Cảm nhận hình ảnh người mẹ trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm

eLib xin giới thiệu đến các em một số đề văn mẫu cảm nhận hình ảnh người mẹ trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ Ngữ văn 9. Mời các em tham khảo ba đề văn mẫu dưới đây nhé, hi vọng rằng đây sẽ là tài liệu bổ ích để các em tham khảo. Chúc các em học tập tốt.

Cảm nhận hình ảnh người mẹ trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm

1. Phân tích hình ảnh người mẹ trong bài thơ khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm

Nguyễn Khoa Điềm được biết đến là một trong những gương mặt nổi bật trong các thế hệ nhà thơ chống Mĩ cứu nước. Thơ của ông không câu lệ về hình thức, về câu từ hoa mĩ mà rất nhẹ nhàng, đơn giản, tự nhiên, đời thường. Với ngôn ngữ mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng thấm thía ấy, ông đã sáng tác rất nhiều những tác phẩm tiêu biểu như Đất ngoại ô, Cửa thép, Mặt đường khát vọng... Nổi bật số đó là tập thơ "Đất và khát vọng", trong đó, tiêu biểu là bài thơ "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ".

Bài thơ là khúc hát ru, tác giả ru cho em Cu Tai ngủ nhưng đồng thời cũng là miêu tả hình ảnh người mẹ. Những lời ru của người mẹ trong tác phẩm là những lời ru thầm sâu thẳm trong trái tim người mẹ chứ nó không được cất lên thành lời. Lời ru của tác giả và lời ru của người mẹ nối tiếp nhau, đan cài, hoà quyện vào nhau làm nên những khúc hát ru vừa đằm thắm, dịu dàng, vừa trầm tư, sâu lắng. Vì kết cấu bài thơ như những khúc hát ru nên bài thơ cứ trở đi trở lại một số khúc giống nhau như những nét nhạc chủ đạo trong một bài hát. Bài thơ có ba khúc ru. Mỗi khúc hát ru là một đoạn thơ. Ở đoạn thơ thứ nhất, người mẹ ru con khi địu con trên lưng và giã gạo nuôi bộ đội. Giấc ngủ của em nghiêng nghiêng theo nhịp chày, thấm mồ hôi lao động vất cả của mẹ. Người mẹ Tà Ôi thương con nhất mực không lúc nào chịu rời con đã lấy lưng làm nôi và đôi vai gầy làm gối cho con. Và lời ru con của mẹ cất lên bên cối gạo giữa sàn nhà cũng chính là lời tâm sự, lời tự nhủ, lời mẹ thầm nói với chính mình. Lòng yêu con của mẹ gắn liền với tình thương yêu bộ đội:

“Mẹ thương A Kay, mẹ thương bộ đội
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
Mai sau con lớn vung chày lún sân...”

Giấc mơ của người con cũng chính là ước mơ của mẹ, tất cả hội tụ lại trong tình thương yêu sâu sắc những anh bộ đội cụ Hồ. Tình thương vô bờ bến và niềm hi vọng của người mẹ đối với đứa con được tác giả sử dụng những hình ảnh vô cùng độc đáo. Với hình ảnh người mẹ

“Tà Ôi địu con tỉa bắp trên núi Kai Lưi:
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ con nằm trên lưng.”

Tác giả khéo léo sử dụng hình ảnh mặt trời vào những câu thơ này. Cùng là mặt trời nhưng ở mỗi câu thơ lại là một cách miêu tả khác nhau của tác giả. Mặt trời trong câu thơ trên là hình ảnh mặt trời thực tế, mặt trời đem lại ánh sáng, sự sống cho cây cỏ, muôn loài, cụ thể ở đây là những cây ngô cho nhiều bắp to. Còn hình ảnh mặt trời ở câu thơ sâu là hình ảnh mặt trời ẩn dụ. Tác giả nói em Cu Tai là mặt trời của mẹ. Tình yêu thương con vô hạn, mong đợi ở con rất nhiều. Con là nguồn sống, là niềm vui, là niềm hạnh phúc, là tất cả tương lai của mẹ. Hai câu thơ, hai hình ảnh tôn nhau lên, đối ý với nhau, đã làm nổi bật tình thương yêu sâu sắc và niềm hi vọng lớn lao của người mẹ đối với đứa con. Lời ru của người mẹ Tà Ôi ngân nga trong trái tim mẹ khi mẹ địu con đi tỉa bắp vẫn hướng về đứa con thơ yêu quí của mình. Lòng thương yêu con của mẹ trong hoàn cảnh này gắn liền với tình thương yêu dân làng – những người dân lao động nghèo đói:

“Mẹ thương A Kay, Mẹ thương làng đói
Con mơ cho mẹ hạy bắp lên đều
Mai sau con lớn phát mười Ka Lưi.”

Hình ảnh người hiện lên ngày càng đẹp. Mẹ địu con trong tư thế chuyển lán, đạp rừng. Mẹ địu con đi đánh trận cuối. Lòng yêu con của mẹ đến đây đã gắn liền với tình yêu quê hương đất nước. Thương con bao nhiêu thì mẹ thương đất nước bấy nhiêu. Mẹ gửi gắm vào giấc mơ của đứa con nhỏ, niềm khao khát được gặp Bác Hồ và hơn hết là mông đất nước sớm được độc lập tự do.

“Con mơ cho mẹ được gặp Bác Hồ
Mai sau con lớn thành người tự do”

Người mẹ Tà Ôi không cất tiếng hát ru bên cánh võng hay chiếc nôi mà tiếng hát ru ấy được ngân lên trong trái tim người mẹ khi địu con giã gạo, tỉa bắp trên núi, khi mẹ “chuyển lán”, “đạp rừng” hoặc trên đường ra chiến trường để giành trận cuối. hình ảnh một người mẹ lao động, trực tiếp sản xuất, phục vụ cho chiến đấu của toàn dân tộc được hiện lên rõ ràng trong những câu văn của Nguyễn Khoa Điềm. Tình thương con, thương bộ đội, thương dân làng, thương đất nước hoà quyện vào nhau trong tấm lòng của một người mẹ miền núi yêu nước trong những năm tháng chống Mĩ khó khăn, gian khổ. Theo bước chân của người mẹ, không gian cũng đưuọc mở rộng dần từ sân khi mẹ giã gạo đến ngọn núi Kai Lưi khi mẹ đi tỉa bắp rồi cả những con suối. Ước mơ, khát vọng của mẹ cũng được gửi gắm qua lời hát ru tha thiết, nặng tình nghĩa ấy càng lúc càng lớn dần.

Bài thơ xây dựng hình ảnh người mẹ Tà-ôi, nuôi con thơ mà làm đủ mọi việc cho công cuộc chống Mỹ, góp phần vào thắng lợi chung cho đất nước. Một người mẹ tuy lao động nhọc nhằn mà ước mơ bay bổng, toát lên một niềm tin vững chắc cho tương lai. Đây là một hình tượng hiếm có trong thơ ca cách mạng hiện đại, sánh cùng với những hình tượng khác hình ảnh người mẹ khác trong hai cuộc chiến của dân tộc ta đó là: mẹ Tơm, mẹ Suốt, người mẹ-người cầm súng Út Tịch.....đã góp nên một bài ca của những người mẹ Việt Nam anh hùng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” với tám chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng.

2. Nêu cảm nhận của em về hình ảnh người mẹ trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Nổi bật trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm là hình ảnh người mẹ Tà-ôi như là biểu tượng về người mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là một con người rất mực thương con nhưng cũng vô cùng yêu nước. Dường như đứa con yêu quý và đất nước thân thương; nuôi con nên người và đánh giặc giải phóng quê hương là những gì trọng đại nhất, cao quý nhất của người mẹ này trong những năm đất nước phải gồng mình chống đế quốc Mĩ xâm lược.

Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943, tại Huế, ông là một nhà thơ, nhà chính trị Việt Nam. Sáng tác của ông bao gồm một số tác phẩm tiêu biểu như tập thơ Đất và khát vọng, Đất ngoại ô, Mặt đường khát vọng,... Nguyễn Khoa Điềm là một trong những gương mặt tiêu biểu của các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ, thơ của ông là sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng về đất nước về nhân dân, về những con người bình dị không ai nhớ mặt đạt tên đã làm ra đất nước.

Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác ở chiến khu phía Tây Thừa Thiên vào ngày 25/3/1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang dần đi đến thắng lợi, tuy nhiên đời sống chiến đấu của quân dân ta còn nhiều khó khăn gian khổ. Bài thơ được in trong tập Đất và khát vọng (1984), là sự kết hợp giữa thể thơ tám chữ và một số câu 7 chữ, âm điệu của bài thơ nhẹ nhàng, như ôm ấp, vỗ về của một lời ru, chính giọng điệu trữ tình này đã thể hiện được tình cảm thiết tha trìu mến cảu người mẹ đối với con, đối với cách mạng, với đất nước, quê hương.

Bài thơ đồng thời là lời hát ru. Tác giả ru em Cu Tai ngủ ngoan (đồng thời miêu tả hình ảnh người mẹ). Người mẹ trong bài ru em ngủ ngoan nhưng đó là lời ru thầm, lời ru trong tim (Lưng đưa nôi và tim hát thành lời). Lời ru của tác giả và lời ru của người mẹ nối tiếp nhau, đan cài, hòa quyện vào nhau làm nên những khúc hát ru vừa đằm thắm, dịu dàng, vừa trầm tư, sâu lắng. Vì kết cấu bài thơ như những khúc hát ru nên bài thơ cứ trở đi trở lại một số khúc giống nhau như những nét nhạc chủ đạo trong một bài hát. Bài thơ có ba khúc ru. Mỗi khúc hát ru là một đoạn thơ. Ở đoạn thơ thứ nhất, người mẹ ru con khi địu con trên lưng và giã gạo nuôi bộ đội. Giấc ngủ của em nghiêng nghiêng theo nhịp chày, thấm mồ hôi lao động vất cả của mẹ. Người mẹ Tà Ôi thương con nhất mực không lúc nào chịu rời con đã lấy lưng làm nôi và đôi vai gầy làm gối cho con. Và lời ru con của mẹ cất lên bên cối gạo giữa sàn nhà cũng chính là lời tâm sự, lời tự nhủ, lời mẹ thầm nói với chính mình. Lòng yêu con của mẹ gắn liền với tình thương yêu bộ đội:

"Mẹ thương A Kay, mẹ thương bộ đội
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
Mai sau con lớn vung chày lún sân..."

Ước mơ của người mẹ nối liền với giấc mơ của con và cùng hội tụ lại trong tình thương yêu sâu sắc những anh bộ đội. Trong đoạn thơ thứ hai, bà mẹ Tà Ôi địu con đi tỉa bắp trên núi Ka Lưi. Tình thương yêu và niềm hi vọng vô bờ của người mẹ đối với đứa con được thể hiện bằng lời và những hình ảnh độc đáo:

"Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ con nằm trên lưng."

Trong câu thơ trên hình ảnh mặt trời là một hình ảnh thực. Mặt trời đem lại ánh sáng, sự sống cho cây cỏ, làm cho cây cỏ thêm tươi tốt, như cây ngô bắp to, hạt mẩy. Hình ảnh mặt trời ở câu thơ sau là ẩn dụ. Tác giả so sánh ngầm Cu Tai là mặt trời của mẹ. Coi con như mặt trời thì quả là lòng mẹ yêu quý con vô hạn, mong đợi ở con rất nhiều. Đó là ánh sáng, là nguồn sống, là niềm vui, là niềm hạnh phúc, là tất cả tương lai của mẹ. Hai câu thơ, hai hình ảnh tôn nhau lên, đối ý với nhau, đã làm nổi bật tình thương yêu sâu sắc và niềm hi vọng lớn lao của người mẹ đối với đứa con. Lời ru của người mẹ Tà Ôi ngân nga trong trái tim mẹ khi mẹ địu con đi tỉa bắp vẫn hướng về đứa con thơ yêu quý của mình. Lòng thương yêu con của mẹ trong hoàn cảnh này gắn liền với tình thương yêu dân làng – những người dân lao động nghèo đói.

Đặc biệt hơn hết, ta còn thấy hình ảnh của người mẹ hiện lên trên chiến trường, hình ảnh này là một sự phát triển tất yếu của người mẹ từ vị trí hậu phương, phục vụ kháng chiến thầm lặng, thì hôm nay mẹ tham gia vào cuộc kháng chiến một cách mạnh mẽ hơn, trực tiếp hơn, mẹ giúp bộ đội "chuyển lán", "đạp rừng", "giành trận cuối" với quân Mỹ trong kháng chiến.

3. Bình giảng hình ảnh người mẹ trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Văn học Việt Nam đã dựng lên nhiều tượng đài về hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Đó là “Mẹ suốt” của Tố Hữu, “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Đình Thi, “Hơi ấm ổ rơm” của Nguyễn Duy… và không thể không nhắc tới người mẹ dân tộc Tà ôi trong “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm. Bài thơ sáng tác năm 1971 là lời hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ. Hình tượng trung tâm của bài thơ là người mẹ bền bỉ, gắn bó với kháng chiến, nặng lòng với quê hương đất nước và yêu con tha thiết.

“Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” được sáng tác vào năm 1971 khi Nguyễn Khoa Điềm đang ở chiến khu phía Tây Thừa Thiên. Đến năm 1984, bài thơ được in trong tập “Đất và khát vọng”. Với giọng thơ nhẹ nhàng, tha thiết như một lời ru đã giúp người đọc thấy được tình cảm trìu mến của người mẹ dành cho con của mình.

Trong “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” hình ảnh người mẹ hiện lên gắn liền với cuộc sống lao động thường ngày:

"Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội,
Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng.
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi,
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối,
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:"

Đầu tiên hình ảnh người mẹ gắn liền với công việc làm nương rẫy, chăm lo cho cuộc sống của bộ đội kháng chiến. Để có được hạt gạo trắng ngần, có được những bữa cơm nóng hổi nuôi bộ đội, người mẹ phải làm lụng vất vả, phải đổ biết bao mồ hôi công sức. Dù không trực tiếp tham gia chiến trường thế nhưng người mẹ đã làm hết sức mình nơi hậu phương để có thể góp phần làm nên chiến thắng của nhân dân ta. Cái hay, cái đẹp của đoạn thơ còn ở chỗ hình ảnh lao động của người mẹ gắn liền với giấc ngủ của con thơ “nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng”. Đây vừa là hình ảnh tả thực em bé được địu trên lưng mẹ vừa vô cùng ấm áp, thiêng liêng bởi nó đem đến cho người đọc cảm giác người mẹ và em bé như đang cùng chung một nhịp đập, cùng nhau chia sẻ công việc khó nhọc này. Dù đang ngủ say giấc nhưng dường như em Cu – tai cũng đang cảm nhận được sự vất vả của mẹ: “Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi”. Đặc biệt hình ảnh tả thực đôi vai gầy của mẹ cũng thể hiện được tình thương, nỗi vất vả của mẹ. Người mẹ ấy vừa phải chăm lo cho đứa con thơ của mình, vừa phải gánh trên vai trọng trách tiếp tế lương thực nơi chiến trường vậy mà trái tim của mẹ vẫn dành cho con tình yêu thương hết mực, vẫn hang say lao động bằng tất cả tình thương của mình.

Ở những câu thơ sau hình ảnh người mẹ vẫn tiếp tục là hình ảnh người mẹ gắn liền với lao động sản xuất:

" Mẹ đang trỉa bắp trên núi Ka-lưi
Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ,"

" Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi,
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng."

Trước hết, ta có thể thấy Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng rất thành công thủ pháp tương phản để vừa làm nổi bật không gian mênh mông rộng lớn của núi rừng vừa thể hiện sự vất vả khó nhọc của người mẹ. So với không gian mênh mông rộng lớn kia thì hình ảnh người mẹ trông thật nhỏ bé ấy vậy mà nó vẫn bừng sáng khắp không gian. Người mẹ không chỉ tích cực tham gia tang gia sản xuất mà còn mang trên vai “mặt trời” của mẹ với tất cả tình cảm yêu thương, chăm sóc. Hình ảnh ẩn dụ này vừa thể hiện rằng đứa con như là nguồn sống của người mẹ vừa khẳng định rằng đây chính là nguồn năng lượng lớn nhất, tiếp sức cho mẹ vượt qua biết bao gian truân, khó nhọc.

Và rồi từ vị trí hậu phương vững chắc ta đã thấy hình ảnh người mẹ được hiện lên nơi chiến trường, được tham gia vào kháng chiến một cách trực tiếp hơn:

"Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng.
Thằng Mỹ đuổi ta phải rời con suối
Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông,
Mẹ địu em đi để dành trận cuối.
Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường,
Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn."

Khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất thì mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp không phân biệt già, trẻ, lớn, bé đều đứng dậy cầm súng ra trận thì người mẹ ấy cũng góp sức mình vào việc “chuyển lán”, “đạp rừng”… Đây là những công việc còn khó khăn gấp trăm lần vậy mà hình ảnh đứa con vẫn xuất hiện trên lưng mẹ. Giấc ngủ của em theo chân mẹ tới mọi nẻo đường, cùng mẹ trải qua mọi khó khăn, gian khó. Lúc này đây đứa con không chỉ là nguồn sống, là nguồn sức mạnh mà nó còn như một người bạn cùng mẹ vượt qua mọi nẻo đường.

Ngày:29/10/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM