Sinh học 7 Bài 55: Tiến hóa về sinh sản

Nhằm giúp các em có thêm nhiều nguồn thông tin về sự tiến hóa của quá trình sinh sản ở động vật. Ban biên tập eLib xin giới thiệu nội dung bài giảng Sinh học 7 Bài 55.

Sinh học 7 Bài 55: Tiến hóa về sinh sản

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Sinh sản vô tính

- Sinh sản vô tính là: hình thức sinh sản không có sự kết hợp giữa tế bào sinh dục đực và tế bào sinh dục cái.

- Có 2 hình thức sinh sản chính:

  • Phân đôi cơ thể: trùng roi xanh, trùng giày …

Sinh sản bằng phân đôi ở trùng biến hình

  • Mọc chồi: san hô, thủy tức …

Mọc chồi ở thủy tức

1.2. Sinh sản hữu tính

- Hình thức sinh sản ưu thế hơn so với hình thức sinh sản vô tính.

- Có sự kết hợp giữa tế bào sinh dục đực (tinh trùng) và tế bào sinh dục cái (trứng) → phôi.

- Có 2 hình thức:

  • Thụ tinh ngoài: trứng thụ tinh ngoài cơ thể mẹ (cá, ếch …)

Ếch đồng thụ tinh ngoài

  • Thụ tinh trong: trứng thụ tinh bên trong cơ thể mẹ (thằn lằn, chim, thỏ …)

- Cá thể lưỡng tính: có yếu tố đực và yếu tố cái trên cùng 1 cá thể (giun đất …) 

Sinh sản hữu tính

  • Cá thể phân tính: yếu tố đực và yếu tố cái trên 2 cá thể khác nhau (giun đũa, thú …)

Giun đũa sinh sản hữu tính

1.3. Sự tiến hóa các hình thức sinh sản hữu tính

- Tùy theo mức độ tiến hóa, sự hoàn chỉnh hình thức sinh sản hữu tính được thể hiện ở các mặt sau đây: sự thụ tinh, đẻ trứng hay đẻ con, sự phát triển phôi có biến thái hay trực tiếp, không nhau thai hoặc có nhau thai. Ngoài ra, còn thể hiện ở tập tính chăm sóc trứng và con non.

- Sự sinh sản hữu tính và tập tính chăm sóc con ở động vật.

- Vd: 

+ Chim bồ câu:

  • Thụ tinh: Thụ tinh trong
  • Sinh sản: Đẻ trứng
  • Phát triển phôi: Trực tiếp (không nhau thai)
  • Tập tính bảo vệ trứng: Làm tổ, ấp trứng
  • Tập tính nuôi con: Bằng sữa diều, mớm mồi

+ Trai sông:

  • Thụ tinh: Thụ tinh ngoài
  • Sinh sản: Đẻ trứng
  • Phát triển phôi: Biến thái
  • Tập tính bảo vệ trứng: Không
  • Tập tính nuôi con: Con non tự đi kiếm mồi

- Trong sự tiến hóa về sinh sản thì sinh sản hữu tính có ưu thế hơn sinh sản vô tính thể hiện ở: Thụ tinh trong, đẻ con, thai sinh, hình thức chăm sóc trứng, nuôi con góp phần nâng cao tỉ lệ thụ tinh, tỉ lệ sống sót và sức sống của cơ thể con non cao trước sự thay đổi của môi trường.

2. Bài tập minh họa

Câu 1: Hãy cho biết, ở động vật không xương sống, những đại diện nào có hình thức sinh sản vô tính bằng cách phân đôi, hoặc mọc chồi?

Hướng dẫn giải

  • Phân đôi: động vật nguyên sinh: ví dụ như trùng roi, trùng giày,…
  • Mọc chồi: ví dụ như thủy tức.

Câu 2: Hãy cho biết giun đất, giun đũa, cá thể nào là lưỡng tính, phân tính và có hình thức thụ tinh ngoài hoặc thụ tinh trong?

Hướng dẫn giải

  • Giun đất lưỡng tính, thụ tinh ngoài
  • Giun đũa phân tính, thụ tinh trong

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Hãy so sánh hình thức sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính?

Câu 2: Phân biệt sinh sản vô tính với sinh sản hữu tính ở động vật?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Loài nào KHÔNG sinh sản bằng hình thức vô tính?

a. Trùng giày

b. Trùng roi

c. Trùng biến hình

d. Cá chép

Câu 2: Hình thức sinh sản hữu tính là

a. Mọc chồi

b. Tái sinh

c. Tiếp hợp

d. Phân đôi cơ thể

Câu 3: Thụ tinh trong tiến hóa hơn thụ tinh ngoài, là vì

a. Đỡ tiêu tốn năng lượng

b. Cho hiệu suất thụ tinh cao

c. Không nhất thiết phải cần môi trường nước

d. Không chịu ảnh hưởng của các tác nhân môi trường

Câu 4: Động vật nào đào hang, lót ổ để bảo vệ con

a. Cá chép

b. Thằn lằn bóng đuôi dài

c. Thủy tức

d. Thỏ

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Nêu được sự tiến hóa các hình thức sinh sản ở động vật từ đơn giản đến phức tạp. thấy được sự hoàn chỉnh các hình thức sinh sản hữu tính.
  • Rèn luyện các kĩ năng hoạt động nhóm.
  • Có ý thức bảo vệ động vật đặc biệt trong mùa sinh sản.
Ngày:12/08/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM