Soạn bài Ông đồ Ngữ văn 8 đầy đủ

Nội dung bài soạn dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được hình ảnh xót xa, bị quên lãng của ông Đồ. Bên cạnh đó, bài thơ Ông đồ này còn giúp các em hiểu được những truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Soạn bài Ông đồ Ngữ văn 8 đầy đủ

1. Soạn câu 1 trang 10 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

 - Hình ảnh ông đồ cho chữ ngày Tết trong hai khổ thơ đầu: hình ảnh đẹp mang ý nghĩa biểu trưng của những giá trị truyền thống:

+ Gắn với Tết và mùa xuân (hoa đào nở).

+ Hình ảnh song hành mực tàu, giấy đỏ, phố đông người.

+ Tài hoa và tấm lòng của người thảo chữ.

+ Nhiều người thuê viết, ngợi khen tài.

-> Hình ảnh ông đồ đẹp có tài và có tâm. Ông mang lại niềm vui cho mọi người bằng tấm lòng và tài năng của mình.

- Hình ảnh ông đồ lạc thời, cô đơn trong khổ thơ 3 và 4:

+ Mỗi năm mỗi vắng: ông đồ mờ nhạt dần theo thời gian, không được mọi người chú ý nữa.

+ Giấy đỏ buồn, mực sầu - chính là tâm trạng của ông đồ.

+ Hình ảnh ông đồ bị mọi người lãng quên (ông đồ vẫn ngồi đấy/ qua đường không ai hay).

+ Hình ảnh lá vàng, mưa bụi: cảnh lạnh lẽo buồn thảm tô đậm tâm trạng buồn xót xa của ông đồ.

- Hình ảnh đối lập của khổ 1, 2 với khổ 3, 4 là sự đối lập về cảnh và tâm trạng, gợi cho người đọc những suy ngẫm, xót thương cho ông đồ.Ông đồ dần bị đưa vào quên lãng khi không ai còn nhận ra giá trị từ những điều ông tạo ra.

2. Soạn câu 2 trang 10 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

Tâm tư của nhà thơ:

- Qua bài thơ "Ông đồ" tác giả Vũ Đình Liên đã khéo léo chuyển tải những tâm tư, tình cảm của mình qua hình ảnh ông đồ trong bài thơ. Cụ thể là tác giả đã mô tả hai cảnh đối lập và gợi niềm thương cảm ông đồ một cách gián tiếp. Chỉ đến phần cuối bài thơ, khi không còn thấy ông đồ, tác giả mới thốt lên:

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ

- Tác giả không chỉ thương xót cho riêng nhân vật ông đồ mà còn thương cho cả những kiếp người đã bị xã hội bỏ quên một cách không thương tiếc. Hơn thế nữa, sự hoài cổ còn là hoài niệm một vẻ đẹp văn hoá gắn với những giá trị tinh thần truyền thống. Chính vì thế mà bài thơ có sức lay động sâu xa.

3. Soạn câu 3 trang 10 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

Bài thơ hay và hấp dẫn ở việc tạo ra những đối lập về hình ảnh, tâm trạng, cảm xúc đối xứng trong bố cục của bài thơ:

- Tác giả dựng cảnh tương phản:

+ Ban đầu cảnh cho chữ đông vui tấp nập.

+ Càng về sau cảnh buồn bã, lạnh nhạt, hiu quạnh.

+ Một bên nét chữ như rồng bay phượng múa.

+ Một bên giấy đỏ buồn, mực sầu, cảnh hiu quạnh.

- Cái kết đầu cuối tương ứng:

+ Vẫn là cảnh ngày tết, không gian mùa xuân có hoa đào nở.

+ Ông đồ mờ nhạt dần, cuối cùng thì không thấy nữa.

+ "Ông đồ xưa" không còn tồn tại nữa.

- Tác giả tái hiện lại những hoài niệm về thời "vàng son xưa cũ" của một thế hệ nhà Nho đẹp nhưng dần phai mờ.

- Ngôn ngữ bình dị, trong sáng nhưng hàm súc, đầy dư vị.

-> Nhà thơ Vũ Đình Liên đã khắc họa hình ảnh ông đồ cho chữ trong ngày Tết thật đẹp, hình ảnh này mang lại những giá trị tinh thần truyền thống rất đẹp đang dần mai một trong đời sống. Sự nuối tiếc, hoài cổ cảnh cũ người xưa.

4. Soạn câu 4 trang 10 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

Bài thơ Ông đồ gợi cho người đọc những hình ảnh về một ông đồ vô cùng tội nghiệp, ông bị lãng quên theo thời gian. Giờ đây không còn ai cần chữ viết của ông đồ nữa. Những câu thơ "giấy đỏ buồn không thắm - mực đọng trong nghiên sầu - lá vàng rơi trên giấy - ngoài giời mưa bụi bay" là những câu thơ tả cảnh ngụ tình. Tác giả dùng biện pháp nhân hóa làm cho giấy - mực, những vật vô tri vô giác cũng biết sầu buồn. Nỗi cô đơn hắt hiu của con người khi bị bỏ quên. Cảnh vật tàn tạ, thiên nhiên cũng buồn theo nỗi buồn của con người.

Ngày:17/12/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM