Sinh học 8 Bài 24: Tiêu hóa và các cơ quan tiêu hóa

Qua nội dung bài Tiêu háo và các cơ quan tiêu hóa giúp các em học sinh tìm hiểu các kiến thức về tiêu hóa như các hoạt động của quá trình tiêu hóa, vai trò của tiêu hóa và các cơ quan tiêu hóa

Sinh học 8 Bài 24: Tiêu hóa và các cơ quan tiêu hóa

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Thức ăn và sự tiêu hóa

- Hằng ngày trong cơ thể chúng ta diễn ra các quá trình oxi hóa các chất hữu cơ như prôtêin, lipit, gluxit để sinh ra năng lượng sống cần cho các hoạt động của tế bào. Vai trò của thức ăn chính là bù đắp lại sự hao hụt này. Ngoài ra thức ăn còn là nguyên liệu để xây dựng các tế bào mới thay thế cho các tế bào đã chết và giúp cơ thể lớn lên.

Hình 24.1 Các loại thức ăn thường ngày

+ Thức ăn sau khi ăn sẽ được biến đổi thành các chất dinh dưỡng để hấp thụ.

Hình 24.2 Nguồn dinh dưỡng từ các nguồn thức ăn

  • Thức ăn gồm chất hữu cơ và chất vô cơ
  • Chất hữu cơ:  prôtêin, lipit, gluxit.… : bị biến đổi hóa học trong quá trình tiêu hóa.

+ Chất vô cơ: Nước, muối khoáng: không bị biến đổi hóa học trong quá trình tiêu hóa

Hình 24.3 Sơ đồ quá trình biến đổi thức ăn

- Quá trình tiêu hóa gồm các hoạt động: Ăn và uống → đẩy thức ăn vào ống tiêu hóa → tiêu hóa thức ăn → hấp thụ chất dinh dưỡng → thải phân.
- Vai trò của tiêu hóa: biến đổi thức ăn thành các chất dinh dưỡng mà cơ thể có thể hấp thụ được và thải bỏ các chất cặn bã ra ngoài.

Hình 24.4 Các cơ quan tiêu hóa

1.2. Các cơ quan tiêu hóa

Bảng các cơ quan tiêu hóa

+ Khoang miệng gồm răng và lưỡi.
+ Hầu là đoạn thông giữa khoang miệng với thực quản.
+ Thực quản là đoạn đưa thức ăn từ hầu xuống dạ dày.
+ Dạ dày là phần rộng nhất của ống tiêu hóa, nằm giữa bụng hơi lệch về phía trái .
+ Ruột non dài từ 2.8 – 3m, nằm giữa khoang bụng.
+ Ruột già có hình dạng chữ U ngược.
+ Ruột thẳng là nơi trữ phân.
+ Ruột thừa ở bên phải phía dưới, là vết tích tiêu giảm của 1 cơ quan trong cơ thể động vật.

  • Ruột thừa không còn chức năng, có thể gây phiền toái.

2. Bài tập minh họa

Các chất trong thức ăn có thể được phân nhóm như thế nào? Nêu đặc điểm mỗi nhóm?

Hướng dẫn giải:

- Các chất trong thức ăn có thể được phân nhóm theo các đặc điểm sau:

+ Căn cứ vào đặc điểm cấu tạo hóa học:

  • Các chất hữu cơ gồm: Gluxit, lipit, prôtêin, vitamin.
  • Các chất vô cơ gồm: Muối khoáng, nước.

+ Căn cứ vào đặc điểm biến đổi qua hoạt động tiêu hóa:

  • Các chất bị biến đổi qua hoạt động tiêu hóa: Gluxit, lipit, prôtêin, axit nucleic.
  • Các chất không bị biến đổi qua hoạt động tiêu hóa: Vitamin, muối khoáng, nước.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Vai trò của tiêu hóa đối với cơ thể người là gì?

Câu 2: Các chất cần cho cơ thể như nước, muối khoáng, các loại vitamin khi vào cơ thể theo đường tiêu hóa thì cần phải qua những hoạt động nào của hệ tiêu hóa? Cơ thể người có thể nhận những chất này theo con đường nào khác không?

Câu 3: Nêu sự khác biệt giữa quá trình tiêu hoá và hoạt động tiêu hoá?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Các hoạt động xảy ra trong quá trình tiêu hóa là:

A. Hấp thụ chất dinh dưỡng

B. Ăn và uống

C. Thải phân

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 2: Sắp xếp các quá trình sau theo diễn biến của quá trình tiêu hóa xảy ra trong cơ thể.

A. Ăn và uống => vận chuyển thức ăn trong ống tiêu hóa => tiêu hóa thức ăn => hấp thụ các chất dinh dưỡng => thải phân.

B. Ăn và uống => tiêu hóa thức ăn => vận chuyển thức ăn trong ống tiêu hóa => hấp thụ các chất dinh dưỡng => thải phân.

C. Ăn và uống => vận chuyển thức ăn trong ống tiêu hóa => hấp thụ các chất dinh dưỡng => tiêu hóa thức ăn => thải phân.

D. Ăn và uống => hấp thụ các chất dinh dưỡng =>vận chuyển thức ăn trong ống tiêu hóa => tiêu hóa thức ăn => thải phân.

Câu 3: Các chất mà cơ thể không hấp thụ được là:

A. Đường đơn

B. Acid amin

C. Muối khoáng

D. Xellulose

Câu 4: Các tuyến tiêu hóa là:

A. Tuyến nước bọt

B. Tuyến vị

C. Tuyến ruột

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 5: Quá trình tiêu hóa được thực hiện bởi hoạt động của:

A. Các tuyến tiêu hóa

B. Các cơ quan trong ống tiêu hóa

C. Hoạt động của các enzyme

D. Các cơ quan trong ống tiêu hóa và các tuyến tiêu hóa.

4. Kết luận

- Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Trình bày được các giai đoạn của quá trình tiêu hóa.
  • Trình bày được vai trò của tiêu hóa.
  • Xác định được trên hình các cơ quan tiêu hóa ở người.
Ngày:07/08/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM