Bệnh viêm phổi bệnh viện - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm phổi bệnh viện thường xuất hiện ở những người đã nhập viện, thường khoảng 2 ngày trở lên. Triệu chứng thường gặp nhất của viêm phổi bệnh viện là ho ra đờm, đau ngực, ớn lạnh, sốt và khó thở cũng rất phổ biến. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo!

Bệnh viêm phổi bệnh viện - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Viêm phổi bệnh viện là gì?

Viêm phổi bệnh viện thường xuất hiện ở những người đã nhập viện, thường khoảng 2 ngày trở lên. Viêm phổi liên quan đến y tế thường xuất hiện ở những người sống trong các nhà điều dưỡng hoặc những người làm việc trong các cơ sở y tế.

Nhiều vi khuẩn, virus và thậm chí cả nấm có thể gây viêm phổi ở những người phải nhập viện hoặc đã đến các cơ sở y tế.

Triệu chứng thường gặp nhất của viêm phổi bệnh viện là ho gây ra đờm, đau ngực, ớn lạnh, sốt và khó thở cũng rất phổ biến.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi bệnh viện

Các triệu chứng của viêm phổi bệnh viện thường giống như triệu chứng viêm phổi thông thường như khó chịu, ho có đờm, khó thở, sốt, ớn lạnh hoặc tức ngực.

Viêm phổi mắc phải trong một môi trường chăm sóc sức khỏe có thể khó khăn để các bác sĩ nhận biết hơn là viêm phổi mắc phải trong cộng đồng. Ví dụ, nhiều người trong các cơ sở y tế bị viêm phổi như người lớn tuổi, những người đang được thở bằng máy, mắc chứng mất trí và những người bị bệnh nặng, có thể không thể hiện các triệu chứng như đau ngực, khó thở và suy nhược.

3. Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy bị viêm phổi bệnh viện?

Những người phải nhập viện và bị bệnh nặng, đặc biệt khi bệnh nhân cần sự trợ giúp của máy thở (máy thở cơ khí), có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi bệnh viện cao nhất. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

Người dùng kháng sinh trước đó. Bệnh nhân có các bệnh như rối loạn chức năng tim, phổi, gan hoặc thận. Những người trên 70 tuổi. Người đã phẫu thuật bụng hoặc ngực gần đây. Người sử dụng các chất ức chế bơm proton (omeprazole, esomeprazole, lansoprazole hoặc pantoprazole) để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Các sinh vật thường không gây viêm phổi ở những người khỏe mạnh, thông thường những người phải nhập viện, có hệ miễn dịch yếu có nguy cơ bị chúng tấn công.

Vui lòng tham khảo với bác sĩ để biết thêm thông tin.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm phổi bệnh viện?

Chẩn đoán có thể được xác nhận bằng cách chụp X-quang ngực và xét nghiệm mẫu máu. Tuy nhiên, những phương pháp này không phải lúc nào cũng chính xác.

Bác sĩ cần phải tìm được nguyên nhân gây ra viêm phổi để xác định cách điều trị tốt nhất. Đôi khi, bác sĩ sử dụng phương pháp soi phế quản để xác định viêm phổi và lấy mẫu đờm để xác định sinh vật nào gây bệnh. Trong quá trình soi phế quản, một ống nhìn được đưa vào khí quản và phổi. Các mẫu mủ, dịch tiết hoặc thậm chí mô phổi có thể được lấy để kiểm tra. Vui lòng tham khảo với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm phổi bệnh viện?

Điều trị bằng thuốc kháng sinh được chọn dựa trên sinh vật nào có nhiều khả năng là nguyên nhân nhất và các yếu tố nguy cơ cụ thể mà bệnh nhân có. Điều trị bao gồm thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch, oxy và dịch truyền tĩnh mạch. Một số loại thuốc có thể được sử dụng, bao gồm amikacin, aztreonam, cefepime, ceftazidime, gemifloxacin, imipenem kết hợp với cilastatin, levofloxacin, meropenem, moxifloxacin, piperacillin kết hợp với tazobactam, obramycin. Những loại thuốc này được dùng một mình hoặc kết hợp với vancomycin nếu các bác sĩ nghi ngờ rằng người đó có thể bị nhiễm tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA).

5. Cách phòng ngừa

Những cách giúp phòng ngừa bệnh viêm phổi bệnh viện

Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi bệnh viện như có hệ miễn dịch yếu, người cao tuổi, người có các bệnh lý khác cần tiêm phòng vaccine phế cầu để giảm nguy cơ mắc viêm phổi bệnh viện khi phải nhập viện điều trị.

Bạn nên vệ sinh răng miệng bằng dung dịch diệt khuẩn hoặc đánh răng ngày 2 lần. Dùng ống hút đờm vô khuẩn, tốt nhất là dùng 1 ống/lần.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh viêm phổi bệnh viện, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị. 

Ngày:01/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM