Bệnh viêm phổi không điển hình - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm phổi không điển hình là tình trạng nhiễm trùng phổi gây ra bởi nhóm vi khuẩn, thường có triệu chứng nhẹ hơn hẳn bệnh viêm phổi điển hình. Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và điều trị bệnh hiệu quả với bài viết sau đây.

Bệnh viêm phổi không điển hình - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Viêm phổi không điển hình là bệnh gì?

Viêm phổi không điển hình là một tình trạng nhiễm trùng phổi gây ra bởi nhóm vi khuẩn gồm legionella pneumophila, mycoplasma pneumoniae và chlamydophila pneumoniae. Viêm phổi không điển hình thường có triệu chứng nhẹ hơn hẳn bệnh viêm phổi điển hình, thậm chí mọi người có thể không biết rằng họ đang bị viêm phổi.

Những ai thường mắc phải viêm phổi không điển hình?

Bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể bị bệnh viêm phổi không điển hình. Dạng phổ biến nhất là do vi khuẩn micoplasma gây ra và thường xuất hiện ở trẻ em hoặc người lớn dưới 40 tuổi.

Viêm phổi không điển hình là bệnh lây nhiễm. Những người thường sống và làm việc ở những nơi đông đúc như trường học, chỗ ở dành cho người vô gia cư và nhà tù, thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tiến trình lây nhiễm sẽ xảy ra khi một người tiếp xúc với nước bọt hay nước mũi của người đã bị nhiễm bệnh khi họ ho hoặc hắt hơi.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi không điển hình là gì?

Nếu nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn mycoplasma và chlamydophila, triệu chứng của bệnh viêm phổi không điển hình thường khá nhẹ. Nếu vi khuẩn legionella là nguyên nhân gây bệnh thì triệu chứng có thể nặng hơn, nhất là trong 4-6 ngày đầu, người bệnh thường phải mất thời gian khá lâu mới khỏi hoàn toàn.

Một số triệu chứng thông thường mà người bệnh có thể mắc phải bao gồm:

Cảm thấy ớn lạnh. Ho (nếu bị viêm phổi do vi khuẩn legionella, bạn có thể ho ra đờm lẫn máu). Sốt (có thể nhẹ hoặc cao). Thở gấp (xuất hiện khi gắng sức làm một việc gì đó).

Những triệu chứng khác bao gồm:

Đau đầu. Đổ mồ hôi nhiều. Nhức cơ và cứng khớp. Mất sự thèm ăn và mệt mỏi. Đau ngực nghiêm trọng khi bạn thở sâu hoặc ho. Lú lẫn (thường xuất hiện ở người già hoặc viêm phổi gây ra bởi vi khuẩn legionella).

Ngoài ra, viêm phổi không điển hình còn có những triệu chứng ít xảy ra như: tiêu chảy (thường xảy ra khi mắc viêm phổi do vi khuẩn legionella), đau tai, đau hoặc nhức mắt, bướu cổ, phát ban, đau họng (do vi khuẩn mycoplasma gây ra)

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn cần gặp bác sĩ nếu các triệu chứng như sốt, ho, thở gấp chuyển biến nặng hơn. Các triệu chứng này có rất nhiều nguyên nhân gây ra do đó bạn cần sự tư vấn của bác sĩ để có thể chẩn đoán chính xác liệu mình có đang mắc phải bệnh viêm phổi hay không.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra viêm phổi không điển hình là gì?

Vi khuẩn mycoplasma và chlamydophila có thể thâm nhập vào cơ thể bạn thông qua những hạt nước bọt trong không khí khi người đã mắc bệnh ho hoặc hắt hơi. Trong đó:

Viêm phổi mycoplasma bùng phát vào mùa đông và thường lây lan ở những nơi đông người, chẳng hạn như trong các hộ gia đình, trường học và nơi làm việc. Viêm phổi chlamydolphila xuất hiện quanh năm, tuy chỉ chiếm 5-15% trong tất cả các bệnh viêm phổi.

Nguyên nhân bệnh viêm phổi legionella là do tiếp xúc aerosol từ nguồn nước ấm bị ô nhiễm, chẳng hạn như trong các bể nước nóng, tháp làm mát và các bộ phận của các hệ thống điều hòa không khí trong các tòa nhà lớn. Đất và nước ngoài môi trường tự nhiên cũng có thể là nguồn phát tán vi khuẩn.

4. Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi không điển hình?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi không điển hình bao gồm:

Làm việc ở những nơi đông người thường xuyên tiếp xúc với nhiều người và làm việc ở những nơi công cộng thường xuyên sẽ tăng nguy cơ tiếp xúc với người đang mắc bệnh viêm phổi. Hút thuốc sẽ khiến khả năng đề kháng vi khuẩn và virus của cơ thể bạn bị yếu đi, từ đó giúp cho các vi khuẩn viêm phổi không điển hình dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bạn hơn. Sức đề kháng kém: những bệnh nhân HIV/AIDS, người đã từng ghép tạng hoặc từng trải qua các đợt hóa trị thường sẽ có sức đề kháng kém hơn người bình thường nên sẽ dễ mắc bệnh viêm phổi hơn.

5. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm phổi không điển hình?

Bệnh viêm phổi không điển hình có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh trong 2 tuần trở lên. Các triệu chứng sốt và khó chịu có thể được kiểm soát bằng aspirin (chú ý không dùng aspirin cho trẻ em), thuốc kháng viêm không chứa steroidal (NSAIDs, ibuprofen, naproxen) hoặc acetaminophen. Ngoài ra người bệnh viêm phổi không điển hình nên uống nhiều nước để giúp làm dịu hệ bài tiết và hô hấp.

Trong một số trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự hết mà không cần phải điều trị. Khi bệnh viêm phổi không điển hình trở nặng, người bệnh có thể phải nhập viện để được truyền thuốc kháng sinh qua tĩnh mạch và hỗ trợ truyền oxy.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm phổi không điển hình?

Bác sĩ chẩn đoán bệnh được dựa vào tiền sử bệnh án, kiểm tra sức khỏe tổng quát cũng như xét nghiệm máu và đờm. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ thực hiện chụp X-quang ngực để phân biệt viêm phổi không điển hình với bệnh viêm phế quản cấp tính. Ngoài ra, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh lý, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp xét nghiệm sau:

Chụp CT ngực. Cấy trùng máu. Cấy đàm. Huyết đồ (tổng phân tích tế bào máu). Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra vi khuẩn legionella. Nội soi phế quản (hiếm khi cần thiết). Sinh thiết mở phổi (chỉ được thực hiện khi bệnh chuyển biến rất nghiêm trọng và các phương pháp chẩn đoán khác không thể được thực hiện được).

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm phổi không điển hình?

Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng hồi phục của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau đây:

Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn. Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc khi không có sự chỉ định của bác sĩ. Rửa tay sạch sẽ là cách tốt nhất để ngăn chặn việc làm lây lan vi khuẩn. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi vừa ngăn chặn vi khuẩn lây lan cũng vừa thể hiện phép lịch sự nơi công cộng. Uống nhiều nước (từ 6-8 ly mỗi ngày) để tránh bị mất nước. Hít thở không khí ẩm (sử dụng máy tạo độ ẩm) để giúp loại bỏ đờm. Sử dụng acetaminophen hoặc aspirin (trừ trẻ em) để làm giảm sốt và đau. Sử dụng thuốc đúng theo toa của bác sĩ. Uống đủ tất cả các loại thuốc kháng sinh. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về thuốc, bạn nên tham vấn bác sĩ hoặc dược sĩ nơi bạn mua thuốc. Liên lạc với bác sĩ bạn nếu bạn phát ban (có thể là do dị ứng thuốc). Đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn nghi ngờ bệnh trở nặng bởi vì bạn bị sốt cao, đờm có máu, có nhiều đờm hơn hoặc nhức đầu dữ dội. Gọi hoặc đến phòng cấp cứu ngay lập tức nếu bạn bị khó thở. Tiêm ngừa cúm hàng năm.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Viêm phổi không điển hình, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị. eLib.VN khuyến khích các bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời!

Ngày:01/10/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM