Sinh học 6 Bài 13: Cấu tạo ngoài của thân

Nội dung bài học dưới đây giúp các em tìm hiểu về các bộ phận cấu tạo ngoài của thân gồm: thân chính, cành, chồi ngọn và chồi nách. Phân biệt cành, chồi ngọn và chồi nách (chồi lá và chồi hoa) dựa vào vị trí, đặc điểm và chức năng. 

Sinh học 6 Bài 13: Cấu tạo ngoài của thân

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Cấu tạo ngoài của thân

Một đoạn thân cây

Hình 1: Ảnh chụp một đoạn thân cây

1. Chồi ngọn 2. Chồi nách 3. Thân chính 4. Cành

- Thân cây gồm:

  • Thân chính.
  • Cành.
  • Chồi ngọn: giúp thân, cành dài ra.
  • Chồi nách: phát triển thành cành mang lá hoặc cành mang hoa hoặc hoa.

Cấu tạo của chồi lá và chồi hoa

Cấu tạo của chồi lá (A) và chồi hoa (B)

1. Mô phân sinh ngọn 2. Mầm hoa 3. Mầm lá

+ Sự giống nhau và khác nhau về cấu tạo của chồi hoa và chồi lá là:

  • Giống nhau: có mầm lá bao bọc.
  • Khác nhau: Trong chồi lá là mô phân sinh sẽ phát triển thành cành mang lá ; trong chồi hoa mô phân sinh ngọn là mầm hoa sẽ phát triển thành cành mang hoa hoặc chồi hoa

1.2. Các loại thân

Một số loại thân cây

Theo vị trí của thân trên mặt đất mà chia thân làm 3 loại

- Thân đứng

  • Thân gỗ: cứng, cao, có cành. Vd: Nhãn
  • Thân cột: cứng, cao, không cành. Vd: Dừa
  • Thân cỏ: mềm, yếu, thấp. Vd: Lúa

- Thân leo: Leo bằng nhiều cách như bằng thân quấn, tua cuốn. Vd: Đậu ván, Mướp

- Thân bò: Mềm yếu, bò ngang sát đất. Vd: Rau má

2. Bài tập minh họa

Có mấy loại thân? kể tên một số loại cây có những loại thân đó?

Hướng dẫn giải

Tùy theo cách mọc của thân mà chia thân làm 3 loại:

- Thân đứng:

  • Thân gỗ: cứng, cao, có cành. Ví dụ: cây bàng, cây xà cừ, cây phượng vĩ, cây bằng lăng, cây hoa hồng, cây trúc đào, cây xoài, cây bưởi,…
  • Thân cột: cứng, cao, không cành. Ví dụ: cây cau, cây dừa, cây vạn tuế, cây cọ gai, cây cọ dừa
  • Thân cỏ: mềm, yếu, thấp. Ví dụ: cây rau cải, cây cỏ mần trầu, cây cỏ lộc vừng, cây lúa, cây ngô

- Thân leo: mềm, yếu, bám vào giá thể để leo lên. Ví dụ: leo bằng bằng thân quấn (đậu cô ve, cây bìm bìm, cây bí đao, cây bầu, cây mồng tơi …); leo bằng tua cuốn (cây mướp, cây đậu hà lan, cây mướp đắng, …)

- Thân bò: mếm yếu, bò lan sát đất. ví dụ: cây rau má, cây cỏ bợ, cây bí ngô , cây dưa hấu,…

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Quan sát một cành cây hãy xác định:

- Thân mang những bộ phận nào?

- Những điểm giống nhau giữa thân và cành?

- Vị trí chồi ngọn trên thân, cành?

- Vị trí chồi nách?

- Chồi ngọn sẽ phát triển thành bộ phận nào của cây?

Câu 2: Tìm sự giống nhau và khác nhau về cấu tạo giữa chồi hoa và chồi lá?

Câu 3: Chồi hoa, chồi lá sẽ phát triển thành các bộ phận nào của cây?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Chồi nách của cây được phân chia làm 2 loại, đó là

A. chồi hoa và chồi lá

B. chồi ngọn và chồi lá

C. chồi hoa và chồi ngọn

D. chồi lá và chồi thân

Câu 2: Chồi hoa sẽ phát triển thành

A. lá hoặc cành mang hoa

B. cành mang lá hoặc cành mang hoa

C. hoa hoặc cành mang hoa

D. lá hoặc hoa

Câu 3: Chồi lá sẽ phát triển thành

A. hoa

B. cành mang lá

C. lá

D. cành mang hoa

Câu 4: Cây thân gỗ và cây thân cột khác nhau chủ yếu ở đặc điểm nào dưới đây?

A. Tất cả các phương án đưa ra

B. Độ cứng của thân

C. Thời gian sống

D. Khả năng phân cành

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Hiểu được các bộ phận ngoài của thân gồm: thân chính, cành, chồi ngọn và chồi nách.
  • Phân biệt được hai loại chồi chồi nách và chồi ngọn.
  • Nhận biết và phân biệt được các loại thân: thân đứng, thân leo, thân bò.
Ngày:05/08/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM