Sinh học 7 Bài 43: Cấu tạo trong của chim bồ câu

Mời các bạn cùng tham khảo nội dung bài giảng Cấu tạo trong của chim bồ câu sẽ giúp các em mô tả được hình thái và hoạt động của đại diện lớp Chim (chim bồ câu) thích nghi với sự bay. Nêu được tập tính của chim bồ câu.

Sinh học 7 Bài 43: Cấu tạo trong của chim bồ câu

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Các cơ quan dinh dưỡng

a. Tiêu hóa

Cấu tạo hệ tiêu hóa của chim bồ câu

  • Hệ tiêu hóa có cấu tạo hoàn chỉnh hơn bò sát, nên có tốc độ tiêu hóa cao hơn.
  • Ống tiêu hóa đã phân hóa: miệng – hầu – thực quản – diều – dạ dày tuyến – dạ dày cơ – ruột non – ruột già – hậu môn
  • Mỗi cơ quan đảm nhận một chức năng riêng nên tốc độ tiêu hóa cao hơn
  • Không có răng, thiếu ruột thẳng tích trữ phân
  • Thực quản đã có diều có chức năng: chứa và làm mềm thức ăn trước khi đưa vào dạ dày vì chim không có răng để nghiền nát thức ăn như những động vật khác
  • Dạ dày phân nhánh thành dạ dày tuyến(tiết dịch tiêu hóa) và dạ dày cơ (co bóp, nghiền nát thức ăn) nên tốc độ tiêu hóa nhanh

b. Tuần hoàn

  • Tim 4 ngăn, gồm 2 nửa phân tách nhau hoàn toàn. Nửa trái chứa máu đỏ tươi, nửa phải chứa máu đỏ thẩm. Có 2 vòng tuần hoàn
  • Máu nuôi cơ thể giàu ôxi (máu đỏ tươi)

c. Hô hấp

- Phổi gồm một mạng ống khí dày đặc

- Một số ống khí thông với túi khí → bề mặt trao đổi khí rộng

- Trao đổi khí:

  • Khi bay do túi khí
  • Khi đậu nhờ sự thay đổi thể tích lồng ngực
  • Túi khí còn làm giảm khối lượng riêng của chim và giảm ma sát nội quan khi bay.

Sơ đồ hệ hô hấp

d. Bài tiết và sinh dục

  • Bài tiết: Thận sau, không có bóng đái. Nước tiểu thải ra ngoài cùng phân.
  • Sinh dục: Thụ tinh trong, chim trống có đôi tinh hoàn và các ống dẫn tinh, chim mái có buồng trứng và ống dẫn trứng bên trái phát triển.

Hệ bài tiết và hệ sinh dục của chim

A- Hệ niệu sinh dục chim trống

B- Hệ niệu sinh dục chim mái

1- Thận, 2- Ống dẫn nước tiểu, 3- Xoang huyệt, 4- Tuyến trên thận

5- Tinh hoàn, 6- Ống dẫn tinh, 7- Buồng trứng, 8- Phễu của ống dẫn trứng

9- Ống dẫn trứng, 10- Lỗ đổ ra xoang huyệt của ống dẫn trứng

11- Ống dẫn trứng bên phải tiêu giảm

1.2. Thần kinh và giác quan

- Bộ não phát triển:

  • Não trước lớn
  • Tiểu não có nhiều nếp nhăn
  • Não giữa có 2 thùy thị giác.

- Giác quan

  • Mắt tinh có mi thứ 3 mỏng
  • Tai có ống tai ngoài nhưng chưa có vành tai

2. Bài tập minh họa

Nêu cấu tạo và phân tích các đặc điểm thích nghi của hệ hô hấp ở chim với đời sống bay lượn? 

Hướng dẫn giải

  • Hệ hô hấp của chim gồm khí quản, 2 phế quản và 2 lá phổi.
  • Phổi gồm một mạng ống khí dày đặc. Bao quanh các ống khí là hệ thống mao mạch dày đặc.
  • Chim còn có thêm hệ thống túi khí làm tăng hiệu quả trao đổi khí ở phổi. Khí Ovà CO2 khuếch tán qua thành ống khí. Khi hít vào và thở ra, phổi không thay đổi thể tích, chỉ có túi khí thay đổi thể tích làm không khí lưu thông liên tục qua phổi.
  • Sự phối hợp hoạt động của các túi khí bụng và các túi khí ngực làm cho không khí đi qua hệ thống ống khí trong phổi theo một chiều khiến trong phổi không có khí đọng, tận dụng được lượng O2 trong không khí hít vào. Đặc điểm này phù hợp với nhu cầu O2 cao ở chim, đặc biệt khi chim bay. Khi chim đậu, hô hấp nhờ sự thay đổi thể tích lồng ngực. Túi khí còn làm giảm khối lượng riêng của chim và giảm ma sát nội quan khi bay. 

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Tim của bồ câu có gì khác so với tim của thằn lằn?

Câu 2: So sánh hệ hô hấp của chim bồ câu với thẳn lằn?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Ống tiêu hóa của chim KHÔNG có cơ quan nào

a. Răng

b. Dạ dày

c. Ruột già

d. Hầu

Câu 2: Chức năng của diều trong quá trình tiêu hóa ở chim

a. Làm mềm thức ăn

b. Nghiền nát thức ăn

c. Tiết dịch tiêu hóa

d. Lấy thức ăn

Câu 3: Hệ tuần hoàn của chim có đặc điểm

a. Tim 2 ngăn, máu đi nuôi cơ thể là máu pha

b. Tim 3 ngăn, máu đi nuôi cơ thể là máu pha

c. Tim 4 ngăn không hoàn toàn, máu đi nuôi cơ thể ít pha hơn

d. Tim 4 ngăn, máu đi nuôi cơ thể là máu đỏ tươi

Câu 4: Đặc điểm cấu tạo của phổi chim là

a. Có nhiều vách ngăn

b. Có hệ thống ống khí thông với các túi khí

c. Không có vách ngăn

d. Có mao mạch phát triển

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Mô tả được hình thái và hoạt động của đại diện lớp Chim (chim bồ câu) thích nghi với sự bay.
  • Nêu được tập tính của chim bồ câu.
Ngày:12/08/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM