Sinh học 6 Bài 30: Thụ phấn

Nhằm giúp các em tìm hiểu khái niệm thụ phấn, những đặc điểm chính của hoa tự thụ phấn; Phân biệt hoa tự thụ phấn và hoa giao phấn; Giải thích được tác dụng của những đặc điểm có ở hoa thụ phấn nhờ gió, so sánh với thụ phấn nhờ sâu bọ. Ban biên tập eLib xin giới thiệu đến bạn đọc nội dung bài giảng Sinh học 6 Bài 30

Sinh học 6 Bài 30: Thụ phấn

1. Tóm tắt lý thuyết

Thụ phấn là hiện tượng hạt phấn tiếp xúc với đầu nhụy. 

1.1. Hoa tự thụ phấn và hoa giao phấn

a. Hoa tự thụ phấn

- Là hoa có hạt phấn rơi vào đầu nhụy của chính hoa đó.

- Đặc điểm hoa tự thụ phấn:

  • Hoa lưỡng tính.
  • Nhị và nhuỵ chín đồng thời.

b. Hoa giao phấn

  • Là hoa có hạt phấn chuyển đến đầu nhụy của hoa khác.
  • Hoa đơn tính hoặc hoa lưỡng tính có nhị và nhuỵ không chín cùng 1 lúc.
  • Hoa giao phấn thực hiện được nhờ nhiều yếu tố: sâu bọ, gió, người...

Hoa giao phấn

1.2. Đặc điểm của hoa thụ phấn nhờ sâu bọ

Hoa thụ phấn nhờ sâu bọ

Tràng hoa có màu sắc sặc sỡ, có hương thơm, mật ngọt.

  • Hạt phấn to và có gai.
  • Đầu nhụy có chất dính.

1.3. Đặc điểm thụ phấn nhờ gió

Những cây thụ phấn nhờ gió thường có:

  • Hoa nằm trên ngọn cây
  • bao hoa thường tiêu giảm 
  • chỉ thị nhị dài, hạt phấn nhiều, nhỏ, nhẹ.
  • đầu nhụy thường có lông dính.

Hoa phi lao thụ phấn nhờ gió

1.4. Ứng dụng kiến thức về thụ phấn.

Con người có thể chủ động giúp cho hoa giao phấn làm tăng sản phẩm quả và hạt tạo được những giống lai mới có phẩm chất tốt và năng suất cao.

Cây ngô có hoa thụ phấn nhờ gió

1 - Cụm hoa đực (bông cờ) 2- Một hoa đực 3- Bao phấn 4-Cụm hoa cái 5-Một hoa cái 6-Vòi nhụy

Thụ phấn bổ sung cho ngô

A- Lấy hạt phấn vào phễu;  B-Rắc hạt phấn vào cụm hoa cái

2. Bài tập minh họa

Nuôi ong trong các vườn cây ăn quả có lợi gì? Lấy ví dụ về 3 cây trồng trong vườn? 

Hướng dẫn giải

Việc nuôi ong trong các vườn cây ăn quả vừa có lợi cho cây, vừa có lợi cho con người.

  • Ong lấy phấn hoa sẽ giúp cho sự thụ phấn của hoa , quả đậu nhiều hơn.
  • Giúp ong lấy được nhiều phấn và mật hoa nên sẽ tạo được nhiều  mật hơn, tăng nguồn lợi về mật.
  • Ví dụ: Thường trồng cây Vải, nhãn, bưởi.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Quan sát một hoa thụ phấn nhờ sâu bọ và xem H.30.2, hãy trả lời các câu hỏi sau:

  • Hoa có đặc điểm gì dễ hấp dẫn sâu bọ?
  • Tràng hoa có đặc điểm gì làm cho sâu bọ muốn lấy mật hoặc lấy phấn thường phải chui vào trong hoa?
  • Nhị của hoa có đặc điểm gì khiến cho sâu bọ khi đến lấy mật hoặc phán hoa thường mang theo hạt phấn sang hoa khác?
  • Nhụy hoa có đặc điểm gì khiến sâu bọ khi đến thì hạt phấn của hoa khác thường bị dính vào đầu nhụy?
  • Hãy tóm tắt những đặc điểm chủ yếu của hoa tự thụ phấn nhờ sâu bọ.

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Hoa tự thụ phấn là

A. hoa có hạt phấn rơi vào đầu nhuỵ của chính hoa đó

B. hoa có hạt phấn rơi vào đậu nhuỵ của một hoa khác cùng cây

C. hoa có các hạt phấn tự thụ phấn cho nhau

D. hoa có hạt phấn từ nhuỵ rơi vào đầu nhị của chính nó

Câu 2: Hoa giao phấn bao gồm những đối tượng nào ?

A. Hoa lưỡng tính và hoa đơn tính cùng gốc

B. Hoa lưỡng tính và hoa đơn tính khác gốc

C. Hoa đơn tính và hoa lưỡng tính có nhị, nhuỵ chín cùng lúc

D. Hoa đơn tính và hoa lưỡng tính có nhị, nhuỵ chín không cùng lúc

Câu 3: Hoa thụ phấn nhờ sâu bọ thường có đặc điểm nào sau đây?

A. Hạt phấn to, có gai.

B. Đầu nhuỵ có chất dính

C. Tràng hoa có màu sắc sặc sỡ và toả ra mùi thơm, có đĩa mật

D. Tất cả các phương án đưa ra

Câu 4: Hoa thụ phấn nhờ gió có một số dấu hiệu điển hình để nhận biết, dấu hiệu nào dưới đây không nằm trong số đó?

A. Đậu nhuỵ có chất dính

B. Chỉ nhị dài, bao phấn treo lủng lẳng

C. Bao hoa thường tiêu giảm

D. Hạt phấn nhỏ và nhẹ

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Phát biểu được khái niệm thụ phấn
  • Nêu được những đặc điểm chính của hoa tự thụ phấn, phân biệt hoa tự thụ phấn và hoa giao phấn.
  • Nhận biết những đặc điểm chính của hoa thích hợp với lối thụ phấn nhờ sâu bọ.
Ngày:06/08/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM