Phân tích nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong Cảnh ngày xuân

Một trong những làm nên thành công của Nguyễn Du là nghệ thuật miêu tả cảnh thiên nhiên vô cùng sống động, tươi đẹp, trong sáng mà ông đã dùng để vẽ lên bức tranh xuân trong đoạn trích Cảnh ngày xuân này. Bức tranh thiên nhiên mùa xuân ấy quả thực đẹp đẽ đến vô cùng dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du. eLib đã biên soạn một số đề văn mẫu phân tích nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong đoạn trích Cảnh ngày xuân của Nguyễn Du. Mời các em tham khảo. Chúc các em học tập thật tốt!

Phân tích nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong Cảnh ngày xuân

1. Dàn ý phân tích Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong đoạn trích Cảnh ngày xuân của Nguyễn Du

a. Mở bài:

Giới thiệu tác giả, tác phẩm.  Nghệ thuật miêu tả của đoạn trích

Trong Truyện Kiều có nhiều đoạn miêu tả thiên nhiên đặc sắc.

b. Thân bài:

Đoạn thơ Cảnh ngày xuân là bức tranh xuân đẹp, bối cảnh cuộc gặp gỡ Kim - Kiều.

Cảnh ngày xuân:

Thời gian thấm thoát trôi mau, tiết trời đã sang tháng ba, những con én vẫn rộn ràng trên bầu trời trong sáng. Bức họa tuyệt đẹp về mùa xuân. Thảm cỏ non trải rộng đến chân trời, trên nền trời xanh non điểm xuyết vài hoa lê trắng. Màu sắc hài hòa tuyệt diệu gợi nét đặc trưng mùa xuân: Mới mẻ tinh khôi, giàu sức sống (cỏ non) khoáng đạt, trong trẻo (xanh tận chân trời); nhẹ nhàng, thanh khiết (trắng điểm một vài bông hoa) tô điểm làm cho cảnh vật trở nên sinh động, có hồn.

Cảnh lễ hội trong tiết thanh minh:

Các hoạt động của lễ tảo mộ: viếng mộ, quét tước, sửa sang phần mộ người thân...) Hội đạp thanh (đi chơi ở chốn đồng quê).

Phân tích giá trị biểu cảm của các danh từ: yến anh, chị em, tài tử, giai nhân: gợi tả cảnh đông vui, nhiều người đi trẩy hội; các động từ (sắm sửa, dập dìu) gợi tả sự rộn ràng, náo nhiệt của cảnh ngày xuân; các tính từ gần xa, nô nức) làm rõ tâm trạng vui tươi của người đi trẩy hội. Hình ảnh ẩn dụ “nô nức yến anh” đã làm nổi bật không khí hội xuân nhộn nhịp, dập dìu nam thanh, nữ tú quấn quýt cùng đi vui hội xuân.

Khắc họa truyền thống lễ hội văn hóa xa xưa trong tiết Thanh minh.

Cảnh chị em du xuân trở về:

Cảnh tan hội lúc chiều tàn không còn nhộn nhịp, rộn ràng mà nhạt dần, sâu lắng dần, cảnh nhuốm màu tâm trạng buồn của nhân vật trữ tình.

Những từ láy (tà tà. thanh thanh, nao nao) biểu đạt sắc thái cảnh vật, bộc lộ tâm trạng con người.

Tất cả những chuyển động trở nên chậm hơn, không còn tưng bừng như ở phần trước. Cảnh vật ấy như diễn tả tâm trạng luyến tiếc một ngày vui sắp tàn của chị em Thúy Kiều. Đây cùng là tài năng của Nguyễn Du khi chuẩn bị để nhân vật Thúy Kiều gặp mộ Đạm Tiên, gặp Kim Trọng.

Đoạn thơ có kết cấu hợp lí, ngôn ngữ tạo hình, kết hợp bút pháp tả và bút pháp gợi.

c. Kết bài:

Nêu cảm nhận của em về nghệ thuật miêu tả của đoạn trích.

2. Phân tích nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong đoạn trích Cảnh ngày xuân của Nguyễn Du

Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được xem là một kiệt tác của nền văn học dân tộc Việt Nam, không chỉ hấp dẫn độc giả trong nước mà còn thu hút sự chú ý và yêu thích của rất nhiều độc giả nước ngoài. Sở dĩ có sự thành công này, không chỉ bởi Truyện Kiều phản ánh được sinh động hiện thực xã hội đương thời, mang giá trị nhân đạo sâu sắc, mà còn bởi bút pháp nghệ thuật tài tình của Nguyễn Du. Điển hình nhất trong nghệ thuật miêu tả của Truyện Kiều, không thể không kể đến nghệ thuật miêu tả thiên nhiên. Ở đây, ta sẽ đi tìm hiểu nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong đoạn trích “ Cảnh ngày xuân” để thấy được sự tài tình của tài năng Nguyễn Du.

Trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân”, bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp, tràn đầy sức sống được nhà thơ Nguyễn Du gợi ra đầy sinh động, tươi tắn, ngập tràn sắc xuân:

Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

Khung cảnh mùa xuân được nhà thơ gợi ra bằng hình ảnh “con én đưa thoi”. Chim én vốn là một loại chim tiêu biểu, nó luôn gợi nhắc người ta đến mùa xuân bởi chính đặc tính sinh học của nó. Khi xuất hiện những đàn chim én bay lượn trên bầu trời cao là người ta biết mùa xuân đã về. Ngày xuân những cánh én chao liệng như gọi thêm cái náo nức, nhộn nhịp về cho đất trời. Ở đây, Nguyễn Du đã ví những cánh én như những con “thoi”, như để chỉ sự chảy trôi nhanh chóng của ngày xuân tựa như chiếc thoi vẽ những đường tơ mềm mại trên khung vải.

“Thiều quang” là làn ánh sáng đỏ hồng, tỏa rạng rực rỡ và ấp áp của ngày xuân. Trong không khí náo nức của những cánh chim én, bầu trời như cao hơn, rực rỡ hơn bởi những ánh nắng xuân nhẹ nhàng mà đầy tinh khiết, mang lại cái ấm áp cho vạn vật, khoác lên chúng bộ một sắc màu tươi tắn, mới lạ và đầy sức sống. Trên cái khung cảnh tuyệt sắc ấy của thiên nhiên, hình ảnh xanh mướt của cỏ non trải dài ra trước mắt người đọc “ Cỏ non xanh tận chân trời”. Hình ảnh những đám cỏ xanh mơn mởn trải ra bát ngát, mênh mông, dường như không có điểm dừng. Trong cảm nhận của đại thi hào Nguyễn Du, dường như những đám cỏ này trải dài đến tận đường “chân trời”. Trong không khí rộn ràng, khoe sắc của mùa xuân ấy, thu hút thị giác của độc giả không chỉ bởi cái non tươi của cỏ non, mà còn bởi những đốm trắng được điểm xuyết bởi những bông hoa lê “Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Ta có thể thấy, sự xuất hiện của sắc trắng hoa lê đã làm cho bức tranh ngày xuân thêm hoàn mĩ, bộc lộ được trọn vẹn vẻ đẹp của ngày xuân. Sự kết hợp tài tình giữa hai màu xanh- trắng đã làm cho câu thơ tràn trề sức sống của vạn vật, của hoa lá cỏ cây.

Không chỉ không khí của ngày xuân được Nguyễn Du tái hiện một cách sinh động, chân thực mà ngay cả khi bầu trời ngả bóng chiều tà, khi không khí ngày xuân dần dần lặng xuống, nhường chỗ cho bóng tối thì Nguyễn Du vẫn dùng sự tài hoa, tinh tế của mình mang đến cho người đọc một bức tranh chiều tà thật đẹp:

Bước dần theo ngọn tiểu khê

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nao nao dòng nước uốn quanh

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc qua”

 

Tất cả đều thu nhỏ trong bước chân của người ra về. Phong cảnh thì "thanh thanh" nhẹ nhàng, dòng nước tiểu khê thì uốn quanh "nao nao" và chiếc cầu "nho nhỏ" thì "bắc ngang" cuối ghềnh. Cảnh thực đẹp, rất giàu chất thơ, chất họa, phảng phất một nỗi buồn lưu luyến, bịn rịn, bâng khuâng của lòng người. Đồng thời gieo vào lòng người đọc những linh cảm về một điều sắp sửa xảy ra, như là sự dự báo trước cuộc gặp gỡ nấm mồ Đạm Tiên và sự gặp gỡ của hai con người trai tài gái sắc: Thúy Kiều – Kim Trọng. Tóm lại, với bút pháp tả cảnh ngụ tình, kết hợp với việc sử dụng hệ thống những từ láy, hình ảnh giàu tính tạo hình và biểu cảm, tác giả đã khắc họa bức tranh chiều tà trong ngày hội xuân thấm đượm tâm trạng của con người nhân vật. Qua đó cho thấy được tài năng nghệ thuật miêu tả thiên nhiên và tâm trạng con người của Nguyễn Du.

Như vậy, thông qua trích đoạn "Cảnh ngày xuân", chúng ta có thể thấy được tài năng của tác giả Nguyễn Du trong việc miêu tả thiên nhiên. Để phác họa bức tranh mùa xuân tươi đẹp, sáng trong và bức tranh lặng lẽ buổi chiều tà, đại thi hào dân tộc đã lựa chọn những hình ảnh thơ đặc sắc và miêu tả trong sự hài hòa giữa màu sắc, đường nét và hình khối. Đặc biệt, tác giả đã vận dụng thành công bút pháp "tả cảnh ngụ tình" để làm nổi bật dòng tâm trạng của con người ẩn chứa sau cảnh vật, thể hiện sự thống nhất giữa "cảnh" và "tình" giống như ông đã từng khẳng định:

"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"

3. Hãy nêu nét đặc sắc nghệ thuật trong việc miêu tả thiên nhiên của Nguyễn Du trong đoạn trích Cảnh ngày xuân

Khi nhắc tới bút pháp sử dụng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, người ta thường nhắc nhiều về bút pháp miêu tả nội tâm cực kì xuất sắc mà ông đã thể hiện trong mỗi nhân vật của mình. Thế nhưng, người đọc chúng ta mỗi khi đọc đến đoạn trích "Cảnh ngày xuân" thì cũng không khỏi thán phục trước nghệ thuật miêu tả cảnh thiên nhiên vô cùng sống động, tươi đẹp, trong sáng mà ông đã dùng để vẽ lên bức tranh xuân trong đoạn trích này. Bức tranh thiên nhiên mùa xuân ấy quả thực đẹp đẽ đến vô cùng dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du.

Nguyễn Du được mệnh danh là đại thi hào của Việt Nam. Nhắc đến ông chúng ta nhắc đến kiệt tác Truyện Kiều mà một trong những nét độc đáo, hấp dẫn của tác phẩm này là:

“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.”

Trong đoạn thơ có một bức tranh thiên nhiên mùa xuân sáng tươi và rất thơ mộng. Nguyễn Du đã sử dụng rất thành công biện pháp tu từ nhân hóa làm cho cảnh vật trở nên có hồn thơ. Mùa xuân được mở đầu bằng cánh én chao lượn trên không gian. Điểm nhìn của nhà thơ từ thấp nhìn lên cao nên có cảm tưởng như cánh én đang đưa thoi một cách nhịp nhàng, đều đặn. Nhưng có lẽ đặc sắc hơn cả là cách miêu tả cỏ xuân của Nguyễn Du:

“Cỏ non xanh rợn chân trời.”

Trong thơ ca Việt Nam có rất nhiều câu thơ tả cỏ rất đặc sắc:
 “Cỏ xanh như khói bến xuân tươi.”

(Bến đò xuân đầu trại - Nguyễn Trãi)

 hay:

 “Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ.”

(Chiều xuân - Anh Thơ,) 

Cỏ trong câu thơ của Nguyễn Du mang một vẻ đẹp rất riêng, rất tạo hình. “Xanh rợn” là ẩn dụ chuyển đổi cảm giác gợi ra trước mắt người đọc một màu xanh bao la trải dài mãi trong không gian. Nhà thơ đã lấy cái hữu hạn để làm nổi bật cái vô hạn.

Trong màu “xanh rợn” ấy ta cảm thấy có một vị ngọt của mưa xuân, mặc dù trong câu thơ Nguyễn Du không hề nhắc đến, đó là cái tài của nhà thơ. Trong bức tranh thiên nhiên mùa xuân ta còn bắt gặp hình ảnh của những cành lê:

 “Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.”Mùa xuân đã tạo nên màu trắng kì diệu của những bông hoa. Trước mắt chúng ta có những đốm trắng lấm tấm, lưa thưa, có cảm tưởng như có ai vô tình để quên những bông hoa ấy trên cánh lê. Bên cạnh những bức tranh thiên nhiên mùa xuân, trong Truyện Kiều còn bắt gặp bức tranh thiên nhiên mùa hạ:

“Dưới trăng quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.”

Thiên nhiên được cảm nhận trong khoảnh khắc đặc biệt của đêm trăng. Chim quyên được nhân hóa như một vị sứ giả cất tiếng gọi hè. Tiếng chim ấy vang lên trong đêm trăng có cái gì rạo rực, say mê. Mùa hè đến từ từ, chậm chạp làm không gian cùng có một sự thay đổi. Nguyễn Du miêu tả mùa hè bằng những tín hiệu đặc sắc và quen thuộc của nó. Bên cạnh những tiếng chim tu hú, ta còn bắt gặp hình ảnh của những bông lựu đỏ:

“Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.” 

Bốn âm đặt cạnh nhau làm cho câu thơ có âm điệu nhịp nhàng. Nhưng bông lựu đỏ dưới ánh sáng của trăng trở nên lấp lánh được so sánh như những đốm lửa hồng sáng tươi. Những đốm lửa cứ lập lòe trên cành cây, cảnh rất ảo, rất gợi cảm. Mùa hè đã đến, đã thắp lên trên không gian những đốm lửa nhỏ in bóng trên tường. Ngôn ngữ gợi nhiều hơn tả của Nguyễn Du đã để lại cho người đọc ấn tượng sâu sắc.

Bằng bút pháp tài hoa của mình, Nguyễn Du đã vẽ nên cho người đọc thấy được bức tranh thiên nhiên đẹp tuyệt vời của mùa xuân trong tiết Thanh minh. Đoạn trích được kết cấu vô cùng hợp lý với phần mở đầu, diễn biến và kết thúc cùng với các bút pháp nghệ thuật được sử dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn như tả cảnh ngụ tình, chấm phá, lấy điểm tả diện, ... Là một bức tranh thiên nhiên mùa xuân, nhưng nó vẫn được Nguyễn Du lồng vào đó những biểu cảm, những tự sự và những dự cảm của mình về số phận của con người. Phải nói, đoạn trích "Cảnh ngày xuân" là một trong những đoạn trích miêu tả thiên nhiên đặc sắc và điêu luyện nhất của Nguyễn Du.

Kết thúc đoạn trích, người đọc không khỏi trầm trồ trước bức tranh thiên nhiên ngày xuân được vẽ lên bằng thơ của đại thi hào Nguyễn Du. Chỉ với đoạn trích này, Nguyễn Du đã khẳng định được tài năng cũng như bút pháp của một nhà thơ đại tài của dân tộc. Và đoạn trích "Cảnh ngày xuân" cũng như Truyện Kiều sẽ luôn là những tác phẩm đặc sắc nhất trong nền thi ca Việt Nam.

Ngày:18/09/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM