Lý 9 Bài 45: Ảnh của một vật tạo bởi thấu kính phân kì

Bạn Đông bị cận thị nặng. Nếu bỏ kính ra, ta nhìn thấy mắt bạn to hơn hay nhỏ hơn khi nhìn mắt bạn lúc đang đeo kính? Để trả lời được các câu hỏi trên vả giải được các dạng bài tập từ dễ đến khí, mời các em cùng nghiên cứu bài học. Chúc các em học tốt!

Lý 9 Bài 45: Ảnh của một vật tạo bởi thấu kính phân kì

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Đặc điểm ảnh của một vật tạo bởi thấu kính phân kì

  • Vật sáng đặt ở mọi vị trí trước thấu kính phân kì luôn cho ảnh ảo, cùng chiều, nhỏ hơn vật và luôn nằm trong khoảng tiêu cự của thấu kính.

Ảnh của hai cây nến qua thấu kính phân kì

  • Vật đặt rất xa thấu kính, ảnh ảo của vật có vị trí cách thấu kính một khoảng bằng tiêu cự.

1.2. Cách dựng ảnh 

a) Cách dựng ảnh của một đểm sáng S qua thấu kính phân kì

  • Từ S ta dựng hai tia (trong ba tia đặc biệt) đến thấu kính, sau đó vẽ hai tia ló ra khỏi thấu kính.

  • Nếu hai tia ló cắt nhau thì giao điểm cắt nhau đó chính là ảnh thật S’ của S, nếu đường kéo dài của hai tia ló cắt nhau thì giao điểm cắt nhau đó là chính là ảnh ảo S’ của S qua thấu kính.

Ảnh của một điểm qua thấu kính phân kì

b) Cách dựng ảnh vật sáng AB tạo bởi thấu kính phân kì

Muốn dựng ảnh A’B’ của AB qua thấu kính (AB vuông góc với thấu kính, A nằm trên trục chính), ta chỉ cần dựng ảnh B’ của B bằng hai trong ba tia sáng đặc biệt, sau đó từ B’ hạ vuông góc xuống trục chính ta có ảnh A’ của A.

Ảnh của vật qua thấu kính phân kì

1.3. Độ lớn của ảnh ảo tạo bởi các thấu kính

  • Ảnh ảo tạo bởi thấu kính hội tụ: Ảnh ảo, cùng chiều và lớn hơn vật.

  • Ảnh ảo tạo bởi thấu kính phân kì: Ảnh ảo, cùng chiều và nhỏ hơn vật.

2. Bài tập minh họa

2.1. Dạng 1: Nhận xét về độ lớn của ảnh so với vật

Đặt vật AB trước một thấu kính có tiêu cự f= 12cm. Vật AB cách thấu kính một khoảng d = 8cm, A nằm trên trục chính. Hãy dựng ảnh A'B' của AB. Dựa vào hình vẽ để nêu nhận xét về độ lớn của ảnh so với vật trong hai trường hợp:

  • Thấu kính là hội tụ.
  • Thấu kính là phân kì.

Hướng dẫn giải

Đặt vật AB trong khoảng tiêu cự, ta dựng được ảnh như hình 45.2 và 45.3.

Nhận xét:

Ảnh của vật AB tạo bởi thấu kính hội tụ lớn hơn vật (Hình 45.2).

Ảnh của vật AB tạo bởi thấu kính phân kì nhỏ hơn vật (H.45.3).

2.2. Dạng 2: Dựng ảnh của vật tạo bởi thấu kính phân kì

Trên hình 45.2 cho biết vật AB được đặt vuông góc với trục chính của thấu kính phân kì có tiêu cự f = 12cm. Điểm A nằm trên trục chính và cách quang tâm O một khoảng OA = 24cm. Hãy dưng ảnh A'B' của vật AB tạo bởi thấu kính đã cho.

Hướng dẫn giải

Ảnh A'B' của vật AB tạo bởi thấu kính đã cho được vẽ như hình sau:

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Cho trục của một thấu kính, A’B’ là ảnh của AB như hình vẽ:

a) Không cần vẽ ảnh, hãy cho biết A’B’ là ảnh thật hay ảnh ảo? Thấu kính đã cho là hội tụ hay phân kì? Tại sao?

b) Vẽ hình xác định quang tâm O, tiêu điểm F, F’ của thấu kính.

Câu 2: Đặt vật AB trước một thấu kính phân kì có tiêu cự f = 12 cm. Vật AB cách thấu kính khoảng d = 8 cm. A nằm trên trục chính, biết vật AB = 6 mm. Ảnh của vật AB cách thấu kính một đoạn bằng bao nhiêu?

Câu 3: Một người quan sát vật AB qua một thấu kính phân kì, đặt cách mắt 8 cm thì thấy ảnh của mọi vật ở xa, gần đều hiện lên cách mắt trong khoảng 64 cm trở lại. Xác định tiêu cự của thấu kính phân kì.

Câu 4: Vật AB có độ cao h được đặt vuông góc với trục chính của một thấu kính phân kì. Điểm A nằm trên trục chính và có vị trí tại tiêu điểm F. Ảnh A’B’ có độ cao là h’ thì h' bằng bao nhiêu lần h?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Một vật sáng được đặt tại tiêu điểm của thấu kính phân kì. Khoảng cách giữa ảnh và thấu kính là:

A. f/2

B. f/3

C. 2f

D. f

Câu 2: Vật đặt ở vị trí nào trước thấu kính phân kì cho ảnh trùng với vị trí tiêu điểm:

A. Đặt trong khoảng tiêu cự.

B. Đặt ngoài khoảng tiêu cự.

C. Đặt tại tiêu điểm.

D. Đặt rất xa.

Câu 3: Ảnh ảo của một vật tạo bởi thấu kính hội tụ và thấu kính phân kì giống nhau ở chỗ:

A. đều cùng chiều với vật

B. đều ngược chiều với vật

C. đều lớn hơn vật

D. đều nhỏ hơn vật

Câu 4: Ảnh của một ngọn nến qua một thấu kính phân kì:

A. có thể là ảnh thật, có thể là ảnh ảo.

B. chỉ có thể là ảnh ảo, nhỏ hơn ngọn nến.

C. chỉ có thể là ảnh ảo, lớn hơn ngọn nến.

D. chỉ có thể là ảnh ảo, có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn ngọn nến.

4. Kết luận

Qua bài này, các em sẽ được làm quen với các kiến thức liên quan đến ảnh của một vật tạo bởi thấu kính phân kì cùng với các bài tập liên quan theo nhiều cấp độ từ dễ đến khó,… các em cần phải nắm được: 

  • Nắm được đặc điểm ảnh của một vật tạo bởi thấu kính phân kì.

  • Nắm được cách dựng ảnh của vật qua thấu kính phân kì.

  • Biết cách tính độ lớn của ảnh ảo tạo bởi các thấu kính.

Ngày:17/08/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM