Luận văn Thạc sĩ Ngân hàng

Một đề tài luận văn thạc sĩ thú vị sẽ giúp việc đạt điểm số cao dễ dàng hơn. Vậy làm thế nào để lựa chọn được đề tài luận văn Thạc sĩ Ngân hàng thú vị? Phương thức trình bày của luận văn Thạc sĩ Ngân hàng như thế nào? Mời các bạn cùng tham khảo chuyên mục Luận văn Thạc sĩ Ngân hàng được eLib chia sẻ sau đây.

1. Luận văn Thạc sĩ Ngân hàng là gì?

Luận văn thạc sĩ Ngân hàng là một công trình nghiên cứu của một học viên cao học khối ngành Ngân hàng, có những đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu hoặc nghĩ ra một giải pháp có giá trị trong việc phát triển và nâng cao tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu, giải quyết sáng tạo các vấn đề của ngành khoa học hay thực tiễn kinh tế - xã hội.

Luận văn thạc sĩ Ngân hàng chính là một văn bản gốc thể hiện khả năng nghiên cứu độc lập của một học viên cao học (dưới sự hướng dẫn của người hướng dẫn khoa học (được gọi là GVHD) và khả năng phân tích, truyền đạt kết quả của công trình đó có ý nghĩa. Do đó, Luận văn thạc sĩ Ngân hàng phải được trình bày thận trọng bằng ngôn ngữ khoa học và phải đảm bảo một điều là một người nào đó không trực tiếp tham gia nghiên cứu có thể hiểu được, tiếp tục và thậm chí lặp lại công trình đó được.

2. Yêu cầu đối với luận văn Thạc sĩ Ngân hàng

Yêu cầu đối với luận văn:

- Luận văn Ngân hàng của chương trình theo định hướng nghiên cứu là một báo cáo khoa học, có đóng góp mới về mặt lý luận, học thuật hoặc có kết quả mới trong nghiên cứu một vấn đề khoa học mang tính thời sự thuộc chuyên ngành đào tạo;

- Luận văn Ngân hàng của chương trình theo định hướng ứng dụng là một báo cáo chuyên đề kết quả nghiên cứu giải quyết một vấn đề đặt ra trong thực tiễn hoặc báo cáo kết quả tổ chức, triển khai áp dụng một nghiên cứu lý thuyết, một mô hình mới... trong lĩnh vực chuyên ngành vào thực tế;

- Luận văn Ngân hàng phải có giá trị khoa học, giá trị thực tiễn, giá trị văn hoá, đạo đức và phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam;

- Luận văn Ngân hàng phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật sở hữu trí tuệ. Việc sử dụng hoặc trích dẫn kết quả nghiên cứu của người khác hoặc của đồng tác giả phải được dẫn nguồn đầy đủ, rõ ràng tại vị trí trích dẫn và tại danh mục tài liệu tham khảo. Kết quả nghiên cứu trong luận văn phải là kết quả lao động của chính tác giả, ch­ưa đ­ược người khác công bố trong bất cứ một công trình nghiên cứu nào;

- Luận văn Ngân hàng được trình bày khoa học, rõ ràng, mạch lạc, khúc chiết, không tẩy xóa.

3. Bố cục bài luận văn Thạc sĩ Ngân hàng

Số chương của mỗi Luận án tùy thuộc vào từng chuyên ngành và đề tài cụ thể, nhưng thông thường bao gồm những phần và chương sau:

- Lời cam đoan của tác giả

- Tóm tắt luận án

- Mở đầu: Trình bày lý do chọn đề tài, mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài nghiên cứu.

- Tổng quan tình hình nghiên cứu, mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu: Phân tích, đánh giá các công trình nghiên cứu đã có của các tác giả trong và ngoài nước liên quan mật thiết đến đề tài; nêu những vấn đề còn tồn tại; chỉ ra những vấn đề mà đề tài cần tập trung nghiên cứu, giải quyết.

- Cơ sở lý luận và giả thuyết khoa học: Trình bày các cơ sở lý thuyết, lý luận, giả thuyết khoa học đã được sử dụng trong Luận án.

- Phương pháp nghiên cứu: Trình bày phương pháp nghiên cứu đã được sử dụng trong luận án; việc xây dựng các mô hình quan niệm; việc thực nghiệm/ mô phỏng; Mô tả phương pháp thực nghiệm được dùng và những kịch bản xảy ra khi kiểm tra, thử nghiệm các mô hình quan niệm.

- Kết quả nghiên cứu, phân tích và bàn luận kết quả nghiên cứu: Mô tả ngắn gọn các kết quả nghiên cứu, thực nghiệm. Phần bàn luận phải căn cứ vào các dữ liệu khoa học thu được trong quá trình nghiên cứu, thực nghiệm của đề tài hoặc đối chiếu với kết quả nghiên cứu, thực nghiệm của các tác giả khác thông qua các tài liệu tham khảo. Nêu bật lên những kết quả nghiên cứu mới của Luận án bằng các minh chứng cụ thể.

- Kết luận và kiến nghị về những nghiên cứu tiếp theo: Trình bày những kết quả mới của Luận án một cách ngắn gọn không có lời bàn và bình luận thêm. Đề xuất và kiến nghị những nghiên cứu tiếp theo từ kết quả của Luận án

- Danh mục công trình công bố của tác giả: Liệt kê các bài báo, công trình đã công bố của tác giả về nội dung của đề tài, theo trình tự thời gian công bố (theo tiêu chuẩn trích dẫn của IEEE).

- Danh mục tài liệu tham khảo: Chỉ bao gồm các tài liệu được trích dẫn, sử dụng và đề cập tới để sử dụng trong luận án.

- Phụ lục. 

4. Cách trình bày luận văn Thạc sĩ Ngân hàng

4.1 Ngôn ngữ

Để viết và trình bày luận văn là tiếng Việt hoặc tiếng Anh.

Trường hợp chọn ngôn ngữ tiếng Anh để viết và trình bày luận án, học viên cao học (HVCH) cần có văn bản đề nghị, được cán bộ hướng dẫn (CBHD) đồng ý và nộp cho phòng Đào tạo Sau đại học (phòng ĐT SĐH) vào thời điểm đăng ký đề tài luận văn để xin ý kiến phê duyệt của Thủ trưởng cơ sở đào tạo (CSĐT). Luận văn viết và trình bày bằng tiếng Anh phải có bản tóm tắt luận văn viết bằng tiếng Việt.

Tóm tắt luận văn: Tóm tắt luận văn phải in theo kích thước 140 x 210 mm (khổ A4 gập đôi). Tóm tắt luận văn được trình bày nhiều nhất trong 24 trang in trên hai mặt giấy, cỡ chữ Times New Roman 11 của hệ soạn thảo Winword hoặc phần mềm soạn thảo Latex đối với các chuyên ngành thuộc ngành Toán. Mật độ chữ bình thường, không được nén hoặc kéo dãn khoảng cách giữa các chữ. Chế độ dãn dòng là Exactly 17pt. Lề trên, lề dưới, lề trái, lề phải đều là 1.5 cm. Các bảng biểu trình bày theo chiều ngang khổ giấy thì đầu bảng là lề trái của trang. Tóm tắt luận án phải phản ảnh trung thực kết cấu, bố cục và nội dung của luận án, phải ghi đầy đủ toàn văn kết luận của luận án.

4.2 Soạn thảo văn bản

Luận văn phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, sạch sẽ, không được tẩy xóa, có đánh số trang, đánh số bảng biểu, hình vẽ, đồ thị

Luận văn được in trên một mặt giấy A4 (210 x 297 mm) và không vượt quá 80 trang A4, không tính phần phụ lục (nếu có). Cỡ chữ Times New Roman 13 của hệ soạn thảo Winword hoặc tương đương. Mật độ chữ bình thường, không được nén hoặc kéo dãn khoảng cách giữa các chữ; dãn dòng đặt ở chế độ 1,5 lines; lề trên 3,5cm; lề dưới 3 cm; lề trái 3,5cm; lề phải 2 cm. Số trang được đánh ở giữa, phía cuối mỗi trang giấy.

4.3 Tiểu mục

Các tiểu mục của luận văn được trình bày và đánh số thành nhóm chữ số, nhiều nhất gồm bốn chữ số với số thứ nhất chỉ số chương (ví dụ: 4.1.2.1. chỉ tiểu mục 1 nhóm tiểu mục 2 mục 1 chương 4). Tại mỗi nhóm tiểu mục phải có ít nhất hai tiểu mục, nghĩa là không thể có tiểu mục 2.1.1 mà không có tiểu mục 2.1.2 tiếp theo.

4.4 Bảng biểu, hình vẽ, phương trình

Việc đánh số bảng biểu, hình vẽ, phương trình phải gắn với số chương; ví dụ hình 3.4 có nghĩa l hình thứ 4 trong Chương 3. Mọi đồ thị, bảng biểu lấy từ các nguồn khác phải được trích dẫn đầy đủ. Nguồn được trích dẫn phải được liệt kê chính xác trong danh mục Tài liệu tham khảo. Đầu đề của bảng biểu ghi phía trên bảng, đầu đề của hình vẽ ghi phía dưới hình. Thông thường, những bảng ngắn và đồ thị phải đi liền với phần nội dung đề cập tới các bảng và đồ thị này ở lần thứ nhất. Các bảng dài có thể để ở những trang riêng nhưng cũng phải tiếp theo ngay phần nội dung đề cập tới bảng này ở lần đầu tiên.

Các bảng rộng vẫn nên trình bày theo chiều đứng dài 297mm của trang giấy, chiều rộng của trang giấy có thể hơn 210mm. Chú ý gấp trang giấy sao cho số và đầu đề của hình vẽ hoặc bảng vẫn có thể nhìn thấy ngay mà không cần mở rộng tờ giấy. Tuy nhiên hạn chế sử dụng các bảng quá rộng này.

Đối với những trang giấy có chiều đứng hơn 297mm (bản đồ, bản vẽ…) thì có thể để trong một phong bì cứng đính bên trong bìa sau của luận văn. Các hình vẽ phải sạch sẽ bằng mực đen để có thể sao chụp lại; có đánh số và ghi đầy đủ đầu đề, cỡ chữ phải bằng cỡ chữ sử dụng trong văn bản luận văn. Khi đề cập đến các bảng biểu và hình vẽ phải nêu rõ số của hình và bảng biểu đó, ví dụ “… được nêu trong Bảng 4.1” hoặc “xem Hình 3.2” mà không được viết “… được nêu trong bảng dưới đây” hoặc “trong đồ thị của X và Y sau”.

Việc trình bày phương trình toán học trên một dòng đơn hoặc dòng kép tùy ý, tuy nhiên phải thống nhất trong toàn luận văn. Khi ký hiệu xuất hiện lần đầu tiên thì phải giải thích và đơn vị tính phải đi kèm ngay trong phương trình có ký hiệu đó. Nếu cần thiết, danh mục của tất cả các ký hiệu, chữ viết tắt và nghĩa của chúng cần được liệt kê và để ở phần đầu của luận văn. Tất cả các phương trình cần được đánh số và để trong ngoặc đơn đặt bên phía lề phải. Nếu một nhóm phương trình mang cùng một số thì những số này cũng được để trong ngoặc, hoặc mỗi phương trình trong nhóm phương trình (5.1) có thể được đánh số là (5.1.1), (5.1.2), (5.1.3).

4.5 Viết tắt

Không lạm dụng việc viết tắt trong luận văn. Chỉ viết tắt những từ, cụm từ hoặc thuật ngữ được sử dụng nhiều lần trong luận văn. Không viết tắt những cụm từ dài, những mệnh đề; không viết tắt những cụm từ ít xuất hiện trong luận văn. Nếu cần viết tắt những từ thuật ngữ, tên các cơ quan, tổ chức… thì được viết tắt sau lần viết thứ nhất có kèm theo chữ viết tắt trong ngoặc đơn. Nếu luận văn có nhiều chữ viết tắt thì phải có bảng danh mục các chữ viết tắt (xếp theo thứ tự ABC) ở phần đầu luận văn.

4.6 Tài liệu tham khảo và các trích dẫn

Mọi ý kiến, khái niệm có ý nghĩa, mang tính chất gợi ý không phải của riêng tác giả và mọi tham khảo khác phải được trích dẫn và chỉ ra nguồn trong danh mục tài liệu tham khảo của luận văn.

Không trích dẫn những kiến thức phổ biến, mọi người đều biết cũng như không làm luận văn nặng nề với những tham khảo trích dẫn. Việc trích dẫn, tham khảo chủ yếu nhằm thừa nhận nguồn của những ý tưởng có giá trị giúp người đọc theo được mạch suy nghĩ của tác giả, không làm trở ngại việc đọc.

Nếu không có điều kiện tiếp cận được một tài liệu gốc mà phải trích dẫn thông qua một tài liệu khác thì phải nêu ra trích dẫn này, đồng thời tài liệu gốc đó không được liệt kê trong danh mục tài liệu tham khảo của luận văn.

Cách sắp xếp danh mục tài liệu tham khảo xem phụ lục 5. Việc trích dẫn là theo số thứ tự của tài liệu ở danh mục tài liệu tham khảo và được đặt trong ngoặc vuông, khi cần có cả số trang, ví dụ [15, tr.314-315]. Đối với phần được trích dẫn từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, số của từng tài liệu được đặt độc lập trong từng ngoặc vuông, theo thứ tự tăng dần, ví dụ [19], [25], [41], [42].

4.7 Phụ lục của luận văn

Phần này bao gồm nội dung cần thiết nhằm minh họa hoặc hỗ trợ cho nội dung luận văn như số liệu, mẫu biểu, tranh ảnh… Phụ lục không được dày hơn phần chính của luận văn.

5. Kinh nghiệm viết luận văn Thạc sĩ Ngân hàng

5.1 Lựa chọn đề tài nghiên cứu

Đây là bước đầu tiên vô cùng quan trọng, quyết định đến chất lượng của cả luận văn bạn làm. Hãy lựa chọn những đề tài chưa từng xuất hiện và được nghiên cứu, hãy sử dụng óc sáng tạo của bạn. Tuy nhiên chủ đề được chọn phải đáp ứng yêu các yêu cầu dành cho luận văn thạc sĩ, đặc biệt phải có tính học thuật và ứng dụng tốt, khả thi và có giá trị thực tiễn.

Có một điều chắc chắn là mọi người không ai thích nghe lại những điều đã biết rồi, và cả giáo viên chấm điểm cũng vậy. Hãy cho họ thấy những chủ đề mới mẻ nhưng thật hữu ích.

5.2 Xây dựng kế hoạch và phân bổ thời gian hợp lý

Sau khi đã lựa chọn được đề tài nghiên cứu, hãy bắt đầu ngay khi có thể. Hãy dành thời gian thật nhiều cho việc tìm hiểu các kiến thức cùng cơ sở dữ liệu liên quan đến đề tài bạn lựa chọn. Bên cạnh việc tìm hiểu thông tin, bạn cũng cần lên ý tưởng cho chủ đề đó. Sáng tạo là cần thiết, tuy nhiên chúng cũng cần thực tế.

5.3 Cách lập luận trong luận văn Thạc sĩ

Vì bạn lựa chọn một chủ đề mới mẻ nên người nghe chắc chắn không có thời gian tìm hiểu chủ đề đó một cách chuyên sâu như bạn, chính vì vậy hãy liên kết các thông tin lại một cách đơn giản và dễ hiểu nhất.

Hãy thống kê và ghi chú một cách hợp lý lượng thông tin, kiến thức nhằm tránh những sai sót không cần thiết. Trích dẫn nguồn đầy đủ và thống nhất theo quy chuẩn trích dẫn nguồn quốc tế.

6. Danh mục đề tài luận văn Thạc sĩ Ngân hàng hay nhất

Dưới đây là một số gợi ý về đề tài luận văn Thạc sĩ Ngân hàng mà eLib muốn chia sẻ đến bạn, cùng tham khảo phát triển và áp dụng cho bài luận văn của mình nhé!

- Hoàn thiện công tác quản lý nợ xấu tại Ngân hàng cổ phần thương mại Đông Á - chi nhánh quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

- Nâng cao chất lượng tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam chi nhánh Đông Sài Gòn.

- Phân tích tình hình tài chính của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh phục vụ các quyết định vay vốn.

- Phân tích tình hình cho vay đối với doanh nghiệp ngành bất động sản của Ngân hàng Cổ phần thương mại Á Châu - Chi nhánh Sài Gòn.

- Cho vay ngắn hạn đối với cá nhân sản xuất kinh doanh và hộ gia đình của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Sìn Hồ - Tỉnh Lai Châu.

- Phân tích tình hình tài chính của Tổng công ty may Nhà Bè - Công ty CP.

- Phân tích mối quan hệ giữa hiệu quả sử dụng nguồn lực của các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam và sự tăng trưởng kinh tế quốc gia.

- Thực trạng, giải pháp quản lý, hạn chế rủi ro tín dụng tại sở giao dịch 2 - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội.

- Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng trong cho vay nông hộ của các ngân hàng thương mại cổ phẩn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

- Nâng cao khả năng huy động vốn khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng - chi nhánh Cộng Hòa.

- Quản trị rủi ro tín dụng trong hoạt động cho vay nông hộ tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn – chi nhánh huyện Đông Hỷ – tỉnh Thái Nguyên.

- Hoàn thiện hoạt động kinh doanh dịch vụ Internet Banking tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Kon Tum.

- Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định không dùng tiền mặt tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công Thương - Chi Nhanh Hải Phòng.

- Phân tích hiệu quả sử dụng vốn tại Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí - Công ty TNHH Nhà nước MTV.

- Phát triển cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam chi nhánh Đống Đa, Hà Nội.

- Kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại Thành Phố Hải Phòng.

- Quản lý thuế nội địa đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

- Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh thông qua hệ thống báo cáo tài chính kế toán.

- Quản lý tài chính tại bệnh viện Vùng Tây Nguyên - Tỉnh Đăk Lăk.

- Hoạt động cho vay khách hàng cá nhân có tài sản đảm bảo tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - chi nhánh huyện Đông Anh, Tp. Hà Nội.

- Phân tích cấu trúc tài chính của Công ty Cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt.

- Phân tích tình hình tài chính khách hàng trong hoạt động cho vay khác hàng cá nhân tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Đông Sài Gòn.

- Phân tích và lập kế hoạch tài chính cho Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam.

- Tăng trưởng tín dụng khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng.

- Giải pháp đầu tư phát triển nông nghiệp Đồng Bằng sông Hồng trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu.

- ...

Trên đây là một số thông tin hữu ích về luận văn Thạc sĩ và hướng dẫn xây dựng bố cục, trình bày nội dung cho một bài luận văn Thạc sĩ hoàn chỉnh. Ngoài ra, eLib còn chia sẻ đến bạn một số đề tài luận văn Thạc sĩ Ngân hàng mới nhất và các bài luận văn Thạc sĩ Ngân hàng mẫu làm tư liệu học tập trong quá trình hoàn thành luận văn Thạc sĩ của mình. Mời các bạn cùng tham khảo.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM