Ôn tập phần tập làm văn Ngữ văn 7

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em củng cố và hệ thống hóa được những kiến thức đã học về văn biểu cảm và văn nghị luận trong chương trình Ngữ văn 7. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Ôn tập phần tập làm văn Ngữ văn 7

1. Ôn tập về văn biểu cảm

- Văn biểu cảm là kiểu văn bản bày tỏ thái độ, tình cảm và sự đánh giá của con người đối với thiên nhiên, cuộc sống.

- Các yếu tố miêu tả trong văn biểu cảm:

+ Muốn phát biểu suy nghĩ, cảm xúc đối với đời sống xung quanh, hãy dùng phương thức miêu tả để gợi ra đối tượng biểu cảm và gửi gắm cảm xúc.

+ Các yếu tố miêu tả có vai trò làm nền tảng cho cảm xúc của người đọc, người viết.

+ Không thể biểu cảm một cách sâu sắc khi không có các yếu tự sự và miêu tả lợp lý.

- Các yếu tố tự sự trong văn biểu cảm:

+ Các yếu tố tự sự góp phần làm cho bài văn biểu cảm thêm cụ thể, sinh động hơn.

+ Cách tự sự góp phần khêu gợi cảm xúc, hồi tưởng về quá khứ cho người đọc.

2. Ôn tập về văn nghị luận

Mỗi bài văn nghị luận đều phải có luận điểm, luận cứ và lập luận. Trong một bài văn có thể có một luận điểm chính và các luận điểm phụ:

- Luận điểm là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm của bài văn được nêu ra dưới hình thức câu khẳng định hay phủ định, được diễn đạt sáng tỏ, dễ hiểu và nhất quán. Luận điểm là linh hồn của bài viết, nó thống nhất các đoạn văn thành một khối. Luận điểm phải đúng đắn, chân thực, đáp ứng nhu cầu thực tế thì mới có sức thuyết phục.

- Luận cứ là lí lẽ, dẫn chứng đưa ra làm cơ sở cho luận điểm. Luận cứ phải chân thật, đúng đắn, tiêu biểu thì mới khiến cho luận điểm có sức thuyết phục.

- Lập luận là cách nêu luận cứ để dẫn đến luận điểm. Lập luận phải chặt chẽ, hợp lí thì bài văn mới có sức thuyết phục.

3. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết bài văn phân tích tác phẩm văn biểu cảm "Sài Gòn tôi yêu" - Minh Hương.

Gợi ý trả lời:

Tác phẩm “Sài Gòn tôi yêu” là một trong những tập tùy bút nổi bật của Minh Hương viết về Sài Gòn, tác phẩm được ông viết vào tháng 12 năm 1990 và được in trong tập “Nhớ…Sài Gòn”. Tác phẩm là những dòng tâm sự, bộc lộ tình yêu da diết và chân thành và nồng nhiệt của Minh Hương đối với mảnh đất mà ông đã có trên 50 năm gắn bó.

Mở đầu bài tùy bút, Minh Hương đã bày tỏ ngay những tình cảm của mình với thành phố Sài Gòn. Đó là một tình yêu mà còn nồng cháy hơn cả tình yêu đôi lứa của tuổi trẻ “Tôi yêu Sài Gòn da diết…”. Để thể hiện rõ nhất tình yêu của mình, tác giả đã đặt điệp từ “Tôi yêu” ở mỗi đầu câu văn, chúng được nhắc đi nhắc lại như một bản tình ca, để cho người đọc cảm nhận thấy tâm trạng sôi sục, rộn rã của tác giả trong tình yêu. Tình yêu của Minh Hương đối với Sài Gòn là một tình yêu trọn vẹn, ông yêu tất cả mọi thứ thuộc về Sài Gòn, cả những điều xấu xí và không mấy ai chấp nhận của nó.

Minh Hương yêu Sài Gòn và còn yêu hơn nữa con người Sài Gòn, ông nói về những con người phương Nam nồng hậu, chân thành, bao dung như ánh mặt trời. Họ luôn dang rộng vòng tay chào đón hàng triệu triệu con người từ trăm nẻo đất nước đổ về nơi đây, cùng nhau chung sống hòa hợp tạo nên một thành phố văn minh và phát triển. Nhắc đến con người Sài Gòn không thể không nói về con gái Sài Gòn, bởi họ chính là những bông hoa đẹp nhất đang khoe sắc, tỏa hương làm đẹp cho chính mảnh đất này.

Họ đẹp ở mái tóc dài đen nhánh, chiếc nón vải, áo bà ba trắng, quần đen rộng, dáng đi khỏe khoắn, mạnh dặn, “Cái đẹp thật đơn sơ, đôn hậu”. Trong giao tiếp, con gái Sài Gòn kín đáo thanh lịch, nét đẹp khiến cho bao người phải ngẩn ngơ nhớ thương. Bên cạnh đó, khi nhớ Sài Gòn, tác giả còn nhớ về những người con đã hi sinh cho Tổ quốc, bảo vệ mảnh đất xa xôi. Rồi lại đau xót ngậm ngùi khi thấy con người ngày càng tàn phá thiên nhiên, vô tình đổi thay tiêu cực. Cuối cùng là những lời khẳng định của tác giả về tình yêu đối với Sài Gòn “Vậy đó mà tôi yêu Sài Gòn… Tôi ước mong mọi người nhất là các bạn trẻ, đều yêu Sài Gòn như tôi”.

Có thể thấy, Minh Hương đã từ tình yêu chân thành và tha thiết của mình đối với Sài Gòn mà nói lên mong ước của mình, mong ước mọi người cùng yêu thành phố này. Người đọc qua bài tùy bút này đã có một cái nhìn thật khác về Sài Gòn, cảm nhận được tình yêu nồng nàn và giản dị của Minh Hương.

(Sưu tầm)

Câu 2: Em hãy viết bài văn phân tích tác phẩm văn nghị luận "Tinh thần yêu nước của nhân dân ta" - Nguyễn Ái Quốc.

Gợi ý trả lời:

Nhân dân ta không chỉ giàu về tình nghĩa, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo,… mà còn có lòng yêu nước nồng nàn, cháy bỏng. Lòng yêu nước trở thành một truyền thống đẹp đẽ, quý báu của nhân dân ta, nó được phát huy và thể hiện mạnh mẽ mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng. Truyền thống quý báu đó được thể hiện rõ nhất qua đoạn trích: “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bài văn được trích trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ II, tháng 2 năm 1951 của Đảng Lao động Việt Nam. Bài văn có thể coi là một mẫu mực về lập luận, bố cục và cách dẫn chứng của thể văn nghị luận.

Ngay ở phần mở bài, Hồ Chí Minh - trong cương vị Chủ tịch nước - thay mặt toàn Đảng, toàn dân ta đã khẳng định một chân lí: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta". Lời văn ngắn gọn, vừa phản ánh lịch sử vừa nhìn nhận, đánh giá và xúc cảm về lịch sử, về đạo lí của dân tộc. Cách nêu luận đề cũng ngắn gọn, giản dị, mang tính thuyết phục cao. Tiếp liền sau, Người dùng một so sánh bất ngờ. Khi Tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần yêu nước của dân ta "kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước". Mạch văn mạnh mẽ, kéo dài cùng các tính từ mạnh mẽ, to lớn các động từ kết thành, lướt qua, nhấn chìm tả đúng hình ảnh và sức Công phá của một làn sóng. Văn nghị luận dễ khô khan. Nhưng văn của Bác không khô khan. Dùng hình ảnh làn sóng để giải thích tác dụng lớn lao của tinh thần yêu nước, người viết vừa ca ngợi một truyền thống quý báu của dân tộc, vừa phát hiện một nguyên nhân quan trọng giúp dân tộc ta chiến thắng ngoại xâm, vừa kích thích sự suy nghĩ, lìm hiểu cùa người đọc, người nghe. Cả nội dung và nghệ thuật, phần mở đầu này của áng văn hấp dẫn làm sao.

Ở phần thân bài, để chứng minh cho nhận định trên, tác giả đã đưa ra những chứng cứ hùng hồn trong lịch sử giữ nước và trong thực tế cuộc kháng chiến chống Pháp để chứng minh. Đó là những tấm gương yêu nước sáng soi muôn đời của các vị anh hùng dân tộc nổi tiếng:

Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Lợi... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc vì các vị ấy là tiêu biều của một dân tộc anh hùng.

Bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước cùa dân tộc ta là bốn ngàn năm kế thừa và phát huy liên tục truyền thống yêu nước. Lòng yêu nước như một mạch ngầm thiêng liêng không bao giờ cạn trong dòng máu mỗi người dân tộc Việt. Giờ đây, nó được biểu hiện thành những hành động thiết thực.

Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vù tạm chiến, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng mồng nàn yêu nước ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở địa phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ và nhân dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào miền chủ quyên đồng bảo bào cho chính phủ,... Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi làm việc nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.

Trong đoạn cuối văn bản, Hồ Chí Minh đã sử dụng phép so sánh để cụ thể hóa tinh thần đó. “Tinh thần yêu nước cũng như một thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính...nhưng cũng có khi cất giấu kĩ trong rương, trong hòm”. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo đó ấy đều được đưa ra trưng bày. Như đã nói ở trên, tinh thần yêu nước không phải là một dạng tư tưởng xa vời mà nó ở ngay gần chúng ta, trong mỗi chúng ta. Đó là đức tính quý báu của mỗi công dân để tạo nên một dân tộc vững mạnh. Tuy nhiên tinh thần ấy có khi được biểu hiện ra rõ ràng, mạnh mẽ nhưng có khi vẫn chưa được mạnh dạn bộc lộ. Đó là điều dễ hiểu bởi không phải ai cũng có nhu cầu và điều kiện để bộc lộ tinh thần yêu nước sẵn có trong lòng mình. Trách nhiệm của người lãnh đạo là phải tạo điều kiện và thời cơ phù hợp để mỗi người được trưng bày thứ của quý đó ra ngoài.

Bằng nghệ thuật lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng và hệ thống dẫn chứng phong phú, thuyết phục, tác phẩm đã chạm đến được “thứ của quý” chính là lòng yêu nước trong trái tim mỗi người. Cấu trúc câu và những động từ có khả năng gơi cảm cao, bài văn như một lời hịch kêu gọi, khích lệ toàn dân đoàn kết một lòng đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

(Sưu tầm)

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Củng cố, hệ thống kiến thức tập làm văn đã học ở trong chương trình Ngữ Văn 7, văn biểu cảm và văn nghị luận.

- Làm được bài văn biểu cảm và văn nghị luận.

- Có ý học tập thường xuyên, yêu thích bộ môn.

Ngày:16/01/2021 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM