Phân tích và cảm nhận tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du trong Thúy Kiều báo ân báo oán

eLib xin giới thiệu đến các em một số bài văn mẫu về tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du qua đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán Ngữ văn 9. Nhằm giúp các em hiểu rõ về tấm lòng nhân đạo mà tác giả gởi gắm trong đoạn trích. Mời các em tham khảo những bài văn mẫu dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Phân tích và cảm nhận tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du trong Thúy Kiều báo ân báo oán

1. Dàn ý phân tích tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du qua đoạn trích “Thúy Kiều báo ân báo oán”

a. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đoạn trích

+ “Truyện Kiều" là kiệt tác của thi hào dân tộc Nguyễn Du, cũng là kiệt tác của nền văn học Việt Nam. “Truyện Kiều” vừa có giá trị lớn về mặt nội dung vừa có giá trị về mặt nghệ thuật.

+ Phân tích các đoạn trích “Chị em Thuý Kiều”, “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, “Mã Giám Sinh mua Kiều”, “Kiều báo ân báo oán” ta thấy được tác giả đã thương xót cho số phận bất hạnh của Thuý Kiều cũng là thương xót cho số phận bất hạnh của biết bao người phụ nữ trong xã hội cũ.

b. Thân bài

1. Giá trị nhân đạo trong văn học

Khái niệm

- Chủ nghĩa nhân đạo là tư tưởng yêu thương con người, tôn trọng các giá trị của con người.

Biểu hiện

Biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo:

- Trân trọng vẻ đẹp của con người

- Thương xót cho số phận đau thương của con người

- Tố cáo, phê phán những thế lực chà đạp lên con người

- Thấu hiểu ước mơ của con người.

2. Biểu hiện của giá trị nhân đạo trong Truyện Kiều

a) Trân trọng vẻ đẹp của con người

Vẻ đẹp ngoại hình: Nguyễn Du đã dành nhiều ưu ái khi xây dựng chân dung nhân vật.

- Với Thúy Vân, Nguyễn Du miêu tả tỉ mỉ, chi tiết để dựng nên bức chân dung vừa đáng yêu, thiện cảm, vừa trang trọng, quý phái:

“Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”

- Với Thúy Kiều, Nguyễn Du sử dụng bút pháp “tả mây tô trăng”, “điểm nhãn” để dựng nên bức chân dung sắc sảo, hoàn mỹ, không ngôn từ nào diễn tả hết:

“Kiều càng sắc sảo mặn mà

So về tài sắc lại là phần hơn

Làn thu thủy, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”

Cũng như những nhà thơ trung đại khác, Nguyễn Du sử dụng thủ pháp ước lệ để xây dựng chân dung nhân vật, nhưng đối với Nguyễn Du, vẻ đẹp của con người không chỉ sánh ngang với thiên nhiên, mà thậm chí vượt qua thiên nhiên, khiến thiên nhiên phải “thua, nhường”, “ghen, hờn” trước sắc đẹp con người.

Vẻ đẹp đức hạnh

- Cả Thúy Kiều và Thúy Vân đều có đức hạnh đoan trang, đúng mực:

“Phong lưu rất mực hồng quần

Xuân xanh xấp xỉ đến tuần cập kê

Êm đềm trướng rủ màn che

Tường đông ong bướm đi về mặc ai”

Ở Thúy Kiều sáng lên vẻ đẹp của đạo hiếu:

“Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh biết ai đó giờ?

Sân Lai cách mấy nắng mưa

Có khi gốc tử đã vừa người ôm”

Ở Kiều, người đọc còn trân trọng một đức tính thủy chung:

“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trông mai chờ

Chân trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”

Ngoài ra, Thúy Kiều còn có tấm lòng trọng ân nghĩa, khi trả ơn Thúc Sinh, nàng nói:

“Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng

Tại ai há dám phụ lòng cố nhân”

Và một tấm lòng bao dung, độ lượng khi tha thứ cho Hoạn Thư:

“Tha ra thì cũng may đời

Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen

Đã lòng tri quá thì nên”

Vẻ đẹp tài năng: Tiến bộ hơn các nhà thơ thời trung đại, Nguyễn Du còn đề cao người phụ nữ ở phương diện tài năng, ông đã xây dựng một nhân vật Thúy Kiều đa tài, mà tài nào cũng xuất sắc, tuyệt đỉnh:

“Thông minh vốn sẵn tính trời

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm

Cung thương làu bậc ngũ âm

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương

Khúc nhà tay lựa nên chương

Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân”

→ Trong quan niệm của Nguyễn Du, “chữ tài liền với chữ tai một vần”

⇒ Nói đến cái tài, bên cạnh sự trân trọng còn là một dự cảm bất an cho số phận truân chuyên của con người.

c. Kết bài: Nêu cảm nhận của em về tác giả và tác phẩm.

2. Phân tích tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du qua đoạn trích “Thúy Kiều báo ân báo oán”

Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, là một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. "Truyện Kiều" là tác phẩm làm nên tên tuổi của ông, kể về cuộc đời và số phận lênh đênh mười lăm năm lưu lạc của người con gái tài hoa bạc mệnh Thúy Kiều. "Thúy Kiều báo ân báo oán" là một đoạn trích tiêu biểu đã thể hiện được tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du qua việc Kiều báo ân báo oán.

Tấm lòng nhân đạo là tình yêu thương con người. Tấm lòng nhân đạo trong văm học là sự ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp con người, là tấm lòng thương cảm, xót xa trước số phận con người bị đày đọa. "Thúy Kiều báo ân báo oán" là đoạn trích thể hiện tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du qua việc Thúy Kiều trả ơn và báo oán. Đoạn trích nằm ở phần hai "Gia biến và lưu lạc". Trải qua biết bao nạn nọ nạn kia, tưởng rằng phải buông xuôi trước số phận, chính lúc Kiều vô vọng thì Từ Hải xuất hiện - người anh hùng áo vải đội trời đạp đất đã cứu Kiều khỏi lầu xanh và giúp nàng đền ơn trả oán. Đoạn trích "Thúy Kiều báo ân báo oán" miêu tả cảnh Kiều đền ơn những người đã cưu mang giúp đỡ nàng và trừng trị những kẻ đã hại nàng. Đoạn trích thể hiện rõ tấm lòng nhân đạo chủ nghĩa lớn của Nguyễn Du, là sự thể hiện ước mơ công lí theo quan niệm của quần chúng nhân dân: con người bị áp bức đau khổ vùng lên tìm công lí, "ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác".

Trước hết đoạn trích tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du được thể hiện qua cảnh Kiều đền ơn với Thúc Sinh. Trong những người có ơn, Thúc Sinh là người Kiều nhớ tới đầu tiên bởi chàng Thúc là người cứu Kiều ra khỏi lầu xanh, cho nàng cuộc sống gia đình. Thúc Sinh được mời tới nơi Kiều xử án trong cảnh "gươm lớn giáo dài", khiến chàng thư sinh họ Thúc "Mặt như chàm đổ mình dường dẽ run". Hình ảnh ấy gợi trắc ẩn trong lòng Kiều. Những lời nói của nàng với Thúc Sinh xuất phát từ một tấm lòng tri ân, từ tấm lòng trả ơn chân thật:

"Nàng rằng: Nghĩa nặng nghìn non

Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không?

Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng.

Tại ai há dám phụ lòng cố nhân?"

Ta có thể thấy nàng rất trọng tấm lòng và sự giúp đỡ mà Thúc Sinh đã dành cho mình:Thúc Sinh đưa Kiều ra khỏi lầu xanh, cứu nàng thoát khỏi cảnh đời ô nhục. Cùng với chàng Thúc Sinh, Kiều có những ngày tháng êm ấm trong hạnh phúc gia đình, nàng gọi đó là "nghĩa nặng tình non". Vì gắn bó với Thúc Sinh mà đời Kiều thêm một lần khổ, là một kẻ tôi đòi. Tuy nhiên, Kiều hiểu nỗi đau của nàng không phải do Thúc Sinh gây ra mà thủ phạm là Hoạn Thư. Với Kiều thì dù có "gấm trăn cuốn, bạc nghìn cân" cũng chưa xứng với ơn nghĩa của Thúc Sinh. Tấm lòng "nghĩa nặng tình non" thì gấm vóc bạc vàng nào có thể cân đo cho được? Khi nói với Thúc Sinh, Kiều dùng những từ Hán Việt như "nghĩa, tòng, cố nhân, tạ", điển cố "Sâm Thương" - cách nói sang trọng này phù hợp với chàng họ Thúc đồng thời diễn tả được tấm lòng biết ơn trân trọng của Kiều.

Trong khi nói với Thúc Sinh, Kiều đã nhắc tới Hoạn Thư:

"Vợ chàng quỷ quái tinh ma,

Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau.

Kiến bò miệng chén chưa lâu,

Mưu sâu cũng trả, nghĩa sâu cho vừa"

Như vậy với Kiều Hoạn Thư là người khiến nàng không thể vẹn chữ tòng với chàng Thúc, là người đã đày đọa nàng, đã đẩy nàng vào sự đau khổ, xót xa, hờn tủi. Nỗi đau oán hận ấy, Kiều quyết phải trả oán cho bằng được. Điều đó phù hợp với quan niệm có áp bức thì có đấu tranh đòi công lí của nhân dân ta.

Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du còn được thể hiện trong cảnh báo oán của Kiều với Hoạn Thư, thể hiện quan niệm "ở ác gặp ác". Vừa trông thấy Hoạn Thư, Kiều đã thay đổi giọng điệu:

"Thoắt trông nàng đã chào thưa:

Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây!"

Hành động và lời nói của Kiều biểu thị thái độ miệt thị với Hoạn Thư. Nàng đã dùng cách xưng hô của Hoạn Thư trước đây khi Kiều còn làm hoa nô cho nhà họ Hoạn. Trong lời nói của Kiều còn có cả sự đay nghiến. Những câu thơ như dằn ra từng tiếng:

"Đàn bà dễ có mấy tay

Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan!

Dễ dàng là thói hồng nhan

Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều."

Thái độ ấy cho thấu nàng quyết trừng trị Hoạn Thư theo đúng qui luật "càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều".

Trước lời nói, thái độ của Kiều, phút giây đầu, Hoạn Thư có "hồn lạc phách xiêu" nhưng ngay cả trong hoàn cảnh ấy, Hoạn Thư vẫn kịp nhiễu điều kêu ca để biện bạch cho mình. Trước hết, Hoạn Thư dựa vào tâm lý thường tình của người phụ nữ thường hay ghen:

"Rằng: Tôi chút phận đàn bà

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình" Tiếp đến Hoạn Thư kể lại công ơn cho Kiều:

"Nghĩ cho khi gác viết kinh

Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo"

Hoạn Thư đã cho Kiều viết kinh ở Gác Quan Âm và khi Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư, Hoạn Thư cũng không cho người đuổi theo sau nữa. Hoạn Thư nói về tình cảm riêng tư thì rất ngưỡng mộ tài năng, đức hạnh của Kiều:

"Lòng riêng riêng những kính yêu

Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai

Trót lòng gây việc chông gai

Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?"

Dù ngưỡng mộ đến đâu, yêu kính thế nào thì Hoạn Thư cũng không nhường Thúc Sinh cho nàng. Cuối cùng, Hoạn Thư nhận tất cả tội lỗi về mình và nói rằng cười là người bao dung độ lượng tha cho họ thương hay không là tùy thuộc vào tấm lòng đó.

Quyết tâm báo oán, nhưng trước những lời biện bạch "chí tình chí lí" của Hoạn Thư, cuối cùng Kiều quyết định tha cho Hoạn Thư:

"Khen cho thực đã nên rằng

Khôn ngoan rất mực nói năng phải lời

Tha ra thì cũng may đời,

Làm ra mang tiếng là người nhỏ nhen

Đã lòng tri quá thì nên:

Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay"

Hành động tha Hoạn Thư của Thúy Kiều là cách ứng xử phù hợp với quy luật cuộc sống, rất con người, rất trần thế: "Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại".

Nguyễn Du đã thể nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ đối thoại đặc sắc qua hai nhân vật Thúy Kiều và Hoạn Thư. Đoạn trích có sự thay đổi tình tiết so với "Kim Vân Kiều truyện " đó là hành động tha cho Hoạn Thư của Thúy Kiều càng làm nổi bật hình ảnh Kiều rất trung hậu, cao thượng, bao dung. Thay đổi để tái sinh một cuộc sống mới, một con người mới, ở một tầm cao mới, đó không chỉ là tài năng, tâm sức mà còn là bản lĩnh và cái tầm của một thiên tài Nguyễn Du.

Đoạn trích "Thúy Kiều báo ân báo oán" đã thể hiện rõ tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du đó là ước mơ công lí, về hạnh phúc con người. Đoạn thơ mang lại cho mỗi người bài học về sự ứng xử sâu sắc giữa người với người.

3. Cảm nhận tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du qua đoạn trích “Thúy Kiều báo ân báo oán”

Đại thi hào Nguyễn Du để lại cho văn học nước nhà nhiều tác phẩm nổi tiếng và có giá trị, một trong số đó không thể không nhắc tới Truyện Kiều- đỉnh cao văn học dân tộc. Tác phẩm không chỉ phản ánh hiện thực xã hội đồng tiền đầy tiêu cực đương thời mà còn chứa đựng giá trị nhân đạo sâu sắc. Và có thể khẳng định rằng tư tưởng nhân đạo đã xuyên suốt tác phẩm, trở thành một thứ ánh sáng hấp dẫn, khơi dậy mối đồng cảm, xúc động trong lòng độc giả. Đoạn trích "Thúy Kiều báo ân báo oán" là một trong những đoạn trích thể hiện rõ nhất vẻ đẹp của tình thần nhân đạo, quá đó thấy được một tấm lòng cao cả của thi nhân.

Trong văn học, tinh thần nhân đạo được thể hiện rất đa chiều. Đó là tiếng nói cảm thông, xót xa trước những cảnh ngộ bất hạnh, đau đớn. Đó là sự căm phẫn trước sự tàn ác, xấu xa của những kẻ thống trị bạo tàn. Đó còn là sự ca ngợi và trân trọng những ước mơ, khát vọng và lý tưởng đẹp đẽ trong tâm hồn con người, là sự tin yêu, khâm phục dành cho những người xả thân vì nghĩa lớn. Đến với Thúy Kiều báo ân báo oán, ta được cảm nhận một vẻ đẹp mới của tình thân nhân đạo, đó là cả ngợi vẻ đẹp trong đức hạnh và cốt cách của con người, vẻ đẹp của lòng trọng nghĩa, bao dung nơi nàng Kiều.

Vốn dĩ trong cuộc đời, những người đã đưa tay cứu vớt, giúp đỡ ta lúc khó khăn luôn là người đáng được ta trân quý và biết ơn. Và Kiều cũng như thế, với tấm lòng lương thiện, nhân hậu, trọng nghĩa của mình, nàng đâu thể quên được những ơn sâu mà Thúc Sinh đã dành cho. Đó là ngày mà chàng Thúc nhận nàng làm lẽ, giải thoát nàng khỏi chốn lầu xanh nhục nhã, khỏi thân phận kẻ bán hương hoa.

"Bây giờ kẻ ngược, người xuôi,
Biết bao giờ lại nói lời nước non ?

Bởi thế, mà nàng đã chẳng ngần ngại cho mời Thúc Sinh vào trước để trả ơn nghĩa ngày xưa:

" Cho gươm mời đến Thúc lang
Mặt như chàm đổ mình đường dễ run
Nàng rằng:"Nghĩa nặng nghìn non
Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không?"

Lời lẽ đầy chân thành, sâu sắc, thể hiện sự tôn trọng "người cũ" của nàng Kiều. Những ngày tháng Thúc giúp Kiều, hạnh phúc bên Kiều ấy là những tình nghĩa nặng sâu mà Kiều có được.

Trước vẻ mặt đầy run sợ của Thúc Sinh, nàng hiểu được rằng chàng Thúc cũng đang vô cùng lo lắng, sợ hãi nên đã trấn an Thúc Sinh. Hơn ai hết, Kiều biết rằng những khổ đau, éo le xưa kia trước sự ghen tuông của Hoạn Thư không phải là Thúc Sinh gây ra, cũng không phải là điều Thúc Sinh mong muốn, vì vậy mà nàng không hề buông một lời trách than trước Thúc Sinh, trái lại nàng còn mang bạc vàng, lụa là tặng chàng như sự đền ơn đầy kính trọng:

"Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng
Tại ai há dám phụ lòng cố nhân?
Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân
Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là"

Trước lời nói và hành động của Kiều, ta càng cảm phục tấm lòng trọng nghĩa nơi người con gái tài sắc vẹn toàn kia.

Với người ân nhân, Kiều luôn ân cần, từ tốn, nhưng với kẻ gây ra khổ đau cho nàng, Kiều không khỏi xót xa, oán trách khi nhắc đến:

" Vợ chàng quỷ quái tinh ma
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau
Kiến bò miệng chén chưa lâu
Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa"

Nhưng dù kẻ tội nhân kia có gây nên bao tội lỗi, vùi dập nàng bao tủi nhục thì với tấm lòng bao dung của mình, Kiều vẫn thứ tha cho họ. Trách móc đó rồi cũng hạ lòng độ lượng mà tha tội.

Hoạn Thư là vợ chính của Thúc Sinh, sự ghen tuông có phần mù quáng ấy đã khiến cho Kiều bị chà đạp. Giờ đây hai người gặp lại trong hai vị thế khác nhau, Kiều là người chiến thắng còn Hoạn Thư là kẻ tội đồ. Khi Hoạn Thư xuất hiện, Kiều đã lên tiếng trước:

" Thoắt trông nàng đã chào thưa:
Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây!
Đàn bà dễ có mấy tay,
Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan!"

Hai từ "tiểu thư" cùng lời chào thưa trước như một sự mỉa mai người trước mặt kia. Bằng sự sắc lạnh trong từng câu chữ, Kiều đã cảnh cáo tội ác của Hoạn Thư.

" Dễ dàng là thói hồng nhan
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều"

Trước cảnh tình lúc ấy, Hoạn Thư không khỏi sợ hãi "hồn lạc phách xiêu", nàng lấy lời kêu ca mà giãi bày hòng mong Kiều mở lòng từ bi mà giảm tội cho mình. Trước hết Hoạn Thư thú nhận tội lỗi về mình bày tỏ sự chân thành, ghen tuông là câu chuyện thường thấy ở đàn bà. Tiếp theo nàng gợi lại chuyện xưa, chút ân tình nhỏ bé ngày lên các viết kinh và ngày nàng bỏ trốn. Và trong thâm tâm của Hoạn Thư, dẫu cho Kiều là tình địch nhưng nàng vẫn luôn "kính yêu" trân trọng tài năng và đức hạnh nàng Kiều. Trước lời thống thiết có tình, có lý, lời van xin chân thành và đúng mực ấy, Kiều cũng xuôi lòng mà tha tội:

" Khen cho:"Thật đã nên rằng
Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời
Tha ra thì cũng may đời
Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen
Đã lòng tri quá thì nên"
Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay."

Những nếm trải đau thương mà Kiều phải chịu đựng không phải là ít, có lẽ rất khó để thứ tha cho kẻ gây bão khổ đau cho chính mình. Nhưng Kiều đã mang tình thương, sự đồng cảm và bao dung để xua tan những hận thù kia. Kiều tha tội cho Hoạn Thư cũng là lúc lòng Kiều được nhẹ nhàng hơn, oán hận cũng được hoá giải. Tấm lòng cao thượng của Thúy Kiều đã cho thấy được một trái tim đẹp nơi nàng. Và chắc chắn rằng, qua Thúy Kiều, Nguyễn Du đã gửi gắm tấm lòng mình, tinh thần nhân đạo của mình vào trong đó. Đó là sự bao dung, là lòng trọng nghĩa, là lòng yêu chính nghĩa và khát khao công lý để mang lại một xã hội tốt đẹp hơn, công bằng hơn.

Đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán bằng việc xây dựng ngôn ngữ đối thoại đặc sắc, khắc hoạ nhân vật tinh tế đã mang đến một tinh thần mới của chủ nghĩa nhân đạo. Đó là tinh thần được kế thừa và phát huy trong truyền thống với những giá trị cao đẹp của dân tộc.

Ngày:23/10/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM