Lý 9 Bài 31: Hiện tượng cảm ứng điện từ

Bạn Thành: xe đạp của mình không có pin acquy mà chỉ có một bình điện, gọi là  đinamô. Không hiểu trong đinamô có cái gì mà khi quay cái núm ở trên thì đèn xe đạp lại sáng? Bạn Hải: Tốt nhất là tháo vỏ đinamô ra xem trong đó có cái gì? Nội dung bài học dưới đây giúp các em trả lời dược thắc mắc trên. Từ đó giải được các dạng bài tập từ dễ đến khó, nhằm giúp các em ôn tập và củng cố kiến thức. Mời các em cùng tham khảo nội dung bài học.

Lý 9 Bài 31: Hiện tượng cảm ứng điện từ

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Cấu tạo và hoạt động của đinamô ở xe đạp

a) Cấu tạo:

  • Một nam châm

  • Cuộn dây

Đinamô ở xe đạp

b) Hoạt động:

Khi quay núm của đinamô thì nam châm quay theo và đèn sáng

1.2. Dùng nam châm để tạo ra dòng điện

a) Dùng nam châm vĩnh cửu

Dòng điện xuất hiện trong cuộn dây dần kín khi ta đưa một cực của nam châm lại gần hay ra xa một đầu cuộn dây đó hoặc ngược lại

Nam châm vĩnh cửu

b) Dùng nam châm điện

Dòng điện xuất hiện ở cuộn dây dần kín trong thời gian đóng ngắt mạch của nam châm điện, nghĩa là trong thời gian dòng điện của nam châm biến thiên.

Nam châm điện

1.3. Hiện tượng cảm ứng điện từ

  • Có nhiều cách dùng nam châm để tạo ra dòng điện trong một cuộn dây dẫn kín. Dòng điện được tạo ra theo cách đó gọi là dòng điện cảm ứng.

  • Hiện tượng xuất hiện dòng điện cảm ứng gọi là hiện tượng cảm ứng điện từ.

1.4. Cách nhận biết sự xuất hiện dòng điện cảm ứng

  • Dùng Ampe kế để nhận biết.

  • Dùng nam châm thử để nhận biết.

  • Có thể dùng bóng đèn để nhận biết.

2. Bài tập minh họa

2.1. Dạng 1: Giải thích về sự xuất hiện của dòng điện

Đặt nam châm điện nằm yên trước cuộn dây dẫn có mắc hai đèn LED song song ngược chiều hình 31.3. Hãy làm thí nghiệm để xác định trong những trường hợp nào dưới đây xuất hiện dòng điện ở cuộn dây có mắc đèn LED.

  •  Trong khi đóng mạch điện của nam châm điện
  •  Khi dòng điện đã ổn định.
  •  Trong khi ngắt mạch điện của nam châm điện.
  •  Sau khi ngắt mạch điện.

Hướng dẫn giải:

Dòng điện xuất hiện khi đóng hoặc ngắt mạch điện của nam châm.

2.2. Dạng 2: Xác định dòng điện xuất hiện trong cuộn dây dẫn kín

Cho 2 đèn LED mắc song song ngược chiều vào 2 đầu của một cuộn dây dẫn và một thanh nam châm vĩnh cửu. Hãy bố trí thí nghiệm như hình 31.2 để tìm hiểu xem dòng điện xuất hiện trong cuộn dây dẫn kín ở trường hợp nào dưới đây:

  •  Di chuyển nam châm lại gần cuộn dây.
  •  Đặt nam châm đứng yên trước cuộn dây.
  •  Đặt nam châm đứng yên trong cuộn dây.
  •  Di chuyển nam châm ra xa cuộn dây.

Hướng dẫn giải:

Trong cuộn dây dẫn xuất hiện dòng điện cảm ứng khi di chuyển nam châm lại gần hoặc ra xa cuộn dây.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Đinamô ở xe đạp có cấu tạo gồm những bộ phận nào?

Câu 2: Ta có thể dùng nam châm nào để tạo ra dòng điện?

Câu 3: Quan sát hình vẽ và cho biết khi nào kim của ampe kế sẽ bị lệch (Tức là xuất hiện dòng điện cảm ứng)?

Ampe kế

Câu 4: Trình bày cách để tạo ra được dòng điện cảm ứng trong đinamô xe đạp?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Cách nào dưới đây không thể tạo ra dòng điện?

A. Quay nam châm vĩnh cửu trước ống dây dẫn kín.

B. Đặt nam châm vĩnh cửu trước ống dây dẫn kín.

C. Đưa một cực của nam châm từ ngoài vào trong một cuộn dây dẫn kín.

D. Rút cuộn dây ra xa nam châm vĩnh cửu.

Câu 2: Cách nào dưới đây không tạo ra dòng điện cảm ứng trong một cuộn dây dẫn kín?

A. Cho cuộn dây dẫn chuyển động theo phương song song với các đường sức từ giữa hai nhánh của nam châm chữ U.

B. Cho cuộn dây dẫn quay cắt các đường sức từ của nam châm chữ U.

C. Cho một đầu của nam châm điện chuyển động lại gần một đầu cuộn dây dẫn.

D. Đặt nam châm điện ở trước đầu cuộn dây rồi ngắt mạch điện của nam châm.

Câu 3: Cách nào dưới đây có thể tạo ra dòng điện cảm ứng trong một cuộn dây dẫn kín?

A. Mắc xen vào cuộn dây dẫn một chiếc pin.

B. Dùng một nam châm mạnh đặt gần đầu cuộn dây.

C. Cho một cực của nam châm chạm vào cuộn dây dẫn.

D. Đưa một cực của thanh nam châm từ ngoài vào trong cuộn dây.

Câu 4: Trong hiện tượng cảm ứng điện từ ta nhận biết được điều gì?

A. Dòng điện xuất hiện trong cuộn dây dẫn đặt gần nam châm.

B. Dòng điện xuất hiện trong cuộn dây đặt trong từ trường của nam châm.

C. Dòng điện xuất hiện khi một cuộn dây dẫn kín quay trong từ trường của nam châm.

D. Dòng điện xuất hiện trong cuộn dây khi cuộn dây chạm vào nam châm.

4. Kết luận

Qua bài này, các em sẽ được làm quen với các kiến thức liên quan đến Hiện tượng cảm ứng điện từ cùng với các bài tập liên quan theo nhiều cấp độ từ dễ đến khó…, các em cần phải nắm được:

  • Cấu tạo và hoạt động của đinamô ở xe đạp

  • Dùng nam châm để tạo ra dòng điện

  • Hiện tượng cảm ứng điện từ. Cách nhận biết sự xuất hiện dòng điện cảm ứng

Ngày:10/08/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM