Sinh học 8 Bài 6: Phản xạ

Nhằm giúp các em được tìm hiểu về cấu tạo của một nơron điển hình của động vật, biết được kiến thức về phản xạ, cung phản xạ và vòng phản xạ của động vật. Giúp các em giải thích được các hiện tượng thường gặp hằng ngày. Nội dung chi tiết tham khảo tại đây!

Sinh học 8 Bài 6: Phản xạ

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Cấu tạo và chức năng của nơron

a. Cấu tạo của Nơron

- Mô thần kinh có cấu tạo gồm các tế bào (nơron) thần kinh

- Cấu tạo của một noron điển hình: Mỗi nơron đều gồm phấn thân, sợi trục, đuôi gai (tua ngắn hay sợi nhánh)

  • Thân: chứa nhân, xung quanh là sợi nhánh (tua ngắn)
  • Sợi trục: bên ngoài có các bao miêlin, khoảng cách giữa các bao miêlin gọi là eo Ranvie, nơi tiếp nối nơron gọi là xináp
  • Sợi phân nhánh nằm ở xung quanh nhân

Cấu tạo của nơron

b. Chức năng của nơron

- Cảm ứng: 

  • Là khả năng tiếp nhận các kích thích và phản ứng lại các kích thích bằng hình thức phát sinh xung thần kinh
  • Kích thích -> Nơron -> Xung thần kinh

- Dẫn truyền:

  • Là khả năng lan truyền xung thần kinh theo một chiều nhất định từ nơi phát sinh và tiếp nhận về thân nơron và truyền đi dọc theo sợi trục
  • Từ sợi nhánh -> Thân nơron -> Sợi trục.

c. Phân loại nơron

Có 3 loại nơron:

- Nơron hướng tâm (Nơron cảm giác):

  • Thân nằm bên ngoài trung ương thần kinh.
  • Truyền xung thần kinh từ cơ quan thụ cảm đến trung ương thần kinh.

- Nơron trung gian (nơron liên lạc):

  • Nằm trong trung ương thần kinh.
  • Liên hệ giữa các nơron.

- Nơron li tâm (nơron vận đông):

  • Thân nằm trong trung ương thần kinh, sợi trục hướng ra cơ quan phản ứng.
  • Truyền xung thần kinh từ trung ương tới cơ quan phản ứng.

1.2. Cung phản xạ

a. Phản xạ

- Ví dụ:

  • Sờ tay vào vật nóng → rụt tay lại
  • Nhìn thấy quả chua → tiết nước bọt

Phản xạ là phản ứng của cơ thể trả lời các kích thích từ môi trường bên trong hay bên ngoài cơ thể thông qua hệ thần kinh

- Ở thực vật có hiện tượng khi chạm tay vào cây trinh nữ, lá cây cụp lại → đây không phải là phản xạ vì thực vật không có hệ thần kinh.

b. Cung phản xạ    

- Cung phản xạ có 5 thành phần:

  • Cơ quan thụ cảm

  • Nơron hướng tâm

  • Nơron trung gian

  • Nơron li tâm

  • Cơ quan phản ứng

Cung phản xạ là con đường mà xung thần kinh truyền từ cơ quan thụ cảm qua trung ương thần kinh đến cơ quan phản ứng

Sơ đồ tổng quát 1 cung phản xạ

Sơ đồ cung phản xạ

VD: Sơ đồ cung phản xạ ở người

Sơ đồ cung phản xạ ở người

1.3. Vòng phản xạ

- Ví dụ:

Ví dụ vòng phản xạ

  • Khi tay chạm vào ngọn nến → cảm thấy đau (nhờ thụ quan cảm giác đau trong da) → xung thần kinh theo noron hướng tâm → noron trung gian ở trung ương thần kinh → phân tích xung thần kinh → noron li tâm → cơ ở tay → cơ co → rụt tay lại.
  • Kết quả của sự phản ứng được thông báo ngược lại về trung khu thần kinh nhờ noron hướng tâm, nếu phản ứng chưa chính xác hoặc chưa đầy đủ → phát lệnh điều chỉnh → dây li tâm → cơ quan phản ứng → Vòng phản xạ.

- Khái niệm: Vòng phản xạ là luồng thần kinh  bao gồm cung phản xạ và đường phản hồi (xung thần kinh hướng tâm ngược từ cơ quan thụ cảm và cơ quan phản ứng về trung ương thần kinh)

Sơ đồ vòng phản xạ

Vòng phản xạ điều chỉnh phản xạ nhờ luồng thông tin ngược 

Sơ đồ tổng quát 1 vòng phản xạ

2. Bài tập minh họa

Câu 1: Phản xạ là gì? Hãy lấy ví dụ của phản xạ?

Hướng dẫn giải

- Khái niệm: Phản xạ là phản ứng của cơ thể trả lời các kích thích của môi trường thông qua hệ thần kinh.

Ví dụ: Khi chân ta dẫm phải hòn than, chân vội nhấc lên là một phản xạ. Con chuột đang đi, bỗng nhìn thấy con mèo, liền chạy trốn cũng là một phản xạ…

Câu 2: Em bé đái dầm có phải là phản xạ không? Hãy giải thích cơ chế? 

Hướng dẫn giải 

Em bé đái dầm cũng là một phản xạ.

Bàng quang (bóng đái) đầy nước tiểu kích thích cơ quan thụ cảm ở bóng đái, tạo ra xung thần kinh báo về trung ương thần kinh ở tủy sống, trung ương thần kinh phát lệnh theo dây li tâm tới cơ quan phản ứng là cơ vòng ở bóng đái, cơ mở ra, nước tiểu chảy ra ngoài một cách tự nhiên (đái dầm).

Câu 3: Chọn đáp án điền vào chỗ trống để hoàn thành các câu sau đây: Phản xạ là ...(1)... của cơ thể để trả lời các ...(2)... của môi trường thông qua. Trong phản xạ luôn có luồng thông tin ngược báo về trung ương thần kinh.

A. kích thích                 

B. phản ứng

C. tác động                 

D. hệ thần kinh 

Hướng dẫn giải

Phản xạ là phản ứng của cơ thể để trả lời các kích thích của môi trường thông qua hệ thần kinh. Trong phản xạ luôn có luồng thông tin ngược báo về trung ương thần kinh.

⇒ Đáp án: 1-B; 2-A; 3-D

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Từ một ví dụ cụ thể đã nêu, hãy phân tích đường đi của xung thần kinh trong phản xạ đó?

Câu 2: Mô tả cấu tạo của một noron điển hình. Chức năng cơ bản của nơron là gì? Nơron gồm những loại nào? 

Câu 3: Các phát biểu sau đây đúng hay sai:

1. Tính cảm ứng là khả năng tiếp nhận kích thích và phản ứng lại các kích thích

2. Tính cảm ứng là khả năng tiếp nhận kích thích nhưng không có phản ứng trả lời

3. Tính dẫn truyền là khả năng lan truyển của xung thần kinh trong sợi thần kinh

4. Tế bào động vật có vách tế bào dày có tác dụng bảo vệ

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Chọn đáp án điền vào chỗ trống để hoàn thành các câu sau đây: Phản xạ luôn có luồng thông tin ngược ...(1)... để trung ương...(2)... cho chính xác. Vòng phản xạ bao gồm cung phản xạ và ...(3)...

A. đường liên hệ ngược

B. báo về trung ương thần kinh

C. báo về cơ quan thụ cảm

D. điều chỉnh phản ứng 

Câu 2: Hiện tượng người sờ tay vào vật nóng thì rụt lại và hiện tượng chạm tay vào cây trinh nữ thì lá cụp lại có gì giống nhau?

A. Đều là phản xạ ở sinh vật.

B. Đều là hiện tượng cảm ứng ở sinh vật.

C. Đều là sự trả lời lại các kích thích của môi trường.

D. Cả B và C. 

Câu 3: Dẫn truyền xung thần kinh là gì?

A. Là khả năng tiếp nhận và phản ứng lại các kích thích bằng cách phát sinh xung thần kinh.

B. Là khả năng lan truyền xung thần kinh theo một chiều nhất định trong cung phản xạ.

C. Là khả năng trả lời các kích thích của môi trường.

D. Là khả năng tiếp nhận các kích thích của môi trường. 

Câu 4: Cảm ứng là gì?

A. Là khả năng tiếp nhận và phản ứng lại các kích thích bằng cách phát sinh xung thần kinh.

B. Là khả năng lan truyền xung thần kinh theo một chiều nhất định.

C. Là khả năng trả lời các kích thích của môi trường.

D. Là khả năng tiếp nhận các kích thích của môi trường. 

Câu 5: Nơron trung gian có đặc điểm

A. Nằm trong trung ương thần kinh, đảm nhiệm chức năne liên hệ giữa các nơron.

B. Có thân nằm ngoài trung ương thần kinh, đảm nhiệm chức năng truyền xung thần kinh về trung ương thần kinh.

C. Có thân nằm trong trung ương thần kinh, đảm nhiệm chức năng truyền xung thần kinh từ trung ương thần kinh đến cơ quan trả lời.

D. Cả A và B. 

Câu 6: Nơron li tâm có đặc điểm

A. Nằm trong trung ương thần kinh, đảm nhiệm chức năng liên hệ giữa các nơron.

B. Nó thân nằm ngoài trung ương thần kinh, đảm nhiệm chức năng truyền xung thần kinh về trung ương thần kinh.

C. Có thân nằm trong trung ương thần kinh, đảm nhiệm chức năng truyền xung thần kinh từ trung ương thần kinh đến cơ quan trả lời.

D. Cả A và B. 

4. Kết luận

Sau khi học xong bài phản xạ này các em cần:

- Nêu được cấu tạo và chức năng của nơron.

Chỉ rõ 5 thành phần của một cung phản xạ và đường dẫn truyền xung thần kinh trong cung phản xạ.

Phân biệt được cung phản xạ và vòng phản xạ.

Ngày:15/07/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM