Sinh học 6 Bài 17: Vận chuyển các chất trong thân

Thông qua kiến thức Vận chuyển các chất trong thân các em sẽ được hướng dẫn tự tiến hành thí nghiệm để chứng minh: nước và muối khoáng từ rễ lên thân, nhờ mạch gỗ, các chất hữu cơ trong cây được vận chuyển nhờ mạch rây.

Sinh học 6 Bài 17: Vận chuyển các chất trong thân

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Vận chuyển nước và muối khoáng hòa tan

- Các em chú ý quan sát thí nghiệm sau:

Video 1: Vận chuyển nước và muối khoáng hòa tan

- Quan sát lát cắt ngang thân:

Lát cắt ngang thân

- Mạch gỗ trong cốc A bị nhuộm màu đỏ của dung dịch trong cốc thí nghiệm.

- Kết luận: Nước và muối khoáng được vận chuyển lên thân nhờ mạch gỗ.

1.2. Vận chuyển chất hữu cơ

- Thí nghiệm:

  • Dùng dao sắc bóc 1 khoanh vỏ trên cành cây.
  • Quan sát vị trí quanh vết cắt khoanh vỏ của cành cây đó sau 1 tháng.

Thí nghiệm minh họa vận chuyển chất hữu cơ

A - Cành cây đã bóc vỏ và mạch rây

B- Cành đó sau một tháng

- Kết quả: Khi bóc vỏ là cắt đứt mạch rây. Vì vậy các chất hữu cơ vận chuyển qua mạch rây bị ứ lại ở mép trên, không chuyển xuống được, các tế bào tầng sinh vỏ ở đây nhận được rất nhiều dinh dưỡng, phân chia mạnh hơn làm cho mép trên phình to.

- Kết luận: Chất hữu cơ trong cây được vận chuyển từ lá xuống đến các cơ quan nhờ mạch rây.

- Trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân sử dụng phương pháp này để chiết cành, nhằm nhanh chóng tạo ra cây giống phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Chiết cành

1.3. Tổng kết

- Mạch gỗ vận chuyển nước, muối khoáng từ rễ lên thân và lá.

- Mạch rây vận chuyển chất hữu cơ từ lá xuống thân, rễ.

2. Bài tập minh họa

Mô tả thí nghiệm chứng minh mạch gỗ của thân vận chuyển nước và muối khoáng.

Hướng dẫn giải

  • Chuẩn bị hai cành hoa hồng trắng và hai cốc nước, một cốc nước bình thường và một cốc nước nhỏ thêm mực (đỏ/ xanh) để tạo màu. Cắm mỗi cành hồng trắng vào một cốc nước. Sau khoảng 2 giờ, ta sẽ thấy cành hồng trắng trong cốc nước màu sẽ dần đổi màu gần như màu cốc nước (hơi đỏ hoặc hơi xanh), cành hồng trong cốc còn lại vẫn giữ nguyên màu trắng.
  • Dùng dao nhọn cắt ngang cành hoa bị đổi màu, ta sẽ thấy có các chấm có màu đậm (đỏ/ xanh). Quan sát vị trí và hình dang của chấm đó dưới kính lúp sẽ nhận thấy chúng là lát cắt ngang của mạch gỗ. Kết luận: mạch gỗ của thân vận chuyển nước và muối khoáng.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Giải thích vì sao mép vỏ phía trên chỗ cắt phình to ra? vì sao mép vỏ ở phía dưới không phình to ra?

Câu 2: Mạch rây có chức năng gì?

Câu 3: Nhân dân ta thường làm như thể nào để nhân giống nhanh cây ăn quả như: cam bưởi, nhãn vải, hồng xiêm…?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Để nhận biết khả năng hút nước và muối khoáng của thực vật, ta nên chọn những cành hoa có bông màu gì ?

A. Màu đỏ

B. Màu trắng

C. Màu tím

D. Màu vàng

Câu 2: Khi cắm một cành hoa trắng vào dung dịch coban thì sau một thời gian, màu sắc của cánh hoa sẽ thay đổi như thế nào ?

A. Cánh hoa chuyển sang màu tím

B. Cánh hoa chuyển sang màu hồng

C. Cánh hoa chuyển sang màu đỏ

D. Cánh hoa chuyển sang màu xanh

Câu 3: Khi lấy cành của cây thân gỗ và tiến hành bóc một khoanh vỏ thì sau một thời gian sẽ xuất hiện hiện tượng gì tại vị trí này ?

A. Phần mép vỏ ở phía dưới phình to ra

B. Phần mép vỏ ở phía trên phình to ra

C. Mép vỏ ở phía trên và phía dưới phần vỏ bị bóc đều phình to ra

D. Phần thân đã bị bóc vỏ bị phình to ra

Câu 4: Ở thực vật, nước và muối khoáng vận chuyển từ rễ lên thân là nhờ

A. mạch gỗ

B. mạch rây

C. tế bào kèm

D. đai Caspari

Câu 5: Mạch rây có chức năng chủ yếu là gì ?

A. Vận chuyển nước

B. Vận chuyển chất hữu cơ đi nuôi cây

C. Tổng hợp chất hữu cơ

D. Vận chuyển muối khoáng

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Tự tiến hành thí nghiệm để chứng minh: Nước và muối khoáng từ rễ lên thân nhờ mạch gỗ, các chất hữu cơ trong cây được vận chuyển nhờ mạch rây.
  • Rèn luyện thao tác thực hành, quan sát, so sánh.
  • Có ý thức bảo vệ thực vật, nghiêm túc khi thực hành thí nghiệm.
Ngày:06/08/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM