Giải bài tập SGK Lịch Sử 8 Bài 26: Phong trào kháng chiến chống Pháp trong những năm cuối thế kỉ XIX

Nhằm giúp đỡ các em trong quá trình học tập môn Lịch sử 8 chúng tôi đã biên soạn và tổng hợp nội dung giải bài tập SGK Bài 26. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện kĩ năng trả lời các câu hỏi liên quan đến nội dung trọng tâm bài học. Mời các em cùng tham khảo.

Giải bài tập SGK Lịch Sử 8 Bài 26: Phong trào kháng chiến chống Pháp trong những năm cuối thế kỉ XIX

1. Giải bài 1 trang 130 SGK Lịch sử 8

Trình bày diễn biến cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.

Phương pháp giải

Dựa vào nội dung chính được trình bày ở SGK Lịch sử 8 trang 128, 129 để trả lời

Phân tích diễn biến qua các giai đoạn cụ thể như sau:

- Từ năm 1883 - 1885: địa bàn hoạt động ở Bãi Sậy.

- Từ năm 1885 đến cuối năm 1887: mở rộng địa bàn ra Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh...

- Từ năm 1888: nghĩa quân bị bao vây, cô lập.

- Tháng 7 năm 1889: Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc.

Hướng dẫn giải

* Lãnh đạo: Nguyễn Thiện Thuật.

* Diễn biến:

- Trong những năm 1883 - 1885, địa bàn hoạt động của nghĩa quân chỉ hạn chế trong vùng Bãi Sậy.

- Từ năm 1885 đến cuối năm 1887, nghĩa quân đẩy lùi nhiều cuộc càn quét của Pháp ở vùng Văn Giang, Khoái Châu và vùng căn cứ Hai Sông. Nhiều trận đánh diễn ra ác liệt trên địa bàn các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Yên.

- Từ năm 1888, nghĩa quân bước vào giai đoạn chiến đấu quyết liệt. Quân Pháp tiến hành đàn áp dã man, nghĩa quân chiến đấu rất dũng cảm, nhưng lực lượng ngày càng giảm sút và rơi dần vào thế bị bao vây, cô lập.

- Tháng 7-1889, Nguyễn Thiện Thuật phải lánh sang Trung Quốc. Phong trào tiếp tục một thời gian rồi tan rã vào năm 1892.

2. Giải bài 2 trang 130 SGK Lịch sử 8

Tại sao nói cuộc khởi nghĩa Hương Khê là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần Vương?

Phương pháp giải

Từ các kiến thức đã học và dựa vào mục 2 SGK Lịch sử 8 trang 129 phân tích, lí giải. 

Phân tích, lí giải dựa vào:

- Quy mô địa bàn hoạt động rộng lớn

- Thời gian tồn tại: 10 năm từ năm 1885 đến năm 1896.

- Trình độ tổ chức: gồm 15 quân thứ

Hướng dẫn giải

Khởi nghĩa Hương Khê là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần Vương, vì:

- Quy mô, địa bàn hoạt động rộng lớn, gồm 4 tỉnh bắc Trung Kì: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

- Trình độ tổ chức quy củ: gồm 15 quân thứ, mỗi quân thứ có từ 100 đến 500 người do các tướng lĩnh tài ba chỉ huy.

- Thời gian tồn tại dài nhất trong các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương, 10 năm từ năm 1885 đến năm 1896.

- Khởi nghĩa thất bại đánh dấu mốc kết thúc của phong trào đấu tranh chống Pháp dưới ngọn cờ Cần Vương.

* Chú ý: Dựa trên các tiêu chí quy mô, thời gian, tính quyết liệt,… của cuộc khởi nghĩa Hương Khê so với các cuộc khởi nghĩa khác trong phong trào Cần Vương để đưa ra nhận xét.

3. Giải bài 3 trang 130 SGK Lịch sử 8

Em có nhận xét gì về phong trào vũ trang chống Pháp cuối thế kỉ XIX?

Phương pháp giải

Dựa vào kiến thức cả bài 26 SGK Lịch sử 8 để nhận xét, đánh giá. 

Nhận xét trên tất cả các phương diện về mục đích, lãnh đạo, lực lượng, quy mô, hình thức, tính chất, kết quả và ý nghĩa của phong trào.

Hướng dẫn giải

 - Mục đích: chống Pháp, chống triều đình phong kiến.

- Lãnh đạo: đều xuất thân từ các văn thân, sĩ phu, quan lại yêu nước.

- Lực lượng tham gia: đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là nông dân (có cả đồng bào dân tộc thiểu số).

- Quy mô: diễn ra lẻ tẻ, mang tính địa phương, chưa phát triển thành cuộc kháng chiến toàn quốc

- Hình thức: đấu tranh vũ trang, ít chú trọng đến công tác tuyên truyền, đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị,...

- Tính chất: do hệ tư tưởng phong kiến chi phối, mang tính “Cần Vương”

- Kết quả: Đều thất bại

- Ý nghĩa: Đây là phong trào kháng chiến mạnh mẽ, thể hiện truyền thống yêu nước và khí phách anh hùng của dân tộc, tiêu biểu cho cuộc kháng chiến tự vệ của nhân dân ta cuối thế kỉ XIX, hứa hẹn một năng lực chiến đấu dồi dào trong cuộc đương đầu với thực dân Pháp, để lại nhiều tấm gương và bài học kinh nghiệm qúy báu.

Ngày:20/09/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM