Bệnh viêm phế quản cấp - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm phế quản cấp là tình trạng nhiễm trùng do virus gây viêm và sưng ở ống phế quản, hình thành chất nhầy bên trong phổi, làm hẹp đường thở. Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh nhé!

Bệnh viêm phế quản cấp - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Viêm phế quản cấp là bệnh gì?

Viêm phế quản cấp (cảm lạnh ngực) là tình trạng nhiễm trùng do virus gây viêm và sưng ở ống phế quản, hình thành chất nhầy bên trong phổi, làm hẹp đường thở dẫn đến khó thở hơn.

Hầu hết các trường hợp bệnh có thể cải thiện trong vòng vài ngày nhưng người bệnh sẽ bị ho kéo dài trong vài tuần sau khi hết tình trạng nhiễm trùng.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm phế quản cấp là gì?

Đối với viêm phế quản cấp tính hoặc mãn tính, dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:

  • Cổ họng có đờm, đờm không màu hoặc có màu trắng đục, xám vàng hay màu xanh lục;
  • Khó thở, đặc biệt khi phải gắng sức làm việc gì đó;
  • Thở khò khè;
  • Mệt mỏi ;
  • Sốt và ớn lạnh;
  • Tức ngực.

Tuy nhiên, các triệu chứng viêm phế quản cấp ở trẻ em rất khó để nhận biết do trẻ thường nuốt đờm chứ không khạc nhổ ra.

Người hút thuốc cũng thường có đờm trong họng vào mỗi buổi sáng khi thức dậy. Nếu trường hợp tình trạng này kéo dài trong hơn 3 tháng, có thể đây là triệu chứng viêm phế quản mạn tính. Vì vậy, bạn vẫn có khả năng mắc viêm phế quản mạn tính dù không hề bị viêm phế quản cấp tính.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác chưa được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đi khám bác sĩ nếu:

  • Cơn ho kéo dài hơn 3 tuần, gây mất ngủ Sốt cao hơn 38oC;
  • Đờm thay đổi màu sắc;
  • Ho ra máu;
  • Thở khò khè hoặc khó thở.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra viêm phế quản cấp?

Nguyên nhân thường gặp là do virus. Bệnh thường xảy ra sau khi xuất hiện các triệu chứng cảm lạnh hay cảm cúm.

Các nguyên nhân khác bao gồm nhiễm trùng, nhiễm hóa chất, khói, bụi hay các chất ô nhiễm khác khiến đường phế quản bị kích ứng. Người hút thuốc và những người có các vấn đề về phổi như viêm phế quản mãn tính, hen suyễn hay xơ nang cũng có khả năng cao mắc bệnh.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường bị viêm phế quản cấp?

Viêm phế quản cấp là bệnh về đường hô hấp thường gặp nhất. Tỷ lệ mắc bệnh của cả nam lẫn nữ là bằng nhau. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản cấp?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ của viêm phế quản bao gồm:

  • Khói thuốc lá. Nếu bạn hút thuốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc, bạn có nguy cơ cao hơn mắc phải bệnh viêm phế quản cấp tính và viêm phế quản mạn tính.
  • Sức đề kháng yếu. Do ảnh hưởng từ một bệnh cấp tính như cảm lạnh hoặc bệnh lý mãn tính khiến hệ miễn dịch bị tổn hại. Người cao tuổi, bé dưới 12 tháng tuổi và trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm trùng đường phế quản do có sức đề kháng yếu.
  • Tiếp xúc với hóa chất trong công việc. Nguy cơ mắc viêm phế quản sẽ cao hơn nếu môi trường làm việc có nhiều tác nhân gây kích ứng phổi như các loại hạt hay vải dệt, hóa chất dạng hơi, khí.
  • Trào ngược dạ dày: Những cơn ợ nóng nghiêm trọng có thể gây kích ứng cổ họng, dễ gây viêm phế quản cấp.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm phế quản cấp?

Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành thăm hỏi về các triệu chứng, khám lâm sàng và nghe phổi bằng ống nghe. Đối với các trường hợp bệnh kéo dài hay các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang ngực để loại trừ các  nguyên nhân bệnh lý nặng hơn như viêm phổi.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm phế quản cấp?

Mục tiêu của phác đồ điều trị viêm phế quản cấp là giảm triệu chứng và làm cho bệnh nhân dễ thở.

  • Để hỗ trợ quá trình điều trị, người bệnh nên:
  • Uống nhiều nước;
  • Làm ấm và ẩm không khí;
  • Dùng thuốc không kê đơn giúp làm giảm triệu chứng viêm phế quản cấp (như ho).

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê các thuốc như:

  • Thuốc kháng sinh. Bệnh thường là kết quả kéo theo sau khi bị nhiễm virus, do đó điều trị viêm phế quản cấp bằng thuốc kháng sinh sẽ không hiệu quả. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh nếu nghi ngờ có nhiễm trùng vi khuẩn. Trong trường hợp có bệnh lý phổi mãn tính hoặc  có hút thuốc, thuốc kháng sinh sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng thứ phát nặng
  • Thuốc ho: Ho là phản xa loại bỏ các chất kích ứng khỏi phổi. Nếu thường xuyên ho khi ngủ, người bệnh có thể sử dụng thuốc ho (không kê toa và kê toa) để không ảnh hưởng giấc ngủ.
  • Các thuốc khác. Nếu có bệnh hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), người bệnh có thể dùng kèm các loại thuốc xịt để giảm viêm và làm thoáng đoạn phế quản bị hẹp.

Trong trường hợp mắc viêm phế quản mãn tính, người bệnh có thể cần phục hồi chức năng phổi. Đây là một chương trình tập luyện cách hít thở dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa hô hấp.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm phế quản cấp?

Bên cạnh các phương pháp điều trị cơ bản, những lưu ý dưới đây có thể giúp bạn thoải mái hơn cũng như tăng khả năng hồi phục và ngăn ngừa các biến chứng của viêm phế quản cấp tính, đồng thời giúp kiểm soát các triệu chứng của viêm phế quản mãn tính. Những lưu ý bao gồm:

  • Tránh tiếp xúc với chất kích ứng. Không hút thuốc chủ động và bị động. Mang khẩu trang khi không khí bị ô nhiễm hoặc nếu phải tiếp xúc với hóa chất như sơn hay chất tẩy rửa gia dụng có mùi hóa chất.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng. Không khí ấm áp và ẩm giúp giảm ho cũng như làm lỏng chất nhờn ở đường hô hấp. Tuy nhiên, bạn nên làm sạch máy làm ẩm theo khuyến nghị của nhà sản xuất để tránh sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc trong ngăn chứa nước.
  • Uống thuốc không kê toa để giảm đau và hạ sốt như acetaminophen và ibuprofen.
  • Giữ ấm vùng mũi, ngực khi trời lạnh.
  • Hít thở chậm, sâu. Hãy thử mím môi, chỉ chừa một khoảng nhỏ ở miệng và thở sâu. Thở theo cách này giúp làm chậm nhịp thở, khiến người bệnh dễ chịu hơn. Lặp lại kỹ thuật này sẽ giúp làm tăng áp suất không khí trong đường hô hấp.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Viêm phế quản cấp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị!

Ngày:30/09/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM