Sinh học 9 Bài 18: Prôtêin

Trong bài này các em được học về cấu trúc của protêin bao gồm cấu trúc hoá học và cấu trúc vật lí, vai trò của protêin trong cơ thể, giúp các em có kiến thức về protêin để bổ sung cho cơ thể cần thiết.

Sinh học 9 Bài 18: Prôtêin

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Cấu trúc của prôtêin

a. Thành phần hóa học

Phân tử prôtêin có cấu trúc đa phân mà đơn phân là các axit amin.
Có 20 loại acid amin khác nhau. Từ 20 loại này có thể cấu tạo nên vô số các protein khác nhau về thành phần, số lượng, và trình tự các acid amin, đảm bảo tính đa dạng và đặc thù của từng loại protein.
Cấu tạo mỗi đơn phân gồm có 3 thành phần chính: Nhóm COOH, nhóm NH2 và gốc R liên kết với cacbon trung tâm (Cả COOH và NH2 , cả 1 nguyên tử H đều liên kết với C - C này gọi là C alpha).

Hình 18.1 Thành phần hóa học của Prôtêin

b. Cấu trúc vật lí

- Cấu trúc bậc 1:

+ Các axit amin liên kết với nhau tạo nên 1 chuỗi axit amin là chuỗi pôlipeptit.
Chuỗi pôli peptit có dạng mạch thẳng.

Hình 18.2 Cấu trúc Prôtêin bậc 1

- Cấu trúc bậc 2:

+ Cấu trúc bậc 2 là cấu trúc vòng xoắn lò xo đều đặn hoặc gấp nếp beta, các nếp gấp và vòng xoắn được cố định bởi các liên kết hidro giữa các acid amin gần nhau.

Hình 18.3 Cấu trúc Prôtêin bậc 2

- Cấu trúc bậc 3:

+ Chuỗi xoắn cuộn xếp tạo thành cấu trúc đặc thù trong không gian 3 chiều, tạo nên tính đặc trưng cho từng loại protein bằng các liên kết đisunfua, liên kết ion, vander_van… tăng tính bền vững của phân tử protein.

Hình 18.4 Cấu trúc Prôtêin bậc 3

- Cấu trúc bậc 4:

+ 2 hay nhiều chuỗi cuộn xếp bậc 3 liên kết với nhau tạo thành phần phân tử protein hoàn chỉnh, có cấu hình không gian đặc trưng cho từng loại protein, giúp nó thực hiện được chức năng hoàn chỉnh.

Hình 18.5 Cấu trúc Prôtêin bậc 4

1.2. Chức năng của prôtêin

a. Chức năng cấu trúc

Protêin là thành phần quan trọng xây dựng nên các bào quan và màng sinh chất, hình thành nên các đặc điểm giải phẫu, hình thái của các mô, cơ quan, hệ cơ quan, cơ thể (tính trạng cơ thể)

Ví dụ protein tham gia cấu tạo màng sinh học

Hình 18.6 Chức năng cấu trúc của Prôtêin

b. Chức năng xúc tác quá trình trao đổi chất

- Bản chất các enzim là tham gia các phản ứng sinh hóa.
+ Ví dụ:

  • Enzim amilaza trong nước bọt có bản chất là protein.
  • Enzim ADN polimeraza xúc tác cho quá trình tổng hợp ADN.

c. Chức năng điều hoà quá trình trao đổi chất

- Các hoocmon phần lớn là prôtêin giúp điều hoà các quá trình sinh lý của cơ thể.
+ Ví dụ:

  • Insulin điều hòa lượng đường trong máu.
  • Tiroxin điều hòa sức lớn của cơ thể.

- Ngoài ra prôtêin là thành phần cấu tạo nên kháng thể để bảo vệ cơ thể, chức năng vận động (tạo nên các loại cơ), chức năng cung cấp năng lượng (thiếu năng lượng, prôtêin phân huỷ giải phóng năng lượng).

+ Ví dụ: Dự trữ các axit amin.

+ Ví dụ: Protein trong sữa, trong các loại hạt...

Hình 18.7 Ví dụ protein trong sữa, đậu...

- Vận chuyển các chất (Hêmôglôbin).

+ Ví dụ: Hemoglobin trong máu.

Hình 18.8 Chức năng vận chuyển các chất của Protein

- Bảo vệ cơ thể (kháng thể).

+ Ví dụ: Kháng thể.

Hình 18.9 Chức năng bảo vệ cơ thể của protein

2. Bài tập minh họa

Tính đa dạng và tính đặc thù của prôtêin do những yếu tố nào xác định?

Hướng dẫn giải:

- Tính đa dạng và tính đặc thù của prôtêin do:

+ Prôtêin cấu tạo theo nguyên tắc đa phân, bao gồm hàng trăm đơn phân là axit amin. Có hơn 20 loại axit amin khác nhau, do cách sắp xếp khác nhua của hơn 20 loại axit amin này đã tạo nên tính đa dạng của prôtêin.
+ Còn tính đặc thù của prôtêin được quy định bởi thành phần, số lượng và trình tự sắp xếp của các axit amin. Ngoài ra tính đặc thù của prôtêin còn được thể hiện qua cấu trúc không gian của nó (cấu trúc không gian gồm bậc 1, bậc 2, bậc 3, bậc 4).

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Vì sao nói prôtêin có vai trò quan trọng đối với tế bào cơ thể.

Câu 2: So sánh ADN và prôtêin về cấu tạo và chức năng.

Câu 3: So sánh ADN, ARN và prôtêin.

Câu 4: Đơn phân cấu tạo nên prôtêin là gì? Nêu các chức năng của prôtêin.

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Đặc điểm chung về cấu tạo của ADN, ARN và prôtêin là:

A. Là đại phân tử, có cấu tạo theo nguyên tắc đa phân.

B. Có kích thước và khối lượng bằng nhau

C. Đều được cấu tạo từ các nuclêôtit

D. Đều được cấu tạo từ các axit amin

Câu 2: Trong 3 cấu trúc: ADN, ARN và prôtêin thì cấu trúc có kích thước nhỏ nhất là:

A. ADN và ARN

B. Prôtêin

C. ADN và prôtêin

D. ARN

Câu 3: Đơn phân cấu tạo của prôtêin là:

A. Axit nuclêic

B. Nuclêic

C. Axit amin

D. Axit photphoric

Câu 4: Khối lượng của mỗi phân tử prôtêin (được tính bằng đơn vị cacbon) là:

A. Hàng chục

B. Hàng ngàn

C. Hàng trăm ngàn

D. Hàng triệu

Câu 5: Yếu tố tạo nên tính đa dạng và tính đặc thù của prôtêin là:

A. Thành phần, số lượng và trật tự của các axit amin

B. Thành phần, số lượng và trật tự của các nuclêôtit

C. Thành phần, số lượng của các cặp nuclêôtit trong ADN

D. Cả 3 yếu tố trên

4. Kết luận

- Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Trình bày được thành phần hoá học, các bậc cấu trúc của prôtêin.
  • Nêu được các vai trò quan trọng của protein đối với cơ thể. 
Ngày:04/08/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM