi thực hiện xong việc làm vệ sinh các khu vực trên đây, nhân viên tạp vụ tiếp tục làm vệ sinh toilet nhà hàng

- Dùng hóa chất tẩy rửa chuyên dụng vệ sinh bồn cầu, cả phía trong, ngoài, trên thành bồn và toàn bộ khu vực xung quanh gồm vòi xịt, tường, đồ đựng giấy, cửa; đảm bảo mọi thứ sạch sẽ và thơm tho

- Thay mới giấy, đặt bình tinh dầu tạo mùi (nếu có) vào vị trí quy định

- Dùng hóa chất chuyên dụng lau sạch kính, vòi rửa, mặt sàn rửa, đảm bảo kính sáng, trong, không tích gợn bụi hay vết nước. Kiểm tra và bổ sung xà phòng, khăn lau sạch nếu cần

- Thực hiện hút/ quét sạch bụi và lau sàn tương tự như bước trên; đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn nhà hàng.

Làm vệ sinh khu vực phục vụ khách suốt ca làm việc:

- Thường xuyên quan sát và ngay lập tức có mặt tại vị trí cần làm vệ sinh như khách dùng bữa xong, khách/ nhân viên làm bể vỡ/đổ đồ ăn/thức uống lên sàn… đảm bảo mọi nơi trong nhà hàng luôn sạch sẽ và đạt chuẩn để phục vụ khách

- Hỗ trợ nhân viên phục vụ thu dọn và phân loại rác bẩn; hỗ trợ nhân viên rửa bát làm vệ sinh khu vực bếp theo phân công

- Thường xuyên kiểm tra tình trạng vệ sinh tại khu vực phục vụ khách, khu vực toilet và xử lý ngay nếu có phát sinh

- Thực hiện vệ sinh sàn nhà và toàn bộ không gian nhà hàng theo quy định vào cuối ca

- Thu gom và xử lý rác theo đúng quy định

- Thu dọn và kiểm tra dụng cụ làm việc, cất vào kho hoặc nơi quy định; kiểm tra tình trạng vệ sinh lần cuối; bàn giao công việc cho ca sau hoặc báo cáo công việc cho tổ trưởng; kết thúc ca làm việc.

Trên đây là bảng mô tả công việc chi tiết công việc cho các nhân viên trong nhà hàng - khách sạn mà eLib muốn chia sẻ đến bạn. Hi vọng đây sẽ là tư liệu hữu ích giúp bạn nắm bắt công việc một cách nhanh chóng cũng như thực hiện tốt các công việc được giao.

  • Tham khảo thêm

Ngày:27/08/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM