Sinh học 6 Bài 51: Nấm

Để giúp cho các em tìm hiểu các kiến thức về nấm: Nấm mốc trắng, nấm rơm, đặc điểm sinh học của nấm và tầm quan trọng của nấm trong đời sống. Từ đó giúp các em biết cách ngăn chặn sự phát triển của nấm có hại, phòng ngừa một số bệnh ngoài da do nấm gây ra. Mời các em tham khảo nội dung tại đây!

Sinh học 6 Bài 51: Nấm

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Mốc trắng

a. Quan sát hình dạng và cấu tạo mốc trắng

  • Mốc trắng có cấu tạo dạng sợi phân nhánh rất nhiều bên trong có chất tế bào và nhiều nhân, không có vách ngăn giữa giữ tế bào, trắng suốt không màu, không có chất diệp lục và không có chất màu nào.

Hình dạng, kích thước và cấu tạo của nấm mốc

  • Mốc trắng dinh dưỡng bằng hình thức hoại sinh các mốc bám chặt vào bánh mì hay cơm thiu hút lấy nước và chất hữu cơ để sống.
  • Mốc trắng sinh sản bằng bào tử, hình thức sinh sản vô tính.

b. Một vài loại mốc khác

Nấm mốc xanh và mốc đen

1.2. Nấm rơm

  • Nấm rơm là 1 loại nấm mũ, thường mọc quanh chân các đống rơm, rạ mục; trên đất ẩm. Về mùa mưa chúng phát triển nhiều.

Nấm rơm

  • Cấu tạo nấm rơm gồm 2 phần: phần sợi nấm là cơ quan sinh dưỡng và phần mũ nấm là cơ quan sinh sản, mũ nấm nằm trên cuống nấm. Dưới mũ nấm có các phiến mỏng chứa rất nhiều bào tử. Sợi nấm gồm nhiều tế bào phân biệt nhau bởi vách ngăn, mỗi tế bào đều có 2 nhân và không có chất diệp lục.

Cấu tạo của nấm mũ

  • Cơ quan sinh dưỡng: Là những sợi nấm gồm nhiều tế bào có vách ngăn, không có diệp lục
  • Cơ quan sinh sản: gồm mũ nấm năm trên cuống nấm. Mặt dưới mũ nấm có các phiến mỏng chứa nhiều bào tử
  • Sinh sản vô tính bằng bào tử

1.3. Đặc điểm sinh học của nấm

  • Nấm cần nhiệt độ và độ ẩm thích hợp để phát triển.
  • Nấm không cần ánh sáng và không có diệp lục, không có hiện tượng quang hợp.
  • Ngoài ra ánh sáng còn có tác dụng diệt khuẩn.

a. Điều kiện phát triển của nấm

  • Chất hữu cơ có sẵn
  • Nhiệt độ (25-30 độ C)
  • Độ ẩm thích hợp

b. Cách dinh dưỡng

  • Hoại sinh: hút chất hữu cơ có trong đất giàu xác thực vật, phân động vật, lá, gỗ mục.
  • Kí sinh: sống bám trên cơ thể sống động, thực vật, người.
  • Cộng sinh: hình thức sống của 2 loài có quan hệ dinh dưỡng với nhau, cùng có lợi và không thể tách rời nhau.

1.4. Tầm quan trọng của nấm

a. Nấm có ích

  • Phân giải chất hữu cơ thành chất vô cơ: Các nấm hiển vi trong đất 
  • Sản xuất rượu, bia, chế biến 1 số thực phẩm, làm men nở bột mì: 1 số nấm men 
  • Làm thức ăn: Men bia, các nấm mũ như nấm hương, nấm rơm, nấm sò, nấm gan bò, mộc nhĩ,.. 
  • Làm thuốc: Mốc xanh, nấm linh chi,... 

Một số loại nấm có ích

b. Nấm có hại

  • Gây bệnh cho cây trồng làm thiệt hại mùa màng: Nấm von, nấm than,...
  • Gây bệnh cho người: Nấm gây bệnh hắc lào, chứng nước ăn chân 
  • Làm hỏng thức ăn, đồ uống: Nấm mốc,....
  • 1 số nấm độc có thể gây ngộ độc khi ăn và có thể dẫn đến tử vong: Nấm độc đỏ, nấm độc đen, nấm lim,... 

Một số nấm độc

2. Bài tập minh họa

Câu 1: Nêu hình dạng và cấu tạo của mốc trắng?

Hướng dẫn giải

Mốc trắng có cấu tạo dạng sợi, phân nhánh nhiều, bên trong có chất tế bào và nhiều nhân, nhưng không có vách ngăn giũa các tế bào.

Câu 2: Quan sát cấu tạo của “cây” nấm

  • Nhìn hình vẽ với các ghi chú trên hình phân biệt các phần(mũ nấm, chân nấm, cuống nấm).
  • Nhìn mặt dưới mũ nấm thấy gì?
  • Nếu có mẫu thật hãy lấy một phiến mỏng dưới mũ nấm, đặt lên kính dùng đầu kim mũi mác dầm nhẹ, đem soi dưới kính hiển vi sẽ thấy gì?

Hướng dẫn giải

  • Quan sát trên hình phân biệt mũ nấm, chân nấm, cuống nấm.
  • Nhìn mặt dưới mũ nấm có các phiến mỏng.
  • Nếu quan sát dưới kính hiển vi sẽ nhìn thấy rất nhiều bào tử nấm.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Thế nào là sự dị dưỡng? Nêu sự khác nhau giữa lối sống kí sinh và lối sống hoại sinh?

Câu 2: Vì sao nấm và phần lớn vi khuẩn có lối sống dị dưỡng? 

Câu 3: Vì sao quần áo để nơi ẩm thấp lại xuất hiện những chấm đen và nhanh bị rách? 

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Mốc trắng dinh dưỡng bằng hình thức

A. kí sinh

B. tự dưỡng

C. cộng sinh

D. hoại sinh

Câu 2: Khi nói về mốc trắng, nhận định nào dưới đây là không chính xác?

A. Thường tìm thấy trong cơm để lâu ngày, ruột bánh mì để thiu

B. Tồn tại vách ngăn giữa các tế bào trong sợi nấm

C. Sinh sản bằng bào tử

D. Không chứa diệp lục

Câu 3: Chất kháng sinh pênixilin được sản xuất từ một loại

A. nấm men

B. mốc trắng

C. mốc tương

D. mốc xanh

Câu 4: Loại nấm nào dưới đây được xếp vào nhóm nấm mũ?

A. Nấm hương

B. Nấm mỡ

C. Nấm rơm

D. Tất cả các phương án đưa ra

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Nêu được đặc điểm của nấm nói chung là gì ( về cấu tạo, dinh dưỡng, sinh sản,…)
  • Phân biệt được các loại nấm
  • Rèn kĩ năng quan sát, phân tích
Ngày:07/08/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM