Hoá học 8 Bài 22: Tính theo phương trình hóa học

Khi điều chế một lượng chất nào đó trong phòng thí nghiệm hoặc trong công nghiệp, người ta có thể tính được lượng các chất cần dùng (nguyên liệu). Ngược lại, nếu biết lượng nguyên liệu người ta có thể tính được lượng chất điều chế được (sản phẩm). Để hiểu rõ hơn tiết học này các em sẽ tìm hiểu cách tính theo phương trình hóa học.

Hoá học 8 Bài 22: Tính theo phương trình hóa học

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Bằng cách nào tìm được khối lượng của chất tham gia và chất sản phẩm?

a. Các bước tiến hành

- Bước 1: Chuyển đổi số liệu đầu bài sang số mol.

- Bước 2: Lập Phương trình hóa học

- Bước 3: Dựa vào số mol của chất đã biết tính số mol chất cần tìm theo PTHH

- Bước 4: Tính theo yêu cầu của đề bài.

b. Ví dụ 

Tính khối lượng CaCO3 cần dùng để điều chế được 42 gam CaO?

Hướng dẫn:

Số mol CaO là: \({n_{CaO}} = \frac{{{m_{CaO}}}}{{{M_{CaO}}}} = \frac{{42}}{{56}} = 0,75mol\)

Phương trình hóa học:

CaCO3       →    CaO  +  CO2

  1mol                 1mol

nCaCO3 =?        0,75mol

⇒ nCaCO3 = 0,75 mol

⇒ mCaCO3 = nCaCO3.MCaCO

= 0,75 . 100 = 75 gam

1.2. Bằng cách nào có thể tìm được thể tích chất khí tham gia và sản phẩm?

a. Cách tiến hành

- Bước 1: Chuyển đổi thể tích chất khí thành số mol chất

- Bước 2: Viết phương trình hóa học.

- Bước 3: Dựa vào phương trình phản ứng để tính số mol chất tham gia hoặc sản phẩm.

- Bước 4: Áp dụng công thức tính toán theo yêu cầu của đề bài.

b. Ví dụ 

Cacbon cháy trong oxi hoặc trong không khí sinh ra khí cacbon đioxit: C + O2   CO2

Hãy tìm thể tích khí cacbon đioxit CO2 (Đktc) sinh ra, nếu có 4 gam khí O2 tham gia phản ứng.

Hướng dẫn:

Ta có: \({n_{{O_2}}} = \frac{{{m_{{O_2}}}}}{{{M_{{O_2}}}}} = \frac{4}{{32}} = 0,15(mol)\)

PTHH: C  +  O2  →  CO2

            1mol          1mol

           0,125mol  →  nCO2=?

⇒ \({n_{C{O_2}}} = 0,125(mol)\)

⇒ \({V_{C{O_2}}} = {n_{C{O_2}}}.22,4 = 0,125.22,4 = 2,8l\)

2. Bài tập minh họa

2.1. Dạng 1: Biết PTHH, tính thể tích chất khí tham gia và sản phẩm

Cho 2,4 gam Mg tác dụng với axit clohiđric HCl, tính:

a) Tính thể tích lượng khí thu được sau phản ứng (đktc)?

b) Tính khối lượng axit đã tham gia vào phản ứng?

Hướng dẫn giải

- Theo bài ra ta có số mol Mg là: nMg = 2,4/24 = 0,1 (mol)

- Phương trình hoá học:

Mg     +  2HCl → MgCl2 + H2

1 mol      2 mol             1 mol

0,1 mol     ? mol            ? mol

- Dựa theo tỉ lệ số mol phản ứng giữa Mg với HCl và tỉ lệ với H2 tạo ra, ta có thể viết như ở trên và dễ dàng tính được số mol HCl tham gia phản ứng và số mol H2 tạo thành.

nH2 = nMg = 0,1 mol

nHCl = 2.nMg = 2.0,1 = 0,2 (mol)

a) Thể tích khí H thu được là: VH2 = n.22,4 = 0,1.22,4 = 2,24 (lít)

b) Khối lượng HCl tham gia phản ứng là: mHCl = n.M = 0,2.36,5 = 7,3 (g).

2.2. Dạng 2: Tìm chất dư trong phản ứng.

Đốt cháy 6,2 gam Photpho trong bình chứa 6,72 lít khí Oxi ở đktc. Hãy cho biết sau khi cháy

a) Photpho hay oxi chất nào còn dư?

b) Chất nào được tạo thành và khối lượng là bao nhiêu gam?

Hướng dẫn giải

a) Xác định chất dư

- Theo bài ra ta có:

nP = m : M = 6,2 : 31 = 0,2 mol

nO = V : 22,4 = 6,72 : 22,4 = 0,3 mol

- Phương trình phản ứng

4P + 5O2 → 2P2O5

- Lập tỉ lệ: 0,2/4 = 0,5 < 0,3/5 = 0,6 nên Photpho hết, Oxi dư.

⇒ Ta sẽ tính toán theo lượng chất đã dùng hết là 0,2 mol P

b) Chất được tạo thành: P2O5

- Phương trình hoá học:

4P + 5O2 → 2P2O5

4 mol               2 mol

0,2 mol             x? mol

⇒ x = 0,2.2/4 = 0,1 mol.(quy tắc nhân chéo chia ngang).

⇒ Khối lượng P2O5 : mP2O5 = n.M = 0,1.142 = 14,2 (g).

2.3. Dạng 3: Tính hiệu suất của phản ứng.

Nung 150 kg CaCO3 thu được 67,2 kg CaO. Tính hiệu suất phản ứng.

Hướng dẫn giải

- Phương trình phản ứng:

CaCO3  →   CaO + CO2

 100 kg         56 kg

150 kg           x? kg

- Khối lượng CaO thu được (theo lý thuyết tức là theo PTPƯ) là:

X = (150.56) : 100 = 84 kg

- Hiệu suất phản ứng là: H% = (67,2 : 84).100% = 80%

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Cho 98 g H2SO4 loãng 20% phản ứng với thanh nhôm thấy có khí bay lên. Xác định thể tích khí đó?

Câu 2: Cho 8,45 g Zn tác dụng với 5,376 l khí Clo (đktc). Hỏi chất nào sau phản ứng còn dư?

Câu 3: Nhiệt phân 2,45 g KClO3 thu được O2. Cho Zn tác dụng với O2 vừa thu được. Tính khối lượng chất thu được sau phản ứng?

Câu 4: Đốt cháy 11,2 l CH4 trong không khí thu được khí và nước. Xác định khí và cho biết số mol?

Câu 5: Nung 6,72 g Fe trong không khí thu được sắt (II) oxit. Tính mFeO và VO2

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Cho thanh magie cháy trong không khí thu được hợp chất magie oxit. Biết mMg = 7,2 g. Tính khối lượng hợp chất

A. 2,4 g

B. 9,6 g

C. 4,8 g

D. 12 g

Câu 2: Cho phương trình CaCO3 → CO2 + H2O

Để điều chế 2,24 lít CO2 thì số mol CaCO3 cần dùng là

A. 1 mol

B. 0,1 mol

C. 0,001 mol

D. 2 mol

Câu 3: Ba + 2HCl → BaCl2 + H2

Để thu dược 4,16 g BaCl2 cần bao nhiêu mol HCl

A. 0,04 mol

B. 0,01 mol

C. 0,02 mol

D. 0,5 mol

Câu 4: Cho 5,6 g sắt tác dụng với dung dịch axit clohidric loãng thu được bao nhiêu ml khí H2

A. 2,24 ml

B. 22,4 ml

C. 2, 24.10-3 ml

D. 0,0224 ml

Câu 5: Cho 13,7 g Ba tác dụng với 3,2 g oxi thu được hợp chất oxit. Tính khối lượng oxi sau phản ứng

A. 3,2 g

B. 1,6 g

C. 6,4 g

D. 0,8 g

4. Kết luận

Sau bài học cần nắm: 

  • Kĩ năng lập phương trình hóa học và kĩ năng sử dụng các công thức chuyển đổi giữa khối lượng, thể tích chất khí và số mol.
Ngày:27/07/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM