Sinh học 6 Bài 16: Thân to ra do đâu?

Trong quá trình sống, cây không những cao lên mà còn to ra. Vậy thân to ra là nhờ bộ phận nào? Thân cây gỗ trưởng thành có cấu tạo như thế nào? Cùng tìm hiểu thông qua nội dung bài học dưới đây!

Sinh học 6 Bài 16: Thân to ra do đâu?

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Tầng phát sinh

Sơ đồ cắt ngang của thân cây trưởng thành

- Thân cây trưởng thành có thêm tầng sinh vỏ và tầng sinh trụ

  • Tầng sinh vỏ: nằm trong lớp vỏ, hằng năm sinh ra một lớp tế bào vỏ ở phía trong một lớp thịt vỏ.
  • Tầng sinh trụ nằm giữa mạch rây và mạch gỗ, hằng năm sinh ra phía ngoài một lớp mạch rây, phía trong một lớp mạch gỗ.

Cấu tạo thân trưởng thành

Hình 2: Cấu tạo thân trưởng thành

- Vỏ cây to ra là nhờ sự phân chia tế bào ở mô phân sinh của tầng sinh vỏ. Hằng năm sinh ra phía ngoài một lớp tế bào vỏ, phía trong một lớp thịt vỏ.

- Trụ giữa to ra là nhờ sự phân chia tế bào ở mô phân sinh của tầng sinh trụ. Hằng năm sinh ra phía ngoài một lớp mạch rây, phía trong một lớp mạch gỗ.

→ Thân cây to ra là do sự phân chia các tế bào mô phân sinh ở tầng sinh vỏ và tầng sinh trụ.

1.2. Vòng gỗ hàng năm

  • Đối với cây ở vùng nhiệt đới, hằng năm về mùa mưa, cây hấp thụ được nhiểu thức ăn, tầng sinh trụ tạo nhiều mạch gỗ to, có thành mỏng xếp thành một vòng dây, màu sáng. Mùa khô ít thức ăn, các tế bào gỗ sinh ra ít hơn, bé hơn có thành dày xếp thành một vòng mỏng, màu sẫm. Đó là vòng gỗ hằng năm.
  • Dựa vào vòng gỗ hàng năm có thể xác định được tuổi của cây.

Vòng gỗ hàng năm

1.3. Dác và ròng

Dác và ròng

Điểm khác nhau cơ bản giữa dác và ròng?

- DÁC

  • Dác là lớp gỗ màu sáng ở phía ngoài.
  • Gồm những tế bào mạch gỗ sống .
  • Có chức năng vận chuyển nước và muối khoáng.

- RÒNG

  • Ròng là lớp gỗ màu thẫm, rắn chắc hơn dác, nằm phía trong.
  • Gồm những tế bào chết, vách dày.
  • Có chức năng nâng đỡ cây. 

2. Bài tập minh họa

Câu 1: Tại sao một số cây gỗ bị khoét ruột mà vẫn sống được?

Hướng dẫn giải

Không có ruột (ròng) cây vẫn sống vì dác vận chuyển nước và muối khoáng đi nuôi cây. Nhưng nếu không có dác cây sẽ chết vì không vận chuyển được nước và muối khoáng.

Câu 2: Có thể xác định được tuổi của cây gỗ bằng cách nào? 

Hướng dẫn giải

- Có thể xác định được tuổi của cây gỗ bằng cách đếm những vòng gỗ hằng năm.

  • Mùa mưa, cây hấp thụ được nhiều thức ăn, tầng sinh trụ tạo nhiều mạch gỗ to, có vách mỏng, xếp thành một vòng dày, màu sáng.
  • Mùa khô, cây hấp thụ được ít thức ăn, các tế bào gỗ sinh ra ít hơn, bé hơn, có vách dày, xếp thành một vòng mỏng, màu sẫm.

- Đó là những vòng gỗ hằng năm. Dựa vào đó ta có thể xác định được tuổi của cây.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Cấu tạo trong của thân trưởng thành khác gì so với cấu tạo trong của thân non? Theo em nhờ bộ phận nào mà thân cây to ra được ( Vỏ ? Trụ giữa ? Cả vỏ và trụ giữa?)

Câu 2: Vỏ cây to ra nhờ bộ phận nào? Trụ giữa to ra nhờ bộ phận nào? Thân cây to ra nhờ đâu?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Ở thân cây gỗ trưởng thành, tầng sinh trụ nằm ở đâu ?

A. Nằm chìm trong lớp thịt vỏ

B. Nằm xen giữa mạch rây và mạch gỗ

C. Nằm phía ngoài mạch rây

D. Nằm bên trong mạch gỗ

Câu 2: Thành phần nào dưới đây không có trong cấu tạo của thân cây gỗ trưởng thành ?

A. Mô phân sinh gióng

B. Tầng sinh trụ

C. Tầng sinh vỏ

D. Ruột

Câu 3: Thông thường, khi ta bóc vỏ cây thân gỗ thì những thành phần nào sẽ bị loại bỏ khỏi cây?

A. Biểu bì và thịt vỏ

B. Biểu bì, thịt vỏ và mạch gỗ

C. Biểu bì, thịt vỏ và mạch rây

D. Mạch rây và mạch gỗ

Câu 4: Vòng gỗ hằng năm được biểu hiện rõ nét nhất ở những cây thân gỗ sống ở

A. vùng cận nhiệt đới

B. vùng nhiệt đới

C. vùng ôn đới

D. vùng hàn đới

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Trả lời được câu hỏi: Thân to ra do đâu?
  • Phân biệt được dác và ròng; tập xác định tuổi cây qua việc đếm vòng gỗ hằng năm.
  • Rèn luyện kĩ năng quan sát, so sánh.
  • Có ý thức bảo vệ thực vật, trồng cây xanh cải tạo môi trường
Ngày:05/08/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM