Giải bài tập SBT Lịch Sử 7 Bài 23: Kinh tế, văn hóa thế kỉ XVI - XVIII

Hướng dẫn giải bài tập SBT Lịch sử 7 Bài 23 dưới đây sẽ giúp các em củng cố kiến thức và rèn luyện kĩ năng giải bài tập về tình hình kinh tế, văn hóa thế kỉ XVI - XVIII. Mời các em cùng theo dõi.

Giải bài tập SBT Lịch Sử 7 Bài 23: Kinh tế, văn hóa thế kỉ XVI - XVIII

1. Giải bài 1 trang 81 SBT Lịch sử 7

Hãy khoanh tròn chữ in hoa trước ý trả lời đúng.

Câu 1: Ý nào không phản ánh đúng tình hình nông nghiệp ở Đàng Ngoài từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII ?

A. Đầu thời nhà Mạc, khi chưa diễn ra chiến tranh Nam triều - Bắc triều, nông nghiệp vẫn phát triển.

B. Chiến tranh phong kiến làm cho sản xuất bị phá hoại nghiêm trọng.

C. Ruộng đất bị bỏ hoang, nạn mất mùa, đói kém xảy ra dồn dập.

D. Để phát triển sản xuất, chính quyền Lê - Trịnh rất quan tâm đến thuỷ lợi và tổ chức khai hoang.

Câu 2: Vùng đất cát cứ ban đầu của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong là

A. vùng đất Thanh Hoá - Nghệ An.

B. vùng đất Nghệ An - Hà Tĩnh,

C. vùng đất Thuận Hoá - Quảng Nam.

D. vùng đất từ Thuận Hoá đến Gia Định.

Câu 3: Để củng cố, mở rộng lãnh thổ cát cứ của mình ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã thực hiện biện pháp

A. tiếp tục gây chiến tranh với chính quyền Đàng Ngoài để mở rộng lãnh thỗ ra phía Bắc.

B. gây chiến tranh với các nước lân bang để mở rộng lãnh thổ.

C. tổ chức di dân khai hoang, lập thành làng ấp, mở rộng dần lãnh thổ về phía nam.

D. tất cả các biện pháp trên.

Câu 4: "Phố xá buôn bán nhộn nhịp... Mỗi phố bán một thứ hàng hoá", "nhờ con sông Cái chảy qua..., thuyền chở hàng hoá qua lại rất đông". Trên đây là những lời nhận xét của các thương nhân phương Tây về

A. Thăng Long.

B. Phố Hiến.

C. Hội An.

D. Gia Định.

Câu 5: Đô thị - thành phố cảng lớn nhất Đàng Trong là

A. Thanh Hà.

B. Đà Nẵng.

C. Hội An.

D. Gia Định.

Câu 6: Nguyên nhân khiến cho các thành thị ở nước ta suy tàn dần vào nửa sau thế kỉ XVIII:

A. do chính quyền Đàng Ngoài và Đàng Trong đều thực hiện chính sách hạn chế ngoại thương.

B. do thương nhân nước ngoài chỉ tập trung buôn bán với Trung Quốc.

C. do sự xuất hiện và phát triển của một số đô thị mới, các đô thị cũ dần dần rơi vào sự quên lãng.

D. tất cả các nguyên nhân trên.

Câu 7: Thế kỉ XVI - XVIII, một tôn giáo mới từng bước được truyền bá vào nước ta là

A. Phật giáo

B. Nho giáo.

C. Thiên Chúa giáo.

D. Hồi giáo.

Câu 8: Trong các thế kỉ XVI - XVII, một loại hình văn học rất phát triển so với thời kì trước, gắn liền với nhiều tập truyện, tập thơ của các tác giả nổi tiếng như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ là

A. văn học chữ Hán. 

B. văn học chữ Nôm.

C. văn học chữ Quốc ngữ. 

D. văn học dân gian

Phương pháp giải

Dựa vào hiểu biết của bản thân và toàn bộ kiến thức được trình bày ở bài 23 SGK Lịch sử 7 để phân tích, đưa ra lựa chọn phù hợp.

Ví dụ: Tình hình nông nghiệp ở Đàng Ngoài từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII: đầu thời nhà Mạc, khi chưa diễn ra chiến tranh Nam triều - Bắc triều, nông nghiệp vẫn phát triển, chiến tranh phong kiến làm cho sản xuất bị phá hoại nghiêm trọng, ruộng đất bị bỏ hoang, nạn mất mùa, đói kém xảy ra dồn dập.

Hướng dẫn giải

1.D             2.C               3.C              4.A

5.C             6.A                7.C              8.B

2. Giải bài 2 trang 81 SBT Lịch sử 7

Hãy điền chữ Đ (đúng) hoặc chữ S (sai) vào ô ☐ trước các câu sau.

1. ☐ Phủ Gia Định được Nguyễn Hữu Cảnh đặt năm 1698, gồm hai dinh: Trấn Biên và Phiên Trấn.

2. ☐ Từ thế kỉ XVI đến nửa đầu thế kỉ XVIII là giai đoạn phát triển của thủ công nghiệp và thương nghiệp, gắn liền với sự hưng thịnh của các đô thị ở cả Đàng Ngoài và Đàng Trong.

3. ☐ Thương nhân nước ngoài đến Việt Nam mở cửa hàng bán tơ tằm, đường, trầm hương, ngà voi và mua hàng len dạ, đồ pha lê,...

4. ☐ Các giáo sĩ phương Tây dùng chữ cái Latinh ghi âm tiếng Việt, tạo ra chữ Quốc ngữ để phục vụ cho mục đích truyền bá đạo Thiên Chúa.

Phương pháp giải

Xem lại mục 1. Nông nghiệp Đại Việt ở thế kỉ XVI, mục 2. Sự phát triển của nghề thủ công và buôn bán thế kỉ XVI, mục 4. Sự ra đời của chữ Quốc ngữ ở thế kỉ XVI – XVIII được trình bày ở bài 23 SGK Lịch sử 7 để phân tích và trả lời.

Ví dụ: Phủ Gia Định được Nguyễn Hữu Cảnh đặt năm 1698, gồm hai dinh: Trấn Biên và Phiên Trấn → Đúng

Hướng dẫn giải

Đúng : 1, 2, 4

Sai : 3

3. Giải bài 3 trang 81 SBT Lịch sử 7

Hãy trình bày tình hình ruộng đất và sản xuất nông nghiệp ở Đàng Ngoài (thế kỉ XVI - thế kỉ XVIII).

Phương pháp giải

Dựa vào nội dung mục 1. Nông nghiệp Đại Việt ở thế kỉ XVI trang 109 SGK Lịch sử 7 để phân tích, trả lời.

- Đầu thời nhà Mạc, nông nghiệp phát triển rồi sa sút

- Thời Lê - Trịnh: nông nghiệp sa sút, mất mùa, đói kém.

Hướng dẫn giải

Tình hình ruộng đất và sản xuất nông nghiệp ở Đàng Ngoài (thế kỉ XVI - thế kỉ XVIII):

- Đầu thời nhà Mạc, nông nghiệp phát triển; sau đó sa sút do chiến tranh.

- Thời Lê - Trịnh: nông nghiệp bị chiến tranh phá hoại nghiêm trọng, nhưng nhà nước thiếu quan tâm phục hồi, ruộng đất công làng xã bị bọn cường hào cầm bán.

- Ruộng đất bị bỏ hoang, tình trạng mất mùa, đói kém xảy ra dồn dập (nhất là ở Sơn Nam).

4. Giải bài 4 trang 82 SBT Lịch sử 7

Tại sao nông nghiệp Đàng Trong thời kì đầu (thế kỉ XVII - đầu thế kỉ XVIII) vẫn phát triển ? Nêu dẫn chứng về sự phát triển đó.

Phương pháp giải

Từ các kiến thức về nông nghiệp Đại Việt ở thế kỉ XVI được trình bày ở SGK Lịch sử 7 để phân tích, giải thích.

- Tâm tổ chức di dân khai hoang, lập thành làng ấp

- Nền nông nghiệp ở Đàng Trong phát triển rõ rệt.

Hướng dẫn giải

Nông nghiệp Đàng Trong thời kì đầu (thế kỉ XVII - đầu thế kỉ XVIII) vẫn phát triển vì: 

- Để củng cố cơ sở cát cứ, chính quyền các chúa Nguyễn quan tâm tổ chức di dân khai hoang, lập thành làng ấp; người dân thì cần cù, chịu khó; điều kiện tự nhiên thuận lợi ...

- Nền nông nghiệp ở Đàng Trong phát triển rõ rệt, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long. Tình trạng nông dân bị bần cùng do mất ruộng đất chưa nghiêm trọng như ở Đàng Ngoài.

5. Giải bài 5 trang 82 SBT Lịch sử 7

Hãy kể tên các làng thủ công nổi tiếng, các đô thị nổi tiếng ở nước ta trong các thế kỉ XVI - XVIII. Theo em biết, có làng thủ công hay đô thị nào còn tồn tại đến ngày nay ?

Phương pháp giải

Từ hiểu biết của bản thân và nội dung mục 2. Sự phát triển của nghề thủ công và buôn bán thế kỉ XVI trang 110 SGK Lịch sử 7 để phân tích và trả lời câu hỏi.

Ví dụ: Thổ Hà (Bắc Giang), Bát Tràng (Hà Nội), La Khê ...

Rèn sắt ở Nho Lâm

Làng gốm Bát Tràng

Hướng dẫn giải

Nhiều làng thủ công nổi tiếng như gốm Thổ Hà (Bắc Giang), Bát Tràng (Hà Nội), làng dệt La Khê (Hà Nội), rèn sắt ở Nho Lâm (Nghệ An), Hiền Lương, Phú Bài (Thừa Thiên Huế); các làng làm đường mía ở Quảng Nam...

Ngoài Thăng Long (Kẻ Chợ) với 36 phố phường, ở Đàng Ngoài có Phố Hiến (Hưng Yên). Bấy giờ có câu: "Thứ nhất Kinh Kì, thứ nhì Phố Hiến", ở Đàng Trong có Thanh Hà (Thừa Thiên Huế), Hội An (Quảng Nam), Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh).

Ngày nay, nhiều làng thủ công vẫn còn đang hoạt động và phát triển như: gốm Bát Tràng (Hà Nội)...

6. Giải bài 6 trang 82 SBT Lịch sử 7

Tại sao nói: Vào các thế kỉ XVII - XVIII, nền văn học và nghệ thuật dân tộc phát triển rất phong phú và đa dạng?

Phương pháp giải

Xem lại mục 3. Văn học và nghệ thuật dân gian thế kỉ XVI - XVIII trang 114 SGK Lịch sử 7 để phân tích, trả lời.

- Văn học chữ Nôm phát triển: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ...

- Văn học dân gian phát triển: truyện Nôm, truyện tiếu lâm...

- Nghệ thuật dân gian: múa trên dây, múa đèn...

Hướng dẫn giải

Sự phát triển của loại hình nghệ thuật dân gian được biểu hiện:

- Sự phát triển của văn học chữ Nôm với những tác giả tiêu biểu: Những nhà thơ nổi tiếng đương thời như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ... đều có tác phẩm bằng chữ Nôm.

- Sự phát triển của văn học dân gian: truyện Nôm, truyện tiếu lâm, thơ lục bát và song thất lục bát,... truyện Nôm dài như Phan Trần, Nhi Độ Mai, Thạch Sanh,... còn có truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, truyện tiếu lâm.

- Sự phục hồi và phát triển của các hình thức nghệ thuật dân gian: múa trên dây, múa đèn và các trò ảo thuật. Điêu khắc gỗ trong các đình, chùa diễn tả cảnh sinh hoạt thường ngày ở nông thôn (chèo thuyền, đấu vật, chọi gà, đi cày, tắm ao, đánh cờ...), các vở chèo, tuồng, hát ả đào,... thường phản ánh đời sống lao động cần cù, vất vả nhưng lạc quan của nhân dân, lên án kẻ gian nịnh và ca ngợi tình thương yêu con người.

Ngày:26/09/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM