Top 10 Mở bài hay tác phẩm Lặng lẽ Sapa - Nguyễn Thành Long

Việc viết một bài văn, việc lựa chọn ý tưởng và trau chuốt cho mở bài đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để có được một mở bài hay khi phân tích truyện ngắn Làng của Kim Lân. mời các em tham khảo một số mở bài dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Top 10 Mở bài hay tác phẩm Lặng lẽ Sapa - Nguyễn Thành Long

1. Mở bài 1

 Nguyễn Thành Long là một cây bút chuyên về truyện ngắn. Ông đã rất thành công ở các tác phẩm khai thác đề tài về những con người lao động mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa". Tác phẩm không chỉ vẽ ra một bức tranh thiên nhiên đẹp và thơ mộng mà còn là lời ca ngợi những con người đang ngày đêm miệt mài lao động cống hiến cho Tổ quốc.

2. Mở bài 2

“Trong cái im lặng của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta chỉ nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”. “Có những người làm việc và lo nghĩ cho đất nước”, đó là những con người lao động thầm lặng, hi sinh hạnh phúc cá nhân, tìm hạnh phúc trong lao động. Nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” (Nguyễn Thành Long) là một bức chân dung kí hoạ đẹp đẽ về con người này.

3. Mở bài 3

Nguyễn Thành Long là một cây bút có tên tuổi về truyện ngắn được nhiều bạn đọc ưa thích. Các tác phẩm của ông thường phản ánh các cuộc sống sôi động đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên đất nước. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là truyện ngắn như vậy. Truyện đã khắc hoạ được chân dung của người lao động mới, đó là anh thanh niên với những phẩm chất đáng quí: cởi mở, hiếu khách, yêu công việc, khiêm tốn và có phong cách thật đẹp.

4. Mở bài 4

Gấp lại truyện ngắn “Lặng lẽ Sa pa” của Nguyễn Thành Long, lòng ta cứ xao xuyến vấn vương trước vẻ đẹp của những con người, trước những tình cảm chân thành, nồng hậu trong một cuộc sống đầy tin yêu. Dù được miêu tả ít hay nhiều nhân vật nào của “Lặng lẽ Sa pa” cũng hiện lên với nét cao quí đáng khâm phục. Trong đó anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu đã để lại cho chúng ta nhiều ấn tượng khó phai mờ .

5. Mở bài 5

 Nguyễn Thành Long là một trong những cây bút văn xuôi đáng chú ý trong những năm 60 - 70, chỉ chuyên viết về truyện ngắn và kí. “Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn nhẹ nhàng có cốt truyện đơn giản nhưng thật thú vị và ẩn chứa bên trong nhiều ý vị sõu sắc. Tác phẩm như một bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của những con người lao động bỡnh thường mà cao cả, những con người đầy quan tâm, đầy trách nhiệm đối với đất nước mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác quan trắc khí tượng. Nhân vật anh thanh niên chỉ hiện ra trong chốc lát nhưng vẫn là điểm sáng nổi bật nhất của bức tranh về phẩm chất và tâm hồn  tốt đẹp của con người mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc mà tác giả tập trung thể hiện.

6. Mở bài 6

“ Nếu là con chim chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

Một nhà thơ đã từng viết như vậy song chỉ đến khi đọc truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”

của Nguyễn Thành Long, tiếp xúc với các nhân vật trong tác phẩm đặc biệt là anh thanh niên ta mới thấy thấm thía hơn ý nghĩa của những vần thơ trên. Anh thanh niên trong tác phẩm là người có những phẩm chất đáng quí: cởi mở, hiếu khách, yêu công việc, khiêm tốn và có phong cách thật đẹp.

7. Mở bài 7

Trong văn học Việt Nam, hiện đại có những cây bút văn xuôi chỉ chuyên về truyện ngắn và kí. Nguyễn Thàng Long (1925- 1991) là một trong số đó. Bắt đầu viết văn trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở liên khu V, Nguyễn Thành Long được khẳng định như một cây bút truyện ngắn và kí đáng chú ý trong những năm 60-70 với cả gần chục tập sách đã in. Ông là một cây bút cần mẫn và nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, lại rất chú trọng thâm nhập thực tế đời sống. Nhiều sáng tác của Nguyễn Thành Long là kết quả trực tiếp của những chuyến "thâm nhập thực tế" như thế, nhưng truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa lại là một trường hợp đặc biệt.

8. Mở bài 8

Giá như không có chuyến ô tô khách, có lẽ cũng chẳng mấy ai được đặt chân đến Sa Pa, để cảm nhận được vẻ đẹp thanh tú, cái "lặng lẽ" của một vùng núi non trùng điệp mù sương và mộng mơ cao nhất nước Việt này/ trong bản đồ địa hình, Sa Pa nằm bên hữu ngạn sông Hồng, còn con đường sắt dọc theo sông lại nằm ở phía tả ngạn. Cho nên đã thành thông lệ, ai đến Sa Pa hãy đi đường sắt lên chót Lào Cai rồi từ Lào Cai lại đi ô tô khách leo dốc núi 80km nữa mới đến Sa Pa. Chuyến xe khách Lào Cai - Sa Pa vô tình đã trở thành cầu nối, trở thành người dẫn chuyện. Trên chuyến xe khách có ba nhân vật, ngoài người lái xe già trước cách mạng tháng Tám 1945 còn có ông họa sĩ già vui tính và cô kĩ sư nông nghiệp trẻ lần đầu đi Tây Bắc. Họ quen nhau trên một chuyến xe, dù sao cũng là một chuyện bình thường. Tuy nhiên tác giả Nguyễn Thành Long đã miêu tả họ thành ba nhân vật có tâm hồn trong sáng, dễ mến.

9. Mở bài 9

Trong cuộc sống lao động mới, con người là nòng cốt cơ bản để có sự tạo dựng vững chắc. Những phẩm chất tốt đẹp sẽ khẳng định vai trò làm chủ cuộc sống mới. Nhân vật anh thanh niên trong thiên truyện Lặng lẽ Sa Pa là một người như thế. Để nhân vật anh thanh niên hiện rõ những đức tính đáng quý, Nguyễn Thành Long đã để ông họa sĩ làm việc đó qua điểm nhìn của mình. Nội dung truyện đơn giản, không có tình huống thắt nút, gay cấn cho nên câu chuyện giàu chất trữ tình hơn là tự sự. Sự xuất hiện của anh thanh niên, tuy là nhân vật chính với nhiều biểu hiện tốt đẹp nhưng đến rất bất ngờ, gián tiếp qua lời kể của bác lái xe. Và cũng như khi đến, anh lại lặng lẽ khuất lấp vào mây mù trong cái tĩnh lặng muôn thuở của Sa Pa. Hình ảnh anh thanh niên với nhiều phẩm chất như khiêm tốn, yêu lao động, tận tâm với công việc... tất cả thể hiện trên một bức họa lớn nhưng đến ông họa sĩ cũng phải thốt lên: ông biết rõ sự bất lực của nghệ thuật. Con người bé nhỏ nhưng những nét đáng quý khiến anh trở nên lớn lao đến như thế.

10. Mở bài 10

Truyện có bốn nhân vật: bác lái xe, ông họa sĩ, cô kĩ sư và anh thanh niên. Họ thuộc hai thế hệ già và trẻ, nghề nghiệp khác nhau nhưng ở họ lại có nhiều điểm rất gần gũi mà trước hết là những nét đẹp trong suy nghĩ, trong thái độ với cuộc sống, với công việc và với những người khác. Những nhân vật ấy (và cả những nhân vật chỉ được nói đến trong lời kể của người thanh niên) đều được tác giả đặt tên. Điều này hẳn không phải là không có dụng ý của tác giả. Nhà văn muốn thể hiện họ là những con người bình thường, bình dị trong một cuộc gặp gỡ bất ngờ trên hành trình của một chuyến xe khách, như là chúng ta có thể gặp những con người như thế ở nhiều nơi trên đất nước. Những nhân vật trong truyện ít nhiều đều có màu sắc lí tưởng, nhưng họ cũng là hình ảnh những con người mang vẻ đẹp của mỗi thời kì lịch sử.

Ngày:29/10/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM