Sinh học 9 Bài 21: Đột biến gen

Trong bài học này các em được tìm hiểu về khái niệm, các dạng đột biến và nguyên nhân của đột biến gen, qua đó các em biết được vai trò vừa có lợi vừa có hại của đột biến gen, đặc biệt là những hậu quả khó lường trước đối với đột biến gen ở người.

Sinh học 9 Bài 21: Đột biến gen

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Đột biến gen là gì?

Đột biến gen là những biến đổi trong cấu trúc của gen liên quan tới một hoặc một số cặp nuclêôtit.
Các dạng đột biến gen: mất, thêm, thay thế, đảo vị trí một hoặc một số cặp nuclêôtit.

Hình 21.1 Các dạng đột biến gen

1.2. Nguyên nhân phát sinh đột biến gen

Do ảnh hưởng phức tạp của môi trường trong và ngoài cơ thể làm rối loạn quá trình tự sao của phân tử ADN (sao chép nhầm), xuất hiện trong điều kiện tự nhiên hoặc do con người gây ra.

Hình 21.2 Sự nhân đôi của ADN

Hình 21.3 Nguyên nhân gây đột biến gen

1.3. Vai trò của đột biến gen

Đột biến gen thể hiện ra kiểu hình thường có hại cho sinh vật vì chúng phá vỡ sự thống nhất hài hoà trong kiểu gen đã qua chọn lọc tự nhiên và duy trì lâu đời trong điều kiện tự nhiên, gây ra những rối loạn trong quá trình tổng hợp prôtêin.

Đột biến gen đôi khi có lợi cho bản thân sinh vật và con người, rất có ý nghĩa trong chăn nuôi, trồng trọt, chọn giống, tiến hóa.

2. Bài tập minh họa

Đột biến gen là gì? Nêu một số dạng biến đổi cấu trúc của gen?

Hướng dẫn giải:

- Đột biến gen là những biến đôi trong cấu trúc của gen do ảnh hưởng phức tạp của môi trường trong và ngoài cơ thể tới phân tử ADN xuất hiện trong điều kiện tự nhiên hoặc do con người gây ra.
+ Một số dạng của đột biến gen là:

  • Mất cặp nuclêôtit
  • Thêm cặp nuclêôtit
  • Thay thế cặp nuclêôtit

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Nguyên nhân gây đột biến gen là gì?

Câu 2: Tại sao đột biến gen thường có hại cho bản thân sinh vật? Nêu vai trò và ý nghĩa của đột biến gen trong thực tiễn sản xuất.

Câu 3: Gen B có 3000 nuclêôtit. Gen B đột biến thành gen b. Khi 2 gen này cùng nhân đôi 1 lần đã lấy từ môi trường tế bào 5998 nuclêôtit.

1. Xác định chiều dài của gen b.

2. Xác định dạng đột biến từ gen B thành gen b.

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Đột biến gen là những biến đổi trong cấu trúc của gen thường liên quan tới

A. một cặp nuclêôtit.

B. một số cặp nuclêôtit. 

C. nhiều cặp nuclêôtit.

D. toàn bộ các cặp nuclêôtit.

Câu 2: Sự biểu hiện kiểu hình của đột biến gen trong đời cá thể như thế nào?

A. Đột biến gen trội chỉ biểu hiện khi ở thể đồng hợp.

B. Đột biến gen trội biểu hiện khi ở thể đồng hợp và dị hợp.

C. Đột biến gen lặn chỉ biểu hiện ở thể dị hợp.

D. Đột biến gen lặn không biểu hiện được.

Câu 3: Tính chất biểu hiện của đột biến gen chủ yếu là

A. có lợi cho cá thể.

B. không có lợi và không có hại cho cá thể.

C. có hại cho cá thể.

D. có ưu thế so với bố, mẹ.

Câu 4: Thể đột biến là

A. cá thể mang đột biến gen đã biểu hiện chỉ ở kiểu hình trội.

B. cá thể mang đột biến gen đã biểu hiện chỉ ở kiểu hình trung gian.

C. cá thể mang đột biến gen đã biểu hiện chỉ ở kiểu hình lặn.

D. cá thể mang đột biến gen đã biểu hiện ở kiểu hình.

4. Kết luận

- Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Nêu được khái niệm đột biến gen và kể được các dạng đột biến gen.
  • Trình bày được vai trò của đột biến gen trong thực tiễn.
Ngày:07/08/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM