Sinh học 9 Bài 48: Quần thể người

Qua nội dung Bài 48: Quần thể người giúp các em được tìm hiểu về khái niệm quần thể người, đặc trưng cơ bản của quần thể người liên quan đến vấn đề dân số. Từ đó thay đổi nhận thức dân số và phát triển xã hội, giúp cán bộ và người dân thực hiện tốt quy định về dân số.

Sinh học 9 Bài 48: Quần thể người

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Quần thể người

- Ngoài các đặc điểm sinh học như quần thể các sinh vật khác, quần thể người có những đặc trưng kinh tế - xã hội như pháp luật, kinh tế, giáo dục, …

Đặc trưng quần thể người

- Tháp tuổi ở người chia thành 2 nửa: nửa bên phải biểu thị các nhóm tuổi của nữ, nửa bên trái biểu thị các nhóm tuổi của nam.

- Tăng dân số tự nhiên là kết quả của số người sinh ra nhiều hơn số người tử vong. Trong thực tế, sự tăng giảm dân số còn chịu ảnh hưởng của sự di cư.

Dân số đông

- Việc tăng dân số quá nhanh có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội như: thiếu nơi ở, thiếu lương thực, thiếu các cơ sở hạ tầng, … chặt phá rừng, ô nhiễm môi trường.

Nạn chặt phá rừng

Để hạn chế ảnh hưởng xấu của sự gia tăng dân số, mỗi quốc gia cần phải có chính sách phát triển dân số hợp lí.

1.2. Sự khác nhau giữa quần thể người với các quần thể sinh vật khác

Sự khác nhau giữa quần thể người và quần thể sinh vật khác

- Nhận xét:

+ Quần thể người và quần thể sinh vật có những đặc điểm giống nhau: giới tính, lứa tuổi, mật độ, sinh sản và tử vong.
+ Tuy nhiên, quần thể người còn có những đặc điểm khác mà quần thể sinh vật không có: pháp luật, kinh tế, hôn nhân, giáo dục, văn hóa.

1.3. Đặc trưng về thành phần nhóm tuổi của mỗi quần thể người

- Người ta chia dân số thành nhiều nhóm tuổi khác nhau:

+ Nhóm tuổi trước sinh sản: từ sơ sinh đến dưới 15 tuổi
+ Nhóm tuổi sinh sản và lao động: 15 – 64 tuổi
+ Nhóm tuổi hết khả năng lao động nặng: từ 65 tuổi trở lên

+ Có 3 dạng tháp tuổi:

Ba dạng tháp tuổi (%) a. Tháp dân số Ấn độ năm 1970. b Tháp dân số Việt Nam 1989. c Tháp dân số thụy điển năm 1955

1.4. Tăng dân số và phát triển xã hội

- Tăng dân số tự nhiên là kết quả của số người sinh ra nhiều hơn số người tử vong. Tuy nhiên, trong tự nhiên sự tăng giảm dân số còn phụ thuộc vào sự di cư.

+ Khi dân số tăng quá nhanh làm cho nguồn tài nguyên cạn kiệt, tài nguyên tái sinh không đủ cung cấp hậu quả:

  • Thiếu nơi ở, lương thực, trường học, bệnh viện.
  • Ô nhiễm môi trường.
  • Chặt phá rừng.
  • Chậm phát triển kinh tế.
  • Tắc nghẽn giao thông.

- Để hạn chế sự ảnh hưởng xấu của việc tăng dân số mỗi quốc gia cần phát triển dân số hợp lí tạo được sự hài hòa giữa kinh tế và xã hội đảm bảo cuộc sống cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
Ở Việt Nam, hiện nay đang thực hiện Pháp lệnh dân số nhằm mục đích đảm bảo chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Số con sinh ra phải phù hợp với khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc của mỗi gia đình và hài hòa với sự phát triển kinh tế - xã hội, tài nguyên, môi trường của đất nước.

2. Bài tập minh họa

Bài 1: Vì sao quần thể người lại có một số đặc điểm mà quần thể sinh vật khác không có?

Hướng dẫn giải:

Ngoài đặc điểm sinh học như những quần thể sính vật khác, quần thể người có những đặc điểm kinh tế - xã hội mà quần thể sinh vật khác không có. Đó là do con người có hệ thần kinh phát triển cho phép con người có lao động tư duy, có óc sáng tạo, luôn làm việc có mục đích trước, khai thác cải tạo thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ mục đích của mình.

Bài 2: Tháp dân số trẻ và tháp dân số già khác nhau như thế nào?

Hướng dẫn giải:

- Tháp dân số trẻ:

  • Đáy tháp rộng
  • Cạnh tháp xiên nhiều
  • Đỉnh tháp nhọn
  • Tỉ lệ sinh và tỉ lệ tử vong cao
  • Tuổi thọ trung bình thấp

- Tháp dân số già:

  • Đáy tháp hẹp
  • Cạnh tháp gần như thẳng đứng
  • Đỉnh tháp không nhọn
  • Tỉ lệ sinh và tỉ lệ tử vong đều thấp
  • Tuổi thọ trung bình cao

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Ý nghĩa của việc phát triển dân số hợp lí của mỗi quốc gia?

Câu 2: Những đặc trưng của quần thể người là gì?

Câu 3: Hãy trình bày thành phần nhóm tuổi của quần thể người?

Câu 4: Hậu quả của việc tăng dân số quá nhanh là gì?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Nhóm tuổi sinh sản và lao động trong quần thể người là

A. từ sơ sinh đến dưới 15 tuổi.

B. từ 15 tuổi đến 50 tuổi.

C. từ 15 tuổi đến 64 tuổi. 

D. từ 18 tuổi đến 60 tuổi.

Câu 2: Quần thể người có những đặc điểm nào sau đây mà quần thể sinh vật khác không có?

A. Tỉ lệ giới tính.

B. Thành phần nhóm tuổi.

C. Mật độ.

D. Kinh tế - xã hội.

Câu 3: Đặc điểm về kinh tế - xã hội chỉ có ở quần thể người mà không có ở quần thể sinh vật khác vì

A. con người có tư duy.

B. con người có lao động.

C. con người có khả năng cải tạo thiên nhiên.

D. cả A, B và C.

Câu 4: Việc tăng dân số quá nhanh có thể dẫn đến tình trạng nào sau đây?

A. Thiếu lương thực, thực phẩm; thiếu chỗ ở, thiếu trường học, bệnh viện.

B. Chặt phá rừng, ô nhiễm môi trường.

C. Kinh tế kém phát triển, chất lượng cuộc sống không được nâng cao.

D. Cả A, B và C.

Câu 5: Phát triển dân số hợp lí là

A. số con sinh ra phù hợp với khả năng nuôi dưỡng và chăm sóc của gia đình và xã hội.

B. dân số tăng hài hoà với sự phát triển kinh tế - xã hội.

C. phù hợp với điều kiện về tài nguyên và môi trườns của đất nước.

D. cả A, B và C.

4. Kết luận

- Sau khi học xong bài này học sinh cần nắm được những nội dung sau:

  • Quần thể người có đặc trưng sinh học so với những quần thể sinh vật khác, đó là đặc điểm giới tính, lứa tuổi, mật độ, sinh sản, tử vong.
  • Quần thể người có những đặc trưng khác với quần thể sinh vật khác ở những đặc điểm như: pháp luật, chế độ hôn nhân, văn hoá, giáo dục, kinh tế.

→ Sự khác nhau đó là do con người có lao động và tư duy nên có khả năng tự điều chỉnh các đặc điểm sinh thái trong quần thể, đồng thời cải tạo thiên nhiên.

Ngày:21/08/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM