Sinh học 8 Bài 43: Giới thiệu chung hệ thần kinh

Qua nội dung bài Bài 43: Giới thiệu chung hệ thần kinh các em sẽ được tìm hiểu về cấu tạo và chức năng của nơron - đơn vị cấu tạo của hệ thần kinh, các bộ phận của hệ thần kinh từ đó các em khái quát được hệ thần kinh của cơ thể.

Sinh học 8 Bài 43: Giới thiệu chung hệ thần kinh

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Nơron - đơn vị cấu tạo của hệ thần kinh

a. Cấu tạo

- Thân và các sợi nhánh tạo thành chất xám trong TWTK.

- Sợi trục là thành phần tạo nên chất trắng và các dây thần kinh.

Tế bào Nơron thần kinh

- Nơron có cấu tạo gồm:

  • Thân: hình sao, chứa nhân.
  • Một sợi trục có bao mielin.
  • Tận cùng là các xináp – là nơi  tiếp xúc giữa các nơron.

+ Thân và các sợi nhánh → Tạo chất xám trong trung ương thần kinh
+ Sợi trục → Thành phần tạo nên chất trắng và các dây thần kinh

⇒ Vì vậy nơron là đơn vị cấu tạo của hệ thần kinh

b. Chức năng

- Chức năng của nơron là: 

  • Cảm ứng.
  • Dẫn truyền xung thần kinh.

1.2. Các bộ phận của hệ thần kinh

a. Cấu tạo

- Hệ thần kinh bao gồm bộ phận trung ương và bộ phận ngoại biên.

- Bộ phận trung ương có não và tuỷ sống được bảo vệ trong các khoang xương và màng não tuỷ: hộp sọ chứa não; tủy sống nằm trong ống xương sống.
- Nằm ngoài trung ương kinh thần là bộ phận ngoại biên, có các dây thần kinh do các bó sợi cảm giác và bó sợi vận động  tạo nên. Thuộc bộ phận ngoại biên còn có các hạch thần kinh.

b. Chức năng

- Hệ thần kinh cơ xương: điều khiển các cơ vân, cơ xương. Hoạt động có ý thức.

- Hệ thần kinh sinh dưỡng: Điều hòa cơ quan sinh dưỡng và cơ quan sinh sản. Hoạt động không có ý thức

2. Bài tập minh họa

Vì sao nói: Nơron là đơn vị cấu tạo và là đơn vị chức năng của tổ chức thần kinh (hệ thẩn kinh)? 

Hướng dẫn giải:

- Nơron là đơn vị cấu tạo của mô thần kinh nói riêng và hệ thần kinh nói chung:

Thân nơron và các sợi nhánh tập trung tạo nên chất xám của vỏ đại não, vỏ tiểu não, các nhân dưới vỏ, trong chất xám tuỷ sống và các hạch thần kinh ngoại biên (hạch giao cảm và đối giao cảm).
Các sợi trục của nơron phần lớn có bao miêlin, tập hợp thành chất trắng trong trung ương thần kinh (não, tuỷ) và hầu hết các dây thần kinh thuộc bộ phận ngoại biên của hệ thần kinh (chỉ có các sợi sau hạch của dây giao cảm và đối giao cảm của hệ thần kinh sinh dưỡng là không có bao miêlin).

Các sợi trục phân nhánh và tận cùng mỗi nhánh bằng các chuỳ xináp (còn gọi là cúc xináp) là nơi tiếp giáp giữa các nơron với các sợi nhánh hay thân của các nơron sau hoặc tiếp giáp với các tế bào của các cơ quan phản ứng (cơ, tuyến).
Trong các chuỳ xináp có các bọng chứa các chất môi giới hoá học do bản thân nơron tổng hợp nên, có chức năng chuyển giao các thông tin từ nơron tới nơron tiếp sau hoặc các cơ quan khi nơron tiếp nhận kích thích từ môi trường.

- Nơron đồng thời là đơn vị chức năng của hệ thần kinh vì nơron có khả năng hưng phấn và dẫn truyền.

Nơron là các thành phần chủ yếu của một cung phản xạ, mà phản xạ là chức năng của hệ thần kinh vì mọi hoạt động của cơ thể đều là phản xạ.
Cung phản xạ thông thường bao gồm nơron hướng tâm tiếp xúc với bộ phận tiếp nhận kích thích (thụ quan) và nơron li tâm tiếp xúc với cơ quan phản ứng. Nơron hướng tâm và li tâm tiếp xúc trực tiếp hay qua một nơron trung gian trong chất xám tuỷ sống hay vỏ não.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Trình bày cấu tạo và chức năng của noron.

Câu 2: Trình bày các bộ phận của hệ thần kinh và thành phần cấu tạo của chúng dưới hình thức sơ đồ.

Câu 3: Phân biệt chức năng của hệ thần kinh vận động và hệ thần kinh sinh dưỡng.

Câu 4: Nêu đặc điểm cấu tạo của một nơron điển hình mà em biết?

Câu 5: Hệ thần kinh ở người bao gồm những bộ phận nào? (Có thể trình bày khái quát dưới dạng sơ đồ).

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Chức năng của hệ thần kinh là gì?

A. Điều khiển, điều hòa, phối hợp hoạt động các cơ quan trong cơ thể

B. Giám sát các hoạt động, thông báo cho não bộ hoạt động của các cơ quan trong cơ thể

C. Điều hòa nhiệt độ, tuần hoàn, tiêu hóa

D. Sản xuất tế bào thần kinh

Câu 2: Đơn vị cấu tạo của hệ thần kinh là gì?

A. Dây thần kinh

B. Mạch máu

C. Nơron

D. Mô thần kinh

Câu 3: Não thuộc bộ phận nào của hệ thần kinh?

A. Bộ phận ngoại biên

B. Bộ phận trung ương

C. Một bộ phận độc lập

D. Một bộ phận của tủy sống

Câu 4: Bộ phận nào không xuất hiện trong cấu tạo của một nơron thần kinh điển hình?

A. Eo Răngviê

B. Sắc tố

C. Cúc xináp

D. Bao miêlin

Câu 5: Tủy sống nằm trong vị trí nào của cơ thể?

A. Ống xương sống

B. Ống các loại xương dài

C. Hộp sọ

D. Cột sống (phần cùng cụt)

4. Kết luận

- Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Trình bày được cấu tạo và chức năng của nơron.
  • Trình bày được cấu tạo của hệ thần kinh.
Ngày:24/08/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM