Lý 9 Bài 49: Mắt cận và mắt lão

Cháu (bị cận thị): Ông ơi! Cháu để kính ở đâu mà tìm mãi không thấy. Ông cho cháu mượn kính của ông một lúc nhé? Ông: Cháu đeo kính của ông thế nào được Cháu: Thế kính của ông khác kính của cháu thế nào ạ? Vậy kính của người bị cận thị và kính của người già khác nhau như thế nào? bài học hôm nay sẽ trả lời các câu hỏi đó. Mời các em cùng nhau tìm hiểu nhé.

Lý 9 Bài 49: Mắt cận và mắt lão

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Mắt cận

a) Những biểu  hiện của mắt cận thị

  • Điểm cực viễn Cv của mắt cận ở gần hơn so với mắt bình thường. 

  • Người bị cận thị có thể nhìn bình thường đối với những mục tiêu ở cự ly gần, nhưng không nhìn rõ đối với những mục tiêu ở cự ly xa nếu mắt không điều tiết.

  • Ví dụ

Khi đọc sách phải đặt gần mắt hơn bình thường.

Ngồi dưới lớp không thấy rõ chữ viết ở trên bảng

b) Nguyên nhân cận thị

  • Xem sách không đủ ánh sáng

  • Xem tivi nhiều

  • Đọc sách quá gần

  • Ngồi học không đúng tư thế

c) Cách khắc phục tật cận thị

  • Cách 1:  Phẫu thuật giác mạc làm thay đổi độ cong của giác mạc

  • Cách 2 : Đeo kính cận ( thấu kính phân kỳ ) để có thể nhìn rõ các vật ở xa mắt. Kính cận thích hợp có tiêu điểm F trùng với điểm cực viễn Cv của mắt

Mắt cận  thị                           

Mắt cận thị khi đeo kính cận

1.2. Mắt lão

a) Những đặc điểm của mắt lão

  • Mắt lão là mắt của người già.
  • Mắt lão nhìn rõ những vật ở xa nhưng không nhìn rõ những vật ở gần như hồi còn trẻ.
  • Điểm cực cận của mắt lão xa mắt hơn so với mắt bình thường.

Người bị tật mắt lão

b) Cách khắc phục tật mắt lão

  • Mắt lão phải đeo kính hội tụ để nhìn rõ các vật ở gần.

  • Kính lão là một thấu kính hội tụ.

Giải thích tác dụng của kính lão

2. Bài tập minh họa

2.1. Dạng 1: Xác định khoảng nhìn rõ của mắt

Giải thích tác dụng của kính cận.

Vẽ ảnh của vật AB qua kính cận ở hình 49.1 SGK. Biết rằng kính cận thích hợp có tiêu điểm F trùng với điểm cực viễm \(C_{v}\) của mắt và khi đeo kính thì mắt nhìn ảnh của vật AB qua kính. Khi không đeo kính, điểm cực viễn của mắt cận ở \(C_{v}\). Mắt có nhìn rõ vật AB hay không? Tại sao?

Hướng dẫn giải

Ảnh của vật AB qua kính cận ở hình 49.1

Khi không đeo kính, mắt cận không nhìn rõ vật AB vì vật này nằm xa mắt hơn điểm cực viễn Ccủa mắt.

2.2. Dạng 2: Xác định tên gọi của thấu kính

Hãy tìm cách kiểm tra xem kính của bạn em và kính của một người già là thấu kính hội tụ hay phân kì.

Hướng dẫn giải

Cách kiểm tra kính của bạn em và kính của một người già là thấu kính hội tụ hay phân kì:

Đặt kính vào sát trang sách và kéo kính ra từ từ:

Nếu nhìn thấy ảnh dòng chữ qua thấu kính nhỏ hơn dòng chữ thật trên trang sách thì đó là thấu kính phân kì.

Còn nếu ảnh dòng chữ qua thấu kính mà lớn hơn kích thước thật của dòng chứ thì đó là thấu kính hội tụ.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Hãy tìm cách so sánh khoảng cực cận của mắt em với khoảng cực cận của mắt một bạn bị cận thị và khoảng cực cận của mắt một người già, rồi rút ra kết luận cần thiết.

Câu 2: Một người cận phải đeo kính có tiêu cự 25cm. Hỏi khi không đeo kính thì người đó nhìn rõ được vật cách xa mắt nhất là bao nhiêu?

Câu 3: Mắt của một người chỉ nhìn rõ được các vật cách mắt từ 10cm đến 100cm. Mắt này có tật gì và phải đeo kính nào?

Câu 4: Điểm cực viễn của mắt lão thì gần hơn điểm cực viễn của mắt thường. Đúng hay sai? Giải thích.

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Để khắc phục tật mắt lão, ta cần đeo loại kính có tính chất như

A. kính phân kì

B. kính hội tụ

C. kính mát

D. kính râm

Câu 2: Kính cận thích hợp là kính phân kì có tiêu điểm F

A. trùng với điểm cực cận của mắt.

B. trùng với điểm cực viễn của mắt.

C. nằm giữa điểm cực cận và điểm cực viễn của mắt.

D. nằm giữa điểm cực cận và thể thủy tinh của mắt.

Câu 3: Biểu hiện của mắt lão là:

A. chỉ nhìn rõ các vật ở gần mắt, không nhìn rõ các vật ở xa mắt.

B. chỉ nhìn rõ các vật ở xa mắt, không nhìn rõ các vật ở gần mắt.

C. nhìn rõ các vật trong khoảng từ điểm cực cận đến điểm cực viễn.

D. không nhìn rõ các vật ở xa mắt.

Câu 4: Biểu hiện của mắt cận là:

A. chỉ nhìn rõ các vật ở gần mắt, không nhìn rõ các vật ở xa mắt.

B. chỉ nhìn rõ các vật ở xa mắt, không nhìn rõ các vật ở gần mắt.

C. nhìn rõ các vật trong khoảng từ điểm cực cận đến điểm cực viễn.

D. không nhìn rõ các vật ở gần mắt.

4. Kết luận

Qua bài này, các em sẽ được làm quen với các kiến thức liên quan đến Mắt cận và mắt láo  cùng với các bài tập liên quan theo nhiều cấp độ từ dễ đến khó…, các em cần phải nắm được: 

  • Nắm được những biểu hiện của mắt cận thị, mắt lão.
  • Biết cách khắc phục tật cận thị, lão thị.
Ngày:17/08/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM