Hoá học 8 Bài 12: Sự biến đổi chất

Nội dung bài học Sự biến đổi chất tìm hiểu về Hiện tượng vật lí, hiện tượng hóa học. Hiện tượng vật lí là hiện tượng trong đó không có sự biến đổi chất này thành chất khác; Hiện tượng hoá học là hiện tượng trong đó có sự biến đổi chất này thành chất khác.

Hoá học 8 Bài 12: Sự biến đổi chất

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Hiện tượng vật lí

Khái niệm: Hiện tượng vật lí là hiện tượng chất biến đổi về trạng thái,… mà vẫn giữ nguyên là chất ban đầu.

Quan sát 1:

Hình 1: Quá trình từ Rắn thành lỏng rồi khí của nước

Nhận xét:  Hình vẽ đó thể hiện quá trình biến đổi:  Nước(rắn) → Nước (lỏng) ⇔ Nước (hơi)

Quan sát 2:

Nhận xét: Hòa tan muối ăn dạng hạt vào nước, sau đó nung nóng dung dịch muối ăn cho đến khi nước bay hơi hết, ta lại thu lại được muối ở dạng rắn.

​Kết luận: Trong quá trình trên có sự thay đổi về trạng thái nhưng không có sự thay đổi về chất.

1.2. Hiện tượng hóa học

Khái niệm: Hiện tượng hóa học là hiện tượng chất biến đổi có tạo ra chất khác.

a. Thí nghiệm 1

Cách tiến hành: Trộn đều một lượng bột lưu huỳnh và một lượng vừa đủ bột sắt, được hỗn hợp hai chất. Chia hỗn hợp thành hai phần

- Phần 1: Đưa nam châm lại gần.

- Phần 2: Đổ vào một ống nghiệm, đun nóng mạnh đáy ống một lát rồi ngừng đun. Lấy chất trong ống nghiệm ra, rồi đưa nam châm lại gần.

Hiện tượng:

- Phần 1: Sắt bị nam châm hút. 

- Phần 2: 

+ Hỗn hợp tự nóng sáng lên và chuyển dần thành chất rắn màu xám.

+ Chất màu xám trong ống nghiệm không bị nam châm hút.

Giải thích hiện tượng:

- Phần 1: Sắt và lưu huỳnh vẫn giữ nguyên trong hỗn hợp.

→ nam châm hút sắt.

- Phần 2: 

+ Khi đun nóng, lưu huỳnh đã tác dụng với sắt, biến đổi thành chất mới màu xám. 

+ Chất rắn màu xám không còn tính chất của lưu huỳnh và sắt nên không bị nam châm hút, đó là hợp chất sắt (II) sunfua.

b. Thí nghiệm 2

Cách tiến hành: Lấy  đường vào hai ống nghiệm (1) và (2). Đun nóng đáy ống nghiệm (2).

Hiện tượng: Đường trắng chuyển dần thành chất màu đen là than, đồng thời có những giọt nước ngưng tụ trên thành ống nghiệm.

Giải thích hiện tượng: Khi bị đun nóng đường phân hủy, biến đổi thành hai chất là than và nước.

2. Bài tập minh họa

2.1. Dạng 1: Phân biệt hiện tượng hóa học và vật lí

Dấu hiệu nào là chính để phân biệt hiện tượng hóa học với hiện tượng vật lí?

Hướng dẫn giải

Dấu hiệu chính để phân biệt hiện tượng hóa học với hiện tượng vật lí là sự xuất hiện chất mới: Hiện tượng hóa học có sự xuất hiện chất mới; hiện tượng vật lý vẫn giữ nguyên chất ban đầu (nghĩa là chỉ thay đổi về hình dạng, trạng thái...)

2.2. Dạng 2: Giải thích hiện tượng hóa học

Bài 1: Trong số những quá trình kể dưới đây, cho biết đâu là hiện tượng hóa học, đâu là hiện tượng vật lí. Giải thích.

a) Lưu huỳnh cháy trong không khí tạo ra chất khí mùi hắc (khí lưu huỳnh đioxit).

b) Thủy tinh nóng chảy được đổi thành bình cầu.

c) Trong lò nung vôi, canxi cacbonat chuyển dần thành vôi sống (canxi oxit) và khí cacbon đioxit thoát ra ngoài.

d) Cồn để trong lọ không kín bị bay hơi.

Hướng dẫn giải

a) Hiện tượng hóa học vì lưu huỳnh được biến đổi thành lưu huỳnh đioxit.

b) Hiện tượng vật lí vì khi thủy tinh nóng chảy bị biến dạng (do tác dụng của nhiệt) nhưng thủy tinh vẫn không đổi về chất.

c) Hiện tượng hóa học vì từ canxi cacbonat dưới tác dụng của nhiệt độ biến đổi thành canxi oxit và khí cacbon đioxit.

d) Hiện tượng vật lí vì cồn bị bốc hơi ra khỏi lọ do tính chất vật lí chứ không tác dụng với một chất nào khác.

Bài 2: Khi đốt nến (làm bằng parafin), nến chảy lỏng thấm vào bấc. Sau đó nến lỏng chuyển thành hơi. Hơi nến cháy trong không khí tạo ra khí cacbon đioxit và hơi nước.

Hãy phân tích và chỉ ra ở giai đoạn nào diễn ra hiện tượng vật lí, giai đoạn nào diễn ra hiện tượng hóa học. Cho biết: Trong không khí có khí oxi và nến cháy là do có chất này tham gia.

Hướng dẫn giải

- Hiện tượng vật lí: "Khi đốt nến (làm bằng parafin), nến chảy lỏng thấm vào bấc. Sau đó, nến lỏng chuyển thành hơi."

Đây chỉ là quá trình nóng chảy và bay hơi của nến, không có sự biến đổi tạo thành chất mới.

- Hiện tượng hóa học: "Hơi nến cháy trong không khí tạo ra khí cacbon đioxit và hơi nước."

Đây là quá trình có tạo thành chất mới là khí cacbon đioxit và hơi nước.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Kể tên một số hiện tương vật lý, hiện tượng hóa học thường gặp trong đời sống?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Hiện tượng vật lý là

A. Hiện tượng chất bến đổi mà vẫn giữ nguyên là chất ban đầu

B. Hiện tượng chất bến đổi có tạo ra chất khác

C. Hòa tan nước muối

D. Đốt cháy KMnO4

Câu 2: Hiện tượng hóa học là

A. Hiện tượng chất bến đổi mà vẫn giữ nguyên là chất ban đầu

B. Hiện tượng chất bến đổi có tạo ra chất khác

C. 4Na+O2 → 2Na2O

D. Cho đường hòa tan với nước muối

Câu 3: Dấu hiệu chính để phân biệt hiện tương vật lý và hiện tượng hóa học

A. Sự thay đổi về màu sắc của chất

B. Sự xuất hiện chất mới

C. Sự thay đổi về trạng thái của chất

D. Sự thay đổi về hình dạng của chất

Câu 4: Hiên tượng nào sau đây là hiện tượng vật lý

a. Hiện tượng thủy triều

b. Băng tan

c. Nến cháy bị nóng chảy

d. Nước chảy đá mòn

e. Đốt cháy lưu huỳnh sinh ra khí lưu hình đioxit

A. Tất cả đáp án

B. a, b, c

C. a, b

D. c, d, e

Câu 5: Hướng dẫn giải hiện tượng để thức ăn lâu ngày bị thiu

A. Hiện tượng vật lý vì nhiệt độ

B. Thức ăn đổi màu

C. Có mùi hôi

D. Hiện tượng hóa học vì bị các vi khuẩn hoạt sinh gây thối rữa

4. Kết luận

Sau bài học cần nắm:

  • Hiện tượng vật lí là hiện tượng trong đó không có sự biến đổi chất này thành chất khác
  • Hiện tượng hoá học là hiện tượng trong đó có sự biến đổi chất này thành chất khác.
Ngày:24/07/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM