Tinh thần yêu nước của nhân dân ta Ngữ văn 7

Nội dung bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được tinh thần yêu nước của dân tộc ta. Từ đó, các em cần phải biết bồi dưỡng tinh thần yêu nước. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tinh thần yêu nước của nhân dân ta Ngữ văn 7

1. Tìm hiểu chung

- Kiểu văn bản: Văn bản nghị luận - chứng minh một vấn đề chính trị, xã hội.

- Bố cục có thể chia thành ba phần như sau:

+ Mở bài: Từ đầu đến “lũ cướp nước” -> Nêu vấn đề nghị luận.

+ Thân bài: “Lịch sử nước ta… nồng nàn yêu nước” -> Giải quyết vấn đề.

+ Kết bài: Còn lại -> Kết thúc vấn đề.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Nêu vấn đề

- Vấn đề nghị luận: Truyền thống yêu nước của nhân dân ta.

- Cách nêu trực tiếp, rõ ràng, dứt khoát và theo hướng khẳng đinh, cụ thể hoá (các từ: nồng nàn, truyền thống quý báu).

- Nghệ thuật:

+ So sánh: Tinh thần yêu nước(trừu tượng) - làn sóng (cụ thể).

-> Hình ảnh so sánh chính xác, mới mẻ -> hình dung sức mạnh to lớn, vô tận, tất yếu của lòng yêu nước trong công cuộc chống ngoại xâm.

+ Động từ: lướt, nhấn chìm -> thấy được tính linh hoạt vừa mềm dẻo vừa mạnh mẽ và nhanh chóng của tinh thần yêu nước khi được phát động.

=> Cách nêu vấn đề ngắn gọn, sinh động khẳng định vấn đề như một chân lí theo mạch trung gian.

2.2. Giải quyết vấn đề

- Ở phần thân bài, để chứng minh cho nhận định trên, tác giả đã đưa ra những chứng cứ hùng hồn trong lịch sử giữ nước và trong thực tế cuộc kháng chiến chống Pháp để chứng minh. Đó là những tấm gương yêu nước sáng soi muôn đời của các vị anh hùng dân tộc nổi tiếng: "Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng".

- Bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là bốn ngàn năm kế thừa và phát huy liên tục truyền thống yêu nước. Lòng yêu nước như một mạch ngầm thiêng liêng không bao giờ vơi cạn trong dòng máu mỗi người dân đất Việt. Giờ đây, nó được biểu hiện thành những hành động thiết thực.

- Điệp ngữ:

+ "Chúng ta có quyền".

+ "Chúng ta phải ghi nhớ".

-> Kêu gọi, mệnh lệnh thiêng liêng, tiếng nói của hồn thiêng sông núi, của cha ông…hoà trong tiếng nói của Bác.

- Cách nêu dẫn chứng theo phép liệt kê:

+ Lứa tuổi: Cụ già tóc bạc -> nhi đồng trẻ thơ.

+ Không gian:

  • Trong - ngoài nước: Kiều bào nước ngoài - đồng bào vùng tạm chiếm.
  • Vùng miền: miền ngược - miền xuôi, tiền tuyến, hậu phương.

- Giọng văn: Liền mạch, dồn dập, khẩn trương, tràn đầy tinh thần bình tĩnh, tự tin của dân tộc anh hùng, tin tưởng vào cuộc kháng chiến chống Pháp nhất định thắng lợi.

=> Lý lẽ, lập luận giản dị, chủ yếu là dẫn chứng. Tác giả cố ý để cho sự việc, con người, sự thật cuộc sống là những minh chứng hùng hồn và hết sức thuyết phục.

2.3. Kết thúc vấn đề

- Khác với hai phần đầu tiên, chúng ta có thể thấy ở phần cuối văn bản tác giả đã khẳng định tinh thần yêu nước của nhân dân ta không khác gì những thứ của quý trong cuộc sống, chúng có thể rõ ràng dễ thấy nhưng cũng có khi được “cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm”.

- Lần đầu tiên, một thứ vô hình là lòng yêu nước lại được Bác cụ thể hóa, hữu hình hóa một cách vừa giản dị vừa cao quý đến như vậy. Qua lời của Bác, lòng yêu nước không phải những điều lớn lao, xa vời mà nó giản dị, ở ngay xung quanh ta. Nhiệm vụ của ta lại phải phát huy lòng yêu nước đó thành những hành động, việc làm cụ thể trong công việc kháng chiến, công việc yêu nước.

- Biện pháp so sánh của tinh thần yêu nước -> các thứ của quý.

- Đề ra nhiệm vụ cho cán bộ Đảng viên là phải phát hiện, kích thích, khởi động tinh thần yêu nước của tất cả mọi người để họ làm công việc yêu nước và tham gia vào cuộc kháng chiến.

3. Tổng kết

- Về nội dung:

+ Bài văn đã làm sáng tỏ chân lí muôn đời của cha ông ta đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, sẵn sàng đấu tranh và hi sinh để giành tự do, độc lập cho dân tộc.

+ Truyền thống đẹp đẽ đó cần phải được phát huy mạnh mẽ vào công cuộc kháng chiến của toàn dân tộc.

- Về nghệ thuật:

+ Lập luận chặt chẽ.

+ Diễn đạt phong phú, linh hoạt, chặt chẽ.

+ Phối hợp câu ngắn, câu dài.

+ Sử dụng hình ảnh so sánh, liệt kê.

+ Lời văn rõ ràng, giản dị, cụ thể.

+ Bố cục rõ ràng.

+ Dẫn chứng toàn diện, đầy đủ, thuyết phục.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về văn bản "Tinh thần yêu nước của nhân dân ta".

Gợi ý trả lời:

Bằng những lí lẽ giản dị, sâu sắc và những dẫn chứng cụ thể, phong phú, giàu sức thuyết phục trong lịch sử và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta đã làm sáng tỏ một chân lí: "Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta". Bài văn là một mẫu mực về bố cục, lập luận, cách dẫn chứng của thể văn nghị luận chứng minh. Qua bài văn, chúng ta hiểu thêm và kính trọng: tấm lòng của Hồ Chí Minh đối với dân với nước; tài năng, trí tuệ của Người trong văn chương, kể cả thơ ca và văn xuôi.

Câu 2: Em có nhận xét gì về lời văn của Bác?

Gợi ý trả lời:

- Lời văn của Bác cuốn hút người đọc, người nghe vào dòng chảy tinh thần mạnh mẽ đó. Người vừa viết vừa ca ngợi truyền thống quý báu của dân tộc, vừa giúp người đọc hiểu được nguồn gốc giúp dân tộc ta có thể đánh đổi giặc ngoại xâm mà không hề có chút cảm giác khoa trương.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu được tinh thần yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc ta.

- Nắm được nghệ thuật nghị luận chặt chẽ, sáng, gọn, có tính mẫu mực của bài văn.

- Đọc, tìm hiểu, phân tích bố cục, cách nêu luận điểm,các luận chứng trong bài nghị luận Cách mạng.

- Bồi dưỡng tinh thần yêu nước.

Ngày:12/12/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM