Một thứ quà của lúa non: Cốm Ngữ văn 7

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được phong vị đặc sắc, nét đẹp văn hóa trong một thứ quà độc đáo và giản dị của dân tộc: cốm. Từ đó, các em có thái độ trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Một thứ quà của lúa non: Cốm Ngữ văn 7

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Nhà văn Thạch Lam, tên thật là Nguyễn Tường Vinh (1910 - 1942), sau đó đổi tên thành Nguyễn Tường Lân và lấy bút danh là Thạch Lam.

- Nguyên quán của ông là tại Hà Nội, ông sống trong một gia đình công chức gốc quan lại trong giai đoạn đất nước sa sút.

- Cha của ông là Nguyễn Tường Nhu, sinh năm 1881, là một người thông thạo cả chữ Hán và chữ Pháp, làm Thông Phán Tòa Sứ.

- Mẹ của Thạch Lam là bà Lê Thị Sâm, con gái cả của Lê Quang Thuật, người gốc Huế, đã 3 đời làm quan võ cùng thời với Huyện Giám (tức ông nội Thạch Lam).

- Vào năm 1918, ông Nguyễn Tường Nhu cha của nhà văn Thạch Lam mắc bạo bệnh và qua đời. Kể từ đó, một mình mẹ phải mua bán tần tảo để nuôi một người mẹ chồng và 7 đứa con.

1.2. Tác phẩm

- Văn bản được viết theo thể loại tuỳ bút: Thể văn thiên về biểu cảm, chú trọng thể hiện cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ của nhà văn về các hiện tượng, vấn đề của đời sống. Ngôn ngữ giàu hình ảnh và chất trữ tình.

- Văn bản có thể chia bố cục thành 3 đoạn:

+ Đoạn 1: từ đầu đến “Chiếc thuyền rồng”: Cốm - sự tinh tế của thiên nhiên và sự khéo léo của con người.

+ Đoạn 2: Tiếp theo đến “nhũn nhặn”: Phát hiện, ca ngợi những giá trị đặc biệt của Cốm.

+ Đoạn 3: Đoạn cuối: Bàn về sự thưởng thức Cốm.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Cốm - sự tinh tế của thiên nhiên và sự khéo léo của con người

- Cốm - đặc sản của làng Vòng:

+ Cảm hứng được gợi lên từ hương thơm của lá sen trong cơn gió mùa hạ.

+ Hương thơm ấy gợi nhắc đến hương vị của Cốm.

- Những người đi trước họ thường truyền tai nhau râm ran mà kể lại rằng, cốm làng Vòng bắt đầu từ cách đây cả ngàn năm. Một hôm khi sữa lúa bắt đầu đọng hình, cây lúa uốn câu thì chợt trời mưa bão tầm tã. Đê vỡ, nước sông tràn vào, nhấn chìm đồng ruộng trong nước sâu. Khắp nơi mất mùa, đi kém rập rình, than khóc vang trời. Những người không nỡ để công sức bao tháng ngày của mình bị đổ hết đi, họ liền ra các ruộng lúa đã ngã rạp, mò lấy những bông lúa non, về đem rang khô ăn dần chống đói. Thật may là cái thành phẩm có phần bất đắc dĩ đó, không những cứu nạn cả làng mà còn có vị rất hấp dẫn, ngọt ngọt, dẻo dẻo lại thơm lạ thơm lùng. Vì thế, mỗi năm khi lúa bắt đầu tròn hạt, người dân làng Vòng lại cắt lúa về để ăn lai rai cho vui miệng.

- Mạch cảm xúc của bài văn bắt đầu từ hương thơm của lá sen, trong làn gió mùa hạ lướt qua vừng sen trên mặt hồ. Hương thơm ấy gợi nhắc đến hương vị của cốm, thứ quà đặc biệt của lúa non. Một cảm giác thật tinh tế. Cảm giác ấy càng tinh tế hơn khi nhà văn mở rộng lòng mình để đón nhận tất cả hương vị nồng nàn và thanh khiết của cánh đồng lúa, của lúa non.

- Từ đó tác giả tưởng tượng đến.

+ Cánh đồng xanh.

+ Hạt thóc nếp…

+ Hương thơm mát của bông lúa.

+ Sự hoàn thành hạt lúa.

-> Giọng văn trang trọng, dịu dàng, nhẹ nhàng.

- Cốm làm quà vừa có giá trị vật chất lại vừa có giá trị tinh thần, Cốm là một thứ quà thanh nhã và tinh khiết. Nhưng để có thứ quà ấy, còn nhờ đến bàn tay khéo léo của con người. Ngòi bút Thạch Lam đã khéo dẫn dắt người đọc đến chiêm ngưỡng tài hoa của những người làm cốm. Nhà văn không đi sâu miêu tả công việc làm cốm, mà chỉ lưu ý rằng đó là một nghệ thuật với một loạt cách chế biến, những cách thức làm truyền từ đời này sang đời khác, một sự bí mật trân trọng và khe khắt giữ gìn. Trong cảm xúc của Thạch Lam, hình ảnh những cô gái hàng cốm làng Vòng hiện ra xiết bao thân thương, trìu mến.

2.2. Phát hiện, ca ngợi những giá trị đặc biệt của Cốm

- Cốm là thức quà riêng biệt của đất Vịêt. do vậy nó là sản phẩm chứa đựng giá trị văn hoá:

+ Cốm được chọn làm đồ sêu tết.

+ Thích hợp với nghi lễ của đất nước nông nghiệp.

-> Cốm: Là thức quà hàng ngày. Là lễ vật quý, sang trọng. Là đặc sản mà giản dị, thanh khiết, thân thuộc.

- "Cốm" là một nét đẹp trong văn hóa của dân tộc ta được lưu truyền qua rất nhiều thế hệ trước. Một giá trị đặc sắc chứa đựng trong những hạt cốm bình dị, khiêm nhường mà không phải ai cũng nhận thấy. Phải yêu quê hương đất nước, yêu những sản vật của quê hương đất nước nhiều như Thạch Lam mới có thể phát hiện ra cái chân giá trị ấy của cốm.

- Tác giả Thạch Lam đã thể hiện sự trân trọng và ngợi ca một cách chân thành về những giá trị của việc dùng cốm làm lễ vật sêu tết đem đến cho người đọc một cảm nhận mới mẻ, giúp ta hiểu ra được cái ý nghĩa sâu xa ẩn chứa trong tục lệ giản dị này. Một nét đẹp văn hoá cần phải giữ gìn. Chỉ tiếc cho những kẻ không có học, học đòi bắt chước người ngoài. Một sự phê phán nhẹ nhàng mà thấm thía.

- Tác giả phê phán, chê cười, đáng tiếc cho những tục lệ đẹp, hay ngày càng một mất dần:

+ Thức bóng bẩy hào nhoáng, thô kệch mà lại đắt đỏ do bắt chước, du nhập từ nước ngoài.

+ Những kẻ giàu xổi, trọc phú vô học, hợm của khinh người.

=> Cốm là giá trị tinh thần, văn hoá của dân tộc. Tác giả trân trọng giữ gìn Cốm như một vẻ đẹp văn hoá dân tộc.

2.3. Bàn về sự thưởng thức Cốm

- Cách ăn quà thanh nhã, lịch sự:

+ Ăn chậm rãi, thong thả, vừa ăn vừa ngẫm nghĩ, nhấm nháp.

+ Ăn Cốm cũng phải tinh tế và ý vị, khi ăn chúng ta phải thưởng thức bằng các giác quan: khứu giác, vị giác, thậm chí cả xúc giác để thấy được hương vị đặc biệt, những cảm giác cho cốm gợi ra và thưởng thức những giá trị kết tinh ở đó.

- Ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu cả lại trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc.

+ Ăn Cốm có rất nhiều cách nhưng để cảm nhận hết hương vị của Cốm thì phải ăn một cách nhẹ nhàng và tinh tế. Cách ăn này không chỉ có ít người biết mà đó đã trở thành một thói quen của nhưng người hay ăn cốm. Có thể tưởng tượng ra cảnh mỗi buổi sớm đầy sương mai và gió lạnh, chúng ta lại được cầm trên tay những gói cốm vẫn còn ấm nóng, vừa mới được lấy ra rồi bọc vào trong những  chiếc lá sen to bản, xanh thẫm. Mùi hương lúa mới, mùi dừa nồng đượm lại  hòa cùng với mùi của lá sen tại thành mùi thơm rất đặc biệt - mùi Cốm làng Vòng. Và người ta cùng không dùng thìa, dùng đũa để xúc cốm và phải dùng tay, bốc từng vốc nhỏ. Có như vậy thì hương vị có mới được tròn vẹn.

- Lời đề nghị mua Cốm thẳng thắn, chí lý, chí tình: Hãy, chớ, phải, nên (từ mệnh lệnh, cầu khiến).

- Người mua Cốm: phải nhẹ nhàng, nâng đỡ chút chiu -> vì Cốm là lộc của trời, cái khéo léo của người và sự cố sức tiềm tàng và nhẫn nại của thân lúa.

3. Tổng kết

- Về nội dung:

+ Cốm: Thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng bát ngát mang hương vị mộc mạc, giản dị, thanh khiết.

+ Cốm là một nét đẹp văn hoá của dân tộc ta cần gìn giữ và phát huy.

- Về nghệ thuật:

+ Giọng văn nhẹ nhàng, ngòi bút tinh tế trong việc chọn lọc ngôn từ, nhất là các tính từ , kết hợp nhiều giác quan, lời văn trang trọng tinh tế đầy cảm xúc giàu chất thơ.

+ Chọn lọc chi tiết nhiều liên tưởng.

+ Sáng tạo trong lời văn biểu cảm: Kết hợp miêu tả, thuyết minh, bình luận.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận về văn bản "Một thứ quà của lúa non: Cốm".

Gợi ý trả lời:

Thạch Lam là nhà văn nổi tiếng với thể loại tùy bút. Văn bản "Một thứ quà của lúa non: Cốm" đã chuyển tải được tinh thần của dân tộc. Cốm là một thứ quà thanh nhã và tinh khiết. Nhưng để có thứ quà ấy, còn nhờ đến bàn tay khéo léo của con người. Ngòi bút Thạch Lam đã khéo dẫn dắt người đọc đến chiêm ngưỡng tài hoa của những người làm cốm. Nhà văn không đi sâu miêu tả công việc làm cốm, mà chỉ lưu ý rằng đó là một nghệ thuật với một loạt cách chế biến, những cách thức làm truyền từ đời này sang đời khác, một sự bí mật trân trọng và khe khắt giữ gìn. Trong cảm xúc của Thạch Lam, hình ảnh những cô gái hàng cốm làng Vòng hiện ra xiết bao thân thương, trìu mến.

Câu 2: Trình bày những hiểu biết của em về "Cốm".

Gợi ý trả lời:

- Cốm được xem là món ăn ngon ở Hà Nội, đây là đặc sản số một của Hà Nội, những người đi du lịch thường mua về làm quà biếu.

- Cốm là món quà thiên nhiên ban tặng người nông dân, là món quà của lúa non được kết tinh hương vị đất trời và sương sớm. Mỗi một hạt cốm dẻo lại mang trong mình hưỡng sữa non thanh mát, và thơm phức đến độ, chỉ đi qua một gánh cốm rong là đã thấy đưa về thứ mùi nhẹ nhàng, đặc trưng thanh tao đó rồi.

- Cuối hè đầu thu, khi hương hoa sữa đi khắp ngõ ngách báo hiệu Thu về cũng là lúc người ta rục rịch làm cốm. Làng cốm Vòng lại rộn rã hơn bao ngày thường, người ta xát vỏ, đãi trấu, người ta giã cốm thình thịch, có khi đến khuya vẫn chưa nghỉ tay. Cốt sao cho sáng sớm, có gánh cốm thơm, dẻo hơi ấm, trao tận tay những con người đang mòn mỏi đợi thu về trong sắc cốm xanh mát.

- Người sành ăn, không bao giờ mua quá nhiều cốm, họ chỉ mua từng chút một, tầm một đến hai lạng nhâm nhi dần. Bởi, cốm ấy, giữ độ dẻo chỉ có tầm ngót nghét một ngày, không có chất bảo quản nên để lâu cũng khó.

- Qua nhiều năm biến động, phát triển, người dân không những biết làm ra hạt cốm ngon, mà còn biết làm cho món ăn thêm dẻo, thêm xanh, thêm thơm. Danh hiệu cốm làng Vòng ngày càng lan rộng ra khắp nơi, trở thành cái tên gắn liền với tuổi thơ biết bao con người Hà Nội.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Cảm nhận được phong vị đặc sắc, nét tinh tế, nét đẹp văn hoá trong một thứ quà độc đáo và giản dị của dân tộc.

- Thấy được sự tinh tế, nhẹ nhàng mà sâu sắc trong lối văn tuỳ bút của Thạch Lam.

- Đọc, cảm nhận, tìm hiểu và phân tích chất trữ tình, chất thơ trong văn bản tuỳ bút.

- Yêu quý, trân trọng những nét văn hoá truyền thống của dân tộc.

Ngày:22/10/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM