Liệt kê Ngữ văn 7

Xin gởi đến các em bài học Liệt kê, nhằm giúp các em hiểu thế nào là liệt kê và các kiểu liệt kê, đồng thời vận dụng giải bài tập từ đơn giản đến khó. Nội dung bài này đã được eLib biên soạn một cách chi tiết và đầy đủ nhất. Mời các em cùng tham khảo bài soạn dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.

Liệt kê Ngữ văn 7

1. Lý thuyết

a. Khái niệm

- Liệt kê là sắp xếp nối tiếp những đơn vị cú pháp cùng loại (cụm từ cũng như thành phần câu).

b. Các kiểu liệt kê

- Xét theo cấu tạo có thể phân biệt kiểu liệt kê theo từng cặp và kiểu liệt kê không theo từng cặp.

- Xét theo ý nghĩa có thể phân biệt kiểu liệt kê tăng tiến và liệt kê không tăng tiến

--> Câu có liệt kê được sử dụng như một phương tiện tu từ trong lời nói nghệ thuật : nó có giá trị biểu cảm – cảm xúc to lớn và gây được ấn tượng sâu sắc trong lòng người. 

2. Luyện tập

Câu 1. Hãy chỉ ra phép liệt kê trong đoạn trích sau đây và cho biết tác dụng của nó.

Má nuôi tôi kể cho chúng tôi nghe đủ thứ chu vện. Từ những chuyện “cá bống hai mang, cá trê hai ngạnh, tôm càng hai râu” rất ngây ngô, trẻ con, sang chuyện săn nai, săn khỉ trong rừng, qua chuyện cuộc đời của chú Võ Tòng – con người kì dị mà tôi đã được gặp một đêm tôi ở bờ sông – đến chuyện ma cá sâu, ma cọp, ma nam… mà người nghe yếu bỏng vía, dù là người lớn đi nữa, cũng không dám bước ra khỏi nhà đi đái. Dường như chuyện nào thằng Cò cũng đã nghe mẹ kể rồi. Nó chẳng chú ý mấy, chỉ hong hóng, chực nghe bà kể quên mất một đoạn nào đó, thì lập tức chen vào bổ sung ngay, rồi lại nheo mắt nhìn tôi như muốn nói : “Thấy chưa, má tao còn không nhớ bằng tao đâv. Mày ở chợ vô đây, rồi còn phải học tao nhiều !”

(Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam)

Gợi ý làm bài:

- Đoạn văn có sử dụng phép liệt kê:

+ Từ những chuyện “cá bống hai mang, cá trê hai ngạnh, tôm càng hai râu” 

+ Chuyện săn nai, săn khỉ trong rừng, qua chuyện cuộc đời của chú Võ Tòng – con người kì dị mà tôi đã được gặp một đêm tôi ở bờ sông – đến chuyện ma cá sâu, ma cọp, ma nam… 

- Tác dụng của phép liệt kê trong đoạn trích có tác dụng làm nổi bật hơn sự giàu có gắn với vô vàn chuyện lạ, li kì, bí ẩn của miền đất phương Nam của Tổ quốc.

Câu 2. Cho biết phép liệt kê nào đã được sử dụng trong đoạn văn sau đây và tác dụng của chúng.

Nhưng nhiều nhất là những quần áo của Ninh, của Đật. Cái nhuộm son, cái dãi nâu, cái để trắng. Nhưng chẳng cái nào còn giữ được trọn vẹn cái màu của nó. Bởi vì cái thì mốc xanh, cái thì mốc vàng, cái thì lấm tấm hoa bèo, cái thì trạt những nhựa chuối, những tương, những mắm, mũi dãi cùng đất cát. Vò đến sái tay cũng không còn sạch được. Mà cái thì mất cúc, cái thì xoạc nách, cái thì xoạc túi, cái thì rách lưng, cái thì rách vai, cái rách ống tay. Chỉ tại nó nghịch quá. Không thế  chưa đến nỗi. Nhiều cái, vải còn dai lắm ; xé kêu xoàn xoạt. Chúng nó mặc hại quần áo lắm. Cứ gọi là vừa mặc vừa xé áo. Bu Ninh tay vá, miệng chửi cho không còn cái tai nào mà nghe…

(Nam Cao, Từ ngày mẹ mất)

Gợi ý làm bài:

- Đoạn văn có sử dụng phép liệt kê:

+ Quần áo của Ninh, của Đật.

+ Cái nhuộm son, cái dãi nâu, cái để trắng.

+ Cái thì mốc xanh, cái thì mốc vàng, cái thì lấm tấm hoa bèo, cái thì trạt những nhựa chuối, những tương, những mắm, mũi dãi cùng đất cát

- Tác dụng của phép liệt kê trong đoạn trích nhấn mạnh đến tình trạng thảm hại của đám quần áo của Ninh và Đật, do chúng là trẻ con, mặc không biết giữ gìn. Ngoài ra nó còn nhấn mạnh đến sự vất vả của người mẹ khi phải thường xuyên vá quần áo cho hai con.

3. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Hiểu được thế nào là phép liệt kê, tác dụng của phép liệt kê, phân biệt được các kiểu liệt kê

- Phân tích tác dụng, sử dụng phép liệt kê trong khi nói và viết.

- Sử dụng, hiệu quả phép liệt kê trong khi nói và viết.

Ngày:07/01/2021 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM